woensdag 11 november 2015

Myanmar : Aung San Suu Kyi - chân dung biểu tượng dân chủ toàn cầu

Thứ tư, 11/11/2015 | 05:24 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 11/11/2015 | 05:24 GMT+7

Aung San Suu Kyi - chân dung biểu tượng dân chủ toàn cầu

"Với tư cách là con của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra", bà Aung San Suu Kyi nói về quyết định tham gia vào chính trị, sự nghiệp đã khiến bà phải xa cách gia đình trong rất nhiều năm.
aung-san-suu-kyi-con-gai-cua-anh-hung-nguoi-me-cua-dan-toc
Aung San Suu Kyi (giữa) chỉ hai tuổi khi cha của bà bị sát hại. Ảnh: AP
Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon). Bà là con gái của anh hùng Myanmar, tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát trong giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập, khi bà Suu Kyi mới hai tuổi.
Năm 1960, bà đến Ấn Độ cùng với mẹ mình là Khin Kyi, người được bổ nhiệm làm đại sứ Myanmar ở Delhi. 4 năm sau, bà theo học Đại học Oxford tại Anh, nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế. Ở đó, bà gặp người chồng tương lai của mình, học giả Michael Aris.
"Tôi muốn đảm bảo ông ấy biết ngay từ đầu rằng đất nước có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi, và nếu tôi cần quay về Myanmar, thì ông ấy đừng cố gắng xen giữa đất nước của tôi và tôi", Suu Kyi kể về câu chuyện nói với chồng một ngày trước đám cưới của họ, theo một cuộc phỏng vấn năm 2012 của bà với BBC.
Sau một thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, bà định cư ở Anh để nuôi hai con, Alexander và Kim, nhưng Myanmar luôn nằm trong suy nghĩ của bà.
Khi bà về Yangon năm 1988 để chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng, Myanmar đang trong cơn biến động chính trị lớn. Hàng nghìn sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường đòi cải cách dân chủ.
"Với tư cách là con gái của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra", bà nói trong một bài phát biểu tại Yangon ngày 26/8/1988. Bà đã dẫn đầu phong trào chống lại lãnh đạo Myanmar sau đó là tướng Ne Win. Bà được người dân Myanmar gọi là mẹ Suu hay là cô Suu.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bị giải tán bởi quân đội - những người nắm quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 18/9/1988. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại nhà vào năm sau.
Tháng 5/1990, chính quyền quân sự tổ chức cuộc bầu cử quốc gia, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng, tuy nhiên, chính quyền từ chối bàn giao quyền kiểm soát.
Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, con trai đã thay mặt bà đến nhận. Chủ tịch ủy ban trao giải gọi bà là "một ví dụ nổi bật về sức mạnh của những người không có quyền hành".
Bà Suu Kyi bị quản thúc ở Yangon trong 6 năm, cho đến khi được thả vào tháng 7/1995. Bà một lần nữa bị quản thúc tại nhà vào tháng 9/2000, khi bà cố gắng đến thành phố Mandalay, bất chấp lệnh hạn chế đi lại.
Bà được thả vô điều kiện vào tháng 5/2002, nhưng chỉ hơn một năm sau đó bà phải ngồi tù, sau một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn.
Trong thời gian bị giam, bà Suu Kyi vùi mình nghiên cứu và tập luyện thể lực. Bà ngồi thiền, trau dồi kỹ năng tiếng Pháp và tiếng Nhật, và thư giãn bằng cách chơi piano. Có những lúc bà được gặp các quan chức NLD khác và một số nhà ngoại giao.
Nhưng trong những năm đầu bị giam giữ, bà thường bị cô lập. Bà không được phép gặp hai cậu con trai hoặc chồng, ông chết vì ung thư tháng 3/1999. Chính quyền quân sự cho phép bà đến Anh để thăm chồng khi ông ốm nặng, nhưng Suu Kyi cảm thấy bắt buộc phải từ chối vì sợ sẽ không được phép quay trở lại đất nước.
Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng của bà kết thúc vào tháng 11/2010 và con trai Kim Aris được phép đến thăm bà lần đầu tiên trong một thập kỷ.
aung-san-suu-kyi-con-gai-cua-anh-hung-nguoi-me-cua-dan-toc-1
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters
Đầu tháng 2/2011, Quốc hội Myanmar đã bầu ông Thein Sein làm tổng thống dân sự. Sau đó, bà Suu Kyi thực hiện một quyết định quan trọng khi ứng cử vào quốc hội mà trước đây bà chỉ trích là  "không có thật", trong cuộc bầu cử phụ vào tháng 4/2012. Bà và đảng NLD thắng 43 trong số 45 ghế được tranh cử. Vài tuần sau, bà Suu Kyi tuyên thệ tại quốc hội và trở thành lãnh đạo của phe đối lập.
Tháng 5 năm đó, bà lần đầu tiên rời khỏi Myanmar sau 24 năm, để đến Thái Lan, và sau đó là châu Âu. BBC gọi đây là "một dấu hiệu cho thấy bà tự tin rằng các nhà lãnh đạo mới của Myanmar sẽ để bà trở về nước".
Năm đó, bà Suu Kyi nói về sự hối tiếc khi không thể dành nhiều thời gian với gia đình. "Ai cũng muốn ở bên gia đình mình. Tất nhiên, tôi có hối tiếc về điều đó. Hối tiếc về mặt cá nhân", bà nói.
"Tôi muốn nhìn thấy con trai tôi lớn lên. Nhưng tôi không có lưỡng lự gì trước thực tế rằng tôi phải lựa chọn ở lại với người dân của tôi", bà nói.
Năm nay, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được thực hiện ở Myanmar sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm. Đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đến hôm qua giành 15 trong 16 ghế đầu tiên tại quốc hội Myanmar, trong khi đảng cầm quyền thừa nhận thua về số phiếu bầu.
Kể cả khi đảng NLD giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu, bà Aung San Suu Kyi vẫn bị cấm trở thành tổng thống, do một điều khoản hiến pháp cấm bất cứ ai có vợ, chồng hay con là người nước ngoài được giữ chức vụ này. Nhưng hôm 5/11, bà khẳng định sẽ "đứng trên cả tổng thống" nếu đảng của bà giành thắng lợi.
Tuy đảng của bà nhận được nhiều sự ủng hộ, bà cũng hứng chịu một số chỉ trích. Những nhà phê bình cho rằng bà đã thất bại trong việc thiết lập quan hệ làm việc tốt với Tổng thống Thein Sein, hoặc thuyết phục quân đội thay đổi các điều trong hiến pháp. Bà còn bị cho là một cái bóng quá lớn che lấp các chính trị gia có tiềm năng, những người có thể thách thức uy quyền của bà.
Bà cũng làm phật lòng một số người ủng hộ nước ngoài vì vấn đề tôn giáo. Tuy nhiên, theo The Times, bà vẫn là người nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất ở Myanmar. Không ai khác có thể giành chiến thắng như bà, tờ này viết.
aung-san-suu-kyi-con-gai-cua-anh-hung-nguoi-me-cua-dan-toc-2
Đám đông chào đón Aung San Suu Kyi khi lệnh quản thúc đối với bà kết thúc năm 2010. Ảnh: AFP
Phương Vũ
79
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/aung-san-suu-kyi-chan-dung-bieu-tuong-dan-chu-toan-cau-3309983.html

Thứ tư, 11/11/2015 | 11:30 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 11/11/2015 | 11:30 GMT+7

Những khoảnh khắc trọng đại trong cuộc đời 'Quý bà' Myanmar

Trong gần 30 năm tham gia chính trường, với 15 năm bị quản thúc, bà Aung San Suu Kyi, được coi là một biểu tượng đấu tranh dân chủ không chỉ ở Myanmar mà trên khắp toàn cầu.
Aung San Suu Kyi (áo trắng, ngồi giữa) sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon). Bà là con gái của anh hùng Myanmar, tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát trong giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập, khi bà Suu Kyi mới hai tuổi. Ảnh: Rex Features
 
Năm 1960, bà đến Ấn Độ cùng với mẹ mình là Khin Kyi, người được bổ nhiệm làm đại sứ Myanmar ở Delhi. 4 năm sau, bà theo học Đại học Oxford tại Anh, nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế. Ở đó, bà gặp người chồng tương lai của mình, học giả Michael Aris. Ảnh: Rex Features
 
 
Bà có hai con trai là Alexander và Kim. Chồng bà qua đời vì ung thư tháng 3/1999. Ảnh: jendhamuni
 
Khi bà về Yangon năm 1988 để chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng, Myanmar đang trong cơn biến động chính trị lớn. Hàng nghìn sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường đòi cải cách dân chủ. Bà đã dẫn đầu phong trào chống lại lãnh đạo Myanmar sau đó là tướng Ne Win. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bị giải tán bởi quân đội - những người nắm quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 18/9/1988. Ngày 24/9 năm này, Suu Kyi đồng sáng lập đảng Liên minh Quốc Gia vì Dân chủ (NLD). Bà được người dân Myanmar trìu mến gọi là "Mẹ Suu", hay đơn giản hơn là "Quý bà" với tình yêu mến và ngưỡng mộ. Ảnh: AFP
 
 
Năm 1991, Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình. Vào thời điểm đó, bà đã trải qua hai năm quản thúc tại gia. Lần quản thúc đầu tiên kéo dài cho đến năm 2005. Từ năm 1989 đến năm 2010, Suu Kyi đã trải qua 15 năm bị quản thúc tại nhà. Trong ảnh, bà Suu Kyi có bài phát biểu hàng tuần trước đám đông khoảng 5.000 người tại cổng khu nhà của bà ngày 25/5/1996. Ảnh: AP
 
Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng đối với bà kết thúc vào tháng 11/2010. Trong ảnh là lần đầu tiên bà xuất hiện trước công chúng khi được tự do. Ảnh: AP
 
Aung San Suu Kyi đón con trai Kim Aris, sau khi anh hạ cánh xuống sân bay Yangon ngày 23/11/2010. Suu Kyi đã không gặp con trai mình trong 10 năm. Ảnh: Reuters
 
Aung San Suu Kyi tiếp Hillary Clinton, khi đó giữ chức ngoại trưởng Mỹ, tại nhà ở Yangon ngày 2/12/2011. Ảnh: Reuters
 
Đầu tháng 2/2011, Tổng thống dân sự Thein Sein, tiếp quản chính quyền quân sự nước này vào năm 2011. Năm 2012, bà Suu Kyi thực hiện một quyết định quan trọng là ứng cử vào quốc hội và trở thành lãnh đạo phe đối lập. Trong ảnh, Aung San Suu Kyi (giữa) và các nhà lập pháp được bầu trong đảng NLD của bà tuyên thệ tại một phiên họp thường kỳ của Hạ viện Myanmar tại Naypyitaw tháng 2/2012. Ảnh: AP
 
Tháng 5/2012, bà lần đầu tiên rời khỏi Myanmar sau 24 năm, để đến Thái Lan, và sau đó là châu Âu. BBC gọi đây là "một dấu hiệu cho thấy bà tự tin rằng các nhà lãnh đạo mới của Myanmar sẽ để bà trở về nước". Trong ảnh, bà gặp thủ tướng Thái Lan vào thời điểm đó, Yingluck Shinawatra tại Bangkok. Ảnh: AFP
 
 
Tổng thống Obama ôm hôn bà Suu Kyi khi bà đến thăm Nhà Trắng tháng 9/2012. Bà gọi cuộc gặp này là "một trong những ngày cảm động nhất của cuộc đời tôi". Năm 2014, bà đứng thứ 61 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Ảnh: Reuters
 
Bà gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 6 năm nay. The Diplomat gọi việc mời bà đến thăm là nỗ lực của Bắc Kinh để "khôi phục và cải thiện quan hệ với láng giềng phía nam". Ảnh: Reuters
 
Suu Kyi phát biểu trước truyền thông về cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên của Myanmar trong 25 năm hôm 5/11. Bà và người ủng hộ đều tin rằng đảng NLD sẽ thắng cử. Tuy nhiên, bà không thể trở thành tổng thống, do một điều khoản hiến pháp cấm bất cứ ai có vợ, chồng hay con là người nước ngoài được giữ chức vụ này. Nhưng Suu Kyi khẳng định sẽ "đứng trên cả tổng thống" nếu đảng của bà giành thắng lợi. Ảnh: Reuters
 
 

Phương Vũ

http://vnexpress.net/photo/tu-lieu/nhung-khoanh-khac-trong-dai-trong-cuoc-doi-quy-ba-myanmar-3310172.html

Thứ ba, 10/11/2015 | 18:08 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 10/11/2015 | 18:08 GMT+7

Cuộc chiến giữa 'Quý bà' Myanmar và các tướng lĩnh quân đội

Bất chấp sự ngăn cản, đàn áp của các tướng lĩnh quân đội, bà Aung San Suu Kyi vẫn kiên cường chiến đấu và đang thắng thế trong cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar
cuoc-chien-giua-quy-ba-myanmar-va-cac-tuong-linh-quan-doi
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trước các cử tri sau cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar. Ảnh: Reuters
Bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đang hướng tới một chiến thắng vang dội trong lịch sử Myanmar sau cuộc bầu cử hôm 9/11. Dù kết quả bầu cử chính thức chưa được công bố, nhà lãnh đạo dân chủ này có vẻ như chắc chắn sẽ kiểm soát được hạ viện và có thể nắm đa số trong quốc hội Myanmar.
Nếu chiến thắng, đảng NLD sẽ có lợi thế rất lớn trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu tháng hai năm sau, cũng như trong việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, lựa chọn các bộ trưởng cùng 14 lãnh đạo vùng để tiến tới xây dựng một nhà nước dân chủ và liên bang đích thực.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng đây là một chiến thắng lớn của người phụ nữ được mệnh danh là "Quý bà" trước các tướng lĩnh quân đội thuộc đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) đã nắm quyền Myanmar suốt hàng chục năm qua.
Cuộc chiến 25 năm
Lần gần đây nhất bà Suu Kyi giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử là vào năm 1990, khi lực lượng dân chủ do bà lãnh đạo đạt số phiếu bầu áp đảo trước đại diện của chính quyền quân sự Myanmar và kiểm soát 80% số ghế trong Quốc hội, theo NYTimes.
Các tướng lĩnh quân đội cầm quyền nhanh chóng đáp trả bằng cách bác bỏ kết quả bỏ phiếu, giam lỏng bà Suu Kyi tại nhà, bắt bớ hàng nghìn người ủng hộ bà. Hành động này của chính quyền quân sự đã đẩy Myanmar vào một thời kỳ đen tối, trở nên lạc lõng so với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và chính trị của các quốc gia láng giềng.
Thế nhưng Quý bà vẫn không chịu khuất phục và kiên trì con đường đấu tranh vì dân chủ cho Myanmar, bất chấp những trở ngại mà các tướng lĩnh Myanmar gây ra để ngăn cản bà lên nắm quyền.
Là con gái của người anh hùng lập quốc Aung San, người bị ám sát ngay sau khi Myanmar giành được độc lập từ thực dân Anh, bà Suu Kyi được người dân Myanmar trìu mến gọi là "Mẹ Suu", hay đơn giản hơn là "Quý bà" với tình yêu mến và ngưỡng mộ. "Sự nghiệp của cha bà ấy còn dang dở, và bà luôn nghĩ rằng mình phải có nghĩa vụ hoàn thành", Bertil Lintner, một người viết tiểu sử về bà Suu Kyi, cho biết.
Trong cuộc chiến thầm lặng kéo dài một phần tư thế kỷ này, bà Suu Kyi đã trở thành biểu tượng quý báu của người dân Myanmar chống lại quyền lực của các tướng lĩnh và sự nghèo đói, tụt hậu của đất nước so với các quốc gia láng giềng, ông U Than Nyunt, một thành viên đảng NLD cho biết.
Trong 25 năm đó, thời thế đã đổi khác rất nhiều, khi Myanmar ngày càng hội nhập với thế giới, và thế giới cũng quan tâm nhiều hơn đến tình hình chính trị ở đất nước này. Sau khi kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử ngày 9/11 được công bố, người dân Myanmar đã bất chấp mưa gió đổ ra đường hò reo ăn mừng. "Tôi không ăn được gì từ hôm qua vì quá vui sướng. Điều này sẽ thay đổi mọi thứ ở nước tôi", cử tri Daw Than Than Htay nói.
"Đừng bao giờ coi nhẹ nguyện vọng của người dân. Rõ ràng người dân bầu cho chúng tôi vì họ tin rằng chúng tôi có thể mang lại hy vọng và thay đổi cho họ", U Khin Maung Yi, thành viên đảng NLD, tuyên bố.
cuoc-chien-giua-quy-ba-myanmar-va-cac-tuong-linh-quan-doi-1
Người dân Myanmar đổ ra đường ăn mừng kết quả bầu cử. Ảnh: NYTimes
Bà Cherry Zahau, ứng cử viên đảng Tiến bộ Chin, cũng thừa nhận thất bại trước đảng của bà Suu Kyi, đồng thời bày tỏ sự thán phục trước tình cảm yêu mến mà người dân Myanmar dành cho bà. "Thật không thể tin nổi, cử tri ở bang tôi còn không biết các ứng cử viên khác là ai. Họ chỉ biết sẽ bầu cho Quý bà!"
Suu Kyi "giống như con gái tôi vậy. Tôi muốn thấy bà ấy cứu vớt đất nước này", cụ bà 89 tuổi Daw Nyo cười móm mém khi được hỏi về Quý bà.
Lực cản
Dù đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, bà vẫn phải đối mặt với thế lực lớn trên con đường đưa đất nước đến với nền dân chủ thực sự, đó là quân đội, khi họ vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong nền chính trị Myanmar.
Khi bà Suu Kyi đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỏi bà rằng ở Myanmar, quân đội hay đảng NLD mạnh hơn. "Quân đội", bà đã không ngần ngại trả lời. Bởi vậy, bà không hề ảo tưởng rằng với kết quả bầu cử này, bà có thể đánh bại được hết các tướng lĩnh, theo bình luận viên Larry Jagan của tờ Bangkok Post.
Bất cứ điều gì đảng NLD định làm cho chính phủ tiếp theo đều sẽ phải "nhìn mặt" quân đội, khi các tướng lĩnh, sĩ quan vẫn nắm giữ một phần tư ghế trong Quốc hội, và bộ trưởng của Bộ Biên giới, Quốc phòng và Nội vụ đều là người do quân đội chỉ định.
Theo các chuyên gia phân tích, bà Suu Kyi có thể sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thành viên cứng rắn trong quân đội, những người từng điều hành chính phủ quân sự trước năm 2011 và coi bà như một "kẻ thù".
Thống soái Than Shwe, người từng lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar trong gần 20 năm, có thể là một trong những người lo lắng nhất sau cuộc bầu cử, khi những đối thủ chính trị cũ từng bị ông đàn áp giờ đây đang có cơ hội lên nắm quyền.
Sau khi thực hiện cuộc cải cách chính trị vào năm 2011 và dựng lên một chính phủ dân sự để tránh nguy cơ bị cô lập về chính trị và kinh tế, thống soái Than Shwe được cho là vẫn tiếp tục điều binh khiển tướng từ sau hậu trường. Ông và các tướng lĩnh khác hiện sống trong một khu vực biệt lập được canh gác nghiêm ngặt tại Naypyitaw, thủ đô được ông dựng lên thay thế cho Yangon.
cuoc-chien-giua-quy-ba-myanmar-va-cac-tuong-linh-quan-doi-2
Thống soái Than Shwe, viên tướng quyền lực của quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters
Ông nắm trong tay Hội đồng An ninh Quốc phòng của quân đội, một cơ quan có quyền lực còn lớn hơn cả Quốc hội. Thế nên trong trường hợp quân đội quyết định tấn công một nhóm dân tộc thiểu số, chính phủ mới của bà Suu Kyi sẽ không có quyền can thiệp. Điều này khiến nhiều người tin rằng quyền lực thực sự ở Myanmar vẫn do quân đội nắm giữ, dù đảng NLD có thành công đến đâu.
Để có thể lãnh đạo được người dân Myanmar đến với nền dân chủ thực sự, bà Suu Kyi sẽ phải vận dụng kỹ năng chính trị cao độ và ý chí kiên cường, để giữ cho tướng lĩnh và các binh sĩ ở yên trong doanh trại, không can thiệp vào quá trình hòa giải dân tộc và giải quyết những vấn đề tồn đọng ở Myanmar, giới phân tích nhận định.
Trí Dũng

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/cuoc-chien-giua-quy-ba-myanmar-va-cac-tuong-linh-quan-doi-3309917.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten