maandag 6 februari 2017

Du học tại Pháp + Chỗ ở: Mối lo lớn của sinh viên Việt Nam khi tới Pháp + tìm việc sau khi tốt nghiệp


Du học tại Pháp : các trở ngại và những điều cần biết để thành công

Du học tại Pháp : các trở ngại và những điều cần biết để thành công
Ảnh CampusFrance Vietnam

    Đầu năm mới là lúc nhiều bạn sinh viên ở Việt Nam bắt đầu tìm hiểu các hướng đi du học ở nước ngoài cho năm học tới. Trong các hướng du học, Pháp là một điểm đến được không ít người quan tâm. Tạp chí Cộng đồng của RFI đưa tới quý vị một số tiếng nói có thẩm quyền trong lĩnh vực này, để hy vọng giải đáp một số băn khoăn, hỗ trợ quý vị hay những người thân của quý vị trong việc chuẩn bị và thực hiện thành công việc du học tại Pháp.

    Khách mời của tạp chí hôm nay là các bạn sinh viên Trịnh Duy Phong và Nguyễn Thu Hoài, ông Roger Eychenne - Tùy viên Hợp tác Khoa học và Đại học của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, phụ trách Văn phòng du học sinh Việt Nam sang Pháp - CampusFrance, ông Trịnh Minh Giang, thạc sỹ ngành quản trị kinh doanh MBA – Chủ tịch Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp (UAFV), ông Trần Duy Châu, tiến sĩ ngành kỹ thuật điện – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) và bà Bùi Trân Phượng, tốt nghiệp tiến sĩ sử học tại Pháp, hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh).
    Thứ Bảy 10/03/2012 tại Hà Nội và Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày Hội du học Pháp toàn quốc cho bậc học Thạc sỹ và Tiến sĩ. Còn tại Paris, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp có ý định sẽ tổ chức một ngày Hội thảo hướng nghiệp lần thứ 2, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/03, nhằm hỗ trợ các sinh viên trong quá trình lựa chọn ngành học, tìm chỗ thực tập, việc làm.
    Sức hấp dẫn của hướng du học Pháp
    Với khoảng 250.000 sinh viên người nước ngoài, Pháp là nước tiếp nhận người du học đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Anh. Sinh viên người nước ngoài chiếm đến hơn 10% tổng số sinh viên tại Pháp và được đối xử bình đẳng đối với sinh viên người Pháp. Pháp cũng là nơi thu hút nhiều sinh viên đến từ Việt Nam, với số lượng khoảng 1.500 visa được cấp hàng năm, và hiện tại có khoảng 6.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp. Ít nhất có 150 hợp đồng hợp tác đào tạo đã được ký kết giữa các cơ sở đại học Pháp với Việt Nam. Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp, giải thích lý do vì sao Pháp vẫn là nơi thu hút các sinh viên từ Việt Nam :
    « Nói chung đi Pháp, theo tôi đánh giá, vẫn được quan tâm rất đông đảo. Vì có mấy yếu tố như sau : thứ nhất nói chung là đi Pháp khá dễ so với các nước khác, nếu mình đã có vốn tiếng Pháp rồi. Các trường ở Pháp rất là thoải mái trong việc nhận học sinh, và ở Pháp rất nhiều đại học, rất nhiều trường. Cái thứ hai là cuộc sống ở Pháp không quá khó khăn so với các nước khác, đặc biệt là việc xin việc làm thêm, rồi cộng đồng sinh viên của mình hỗ trợ khá là tốt cho người sinh viên. Cái thứ ba là tiếng Pháp, văn hóa Pháp cũng là một cái đích mà rất nhiều sinh viên có ước mơ là muốn được đi … »
    Hai trở ngại chính : Thiếu thông tin và khả năng xây dựng một kế hoạch học tập
    Tuy nhiên, không phải ai có mong muốn đi học tại Pháp cũng có ngay được những cơ hội cần thiết. Trước hết, xin mời quý vị nghe tâm sự của bạn Thu Hoài về trở ngại cơ bản của việc tìm ra một cơ hội đi du học.
    « Ở trường em, thực ra tư vấn rất là ít. Trước khi sinh viên ra trường, nhà trường chỉ có hai suất học bổng cho sinh viên. Những sinh viên nào muốn đi nhưng không có học bổng thì phải tự tìm hiểu. Có một số diễn đàn du học mà em cũng đã tham gia, như diễn đàn du học Pháp – Đức thì nhiều sinh viên các ngành khoa học, Xây dựng, hay Kiến trúc, … ngay bản thân trường của họ đã liên kết được rồi, họ đã biết là trường nào, ở vùng nào, thì họ đi phỏng vấn luôn. Ngoài ra, em nghĩ việc định hướng tại Việt Nam thì cũng chưa có hiệu quả, và chưa rộng rãi để thực sự có kết quả tốt cho sinh viên trong việc xác định được cái « kết quả » cuối cùng, để đi Pháp. »
    Còn sau đây là tâm sự của bạn Duy Phong về một trở ngại lớn khác đối với các du học sinh Việt Nam.
    « Em nghĩ khó khăn chung là về thông tin về học bổng, các suất đi du học. Tuy nhiên, em cho rằng đây là khó khăn trước đây, còn hiện tại, thì bằng những công cụ của l’Espace họ cho, hay là với các hội thảo du học, việc tìm kiếm thông tin cũng đã dễ đàng hơn rồi. Hội Sinh viên Việt Nam ở Pháp cũng giúp cho việc tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn một chút, như vậy nó không còn là một thách thức quá lớn nữa.
    Còn những vấn đề khác mà những người muốn du học ở Pháp như em phải đối diện là : khi sang Pháp, mình phải xác định được một lựa chọn phù hợp. Em nghĩ là, một người đã quen với môi trường ở đây rồi, sang một môi trường hoàn toàn mới, để có được một lựa chọn phù hợp, thì rất là khó. Nghĩa là mình chưa thể xác định được ngay một lựa chọn thích hợp với mình, mà phải được một số người tư vấn thì mới xác định được mình có khả năng vào trường nào hay theo học ngành gì phù hợp với khả năng của mình.
    Theo em, nếu không có một lựa chọn phù hợp, thì thứ nhất mình sẽ mất thời gian, thứ hai là sẽ tốn tiền của, vì đi du học không đơn giản như là đi học ở trong nước. »
    Môi trường đào tạo đại học tốt tại Pháp là điều rõ ràng, nhưng việc có nhiều sinh viên trẻ dù có cơ hội sang Pháp du học, nhưng lại không có một lựa chọn phù hợp, và không sử dụng được thời gian quý giá tại Pháp để khẳng định cho mình một hướng đi là một điều được nhiều người quan tâm. Sau đây là tiếng nói của tiến sĩ Bùi Trân Phượng, từ Thành phố Hồ Chí Minh.
    « Tôi không có số liệu thống kê về toàn cảnh đâu. Những gì tôi biết đều chỉ là qua các trải nghiệm thực tế, và những người quen biết xung quanh tôi thôi, và những sinh viên mà tôi có dịp biết. Thì tôi thấy rằng là, nói chung, dù học ở Việt Nam hay học ở nước ngoài, thì tôi cũng đều lo lắng khi thấy thanh niên Việt Nam đi học không có một định hướng rõ ràng, tức là không biết mình đi học để làm gì, ngay cho dùng để vì một mục tiêu cá nhân của mình. Tất nhiên, người ta đi học đến bậc cao như vậy, thì không thể, không nên chỉ là vì một mục tiêu rất là hạn hẹp cá nhân. Cái đó là quan điểm riêng của tôi, nhưng tôi nghĩ quan điểm đó cũng được nhiều người bình thường, trong những nước phát triển bình thường chia sẻ.
    Nếu như chỉ vì những mục tiêu nhỏ bé, ngắn hạn, rất là cá nhân, thì tôi thấy là đáng tiếc, và càng đặc biệt đáng tiếc là cái nền đại học của Pháp mà tôi hiểu rõ, thì tôi nghĩ là giá trị nhân văn còn rất lớn. »
    CampusFrance Việt Nam – nguồn trợ giúp hàng đầu cho các sinh viên muốn du học
    Để trả lời cho những thắc mắc và giúp đỡ sinh viên Việt Nam giải quyết được các trở ngại chính trong việc tìm kiếm cơ hội và thành công trong việc du học Pháp, CampusFrance Việt Nam thuộc Đại sứ quán Pháp, có văn phòng tại L’Espace - Trung tâm Văn hóa Pháp, là một cơ sở mang lại những trợ giúp rất bổ ích và hiệu quả cho các sinh viên. Sau đây là một số nhận xét của ông Roger Eychenne, Tùy viên Hợp tác Khoa học và Đại học của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, và là người phụ trách CampusFrance tại Việt Nam :
    « Mục tiêu hoạt động chính của CampusFrance là giúp cho các sinh viên được thông tin một cách rất đầy đủ và giúp cho họ xây dựng được một kế hoạch du học. Sứ mệnh của CampusFrance là hỗ trợ các sinh viên, có thể là cả gia đình họ, xây dựng được một kế hoạch cá nhân và nghề nghiệp. Ở CampusFrance, chúng tôi giúp các bạn sinh viên xác định rõ định hướng nghề nghiệp của mình và từ đó biết được hướng đào tạo nào là phù hợp nhất với mục tiêu này.
    Để thực hiện mục tiêu kể trên, chúng tôi có các phương tiện thông tin, tài liệu, được dịch ra tiếng Việt, hay các trang mạng, cũng được dịch sang tiếng Việt, và các cơ sở tiếp đón thường trực tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế. Đây là các cơ sở mở cửa quanh năm. Các cơ sở thường trực của CampusFrance sẵn sàng dành tối đa thời gian để cung cấp đủ thông tin cho các sinh viên và giúp họ trong việc xây dựng một kế hoạch học tập.
    Ở CampusFrance, chúng tôi nói rằng, các bạn sinh viên không cần thông qua các công ty môi giới du học để xây dựng được một kế hoạch học tập và tìm việc làm. CampusFrance hoàn toàn có đủ năng lực và thời gian cần thiết để làm công việc này. CampusFrance là một tổ chức công lập của Pháp. Khác với nhiều nước khác, nơi mà các công ty môi giới tư nhân đảm nhiệm việc trợ giúp các sinh viên muốn du học ở nước họ, CampusFrance là trung gian giữa các sinh viên Việt Nam với các trường đại học và các cơ sở đào tạo ở Pháp.
    Đến CampusFrance, các bạn sẽ có thể trao đổi một cách thoải mái với những người hướng dẫn, kể cả bằng tiếng Việt, đối với những ai chưa dùng được tiếng Pháp hay tiếng Anh. Trước hết chúng tôi có một trang mạng khá đầy đủ thông tin, các tài liệu bằng tiếng Việt, các bạn có thể xem trước, sau đó các bạn lấy một cuộc hẹn gặp những người hướng dẫn, để được thông tin một cách chính xác hơn. Tôi xin nhắc lại, các sinh viên nào có nhu cầu, có thế đến các cơ sở của CampusFrance bao nhiêu lần cũng được.
    Nhiệm vụ của CampusFrance chúng tôi là đồng hành với các sinh viên, giúp họ xây dựng một kế hoạch và thành công trong việc học tập tại Pháp. Cũng phải nói rõ là, trong quá trình đi kèm để hỗ trợ các sinh viên, ví dụ như chúng tôi phát hiện thấy, một sinh viên có dự định học tập trong ngành địa lý học, nhưng lại không có đủ các năng lực để thành công trong chuyên ngành này, chúng tôi sẽ giúp cho bạn ấy hiểu ra điều này. Và như vậy, bạn ấy cần : Hoặc có một lựa chọn theo hướng khác, hoặc dành thời gian để chuẩn bị thêm, để có thể thành công trong định hướng này.
    Khi nói là chúng tôi đi kèm để hỗ trợ các bạn, không có nghĩa là tất cả mọi trường hợp đều thành công. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp các bạn lựa chọn, và giúp các bạn chọn được một định hướng tốt. Cũng có những trường hợp, chúng tôi sẽ đưa ra lời khuyên rằng : Hiện tại bạn vẫn chưa đủ chín, như vậy, bạn có thể bị thất bại trong việc học tập tại Pháp, và để bạn có thể thành công, chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị tốt hơn. »
    UEVF - một điểm tựa của sinh viên
    Đối với các bạn sinh viên Việt Nam khi đặt chân lên đất Pháp, trong số nhiều hiệp hội hỗ trợ sinh viên, chúng tôi đặc biệt chú ý đến Hội sinh viên VN tại Pháp UEVF, một tổ chức tuy mới được thành lập, nhưng đã có các cơ sở chi hội tại hàng chục tỉnh thành tại Pháp, với mục tiêu chủ yếu hỗ trợ các sinh viên, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực học tập, nghiên cứu, cũng như giúp cho những bạn nào có mục tiêu làm việc tại Pháp, khẳng định được mình trong thị trường lao động ở đây. Sau đây là lời kể của ông Trần Duy Châu, Phó Chủ tịch hội :
    « Sau khi đã có một hội sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, như tập hợp sinh viên, hỗ trợ sinh viên tổ chức các mảng hoạt động như văn hóa, thể thao, khi các bạn sinh viên trưởng thành, đạt được một bậc học nào đấy, thì luôn luôn có câu hỏi đặt ra là : Chọn công việc như thế nào ? Hoặc ngay cả khi các bạn sinh viên bắt đầu vào học cũng đều đặt ra câu hỏi chọn ngành nghề nào.
    Nhìn thấy cái nhu cầu này của sinh viên, Hội UEVF đã phối hợp cùng với các tổ chức bạn, tổ chức các hoạt động định hướng ngành nghề học, và định hướng công việc sau khi tốt nghiệp bậc học của mình. Cụ thể là, hai ba năm gần đây, Hội Sinh viên đã thành công trong việc tổ chức một chuỗi hoạt động « khép kín » theo định hướng này. Đầu tiên, nếu theo chu trình của một năm học, thì chúng tôi bắt đầu tổ chức Hội thảo du học Pháp tại Việt Nam vào tầm từ tháng Ba đến tháng Tám hàng năm. Và khi các bạn sinh viên đã sang đến Pháp, Hội Sinh viên tổ chức những ngày đón tiếp. Thực sự là đón tiếp theo đúng nghĩa đen, với quy mô trải rộng ra 22 tỉnh thành trên toàn nước Pháp. Các chi hội UEVF tại địa phương chủ động trong việc đón tiếp, từ việc đón tiếp các bạn ở sân bay, hoặc là nhà ga, đưa các bạn về nhà trọ, giúp các bạn tổ chức các hoạt động ban đầu để ổn định cuộc sống, ví dụ như là mở tài khoản ngân hàng, hay chọn bảo hiểm, … Đây chỉ là chuyện nhỏ, nhưng điều này cho phép làm quen với các bạn trong Hội Sinh viên, để từ đó, sau khi các bạn liên lạc được với trường của mình rồi, thì các bạn tiếp tục liên lạc với Hội Sinh viên trong các hoạt động về khoa học kỹ thuật, về học tập và định hướng nghề nghiệp tiếp theo.
    Sau khi đã hoàn thành các hoạt động này, Hội Sinh viên tổ chức hai loại hoạt động tiêu biểu. Thứ nhất là hướng dẫn sinh viên đi thăm các doanh nghiệp. Hội Sinh viên ở Paris đã tổ chức đi thăm SNCF, cơ quan đường sắt Pháp. Hội Sinh viên ở Grenoble đã tổ chức đi thăm các nhà máy sản xuất thiết bị điện của nhà máy thủy điện, … Lựa chọn ngành nghề nào là tùy theo thế mạnh của từng địa phương.
    Cái mảng hoạt động thứ hai là tổ chức các hội thảo hướng nghiệp. Hội thảo này là chúng tôi học tập theo cái mô hình của Pháp là tổ chức các Forum hay Salon professionnel, tức là để tạo cầu nối giữa các sinh viên với các doanh nghiệp, với sự tham gia của các tổ chức trung gian tuyển người lao động, để giới thiệu cho các doanh nghiệp các lao động chất lượng cao, và nằm trong các ngành nghề mũi nhọn. Hoạt động Hội thảo hướng nghiệp này UEVF vận động các chi hội địa phương tổ chức tại từng địa phương của mình. Hiện tại theo tôi được biết thì, chi hội tại Paris, chi hội tại Lyon và vài chi hội khác đã tổ chức được … Đơn cử, chi hội Paris tổ chức thì chọn các ngành nghề có đông người theo học, ví dụ ngành năng lượng, ngành xây dựng, ngành tin học, ngành kinh tế - tài chính, và có thể các ngành nghệ thuật, … Còn chi hội tại Lyon thì họ chọn những ngành nghề khác, có thể là ngành xây dựng, ngành énergie renouvelable – năng lượng mới, hoặc là ngành cơ khí, … UEVF vận động các chi hội tìm hiểu về thị trường lao động, sau đó tìm hiểu nguồn nhân lực của mình, sau đó tổ chức các hoạt động nhấn mạnh vào các điểm nóng của thị trường lao động tại địa phương ấy.
    Ngoài ra thì còn có các cá nhân xuất sắc trong những ngành nghề, thì đây là tiền đề để các bạn sinh viên làm tấm gương noi theo, điều này cũng được đẩy mạnh để nâng cao tính thời sự, sự kiện. Ví dụ ở Paris, chúng tôi mời các doanh nhân có thành công lớn, hay trong ngành nghiên cứu khoa học, năm vừa rồi, có anh Ngô Bảo Châu, được giải tương đương với Nobel của Toán học – giải Fields, thì chúng tôi cũng tổ chức một buổi để quảng bá cho việc nghiên cứu khoa học cơ bản ...»
    Tôn trọng sự đa dạng và tính độc lập – thế mạnh của nền giáo dục Pháp
    Không chỉ là nơi các ngành nghề ở bậc đại học được đào tạo tốt, Pháp còn là môi trường lý tưởng cho nghiên cứu, với hai đặc điểm nổi bật, đề cao sự đa dạng và tôn trọng tính độc lập, tự do của các cá nhân. Sau đây là các nhận xét của bà Bùi Trân Phượng :
    « Tôi nghĩ là, so với Việt Nam thì tất nhiên nước Pháp có điều kiện tốt gấp nhiều lần về khoa học tự nhiên và nhất là khoa học xã hội, vì thứ nhất là mình có nguồn tài liệu, mình có điều kiện để tham khảo tư liệu một cách rất phong phú, rất là đa dạng, so với điều kiện mà mình có ở Việt Nam. Thậm chí, nếu sử dụng được cả tiếng Pháp và tiếng Anh, thì môi trường nghiên cứu ở Pháp còn tốt hơn nữa. Tốt hơn những nước không sử dụng tiếng Pháp. Vì không có gì cấm mình đang ở Pháp mà mình đi tìm tài liệu bằng tiếng Anh. Còn nếu mình đang ở chỗ tài liệu tiếng Anh quá phong phú rồi, thì mình không có cái « cám dỗ », … tại vì tôi có quen một số đồng nghiệp làm nghiên cứu trong lãnh vực của tôi, mà hoạt động ở ngoài Châu Âu, ngoài nước Pháp, thì về hiện trạng nghiên cứu của Pháp họ biết rất là ít. Ý tôi muốn nói là, về sự đa dạng, đa phương thì môi trường học thuật ở Pháp tạo điều kiện cho người ta khai thác được cái tính chất đa dạng, đa phương (của khoa học), là nơi mà Quốc tế không chỉ là Tiếng Anh.
    Và đó là môi trường mà người ta tạo điều kiện tốt nhất cho nghiên cứu sinh, để mà người đó có thể đi theo con đường mà mình muốn đi, khám phá những ngóc ngách mà mình quan tâm, và không chịu áp lực phải đi vào một hướng nào cả, kể cả đó là chính trị hay không phải chính trị. Tức là về sự tôn trọng tính đa dạng, tôn trọng tính độc lập trong tư duy, tôn trọng cá nhân người nghiên cứu, thì tôi nghĩ là tôi luôn hài lòng đối với môi trường học tập mà tôi gặp gỡ ở Pháp. »
    Đừng quên mục tiêu dài hạn !
    Tạp chí hôm nay khép lại với tâm sự của ông Trần Duy Châu, gửi đến các bạn sinh viên trẻ, qua các trải nghiệm riêng, nhằm mang lại cho các bạn một kinh nghiệm dẫn đến việc du học và hội nhập thành công. Tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện từ năm 2008, hiện nay ông Trần Duy Châu đang làm việc cho Tập đoàn Điện lực Pháp – EDF.
    « Trong cuộc sống học tập hàng ngày, cá nhân tôi quan niệm là mình không bao giờ quên nhiệm vụ chính của mình, mình luôn luôn giữ vững cái mục tiêu dài hạn, để không bị các mục tiêu ngắn hạn ảnh hưởng. Đó là trong thời gian học tập. Còn trong thời gian “xin việc”, nhưng thật ra chúng ta không xin việc, mình không xin một ai một cái gì cả, chúng ta đi gặp gỡ những nơi họ cần chúng ta làm việc và mình muốn làm việc cho các cơ sở này. Thế thì mình phải luôn có niềm tự tin là, đã sang đến đây, đã theo được chương trình học ở đây, thì chúng ta có thể sẵn sàng đáp ứng được mọi đòi hỏi của doanh nghiệp, của thị trường lao động, và chúng ta tận dụng những vốn sống đã tích lũy được trong những năm học tập, để có thể có những bước chuẩn bị thật sớm, những cái mở rộng, có thể nói là mở rộng cái tư tưởng của mình hơn nữa, để mình hòa nhập càng sớm càng tốt với xã hội Pháp, và mình hãy hành động như một người Pháp, tự tin, để tiếp cận nguồn công việc của mình.
    Có lẽ là bài học của cá nhân, tôi nghĩ cũng không có gì nhiều, ngoài việc có một sự chuyên tâm cao, một sự chuẩn bị và lên kế hoạch thật là sớm, và một sự tự tin khi mình đứng trước người tuyển dụng. »

    Tạp chí Cộng đồng của RFI xin chân thành cảm ơn các bạn Nguyễn Thu Hoài, Trịnh Duy Phong, bà Bùi Trân Phượng và các ông Roger Eychenne, Trịnh Minh Giang và Trần Duy Châu, đã vui lòng dành thời gian cho Tạp chí hôm nay.

    Các tin, bài liên quan
    Pháp sẽ có quy định mới về việc làm của sinh viên nước ngoài ra trường
    Paris: Thành phố lý tưởng nhất thế giới cho sinh viên
    ADEVF cung cấp thông tin giúp sinh viên du học tại Pháp
    Chỗ ở: Mối lo lớn của sinh viên Việt Nam khi tới Pháp
    Quỹ Đồng hành tại Pháp giúp sinh viên ở Việt Nam
    Một sinh viên VN nghèo thành công tại Pháp
    Trí thức Việt Kiều nói về môi trường khoa học tại Việt Nam nhân « sự kiện Ngô Bảo Châu »
    Sinh viên Việt Nam tại Pháp : tìm việc sau khi tốt nghiệp
    Niềm tự hào của một người Việt được nước Pháp vinh danh

    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối 

       http://vi.rfi.fr/viet-nam/20120307-du-hoc-tai-phap-cac-tro-ngai-va-nhung-dieu-can-biet-de-thanh-cong

    Chỗ ở: Mối lo lớn của sinh viên Việt Nam khi tới Pháp

    Chỗ ở: Mối lo lớn của sinh viên Việt Nam khi tới Pháp
    Hội thảo du học Pháp ngày 26/09/2010 tại Paris Ảnh ADEVF

      Chỉ còn ít tuần nữa là các khóa học mới tại các trường đại học Pháp sẽ khai giảng. Hàng ngàn du học sinh Việt Nam đã và đang đối mặt với một nỗi lo lớn. Đó là làm thế nào để tìm được một chỗ ở ổn định.

      Trên thực tế, tại Pháp, có 2,2 triệu sinh viên, nhưng trong hệ thống của Crous (Trung tâm quản lý chỗ ở và các mặt đời sống khác của sinh viên trên toàn nước Pháp), chỉ có 160 000 phòng trọ, và tất cả các nơi này đều đã được đặt chỗ từ đầu năm nay.
      Trong số các bạn sinh viên Việt Nam, có nhiều người đã tìm được chỗ ở, nhưng hiện tại, chắc chắn còn rất nhiều bạn đang gặp khó khăn. Về vấn đề nay anh Đồng Lê Anh, hiện đang theo học ngành luật thương mại, thành viên của một hiệp hội giúp đỡ sinh viên mang tên Đầu Gấu cho ban Việt ngữ RFI biết các suy nghĩ của anh.
      Anh Đồng Lê Anh (Hội ADEVF - Daugau.com) 01/09/2010 Nghe





      Cũng về vấn đề này, anh Vũ Mạnh Hùng, thành viên sáng lập của Hội giúp đỡ sinh viên tại Pháp mang tên Đầu Gấu, cho biết ý kiến.
      Anh Vũ Mạnh Hùng (Hội ADEVF - Daugau.com) 01/09/2010 Nghe





      Ngoài ADEVF, một số nhóm hỗ trợ du học sinh khác cũng có thể cung cấp các thông tin về chỗ ở cho sinh viên, ví dụ như Diễn đàn những người bạn.
      Tìm chỗ ở và các vấn đề liên quan đến sinh viên, là nội dung của Hội thảo du học Pháp/Journée d'Information franco-asiatique do Hội ADEVF/daugau.com tổ chức phối hợp với Institut Du Fleuve ngày 26 tháng 9 tới tại Paris.

      Các lưu trữ
      1. 1
      2. 2
      3. 3
      4. ...
      5. trang sau >
      6. trang cuối >
      7.               
        http://vi.rfi.fr/viet-nam/20100901-cho-o-moi-lo-lon-cua-sinh-vien-viet-nam-khi-toi-phap

      Sinh viên Việt Nam tại Pháp : tìm việc sau khi tốt nghiệp

      Sinh viên Việt Nam  tại Pháp : tìm việc sau khi tốt nghiệp
       
      Sân vận động Lille Métropole nhìn từ trên cao xuống. Công ty tư vấn LPC của hai kỹ sư Lâm Minh Đức và Nguyễn Thanh Phong phụ trách bản vẽ thi công và cốt thép cho toàn bộ phần chỗ ngồi, khán đài và bãi để xe. Ảnh của BES Eiffage do Thanh Phong cung cấp

        Theo số liệu của Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp (UAFV), năm 2008-2009, có khoảng 6000 sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp. Trong vài ba năm trở lại đây, ngày càng có nhiều hoạt động do một số hội sinh viên Việt Nam phối hợp với các cơ quan chính phủ Pháp hay các hiệp hội thuộc xã hội dân sự để hỗ trợ sinh viên Việt Nam trong quá trình học tập tại đây.

        Một câu hỏi đặt ra là sinh viên Việt Nam du học sau khi tốt nghiệp các trường Pháp sẽ chọn hướng đi nào và có những cơ hội nào ? Tại Pháp có một số hiệp hội quan tâm đến vấn đề này, như hai Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, ADEVF và UEVF, Hội Kiến trúc, Hội Đồng hành và một số hội khác. Hội ADEVF, hay còn gọi là hội "Đầu Gấu" do anh Vũ Mạnh Hùng là người sáng lập và chủ tịch, là một nhóm sinh viên và cựu sinh viên Việt Nam hoạt động độc lập và khá âm thầm từ năm 2001, đã có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ các sinh viên gặp khó khăn trong quá trình học tập, trong việc giải quyết các thủ tục giấy tờ bị trục trặc và kể cả trong giai đoạn tìm kiếm việc làm. Trả lời câu hỏi mà chúng tôi đặt ra về việc làm của du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp, anh Vũ Mạnh Hùng đưa ra một số nhận xét chung như sau :





        Là người quan tâm giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam du học sinh, anh Vũ Mạnh Hùng đã đưa ra bốn kiểu lựa chọn điển hình của các du học sinh, nhờ đó mà anh có thể định hướng tốt hơn các hoạt động trợ giúp mà anh và các tình nguyện viên rất tha thiết. Dù sao, toàn cảnh lựa chọn việc làm của hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam du học tại Pháp không dễ gì mà có thể tóm lại được hết trong một số lựa chọn được trình bày rất lô gíc kể trên.
        Một cuộc gặp gỡ tình cờ khiến chúng tôi hiểu thêm, có những bạn trẻ du học sinh đã chọn ngay từ sớm một lối đi tương đối khác. Đó là trường hợp của Lâm Minh Đức, và Nguyễn Thanh Phong, hai kỹ sư xây dựng tốt nghiệp khoa Bê tông cốt thép, Centre Hautes Etudes de Construction (CHEC) năm 2008. Ra trường vừa được hai năm, hai anh Thanh Phong và Minh Đức đã có được một việc làm ổn định tại một công ty tư vấn xây dựng tại Pháp, đồng thời là đại diện của một công ty tư vấn xây dựng tại Việt Nam để nhận các hợp đồng thiết kế từ một số tập đoàn xây dựng của Pháp.
        Lâm Minh Đức sinh năm 1981, du học tự túc, còn Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1983, có học bổng trong giai đoạn đầu. Trước khi tốt nghiệp CHEC, Nguyễn Thanh Phong theo học 5 năm trường Đại học Xây dựng Bordeaux, còn Lâm Minh Đức, học ngành Quản lý Xây dựng (Đại học Xây dựng) tại Việt Nam, rồi qua Pháp học thêm một năm tiếng, và một năm chuyên ngành Bê tông cốt thép. Những thành quả hiện nay trong công việc của hai kỹ sư trẻ này là gì và vì sao nhóm kỹ sư này lại gặt hái được các kết quả như vậy ? Sau đây là tâm sự của anh Lâm Minh Đức (tiếp theo đó là ý kiến của anh Nguyễn Thanh Phong) :
        Hai kỹ sư Lâm Minh Đức và Nguyễn Thanh Phong (Công ty LPC) 18/08/2010 Nghe





        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >
        http://vi.rfi.fr/viet-nam/20100818-sinh-vien-viet-nam-tai-phap-tim-viec-sau-khi-tot-nghiep
           

        Geen opmerkingen:

        Een reactie posten