Xử lý chất thải và những luật lệ của Hoa Kỳ
Hà Dương Cự/Người Việt
Đó là trường hợp công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Hà Tĩnh, năm 2016 đã thải chất độc ra vùng biển Vũng Áng và làm cá chết một vùng rộng lớn từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tới Thừa Thiên-Huế. Trong bài này tôi nói về vấn đề xử lý chất thải và những luật lệ của Hoa Kỳ để bạn thấy người ta coi trọng môi trường như thế nào.
Tại sao phải xử lý chất thải
Thật ra hồi xưa người ta chỉ dẫn ống cống đổ ra sông, hồ hay biển. Trước đây khoảng 80 năm các thành phố lớn ở Hoa Kỳ như Boston hay St. Louis đều đổ nước cống ra sông biển. Năm 1940, thành phố New York chỉ xử lý khoảng 25% nước cống. Phải đến năm 1986 mới xử lý nước thải hoàn toàn 100%.
Về sau người ta mới thấy là đổ nước cống xuống sông, biển rất là độc hại vì những lý do sau đây:
-Những chất thải hữu cơ hút dưỡng khí tan trong nước sông và hồ làm cá không có dưỡng khí để sống.
-Những hợp chất có clo có thể độc đối với cá và rong rêu.
-Những chất như thủy ngân, chì, và thạch tín cũng rất độc hại cho sinh vật sống dưới nước.
-Vi trùng và vi khuẩn có thể gây bệnh cho các sinh vật như cá.
Tiến trình xử lý chất thải
Vào thế kỷ thứ 19, các nước Âu Châu đã nhận ra rằng bệnh dịch tả và thương hàn lan tràn là vì hệ thống cống rãnh không được vệ sinh. Vào cuối thế kỷ thứ 19, một vài thành phố bên Âu Châu và Hoa Kỳ bắt đầu xử lý nước cống bằng hóa chất.
Vào năm 1912, các nhà khoa học ở Đại Học Manchester phát minh ra một phương pháp mới để xử lý nước cống rất hiệu quả gọi là phương pháp kích hoạt bùn (activated sludge process). Nên vào đầu thế kỷ thứ 20, các thành phố lớn đều áp dụng phương pháp này để xử lý nước cống.
Nước thải từ nhà hoặc từ nhà máy được dẫn tới trung tâm xử lý chất thải qua những ống cống. Mục đích của nhà máy xử lý chất thải là gạn lọc những chất độc hại hay những vi khuẩn ra khỏi nước thải để có thể đổ nước thải đã được xử lý ra sông biển hay để có thể dùng lại. Nước thải thường được xử lý qua ba giai đoạn sau đây.
-Giai đoạn sơ khởi: Trong tiếng Mỹ có một từ đặc biệt cho giai đoạn này, đó là “headworks” (công việc đầu). Trong giai đoạn này những chất thải to lớn như cành cây, cục đá lớn hay lon nước uống được loại ra bằng những mạng lưới.
-Giai đoạn xử lý chính: Sau khi đã được lọc bỏ các thứ lớn, chất thải bây giờ được gọi là dòng nước thải vào (influent) được cho chảy vào bể lọc sạn (grit chamber). Tại đây những cát, vụn cà phê hay đá sỏi nhỏ sẽ chìm xuống đáy và được loại ra. Tuy nhiên vẫn còn những chất hữu cơ và vô cơ tan trong nước cũng như những chất rắn nhẹ nổi. Chất lỏng được đưa vào những bể trầm tích (sedimentation tank). Tại đây những chất rắn nhỏ từ từ lắng xuống đáy và làm thành một lớp cứng gọi là bùn cặn (sludge) hay còn gọi là sinh đặc (biosolid). Phần còn lại được gọi là dòng nước thải ra (effluent) chảy qua giai đoạn xử lý phụ.
-Giai đoạn xử lý phụ: Dòng nước thải ra từ giai đoạn xử lý chính bây giờ trở thành dòng nước thải vào của giai đoạn xử lý phụ. Trong giai đoạn này 85% các chất hữu cơ trong chất thải được loại trừ bằng những vi khuẩn có sẵn trong đó. Kỹ thuật dùng cho giai đoạn này là phương pháp kích hoạt bùn.
Trong phương pháp này dòng nước thải từ giai đoạn chính chảy vào một bồn gọi là bồn thổi khí (aeration tank). Tại đây chất thải được trộn lẫn với không khí và bùn chứa đầy vi khuẩn. Trong vài tiếng đồng hồ những vi khuẩn đó phân hóa phần lớn chất hữu cơ trong chất thải. Phần bùn hay sinh đặc bây giờ có thêm vi khuẩn lại được đưa trở lại để phân hóa chất thải mới chảy vào. Chất nước thải đã được xử lý một phần được đưa vào một bể trầm tích thứ nhì để loại bỏ vi khuẩn.
Nước thải ra thường được khử trùng bằng clo trước khi thải ra ngoài. Nếu làm đúng thì sự khử trùng bằng clo có thể trừ được tới 99% những vi khuẩn độc hại. Nhưng clo có thể làm hại cá và các sinh vật sống trong nước nên có nhiều tiểu bang đòi hỏi clo phải được loại ra trước khi cho nước thải đã được xử lý chảy ra sông biển.
-Bùn cặn đi về đâu: Bùn cặn từ hai giai đoạn trên thì được xử lý thêm trong bộ phận phân hóa bùn (sludge digester) trong đó có chứa vi khuẩn để phân hóa những chất hữu cơ còn trong bùn. Bùn cặn còn được làm nóng lên để giết chết các vi khuẩn và để thu nhỏ lại. Sau đó thì bùn cặn có thể dùng làm phân bón hay đem ra bỏ ở những bãi rác.
-Nước sau khi xử lý đi về đâu: Nước sau khi xử lý nếu hội đủ điều kiện không làm ô nhiễm môi trường thì có thể đổ ra sông, hồ hay biển. Ở những tiểu bang thiếu nước thì nước đã được xử lý có thể dùng lại trong nông nghiệp hay kỹ nghệ. Ở California, nước đã được xử lý được dùng để tưới sân gôn hay cây cối trong công viên. Những nhà máy cũng có thể dùng nước này để làm nguội những máy móc.
Hệ thống loại trừ chất thải ở Hoa Kỳ
Để bảo vệ môi trường cũng như tất cả các động vật, thực vật và con người sống chung quanh những nhà máy Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (United States Environmental Protection Agency, viết tắt là EPA) có một hệ thống để kiểm soát chặt chẽ những chất thải từ các kỹ nghệ hay tư nhân gọi là Hệ Thống Loại Trừ Chất Thải Ô Nhiễm Quốc Gia (National Pollutant Discharge Elimination System).
Để bảo đảm cho các luật lệ bảo vệ môi trường được thi hành đúng đắn EPA có thể truy tố kẻ vi phạm luật ra tòa. Theo trên mạng của EPA thì có nhiều công ty bị bắt buộc phải làm sạch môi trường với phí tổn cả mấy chục triệu đô la.
Ngoài những luật lệ của liên bang còn có những luật lệ của tiểu bang nữa. Tiểu bang California có tiếng là có những luật lệ bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn cả liên bang.
Hơn nữa còn có những tổ chức vô vụ lợi, ngoài chính phủ, được những công dân có quan tâm đến môi trường lập ra để tích cực ủng hộ việc bảo vệ môi trường, như ở California thì có nhóm Environment California.
Tiểu bang California có tới khoảng 100,000 dặm ống cống dẫn chất thải tới 900 nhà máy xử lý chất thải lỏng. Mỗi ngày những nhà máy đó thanh lọc 4 tỷ ga-lông chất thải.
Biết đến bao giờ Việt Nam mới có được như vậy để cho môi trường sống được lành mạnh cho mọi sinh vật kể cả con người.
-Những phương pháp mới để xử lý chất thải: Vì nước càng ngày càng khan hiếm, nhất là ở những chỗ ít mưa như California, nên nhu cầu dùng lại nước rất lớn. Việc này đòi hỏi sự hoàn thiện việc xử lý nước thải. Có những phương pháp mới đang được nghiên cứu và phát triển, thí dụ như là các hệ thống lọc, hấp thụ bằng than, chưng cất hay thẩm thấu ngược (reverse osmosis). Mục đích tối hậu là nước thải sau khi được xử lý có thể dùng làm nước uống. (Hà Dương Cự)
——————
Nguồn tài liệu: https://sciencing.com, www.epa.gov, https://water.usgs.gov
Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Ice Cave ở Austria”(Phần 2)
https://www.nguoi-viet.com/doi-song/xu-ly-chat-thai-va-nhung-luat-le-cua-hoa-ky/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten