Tự do mậu dịch Việt Nam-Liên Âu tùy thuộc thành tích nhân quyền
FTA giữa Liên Âu và Việt Nam đã ký từ năm 2015 và sẽ có hiệu lực sang năm tới nhằm hủy bỏ hầu hết mọi loại thuế quan giữa hàng hóa xuất nhập cảng từ hai phía.
Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhờ xuất cảng các loại hàng công nghệ của các công ty ngoại quốc và các loại hàng thủ công nghệ và thủy sản hy vọng phát triển tốt hơn khi những thỏa thuận mậu dịch với Liên Âu được thi hành.
Tháng trước, Tổng Thống Donald Trump của Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.
Vì thế, FTA với Liên Âu là một trong những cái phao mà Việt Nam cần để hy vọng đối phó với khó khăn kinh tế và thâm thủng ngân sách diễn ra triền miên mấy năm qua.
Nhưng một phái đoàn của Nghị Viện Liên Âu nhấn mạnh sau cuộc họp với các viên chức CSVN rằng hồ sơ nhân quyền vẫn tồi tệ của Việt Nam hiện nay có thể cản trở việc thông qua FTA.
“Nếu tình trạng nhân quyền không được cải thiện thì sẽ rất khó để chấp thuận thông qua FTA,” ông Pier Panzeri, chủ tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Nghị Viện Liên Âu nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội.
Việt Nam hiện đang bị cai trị dưới chế độ độc tài đảng trị. Dù Hiến Pháp công nhận người dân có đủ mọi thứ quyền tự do căn bản, trên thực tế, các quyền này đều bị giới hạn hay ngăn cấm. Bởi vậy, người nào phát biểu ý kiến ngược với chủ trương của nhà nước đều bị tù tội, hay ít nhất cũng bị khủng bố, sách nhiễu, đánh đập. Người nào vận động cho tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, tự do lập hội cũng đều bị đàn áp.
Ông Lars Adaktusson, một đại biểu khác của Nghị Viện Liên Âu nhấn mạnh trong cuộc họp báo rằng cần phải cải thiện môi trường truyền thông vì tại Việt Nam hiện chỉ có guồng máy tuyên truyền của nhà cầm quyền là được phép hoạt động.
“Chúng tôi cũng nói rất rõ với họ trong các cuộc thảo luận là tự do báo chí là một trong những lãnh vực mà nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa,” ông Adaktusson nói.
FTA giữa Liên Âu và Việt Nam đạt được vào Tháng Mười Hai năm 2015 sau nhiều năm đàm phán, được mô tả như dấu mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực cải tiến mối quan hệ mậu dịch giữa hai bên.
Liên Âu là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, nhập cảng phần lớn hàng điện tử, quần áo, và nông phẩm như cà phê, gạo, thủy sản. Việt Nam nhập cảng từ Âu Châu máy móc điện tử, máy bay, xe hơi, và thuốc men.
Trước khi họp báo, phái đoàn nhân quyền của Nghị Viện Liên Âu gặp cả Bộ Công An và một phái đoàn đại diện các tổ chức xã hội dân sự.
Tới gặp phái đoàn nhân quyền của Liên Âu ngày 23 Tháng Hai gồm có ông Nguyễn Tường Thụy, ông Lê Công Ðịnh, ông Vũ Quốc Ngữ, bà Phạm Ðoan Trang, ông Nguyễn Chí Tuyến, và ông Nguyễn Anh Tuấn.
Ông Nguyễn Chí Tuyến tường thuật lại cuộc họp trên trang Facebook cá nhân như sau: “Phía Việt Nam đã cung cấp tài liệu và chia sẻ những vấn đề liên quan đến thực trạng nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại…”
“Việc hơn 100 người hoạt động xã hội bị cấm xuất cảnh, việc hàng trăm người dân bị chết trong đồn công an diễn ra trong những năm gần đây, việc các nhà hoạt động bị bắt giữ tùy tiện và giam giữ mà không được tiếp cận với luật sư và không được đưa ra xét xử trong một thời gian dài cũng đã được các đại diện xã hội dân sự phía Việt Nam nêu ra.”
“Ngoài ra, các đại diện cũng chia sẻ với phái đoàn về các hành vi trấn áp, đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ, ngăn cản mà nhà cầm quyền Việt Nam đang áp dụng đối với các hội nhóm xã hội dân sự độc lập và cá nhân ở Việt Nam khi thực hiện các quyền căn bản của con người cũng như các quyền dân sự.”
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài RFA, nữ Nghị Viên Beatriz Becerra, thành viên phái đoàn này, cho hay, phái đoàn của bà đã không được cho phép đi gặp Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ cũng như các tù nhân lương tâm. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tuy-thuoc-thanh-tich-nhan-quyen/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten