zondag 12 juni 2016

Việt Nam vay thêm $20 tỷ, hơn một nửa để... trả nợ + Việt Nam ngập nợ công, nguy hiểm, nhưng vẫn phải đi vay

Việt Nam vay thêm $20 tỷ, hơn một nửa để trả nợ
Friday, June 10, 2016 6:03:15 PM

Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) - Đó là điểm chính trong một quyết định liên quan đến “điều hành nợ nần” của Việt Nam trong năm nay. Quyết định vừa được thủ tướng Việt Nam phê duyệt.
Việt Nam cần vay tới hơn $20 tỷ vì nợ nhiều mà không có tiền trả đúng hạn nên cứ phải vay nhiều hơn. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Theo quyết định vừa kể thì năm nay, chính phủ Việt Nam dự tính vay 452,000 tỷ đồng (hơn $20 tỷ) và sẽ lấy từ đó 273,000 tỷ đồng ($12 tỷ) để trả nợ. Phần còn dư sẽ dùng để... bù đắp bội chi.
Trong 452,000 tỷ đồng mà chính phủ Việt Nam dự tính đi vay, có khoảng 336,000 tỷ đồng sẽ vay từ việc phát hành trái phiếu tại Việt Nam, vay của Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội (quỹ dùng để trả trợ cấp thất nghiệp, lương hưu) và SCIC (SCIC là cách gọi tắt Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước. SCIC là cơ quan nắm giữ phần vốn của chính quyền Việt Nam tại các doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng chính quyền Việt Nam chưa rút hết vốn). Phần còn lại, chính phủ Việt Nam sẽ hỏi vay quốc tế như vay qua các nguồn ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển), phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, kể cả phát hành trái phiếu Samurai (vay bằng Yen tại thị trường tài chính của Nhật).
Việt Nam đã ngập trong nợ và đang chìm sâu vì nợ.
Cách nay vài ngày, cơ quan nghiên cứu của Ngân Hàng Đầu Tư-Phát Triển Việt Nam (thường được gọi tắt là Trung Tâm Nghiên Cứu BIDV), công bố kết quả khảo sát về thực trạng nợ nần của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, mỗi năm, nợ nần của Việt Nam tăng 16.7%. So với tổng nợ của năm 2011 (1,393 triệu tỷ đồng), tổng nợ của năm 2015 (2,608 triệu tỷ đồng) tăng gấp hai lần. Tương đương 62.2% GDP.
Trung Tâm Nghiên Cứu BIDV nói thêm, đó mới chỉ là tính theo cách tính toán nợ nần của chính phủ Việt Nam. Nếu tính đúng, tính đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, tổng nợ của Việt Nam đã vượt quá 100% GDP.
Bởi mức độ ưu đãi dành cho Việt Nam khi vay từ các nguồn quốc tế đang giảm, nên Việt Nam đang chuyển hướng đi vay từ vay quốc tế thành vay trong nước. Tiền vay trong nước đã tăng từ 40% tổng nợ hồi năm 2011 thành 57.1% tổng nợ vào cuối năm 2015. Giá trị khối lương trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần so với giá trị khối lương trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2006-2010.
Để có thể vay nhiều hơn từ trong nước, ngoài việc nâng lãi suất lên mức cao hơn lãi suất của hệ thống ngân hàng, chính phủ Việt Nam còn hạ kỳ hạn trái phiếu. Bởi có tới 77% trái phiếu đã phát hành từ 2011 đến 2013 là trái phiếu ngắn hạn (phải trả đủ cả vốn lẫn lãi trong vòng từ một đến ba năm) nên đến năm 2014, chính phủ Việt Nam phải liên tục phát hành thêm trái phiếu mới để lấy tiền thanh toán các trái phiếu tới hạn thanh toán.
Tuy vay càng ngày càng nhiều, số lượng vay càng lúc càng lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn vay của chính phủ Việt Nam cực kỳ tệ hại bởi đa số vốn vay được rót hết vào các công trình đầu tư vô bổ, thiếu chất lương và doanh nghiệp nhà nước.

Xin mời xem thêm video: Phát hiện chất cực độc trong cá nục ở vùng biển miền Trung
Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới (WB), giai đoạn 2006-2010, chỉ số ICOR (để tính toán hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam là 6.9, sang giai đoạn 2011 đến 2014 vẫn còn tới 6.92. Nghĩa là vẫn phải bỏ ra gần 7 đồng mới tạo được 1 đồng sản lượng.
Đáng chú ý là càng về sau này, việc sử dụng tiền vay càng đáng ngại. Sau giai đoạn phung phí tiền đi vay, Việt Nam tiến tới giai đoạn phải vay tiền để trả nợ và số tiền phải trả càng ngày càng lớn. Năm 2014, nhiều người tỏ ra hết sức ái ngại khi tiền trả nợ của Việt Nam tương đương 38% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên tỉ lệ này không ngừng ở đó. Đến năm 2015, tiền trả nợ của Việt Nam tương đương... 45% tổng thu ngân sách.
Do dốc sức để trả nợ, đầu tư cho phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế cũng như các lĩnh vực thiết yếu khác cùng giảm. Vài năm nay, chi tiêu dành cho phát triển chỉ còn không tới 5% tổng thu ngân sách.
Đó cũng là lý do các nguồn thu cho ngân sách giảm nhanh và mạnh. Năm 2011 thu ngân sách tương đương 25.9% GDP. Năm 2015 tụt xuống 22.1% GDP và các chuyên gia kinh tế khẳng định, tỉ lệ thu ngân sách/GDP sẽ còn giảm nữa. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=229878&zoneid=1

Người dân Việt Nam ‘gánh’ nợ công ngày càng nhiều
Monday, May 04, 2015 3:40:01 PM

Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) - Nếu một năm trước, người dân Việt “gánh” khoảng $896 nợ công/người, thì nay số nợ công trên đầu người Việt Nam đã lên tới $979.77.



ADB dự báo nợ công Việt Nam có thể lên 60% GDP vào năm 2016. (Hình: Dân Trí)

Dân Trí loan tin, theo cập nhật tại Đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist sáng 4 tháng 5, hiện tại, tổng nợ công của Việt Nam đang ở mức $89.08 tỷ, chiếm tỉ lệ 46.6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm này năm ngoái, nợ công của Việt Nam là $81 tỷ chiếm tỉ lệ 47.9% GDP. Và như vậy, với dân số 91.46 triệu dân, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang “gánh” trên mình $979.77 nợ công, tức khoảng 21.2 triệu đồng cho nhà cầm quyền CSVN.
Thế nhưng, đánh giá về tình hình nợ công của Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng, khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. Mức độ nợ công luôn được báo cáo ở dưới ngưỡng an toàn, phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện hiện tại. Theo ông Thiên, vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ.
Theo đánh giá của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, cách hạch toán ngân sách nhà nước ở Việt Nam không theo thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu chính phủ cho các dự án giáo dục, thủy lợi, y tế... được để ngoài bảng, không được tính vào thâm hụt ngân sách và nợ công.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Giá Cả thì, sự bỏ sót trong hạch toán thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua số chênh lệch giữa lượng trái phiếu chính phủ phát hành vay nợ thực tế hàng năm và con số trái phiếu phản ánh trong quyết toán.
Sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khóa khiến cho con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng nợ công của Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin cho những người tham gia thị trường, khiến cho việc so sánh quốc tế, đánh giá, và quản lý rủi ro nợ công của Việt Nam khó khăn.
“Với tỉ lệ nợ công so với GDP như vậy, đồng thời với những khó khăn cũng như xu hướng nợ công tăng, khả năng chi trả và việc sử dụng không hiệu quả thì đây là tình trạng đáng báo động,” ông Long quan ngại.
Tin cho hay, để chủ động tái cơ cấu danh mục nợ công hiện hành, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, Bộ Tài Chính đã xin ý kiến phát hành Trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu là huy động vốn cho nền kinh tế Việt Nam để tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, ông không đề cập tới giá trị số trái phiếu dự kiến phát hành là bao nhiêu. (Tr.N)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=206757&zoneid=1

Việt Nam ngập nợ công, nguy hiểm, nhưng vẫn phải đi vay
Thursday, May 14, 2015 6:37:29 PM

Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) -
Dù nợ công gia tăng nhanh chóng và đang ở mức rất cao nhưng nhà cầm quyền CSVN tuy biết nguy hiểm, vẫn phải tiếp tục vay thêm để chế độ có thể tồn tại.


 CSVN đang đối diện nợ công ngày một gia tăng nhưng vẫn phải vay thêm. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Bản tin tờ Đất Việt thuật lại cuộc họp báo của ông Trương Hùng Long, Cục trưởng cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính CSVN, cả quyết như thế tại cuộc họp mặt báo chí chiều ngày Thứ Năm 14 tháng 5 như vậy.
Theo ông Long nói trong cuộc họp báo, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của nhà cầm quyền Việt Nam so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15.2%;  2014 là 13.8%; 2015 là 16.1%. Với cái tỉ lệ này, ông “khẳng định, tỷ lệ này vẫn dưới ngưỡng quy định 25% của Chiến lược nợ công”, theo tờ Đất Việt.
Tuy nhiên, các con số do ông đưa ra lại mâu thuẫn với một báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội mới đây, nói rằng “tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên tới 31% thu ngân sách, tức vượt ngưỡng cho phép”.
Để vận hành guồng máy, nhà cầm quyền vay từ các ngân hàng thương mại trong nước dưới hình thức bán trái phiếu chính phủ. Vay của nước ngoài qua hình thức tín dụng ưu đãi phát triển (ODA) và một số ít trường hợp phát hành trái phiếu quốc tế.
Ngân sách nhà nước CSVN không năm nào không “bội chi” tức là thu ngân sách không đủ cho chi tiêu công mọi mặt nên phải vay mượn bằng mọi cách. Trong cuộc họp báo nói trên, ông Trương Hùng Long gián tiếp nhìn nhận tình trạng chế độ ngày càng khốn đốn tài chính khi ông cho biết “Ngân sách nhà nước hiện nay đang trong giai đoạn căng thẳng”.
Hồi Tháng Hai vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời một cuộc chất vấn tại Quốc Hội chỉ nhìn nhận “nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng”.
Nhưng trước đó, trong khóa họp cuối tháng 10 năm ngoái, một bản báo cáo tổng hợp của Quốc hội từng nói rằng “Nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần.”
Trước ngày ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn ở Quốc hội, bà Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cảnh báo rằng năm nay nợ công của Việt Nam sẽ nóng hơn trước rất nhiều.
Theo bà  cách đây 14 năm tức năm 2001, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chỉ mới là 11.5% GDP thì đến năm 2010, con số này đã tăng gần 5 lần, lên thành 51.7% GDP. Trong 3 năm kế tiếp, từ 2010-2013, nợ công đi ngang, chỉ tăng tiếp lên 54.2%. Nhưng năm 2014, nợ công dự tính sẽ lại tăng vọt lên tới tận 60.3% GDP.
Ông thủ tướng, ông bộ trưởng Bộ Tài chính của chế độ và nhiều quan chức khác vẫn cho rằng nợ công của Việt Nam “vẫn ở ngưỡng an toàn”.
Trên tờ Đất Việt, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…
Theo ông Vũ Quang Việt, nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50.1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia. Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.
Đồng hồ dự báo nợ công Việt Nam của The Economist báo động nợ công Việt Nam sẽ tăng lên $97.35 tỷ vào năm tới, tức mỗi người dân sẽ gánh nợ $1,065.
“Tôi đã đi nhiều nước nhưng không có nước nào xài tiền tùy tiện như Việt Nam. Tôi làm việc với Quốc hội Pháp, họ không mời được bữa cơm vì chưa thông qua ngân sách. Ở đây dự thảo viết là cơ quan có thẩm quyền, đó là cơ quan nào?” Ông Trần Du Lịch, một đại biểu quốc hội CSVN ở Sài Gòn nói như thế trong buổi tọa đàm  “góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước” hôm 12 tháng 5, 2015 tại Sài Gòn, theo tờ Đất Việt tường thuật. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=207325&zoneid=1

Quả báo ngân sách: Nợ công ‘cấm cửa’ ODA
Sunday, April 10, 2016 2:36:30 PM

Bài liên quan



Phạm Chí Dũng
2016, Việt Nam bước vào kỷ nguyên Quốc Hội mới, chính phủ mới và ngân sách thủng túi.

“Cấm cửa” vay ưu đãi
Ngay sau hai chuyến làm việc liên tiếp tại Hà Nội của Chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới Jim Jong Kim và Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde mà đã không hứa hẹn bất cứ khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Việt Nam, Bộ Tài Chính nước này đã biểu hiện một cử chỉ lộ diện hơn nhiều so với thái độ cố giấu trước đây: tổ chức buổi họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA vào ngày 22 tháng 3, 2016 tại Hà Nội.
Cuộc họp báo này thấm màu u ám. Cục Trưởng Cục Quản Lý Nợ và Tài Chính Quốc Tế Trương Hùng Long thông báo: Một trong những điều khoản khi Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA vào năm 2017 là các khoản vay hiện nay sẽ phải rút ngắn thời gian trả nợ hoặc chịu trả mức lãi suất cao hơn so với cam kết trước đây.
Nếu giai đoạn trước 2010, thời hạn vay bình quân khoảng 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0.7 - 0.8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn, thì đến giai đoạn 2011-2015 thời gian vay bình quân chỉ còn từ 10-20 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên.
Dự kiến đến tháng 7, 2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3.5%.
Thực ra, “điềm báo” đã hiện ra trước đó. Tháng 12, 2015, Ngân Hàng Thế Giới đã đột ngột thông báo “dừng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.”
Đương nhiên, điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất đương nhiên có thể gây sốc cho ngân sách trong việc “thu xếp” các khoản nợ trong thời gian tới.
Vậy nợ phải trả trong thời gian tới là bao nhiêu?
Ác mộng nợ công
Theo chính báo cáo của Bộ Tài Chính, con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14.7% tức là tương đương trên 150 nghìn tỷ đồng. Còn lại khoản đảo nợ là 95,000 tỷ đồng.
Trước cuộc họp báo trên của Bộ Tài Chính, tại Hội Thảo Công Bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo do Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14 tháng 3, 2016, ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh Tế, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam - đã phải thốt lên: “Ngân sách năm gay rồi, dự báo năm sau sẽ tiếp tục gay thì ảnh hưởng thị trường tài chính của Việt Nam.”
Vào cuối năm 2015, ông Bùi Quang Vinh - Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư đã phát lộ, “Ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng.” Tại thời điểm đó, ngay một số quan chức cấp cao cũng phải thừa nhận “tình hình ngân sách là cực kỳ căng thẳng.” Sau đó, người ta chứng kiến phía chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính phải vay mượn khoảng 30,000 tỷ đồng từ Ngân hàng nhà nước “để cân đối khó khăn ngân sách,” còn Bộ tài chính phải thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng và cả những doanh nghiệp đầy màu mỡ như Vinamilk...
Trong khi đó, bội chi ngân sách đã vượt trần nguy hiểm từ lâu. Vào năm 2013, bội chi ngân sách đã lên đến 6.3% GDP. Còn cuối năm 2015, để “lập thành tích chào mừng đại hội đảng 12,” chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết bội chi ngân sách năm 2015 sẽ không vượt quá 4.5% GDP. Nhưng rốt cuộc, con số phải thừa nhận tại kỳ họp thứ 11 Quốc Hội tháng 3, 2016 là 6.1% GDP.
Nợ công quốc gia cũng “địa ngục” không kém. Càng gần thời điểm cuối cùng của “Triều Đại Nguyễn Tấn Dũng,” tình hình số liệu nợ nần quốc tế càng tung bay hơn. Nếu những năm trước, báo cáo của chính phủ chẳng bao giờ chịu thừa nhận tỉ lệ nợ công/GDP tiệm cận giới hạn nguy hiểm 65%, thì nay một số bộ ngành như Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài Chính đã bắt đầu thốt ra nỗi đau trần trụi này, dù còn kém thua rất xa so với tỉ lệ nợ công/GDP thực tế đã vọt lên đến ít nhất 98% từ năm 2011 - theo chính một chuyên gia nhà nước “làm ra 100 đồng thì đã phải dùng đến hết 98 đồng để trả nợ.”
Trong nợ công quốc gia, ODA chiếm một phần đáng kể và cũng là một thứ trụ giúp cho chân đứng chế độ độc đảng khó bị gãy vụn trong suốt nhiều năm qua.
Quả báo ODA
Tục ngữ Việt “Đi đêm có ngày gặp ma” đã ứng nghiệm dù quá muộn màng.
Quả báo ODA có thể đã bắt đầu từ năm 2012. Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại Giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11.4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19.9 triệu cua-ron.
Năm 2013, phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại Giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
Một trong những “gương người tốt việc tốt” ghê gớm nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải - một kẻ tắm bia khi quan hệ với gái.
Sau đó, báo chí Nhật Bản - chứ không phải báo chí Việt Nam - đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một trưởng ban của PMU Đông-Tây là Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800,000 đô la.
Chỉ vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam do bị nghi nhận tổng cộng 16 tỷ đồng tiền hối lộ từ công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC), vào đầu tháng 6, 2014, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã ra thông báo cho biết các khoản vay mới bằng đồng yen và các khoản tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bị đình chỉ.
Hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.
Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Trong một lần hiếm hoi, báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng& thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.
Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80,000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8,000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24,000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn thảm thiết đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng.
Còn rất nhiều dẫn chứng khác về lãng phí và “ăn dày” ODA. Năm 2015, báo chí phản ánh công trình cầu vượt Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 290 tỉ đồng rồi... bỏ không khoảng ba năm nay do hết vốn làm đường dẫn, gây lãng phí. Hoặc dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.HCM, dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng và hàng loạt dự án cơ khí, cấp nước, nông nghiệp vay vốn ODA từ Pháp, Đức không hiệu quả...
Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông, chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở TP.HCM...
Thế nhưng điều kỳ quái la cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời.
2016, sau vài chục năm “vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ,” ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay “cấm cửa” vay mượn ODA đối với chính thể “ăn của dân không chừa thứ gì.”
Trong cơn mê sảng quằn quại giai đoạn cuối, quả báo đã ứng nghiệm.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225987&zoneid=1

Trả nợ công: Lại 'nhìn trộm' túi quần dân chúng
Sunday, May 29, 2016 5:41:57 PM

Bài liên quan



Phạm Chí Dũng
Việt Nam vào Tháng Năm, 2016. Vừa lộ thêm một dấu hiệu rất “minh bạch” về ngân sách kiệt quệ: Xuất phát từ “gợi ý” của Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam để chỉ cần Ngân Hàng Nhà Nước “gật,” một cơ chế huy động khoảng 500 tấn vàng - trị giá hàng chục tỷ đô la - sẽ được tung ra.
Lại “lấy mỡ nó rán nó”
Sau năm năm, một lần nữa trong khá nhiều lần, phương châm “lấy mỡ nó rán nó,” hoặc có thể hiểu một cách thô kệch hơn là “lấy dân rán dân,” từ thời Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình được lăm le bổn cũ soạn lại. Chỉ có điều, tác nhân vào lần này lại là Bộ Tài Chính chứ không phải thống đốc mới Lê Minh Hưng - con trai của cố Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương.
Bộ Tài Chính, cơ quan tỏ đặc biệt nóng ruột trước tình trạng “không biết lấy tiền đâu để chi” trong khoảng một năm qua, cũng phải nói tuột ra: Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam những năm tới rất lớn, nhưng dự kiến đến Tháng Bảy, 2017 có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với lãi suất cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay. Ngân Hàng Nhà Nước cần nghiên cứu sớm thành lập Sở Giao Dịch Vàng Quốc Gia để huy động vàng trong dân.
Có thể hình dung tình hình nợ công và ngân sách đang thực sự bi đát. Báo cáo mới nhất của chính phủ Việt Nam dù vẫn “thu xếp” mức nợ công chỉ khoảng 62.2% GDP, tức còn thấp hơn ngưỡng nguy hiểm 65%, nhưng đã phải thừa nhận rằng không những nợ công tăng khá nhanh trong giai đoạn năm năm qua mà nghĩa vụ trả nợ công cũng đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ tăng từ 185,800 tỷ đồng năm 2013 lên 296,200 tỷ đồng năm 2015. Còn nếu tính cả nợ bảo lãnh chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,400 tỷ đồng.
Như vậy, số nợ công mà Việt Nam phải trả năm 2015 là khoảng $20 tỷ. Ðây là một con số quá lớn, chiếm đến 10% GDP hàng năm, nhưng lại trong tình trạng ngân sách rỗng ruột và có thể sụp đổ.
Chết đến nơi mới chịu kêu cứu. Vào năm 2015, những con số do một số cơ quan nhà nước công bố đã cho thấy Việt Nam chỉ có “trách nhiệm” trả nợ công khoảng $7 tỷ. Con số này là quá thấp so với con số $20 tỷ mà chính quyền Việt Nam vừa buộc phải thừa nhận.
“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công?”
“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công” được coi là một tuyên bố vô trách nhiệm nhất của giới quan chức vào năm 2015. Thế nhưng vào Tháng Tám, 2015, chính báo giới nhà nước đã đồng loạt phát tin “Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Ðông Nam Á” và “được” ngân hàng Bank of America (Mỹ) xếp hạng rủi ro thứ 12 trên thế giới.
Thứ hạng 12 trên lại khá tương đồng với vị trí từ dưới đếm lên của Việt Nam trong bảng xếp hạng về độ minh bạch của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI).
Tỷ lệ thực về nợ công/GDP do những chuyên gia phân tích độc lập đưa ra lại khác xa số liệu bít bùng của chính phủ. Từ cuối năm 2013, nợ công/GDP đã được một chuyên gia nhà nước thừa nhận là tăng đến 98%, tức làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ.
Thậm chí những chuyên gia độc lập khác đã nêu ra tỷ lệ nợ công/GDP lớn hơn: 106%, nếu tính đầy đủ nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tiêu chí hướng dẫn cách tính nợ công của Liên hiệp quốc.
Còn gần đây, cùng với thông tin mới nhất về tỷ lệ nợ công của Trung Quốc đã lên đến 250%/GDP, một chuyên gia kinh tế là Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước& thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4.5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng $220 tỷ. Ðáng chú ý, nhận định của ông Doanh phát ra trong một cuộc hội thảo khoa học nhận diện về nợ công diễn ra mới đây - ngày 18 Tháng Năm - tại Hà Nội.
Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng $300 tỷ, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp Argentina năm 2001.
“Lòng tin chiến lược” sụp đổ
Quả thực, tình hình ngân sách Việt Nam ngày càng “minh bạch.” Nếu vào những năm dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng ngân sách mặc dù khá xấu nhưng vẫn bị ém nhẹm, thì đến lúc này chính Bộ Tài Chính đã phải thừa nhận về tương lai gần như bế tắc trong vay vốn ưu đãi ODA.
Nhìn lại quá khứ gần, có thể thấy rõ “lòng tin chiến lược” của quốc tế vào chính thể đầy rẫy tham nhũng và lãng phí ở Việt Nam đã thực sự sụp đổ từ năm 2014.
Không quá ngạc nhiên khi vào Tháng Mười Hai, 2015, đại diện của Ngân Hàng Thế Giới (WB) tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Tới Tháng Ba, bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đến làm việc tại Việt Nam. Cũng tương tự như kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của ông Jim Yong Kim, chủ tịch WA, vào Tháng Hai, tổ chức này không hứa hẹn cung cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch WB tổng giám đốc IMF đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng tha thiết đón tiếp.
Sau hai cú sốc mang tên WB và IMF, giới lãnh đạo Việt Nam còn bị giáng thêm một đòn nữa, cũng vào Tháng Ba, khi Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cũng tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi.
Chẳng còn kiểu cười tươi rói như địa chủ được mùa. Mà bi kịch tiếp nối bi kịch.
Vào năm 2015, một con số ước tính của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư cho rằng trong năm 2016, Việt Nam phải trả khoảng 360,000 tỷ đồng nợ công, tương đương khoảng $15 tỷ. Nhưng nếu căn cứ vào con số nợ công khoảng $20 tỷ Việt Nam phải trả trong năm 2015, chắc chắn số nợ công phải trả trong năm 2016 còn cao hơn $20 tỷ.
Lại “nhìn trộm” túi quần dân chúng
Tình trạng ngân sách Việt Nam đã đến thời điểm Minsky nợ và có thể vỡ nợ. Hai mươi tỷ đô la năm 2015 phải bị “hồi tố,” chưa kể năm 2016 và những năm tới...
Một lần nữa trong cơn bỉ cực, chính quyền lại “nhìn trộm” túi quần dân chúng. “Huy động vàng trong dân” là một chiêu sách có tính tình thế nhất. Từ năm 2011 đến nay, đã ít nhất ba lần chính quyền rất muốn “hốt vàng” như thế.
Hai lần trước, cuối năm 2011 và đầu năm 2015, chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước đã tung ra chính sách “sẽ huy động vàng” trong dân, theo phương châm “lấy mỡ nó rán nó.”
Thế nhưng, lần nào cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại lo lắng về “quyết tâm thu hồi vàng trong dân” của Ngân Hàng Nhà Nước, vì trong thực tế chính quyền hoàn toàn chẳng có nổi một giải pháp đủ thuyết phục để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng, dù đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước phải có những biện pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng.
Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Agribank, ACB, Vietinbank,... cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như,... chưa kể hàng loạt ngân hàng có lãnh đạo bị tống giam từ năm 2014 đến nay như Ngân Hàng Xây Dựng, Ðại Dương, GP, hoặc hiện tượng “tiền tiết kiệm bốc hơi,” khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ “không cánh mà bay.”
“Chứng chỉ vàng” hay “trái phiếu vàng” mà Bộ Tài Chính lấp ló muốn trưng ra đã trở nên quá thô kệch và còn có thể là lừa lọc. Vào lần này, “sáng kiến” huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng nào từ túi quần dân tuồn sang ngân quỹ của giới ngân hàng chỉ biết thủ lợi bất kể nhiều triệu dân không biết sẽ tồn tại ra sao trong những tháng năm tới.

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=229096&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten