vrijdag 3 februari 2017

Libya : Ai giết..."nhà độc tài" đại tá Kadhafi ? + Vào lúc chế độ Kadhafi sắp đổ,Trung Quốc vẫn rao bán vũ khí cho Libya


Libya : Ai giết đại tá Kadhafi ?

Libya : Ai giết đại tá Kadhafi ?
Đại tá Kadhafi (trái) gặp tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy tháng 12/2007 tại Paris.REUTERS

    Năm năm từ khi chính quyền Kadhafi cáo chung, người Libya vẫn chưa biết rõ chuyện gì xảy ra trong những ngày cuối cùng của chế độ cay nghiệt này. Vai trò, trách nhiệm của các đại cường như thế nào, trong đó có Pháp, trong cuộc xung đột dẫn đến sự sụp đổ của nhà độc tài ?

    RFI trở lại bối cảnh cái chết của một lãnh đạo Ả Rập từng gây phiền toái cho thế giới. Với sự sụp đổ của đại tá Mouamar Kadhafi ngày 20/11/2011, Libya lật qua một trang sử đen tối. Chế độ « cách mạng Jamahiriya Ả Rập Libya » được trung úy Mouamar Kadhafi, 27 tuổi, thành lập vào năm 1969 qua một cuộc đảo chính, kéo dài được 42 năm thì cáo chung.
    Tám tháng xung đột võ trang, khởi đi từ một cuộc nổi dậy của dân chúng, cuối cùng đã đẩy « người dẫn đường cách mạng » vào ngõ cụt. Những hình ảnh cuối cùng của đại tá Kadhafi, mặt mày đẫm máu, bị một nhóm chiến binh cuồng nhiệt trói tay lôi kéo, được các mạng thông tin xã hội đưa khắp địa cầu. Một giờ sau chính quyền chuyển tiếp tại Lybia loan báo đại tá Kadhafi « qua đời vì vết thương » quá nặng.
    Năm năm trôi qua, hoàn cảnh cái chết nhà độc tài vẫn chưa được làm sáng tỏ. Công luận chưa biết một cách chính xác đại tá Kadhffi bị ai giết, giết lúc nào, giết như thế nào và vì sao phải giết ông ấy ?
    42 năm quyền thế độc tôn
    Lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1969, nhà lãnh đạo Libya cai trị đất nước với bàn tay sắt. Tất cả các đảng phái chính trị bị giải thể. Đại tá Kadhafi dựa trên một mạng lưới thừa hành đặt tên là « Hội đồng cách mạng » để cai trị. Tự cho là theo chủ nghĩa « xã hội », ông đổi tên nước với một quốc hiệu dài lê thê : Jamahiriya Ả Rập Libya Nhân Dân Xã Hội Chủ Nghĩa. Ra tuyên cáo thực hiện cuộc « cách mạng nhân dân ».
    Biết rõ dân chúng không xem phục vụ cách mạng là lẽ sống, đại tá Kadhafi sử dụng nguồn thu nhập từ dầu hỏa để xây dựng đường xá, bệnh viện, trường học, nhà ở, tạo một mức sống cao cho dân Libya.
    Nhưng một phần lớn nguồn thu nhập từ nguồn dầu hỏa cũng được sử dụng để tài trợ cho bộ máy đàn áp nhằm bóp nghẹt mọi hình thức đối lập chính trị. Trong những thập niên 1970 và 1980, chính quyền Tripoli tổ chức nhiều vụ đấu tố để kết án tử hình các nhà ly khai. Các sân bóng đá và bóng rổ biến thành pháp đình. Những phiên toà dàn dựng này được phát trên đài truyền hình để trấn áp tinh thần khán giả.
    Trong thập niên 1990, khi đối dầu với phong trào chiến binh Hồi Giáo võ trang, đại tá Kadhafi cho máy bay oanh kích những nơi được xem là căn cứ địa của Hồi Giáo cực đoan ở miền đông Libya. Vào năm 1996, để trừng phạt tù nhân nổi loạn ở nhà giam Abou Salim tại thủ đô Tripoli, đại tá Kadhafi cho một đơn vị dân quân đến tái lập trật tự. Theo tố giác của tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International, toán dân quân này tập trung tất cả tù nhân vào sân nhà tù và nổ súng. Tổng cộng 1200 người chết.
    Nhà văn Libya, Hisham Matar, tác giả quyển sách "Au pays des hommes", tạm dịch là "Nơi xứ sở của con người" đã mô tả thời hoàng hôn của chế độ Kadhafi như sau : « bí mật để được tồn tại lâu dài của chế độ này là mở ra các chiến dịch khủng bố tinh thần dân chúng để họ luôn khiếp sợ đến mức độ không dám phát biểu ý kiến về chính trị và xã hội ».
    Mùa Xuân Ả Rập : từ phản kháng đến nội chiến
    Những cuộc biểu tình lớn đầu tiên chống chế độ Kadhafi xảy ra vào tháng 2/2011. Bị bịt miệng suốt 40 năm, người dân Libya nổi dậy chống áp bức và bạo lực của chế độ. Vào thời điểm đó, phong trào cách mạng Hoa Lài ở Tunisia và mùa xuân Ai Cập đã lật đổ hai nhà độc tài Ben Ali và Hosni Mubarak. Người dân Libya nghĩ rằng phải xuống đường như dân chúng Tunisia và Ai Cập mới có hy vọng được tự do, đổi mới cuộc đời.
    Vào tháng 2/2011, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở miền đông Libya. Hằng trăm người xung đột với cảnh sát. Từ Tripoli, đại tá Kadhafi ra lệnh nổ súng kèm theo lời đe dọa « máu sẽ chảy thành sông » nếu dân tiếp tục biểu tình. Phong trào phản kháng lập tức biến thành cuộc chiến tranh chống chế độ.
    Được đèn xanh của hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (17/03/2011), để bảo vệ thường dân trước quân đội Libya, lực lượng nổi dậy được các nước Tây phương can thiệp yểm trợ chiến thuật và hậu cần. Lần lượt, các trục giao thông, thành phố lớn nhỏ, đồn binh của chính phủ rơi vào tay phe nổi dậy. Tháng 8, đại tá Kadhafi phải bỏ tổng hành dinh ở Tripoli chạy trốn về Syrte, quê hương và cũng là thành trì cuối cùng của dòng họ.
    Đến tháng 10, bị bao vây tứ phía, đại tá Kadhafi và đoàn tùy tùng cố gắng vượt vòng vây, nhưng đoàn xe bị máy bay NATO oanh kích. Lãnh đạo gặp đường cùng, rơi vào tay phe nổi dậy.
    Theo chính quyền chuyển tiếp, đại tá Kadhafi bị thương trong vụ oanh kích của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và chết vì những vết thương này trên đường chở đến bệnh viện.
    Tiết lộ và tranh cãi
    Tin nhà độc tài Libya tử vong được hầu hết công luận và cộng đồng quốc tế chào mừng. Tuy nhiên, ngay lập tức, cái chết này trở thành một nghi án vì có nhiều điều bí ẩn bao trùm. Ai giết ? máy bay NATO ? chết như thế nào và vào lúc nào ?
    Thông tin từ chính quyền mới không giống như các đoạn băng video của ai đó thu tại hiện trường và được công bố trên các đài truyền hình thế giới và mạng xã hội. Các giả thuyết đưa ra trái chọi nhau làm nẩy sinh những câu hỏi nhức nhối.
    Không hiểu nhà độc tài sa cơ thất thế có bị đánh đập hay không như hình ảnh video ghi rõ ? Đại tá Kadhafi bị một nhóm chiến binh mắng chửi, đấm đá, nắm đầu, đâm dao găm trước khi tống lên xe pick-up phóng nhanh như để tránh đám người hùng hổ như lên cơn điên.
    Nhiều nghi vấn liên quan đến trách nhiệm của NATO trong cái chết của đại tá Kadhfi cũng được đặt ra. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có vượt qua lằn ranh vàng của Liên Hiệp Quốc quy định « bảo vệ thường dân trong cơn hoạn nạn » mà thôi ?
    Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đòi hỏi phải điều tra. Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Rupert Colville, trên đài BBC, tuyên bố : « Cái chết của Kadhafi xảy ra trong hoàn cảnh nào vẫn không rõ ràng. Chúng tôi cho rằng cần phải có điều tra ».
    Cuộc điều tra được trao cho một toán nhân viên Libya của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch. Kết quả được công bố nhân một năm ngày giỗ của đại tá Kadhafi. Với tựa đề « Cái chết của một nhà độc tài : cuộc trả thù đẫm máu tại Syrte », bản báo cáo phủ nhận luận cứ của chính quyền chuyển tiếp. Theo Human Rights Watch, không những đại tá Kadhafi bị hành quyết mà một phần đoàn tùy tùng trung thành với ông cũng bị xử bắn trong sân của một khách sạn.
    Hành động này bị lên án là « phạm tội ác chiến tranh ».
    Trách nhiệm của nước Pháp
    Những tiết lộ khác vào năm 2012 cũng nhắm vào nước Pháp, rất năng nổ trong Hội Đồng Bảo An trong các cuộc tranh luận, vận động bảo vệ thường dân ở Libya.
    Một viên chức cao cấp trong phe nổi dậy đã gây hoang mang, khi tuyên bố với một số báo chí tây Âu (Mediapart,The Telegraph và Corriere della Serra) thủ phạm bắn đại tá Kadhafi là một nhân viên tình báo của Pháp. Nhân viên này trà trộn trong nhóm chiến binh bắt được lãnh đạo Libya và đã nổ súng hành quyết ông Kadhafi.
    Câu hỏi đặt ra là làm cách nào mà điệp viên Pháp biết rõ đại tá Kadhafi ở đâu ? Nguồn tin Libya ngầm cho biết « nhờ chiếc điện thoại di động của ông Kadhafi, quà tặng của… tổng thống Bachar al Assad ». Qua hành động này, tổng thống Syria dường như muốn tỏ thiện chí thân thiện với Paris.
    Theo giới phân tích, tiết lộ này làm lạnh xương sống, nhưng không cho phép chứng minh là bàn tay của tình báo Pháp đã giết chết lãnh đạo Libya.
    Tuy không đủ tính thuyết phục, nhưng giả thuyết mật vụ Pháp ra tay được tung ra đúng vào lúc tại Pháp nổ ra vụ tai tiếng chính trị-tài chính có liên can đến tên tuổi của tổng thống Nicolas Sarkozy.
    Theo báo mạng Mediapart, thì trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007, ứng cử viên Nicolas Sarkozy dường như nhận được tài trợ « bất chính » từ Libya. Sau đó, ông Kadhafi nhiều lần đe dọa là sẽ công bố những hồ sơ bí mật liên quan đến chuyện chuyển ngân. Từ đó, củng cố giả thuyết chính quyền Pháp phải làm cho chế độ độc tài Libya sụp đổ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không có một bằng chứng cụ thế nào cho phép kết luận như vậy.
    Thế nhưng, nếu không phải phe nổi dậy, cũng không phải tình báo Pháp, thì ai đã ra tay giết đại tá Kadhafi ?
    Có lẽ không bao giờ chúng ta có câu trả lời. Nhưng điều chắn chắn là cái chết của nhà độc tài hoang tưởng của Libya xảy ra trong bối cảnh chính trị Bắc Phi sôi động. Làn gió cách mạng mùa xuân Ả Rập đã làm sụp đổ hàng loạt chế độ và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Sửng sốt, các cường quốc Tây phương bất lực nhìn phong trào cách mạng thay thế các chế độ đương quyền suy yếu và áp đặt luật lệ mới của chính họ. Liệu Tây phương chấp nhận bất trắc để toàn khu vực rơi vào bàn tay Hồi Giáo cực đoan có tổ chức ? Có thể vì thế mà Tây phương cần phải can thiệp để kiểm soát tình hình ở Libya nhân danh chính nghĩa « bảo vệ thường dân đang bị đe dọa tính mạng ».
    Theo một số kết luận trong bản báo cáo của Tiểu ban ngoại giao Quốc Hội Anh công bố. Thay thế chế độ độc tài Kadhafi là mục tiêu chính của liên minh Tây phương-Ả Rập khi can thiệp vào Libya từ ngày 19/03 cho đến 31/10/2011, dưới ngọn cờ của Liên Hiệp Quốc và lực lượng NATO.
    Mục tiêu thay đổi chế độ chính trị có bắt buộc phải sát hại bạo chúa đương quyền ? Không, bởi vì như tuyên bố của nhà ngoại giao Jean Ping, cựu chủ tịch Ủy ban châu Phi, một nhân vật có nhiều thế lực và ủng hộ một giải pháp chính trị cho Libya : chiến tranh nhân đạo, theo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 2005, thể hiện tinh thần cao thượng cứu giúp thường dân, chỉ là một huyền thoại. Chiêu bài này che dấu một chính sách cường quốc cổ điển, lật đổ một chế độ và ám sát một quốc trưởng ngoại quốc.

    Cùng chủ đề
    • LIBYA

      Cựu lãnh đạo Libya Kadhafi được chôn cất tại một nơi bí mật
    • TRUNG CẬN ĐÔNG

      Mouammar Kadhafi lại lên tiếng khẳng định vẫn ở Libya
    • QUỐC TẾ

      Vào lúc chế độ Kadhafi sắp đổ,Trung Quốc vẫn rao bán vũ khí cho Libya
    • LIBYA

      Cách mạng Libya: động lực thúc đẩy nổi dậy trong thế giới hồi giáo
    • LYBIA - NGA

      NATO tiếp tục oanh kích, Nga yêu cầu Libya hợp tác
    • LIBYA - NHÂN QUYỀN

      Chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế đề nghị truy nã lãnh đạo Libya Kadhafi

    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.               
      http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161103-libya-ai-giet-dai-ta-kadhafi

    Vào lúc chế độ Kadhafi sắp đổ,Trung Quốc vẫn rao bán vũ khí cho Libya

    mediaTrung Quốc từng đề nghị bán vũ khí cho Kadhafi để dẹp phong trào nổi dậyReuters/Bob Strong
    Bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vẫn đàm phán về một hợp đồng bán vũ khí cho Libya trị giá 200 triệu đô la vào những ngày cuối của chế độ Kadhafi. Tin trên do nhật báo Canada, Globe & Mail ấn bản tại Toronto đăng tải.
     
    Theo nhật báo Globe & Mail của Canada số đề ngày 02/09/11 vào những tháng cuối cùng của chế độ Kadhafi, chính quyền Trung Quốc đã bí mật đàm phán về một hợp đồng bán vũ khí cho Libya. Do lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chính quyền Tripoli, Trung Quốc dự trù giao vũ khí cho Libya qua ngả Algerie và Nam Phi.
    Vẫn theo tờ báo này, các tập đoàn công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc được đặt trong tay nhà nước đã chuẩn bị bán vũ khí và đạn dược cho chính quyền Libya vào cuối tháng 7 vừa qua. Trị giá hợp đồng lên tới 200 triệu đô la. Tài liệu phóng viên báo Globe & Mail có được còn cho thấy Bắc Kinh muốn bắt cá hai tay trong cuộc chiến Libya : một mặt thì Trung Quốc vẫn tuyên bố giữ thái độ trung lập nhưng mặt khác thì Bắc Kinh lại âm thầm hỗ trợ đại tá Mouammar Kadhafi.
    Một đại diện của phong trào nổi dậy Libya khẳng định về tính xác thực của các tài liệu mà nhà báo người Canada đã tìm thấy. Ngoài ra, những tài liệu nói trên còn tiết lộ thêm nhiều chi tiết về chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 16/07/11 của một phái đoàn Libya. Trong chuyến công tác này các quan chức Libya đã đặc biệt viếng thăm ba nhà máy sản xuất vũ khí của Trung Quốc là Norinco, CPMIC và tập đoàn xuất nhập khẩu China XingXing.
    Bài báo không xác định là Trung Quốc đã có trao được vũ khí tới tay chính quyền của ông Kadhafi hay không, nhưng một số lãnh đạo trong chính phủ lâm thời Libya cho biết là thông tin trên càng củng cố thêm mối hoài nghi của họ đối với Trung Quốc, Algerie và Nam Phi.
    Tác giả bài viết không loại trừ khả năng là các quốc gia này sẽ bị thiệt thòi trong cuộc chạy đua tranh giành quyền khai thác năng lượng của Tripoli sắp tới cũng như trong công cuộc tái thiết Libya.

    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20110904-vao-luc-che-do-kadhafi-sap-sup-do-trung-quoc-van-de-nghi-ban-vu-khi-cho-libya

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten