Saturday, October 31, 2015 6:15:26 PM
Trao tặng Pacem In Terris đến Thiền sư Nhất hạnh |
Đông Bàn/Người Việt
Giám Mục Martin Amos (trái), trao giải thưởng đến Sư Cô Chân Không
(giữa), đại diện của Thiền Sư Nhất Hạnh. Bên phải là Thầy Pháp Đăng.
(Hình: Nhân Phạm/Người Việt)
Giám Mục Martin Amos tuyên đọc lý do Ủy Ban Quản Nhiệm chọn trao giải thưởng năm nay đến Thiền Sư Nhất Hạnh. Nội dung có đoạn: “Hòa Thượng Nhất Hạnh đã dành cả cuộc đời cống hiến cho hòa bình và công lý. Ông đã uyển chuyển phối hợp và cân bằng truyền thống tinh thần Đông Phương và Tây Phương. Ông kiên trì truyền đạt thực tập chánh niệm, chuyển hóa năng lượng chánh niệm vào hiện tại. Ông tiên phong ứng dụng Phật Giáo và năng lượng chánh niệm để nuôi dưỡng sự hiểu biết, lòng vị tha, và thực hiện hành động trắc ẩn vì phúc lợi của mọi người.”
Trả lời phỏng vấn Người Việt về câu hỏi có sự tương đồng nào giữa Phật Giáo và Công Giáo, Giám Mục Amos nói rằng: “Giải thưởng này được trao đặc biệt cho một cá nhân quan tâm đến kiến tạo hòa bình, nhất là hòa bình từ nội tâm. Chúng tôi vui vì Hòa Thượng Nhất Hạnh được trao tặng lần này. Vì đó cũng là điều mà chúng tôi, những người Công Giáo, tin vào. Chúng ta có thể tin rằng, từ bên trong chúng ta có sự an bình, và an bình ấy đến với chúng ta từ tác động bên ngoài. Vì vậy, tôi tin là có nhiều tương đồng giữa Phật Giáo và Công Giáo.”
Đối với sự hấp dẫn của phương pháp do Thiền Sư Nhất Hạnh khởi xướng đối với người Tây Phương, Sư Cô Chân Không, một đệ tử của Hòa Thượng, phân tích: “Có lẽ Thầy [Thiền Sư Nhất Hạnh] đã khéo léo dùng một nhánh của Bát Chánh Đạo. Người Tây Phương không biết về đạo Phật, nhưng biết rằng Chánh Niệm là trở về với giây phút hiện tại. Có bình an, có chánh niệm, dẫn đến chánh đạo. Chánh đạo tức thấy sâu, và từ đó có chánh tuệ, tức giác ngộ.”
Về sự kiện một tu sĩ Phật Giáo được trao tặng giải thưởng của một tổ chức Công Giáo, tác giả Trần Kiêm Đoàn viết rằng sự kiện này “tạo ra được tác dụng tinh thần, xã hội và giáo dục lâu dài, mang ý nghĩa sâu sắc của tinh thần tương tác và hiệp thông mà các nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu trên cả hai thế giới Đông Tây thường rao giảng.”
Thầy Pháp Đăng, một trong những đệ tử theo thiền sư Nhất Hạnh từ những ngày đầu, nói với Người Việt: “Hòa Thượng Nhất Hạnh là người một đời hy sinh cho nền hòa bình. Đây là lần đầu tiên một giải thưởng Công Giáo được trao cho một người Phật Giáo. Cho thấy giữa Công Giáo và Phật Giáo có sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau.”
Sư Cô Chân Không (phải) cùng Thầy Pháp Đăng (trái) trao tặng phẩm đến
Giám Mục Martin Amos. (Hình: Nhân Phạm/Người Việt)
Cư sĩ Nguyễn Tấn Thọ đồng ý với nhận định này: “Lúc đầu chúng tôi ngạc nhiên. Vì không nghĩ một tổ chức Công Giáo lại tặng thưởng một tu sĩ Phật Giáo. Nhưng suy nghĩ lại thì thấy là rất đặc biệt. Giải thưởng này nói lên sự hòa hợp tôn giáo, mà Công Giáo đã đi bước đầu.”
Giáo sư Nguyễn Trung Quân, một cư sĩ, nói rằng đây là một “thông điệp về tình thương.” “Đây là một thông điệp lớn: Nhìn về hòa bình, tình thương của con người, đến đất nước, đến nhân loại. Thầy tôi bắt đầu từ hòa bình nội tâm, rồi nở ra cho đất nước, rồi thế giới.”
Nhân vật
Bài báo trên The Catholic Messenger giới thiệu nhân vật được chọn trao giải, mở đầu: Thiền Sư Nhất Hạnh là người nối nhịp cầu tinh thần phương Đông và phương Tây.
Bài viết này nhắc đến chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế: “Khổ” - là điều mà, vẫn theo bài báo, Thiền Sư Nhất Hạnh đã áp dụng vào bối cảnh Tây phương hiện đại, giải thích rằng, “để giảm thiểu đau khổ, thiền sinh cần có kinh nghiệm trực tiếp về nỗi khổ đau của thời đại mình đang sống.”
Bài báo cũng nhắc đến khái niệm “chuyển hóa bản thân,” “tỉnh thức,” và “chánh niệm” mà Thiền Sư Nhất Hạnh dành phần lớn đời mình để phổ biến. Bài báo viết, “chuyển hóa bản thân,” theo quan điểm của Thiền Sư Nhất Hạnh, bắt đầu bằng việc khai mở năng lượng chánh niệm. Nền tảng của thực tập chánh niệm là luôn ý thức được điều kỳ diệu của hành động thở - hít vào và thở ra. Ý thức từng hơi thở, ý thức từng bước đi, ý thức lúc ăn uống - những cánh cửa để mở tâm và định trí. Thực tập chánh niệm giúp nuôi dưỡng tự nhận thức và lòng vị tha, biết lắng nghe và thực hiện điều thiện, vì phúc lợi của tất cả mọi người, kể cả kẻ thù, và thế giới.
Bài báo nêu các thành tựu của Thiền Sư Nhất Hạnh: Được công nhận là người sáng lập trường phái Phật Giáo Dấn Thân, là người khai sinh Thiền Chánh Niệm trong văn hóa Tây phương. Thập niên 1960, ông thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội - một thể hiện của Phật Giáo dấn thân. Từ hoạt động này, ông sáng lập Dòng Tu Tiếp Hiện, lập tu viện, tiếp nhận tu sinh, huấn luyện Thiền Chánh Niệm.
Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách, viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng, “An Lạc Từng Bước Chân,” “Hoa Sen Trong Biển Lửa,” “Hãy Gọi Đúng Tên Tôi”...Bối cảnh
Pacem in Terris - Hòa Bình Thế Giới - là thông điệp của Đức Giáo Hoàng John XXIII, phổ biến ngày 11 Tháng Tư, 1963. Đây có thể được xem là thông điệp cuối cùng của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Ngài được chẩn bệnh ung thư Tháng Chín, 1962, qua đời hai tháng sau khi hoàn tất thông điệp nổi tiếng này.
Tên gọi “Pacem in Terris” là cách gọi ngắn gọn, dựa trên lời mở đầu của thông điệp. Lời ấy có nội dung: “Hòa bình thế giới, nền hòa bình mà mọi người, thuộc mọi thời đại, đều khao khát mãnh liệt, không thể được kiến tạo một cách vững chãi trừ khi mệnh lệnh, vốn đã an bài từ Thượng Đế, được tôn kính tuân hành.”
Tăng sinh tại Lộc Uyển theo dõi buổi lễ trao tặng giải thưởng Pacem in Terris.
(Hình: Nhân Phạm/Người Việt)
Thông điệp hòa bình được phổ biến ở thời điểm ngột ngạt nhất của Chiến Tranh Lạnh: Vài tháng sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, vài năm sau khi các khối tự do và khối Cộng Sản hiện diện tại Berlin; và chỉ hai năm sau khi bức tường Berlin được dựng lên, chia đôi nước Đức.
Theo Wikipedia, Hòa Bình Thế Giới không chỉ là một thông điệp, mà là một sự kiện, được đăng tải trọn vẹn trên nhật báo New York Times. Còn nhật báo Washington Post viết, đây “không chỉ là tiếng nói của một tu sĩ già, cũng không chỉ là quan điểm của một tôn giáo lâu đời; mà đây chính là tiếng nói lương tri của thế giới.”
Hai năm sau khi phổ biến, Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc hội thảo về thông điệp này, quy tụ hơn 2,000 nguyên thủ quốc gia và học giả.
Giải thưởng Hòa Bình Thế Giới - Pacem in Terris Peace and Freedom Award - ra đời năm 1964, do một tổ chức Công Giáo lấy cảm hứng từ thông điệp nêu trên. Giải thưởng nhằm “vinh danh thành tựu của một cá nhân, cho nền hòa bình và công lý, không chỉ ở quốc gia họ sống, mà cho cả thế giới.”
Giải thưởng bắt đầu từ năm 1963, do Hội Đồng Liên Tộc Công Giáo Davenport thuộc Giáo Phận Davenport, Iowa, khởi xướng. Từ năm 1976, giải thưởng được trao tặng mỗi năm một lần, do Quad Cities Pacem in Terris Coalition đảm trách. Đến năm 2010, giải thưởng được quản nhiệm bởi Diocese of Davenport, St. Ambrose University, Augustana College, Churches United of the Quad-Cities, Pax Christi, The Catholic Messenger, the Congregation of the Humility of Mary, the Sisters of St. Benedict, the Muslim Community of the Quad Cities, và the Sisters of St. Francis.
Trong 51 năm lịch sử của giải thưởng này, có 45 người được trao tặng vinh dự. Trong số này có sáu khôi nguyên Nobel Hòa Bình cùng các tên tuổi nổi tiếng, như Mục Sư Martin Luther King, Mẹ Teresa, Tổng Giám Mục Desmond Tutu, Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa, Tổng Thống John F. Kennedy (truy tặng), Cezar Chavez...
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216793&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten