Vụ cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh dường như đã kết liễu sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai, và tạo nên những đồn đoán mới về cuộc chuyển giao quyền lực năm nay ở Trung Quốc.
Thanh trừng tội phạm
Việc ngã ngựa của ông Bạc có lẽ bắt nguồn từ bê bối quanh ông Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, một người thân tín của ông Bạc và từng được ca ngợi như anh hùng.
Ông Vương được cả nước biết đến vì đứng đầu cuộc diệt trừ tội phạm có tổ chức ở Trùng Khánh.
Nhưng chiến dịch này cũng bị chỉ trích là rắn tay với các nghi phạm và bỏ qua quy định luật pháp vào thời điểm Trung Quốc, ít nhất trong ngôn từ, đang chú trọng tăng cường thủ tục pháp lý.
Nó cũng nhắm vào nhiều doanh nghiệp tư nhân, khiến giới thương gia Trung Quốc lo ngại.
Vào tháng Hai, ông Vương Lập Quân đột ngột chạy vào Tòa Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô qua đêm. Sau đó, ông bị công an đưa về Bắc Kinh, để "nghỉ phép vì lý do sức khoẻ".
Hiện không rõ ông Vương đang ở đâu.
Ông Bạc Hy Lại cũng từng gây ý kiến trái ngược khi khơi lại tư tưởng chủ nghĩa quân bình của thời Mao Trạch Đông.
Ông Bạc làm điều đó qua một số biện pháp thiết thực như tập trung vào thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chống tham nhũng và xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp.
Nhưng không ít người chau mày vì việc tung hàng loạt tin nhắn trích dẫn lãnh tụ Mao, tổ chức các cuộc thi hát ca khúc yêu nước nhạc Đỏ.
Ghế trong Bộ Chính trị?
Vào lúc này, chưa rõ ông Bạc Hy Lai có còn là thành viên của Bộ Chính trị 25 người hay không.
Nếu ông cũng mất ghế này, đó sẽ là lần đầu tiên một người trong Bộ Chính trị bị loại bỏ kể từ năm 2006, khi Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ bị thanh trừng và sau đó đi tù vì tham nhũng.
Lúc ấy, nhiều người xem ông Trần đã bị Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hạch tội nhằm củng cố quyền lực.
Ông nói rằng giới chức địa phương phải nghiêm túc nhìn lại và rút ra bài học từ vụ việc và rằng Bắc Kinh đánh giá vụ việc này "hết sức nghiêm trọng".
Nhưng dư luận vẫn không rõ chuyện gì đã xảy ra.
Ông Liu Shanying, chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bình luận: "Ông Bạc nên nghĩ gì bây giờ? Về quyết định tuyển dụng của mình? Nếu chỉ là việc tuyển dụng, hậu quả đã không như thế này."
Trong khi đó, có ý kiến nói phong cách mạnh bạo của ông Bạc đã tạo ra nhiều kẻ thù ngay trước vụ Vương Lập Quân.
Patrick Chovanec, một giáo sư ở Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, nói ông Bạc "luôn làm một nhóm lớn lãnh đạo khó chịu."
"Họ thấy chiến dịch vận động cho ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị thật là xúc phạm"
Trong Bộ Chính trị Trung Quốc lại còn có Ban Thường vụ Bộ Chính trị mà hiện gồm 9 người, mới là nhóm Đảng viên có quyền lực lớn nhất nước.
Ông Bạc Hy Lai đã từng hy vọng sẽ được bầu vào ủy ban này vào cuối năm nay.
Cập nhật:BBC trích dịch bình luận của ba chuyên gia về Trung Quốc trả lời tờ Wall Street Journal hôm nay.
Cheng Li, nhà nghiên cứu cao cấp, Viện Brookings
Đây không phải là sự từ chức. Đó là cách chức hoặc thanh lọc. Kịch bản xấu nhất cho Bạc Hy Lai là đi tù. Kịch bản tốt nhất là ông được cho một chức vụ hình thức.
Lựa chọn lãnh đạo ngày càng dựa vào khả năng, vì thế dễ hiểu khi ông Bạc muốn chứng tỏ thành tựu trong chống tội phạm có tổ chức và chiến dịch Nhạc Đỏ.
Nhưng ông có nhiều kẻ thù. Ông không thực sự hiểu khái niệm xây dựng liên minh. Ông đã dùng phương pháp Cách mạng Văn hóa - dĩ nhiên nó dẫn tới thất bại của ông ta.
Những người thắng lớn (gồm cả Phó Thủ tướng Trương Đức Giang) là cùng một phe với Bạc Hy Lai. Nó giống như bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa - nếu một người thua, thì những người Cộng hòa khác được lợi.
Susan Shirk, giáo sư Đại học California, San Diego và từng là Phó Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời Bill Clinton
Chiến dịch vận động quyền lực công khai, và cách ông ta dùng truyền thông để vận động quần chúng ủng hộ, đã phá vỡ vẻ ngoài đoàn kết của lãnh đạo đảng.
Sự vận động đó, chứ không phải những gì ông ta làm ở Trùng Khánh, là lý do họ phải gạt bỏ ông.
Bruce Gilley, trợ lý giáo sư ở Đại học Portland
Hành vi của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh gây tranh cãi trong đảng và được xem là cố gắng bỏ qua những cách chống tham nhũng thông thường.
Những gì cần thiết, theo ông Bạc, là những lãnh đạo có cá tính, không bị ràng buộc để ép đảng và chính phủ phải nghe lời. Có một bộ phận ủng hộ, nhưng với những người trong đảng trải qua 30 năm cố gắng xây dựng pháp quyền thì điều đó thật gớm guốc.
Ông ta chính là Putin của Trung Quốc, còn Ôn Gia Bảo bị những người dân tộc chủ nghĩa cứng rắn xem là Yeltsin của giai đoạn cải cách, không cầm cương được.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten