dinsdag 20 maart 2012

Những thủ thuật kiểm duyệt báo chí ở Trung Quốc

19 Tháng Ba 2012     
Một sạp báo ở Trung Quốc
Một sạp báo ở Trung Quốc

Minh Anh
Gửi tin nhắn SMS, chấm điểm hay phạt tiền các phóng viên … là những thủ thuật mà chính quyền Trung Quốc đề ra để kiểm duyệt thông tin báo chí và mạng Internet. Chủ đề này được thông tin viên Phlippe Grangereau của báo Libération tại Bắc Kinh tìm hiểu qua bài viết « Những chiếc kéo kiểm duyệt Trung Quốc đã được mài sắc».

Phương thức kiểm duyệt báo chí và các trang mạng là một bí mật được giấu rất kỹ. Chỉ có những quan chức cao cấp của ban biên tập mới biết được bí mật này. Theo tiết lộ của một vị trưởng ban biên tập (xin giấu tên) một tờ báo địa phương thì « cách thức vận hành vừa rất đơn giản mà cũng vừa rất phức tạp đến mức người ta không thể nào nghĩ đến ».
Theo vị tổng biên tập này, mỗi ngày ông nhận có đến hai chục tin nhắn SMS đến từ ban Tuyên huấn. Mở đầu là dòng chữ « đề nghị đọc kỹ hướng dẫn sau đây» có kèm theo mật mã. Theo sự hướng dẫn, vị tổng biên tập đầu tiên hết phải nhập mật mã và mật hiệu. Ngay sau đó, xuất hiện các dòng chỉ dẫn chẳng hạn như « không được bàn về chủ đề này », « hãy nhấn mạnh đến bài diễn văn này theo hướng… », « liên quan đến chủ đề này, chỉ được sử dụng các thông tin từ Tân Hoa xã » hay như « không được đưa vụ án tham nhũng này lên trang nhất ».
Theo tác giả bài viết, những lệnh trực tiếp như vậy chỉ để lại cho các phóng viên một phạm vi tác nghiệp rất hạn hẹp. Tuy nhiên, các phóng viên cũng tận dụng những gì cho là đặc biệt không bị cấm thì có thể chấp nhận được. Thế nhưng theo vị tổng biên tập, do « những người kiểm duyệt không thể nào theo dõi được hết và cũng không thể nào nghĩ hết được mọi vấn đề, nên việc kiểm duyệt còn được kết hợp với hệ thống điểm ».
Ông giải thích, hàng năm, các bài đăng được cho 12 điểm, « nếu tòa soạn đăng một bài điều tra bị coi là làm bôi nhọ hình ảnh của chính phủ, chẳng hạn về vụ một quân nhân giết người hàng loạt hay vụ cả một gia đình tự thiêu do bị tước đất đai, ban Tuyên huấn sẽ rút điểm của chúng tôi. Ít nhất là ba điểm, giống như là thẻ vàng trong bóng đá. Đặc biệt, nếu bài viết bị đánh giá có lời lẽ xúc phạm, Ban tuyên huấn có thể rút chúng tôi một cái vèo 12 điểm [coi như bị thẻ đỏ] ». Sau đó, ban biên tập bị thay đổi và tòa soạn có thể bị đình chỉ, thậm chí bị đóng cửa hoàn toàn.
Nhật báo Liberation cho biết thêm, kiểm duyệt còn được thực hiện bởi một cơ quan khác, đó là ban Phát hành, một kiểu « công an » của hệ thống kiểm duyệt. Cũng theo lời kể của vị tổng biên tập này, « vào cuối năm, nếu tòa soạn nhận thấy rằng một vụ án nào đó có thể làm tăng doanh thu cho chúng tôi mà không sợ bị mất điểm, thì lúc đó chúng tôi mới dám đăng ». Ông này nhận xét : « thuận lợi của cơ chế vận hành này chính là báo chí có cảm giác tự do. Trong khi đó, trên thực tế nó hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát ».
Không chỉ có báo chí bị kiểm duyệt, mà những nhà kinh doanh trang mạng cũng bị kiểm soát. Một nhà quản lý trang mạng cho biết, ông đã phải thuê hàng trăm người để làm cái công việc « làm sạch » các nội dung thảo luận. Nếu doanh nghiệp vẫn không thể nào hay từ chối kiểm soát thông tin thảo luận trên net, thì sẽ bị phạt tiền. Như vụ trang mạng Sohu, do để cho người dân tự do thảo luận về nội chiến tại Lybia trước khi Bắc Kinh đưa ra quyết định chính thức, trang mạng này đã bị phạt « 60 000 euro » vì tội « phạm sai lầm chính trị nghiêm trọng ».
Tây Tạng : ngọn lửa âm ỉ chống lại Bắc Kinh
Cũng liên quan đến thời sự Trung Quốc, Le Figaro chú ý đến các vụ tự thiêu gần đây xảy ra tại những vùng có đông dân Tây Tạng sinh sống. Trong bài viết « Tây Tạng : ngọn lửa âm ỉ chống lại Bắc Kinh », Le Figaro cho rằng chính các chính sách đàn áp tôn giáo và văn hóa đã làm dấy lên làn sóng phản đối chính quyền Bắc Kinh.
Chỉ trong vòng có một năm, mà đã xảy ra gần 30 vụ tự thiêu. Và kể từ đầu tháng ba năm nay, căng thẳng có vẻ ngày càng gia tăng ngay tại khu vực được mệnh danh là « Nóc nhà của thế giới ». Theo Le Figaro, chính một quyết định của Bắc Kinh đưa ra vào mùa đông năm nay đã làm bùng lên ngọn lửa. Ông Bí thư vùng tự trị Tây tạng đã bổ nhiệm một loạt các quan chức cao cấp Trung Quốc để giám sát mỗi tu viện, cho đến trước đó vẫn hoạt động theo kiểu tự quản lý. Theo Le Figaro, chính sự tiếm quyền chưa từng có trong lòng các tu viện đã làm nổi dậy làn sóng phản đối.
Thế nhưng, Le Figaro cho rằng, sở dĩ chính quyền Bắc Kinh vẫn giả điếc, bất chấp có những lời đả kích mạnh mẽ, là vì đối với chính quyền trung ương, quy định mới này « có tính chất cốt lõi để nắm chắc cuộc chiến chống ly khai », nhằm đảm bảo rằng « không một tu sĩ nào có thể lao vào các hoạt động nhằm chia rẽ tổ quốc và làm xáo trộn trật tự xã hội ».
Cuối cùng Le Figaro cho biết, báo chí Trung Quốc rất hiếm khi nói về các vụ phản kháng tại Tây Tạng. Bắc Kinh cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng sau các vụ tự thiêu và lên án Ngài đã sử dụng các phương pháp « khủng bố ». Trong trước mắt, chính quyền cố kiểm soát những luồng thông tin đến từ Tây Tạng khi mà họ vẫn có thể làm được, bằng cách khóa chặt mọi ngả vào đối với du khách nước ngoài, nhất là đối với các phóng viên.
Chính phủ Ấn Độ áp đặt chính sách khắc khổ nhưng lại thiếu các biện pháp cải cách
Nhìn sang Nam Á, báo Le Monde chú ý đến đề tài kinh tế tại Ấn Độ. Bài báo cho biết trong bảng dự trù ngân sách cho năm 2012-2013 được công bố hôm thứ sáu 16/03 vừa qua, « chính phủ Ấn Độ đang áp đặt chính sách khắc khổ nhưng lại thiếu các biện pháp cải cách ».
« Bác sĩ Pranab với viên thuốc đắng » là hàng tít trên nhật báo The Hindu tại Ấn Độ phát hành hôm thứ bảy 17/03 vừa qua. Bởi lẽ, theo nhận định của báo chí trong nước, ngân sách cho năm 2012-2013 do ông Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính đã cho công bố chính là một ngân sách khắc khổ. Theo nội dung báo cáo, mức thâm hụt ngân sách đã đạt đến 5,9% của GDP, chính phủ cần phải làm chủ mọi chi tiêu. Do đó, chấm dứt các biện pháp như xóa nợ cho nông dân hay đảm bảo việc làm cho các hộ gia đình nông thôn.
Giải thích cho nguyên nhân của chính sách thắt lưng buộc bụng mới này, Le Monde cho biết có nhiều nguyên nhân.
- Thứ nhất do giá dầu thô tăng, nên đã làm tăng thêm chi phí cho việc bảo trợ giá xăng dầu trong nước.
- Thứ hai, kế hoạch tư hữu hóa chỉ mang lại cho chính phủ 1/3 của khoản thu nhập dự trù.
- Thứ ba, tăng trưởng ì ạch, chỉ đạt có 6,9%. Trong khi đó, Ấn Độ phải đạt ở mức 10% thì mới có thể đẩy lùi được nạn đói nghèo. Sau hơn 20 năm tự do hóa nền kinh tế, vẫn còn 450 triệu người Ấn Độ sống với mức thu nhập dưới 1 euro/ ngày.
- Thứ tư, tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt có 3,9%. Trong khi đó, xuất khẩu ì ạch trong sáu tháng cuối vừa qua, dù rằng lãnh vực này rất ít lệ thuộc vào thị trường phương Tây.
- Thứ năm, tiêu thụ nội địa giảm mạnh do duy trì lãi suất cao để ngăn chặn lạm phát.
Vì những nguyên nhân nêu trên, Le Monde nhận định rằng « chính phủ Ấn Độ áp đặt chính sách khắc khổ » nhưng « lại thiếu các chính sách cải cách » .
Le Monde cho biết, các cuộc thương thuyết đang diễn ra giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền. Nhiều hồ sơ kinh tế phải được nghiên cứu lại như cho phép các tập đoàn phân phối nước ngoài được quyền sở hữu đến 51% vốn của một biển hiệu Ấn Độ hay như nước ngoài được đầu tư đến 49% trong lãnh vực hàng không.
Tuy nhiên, theo nhận xét của báo Le Monde, chính phủ hiện tại quá yếu để mà thực hiện các cải cách, do bị nhiều tai tiếng tham nhũng.
Chân dung binh sĩ Mỹ sát hại 16 thường dân Afghanistan
Động cơ nào đã khiến binh sĩ Mỹ Robert Bales sát hại 16 thường dân Afghanistan trong đêm 11/03 vừa qua, vẫn còn điều khó hiểu đối với các nhà điều tra. Liên quan đến đề tài này, báo Le Figaro cũng cất công tìm hiếu qua việc phác họa lại đời sống tư cũng như quá trình tham gia quân ngũ của người lính này và đã đặt ra câu hỏi « phải chăng Robert Bales, người đã sát hại 16 thường dân Afghanistan đã quá kiệt sức vì những đợt xoay vòng dài dăng dẳng ?»
Le Figaro cho biết, vụ việc gợi nhắc lại vụ « thảm sát Mỹ Lai » năm 1968, làm thiệt mạng 347 thường dân trong chiến tranh Việt Nam. Một bài học mà cho đến giờ vẫn là « một trong những bài trọng tâm mà quân đội Mỹ phải học thuộc» và phải nghiên cứu. Sự kiện đã trở thành một biểu tượng cho sự sa lầy của Mỹ tại Việt Nam. 44 năm sau, vụ binh sĩ Robert Bales cũng xứng đáng là một bài học mới cho quân đội Mỹ.
Theo Le Figaro, cuộc chiến tại Afghanistan đã ngốn của Mỹ hết 500 tỷ đô-la, và gây ra hàng triệu nạn nhân. Chính quyền Washington buộc phải liên tục thực hiện biện pháp luân chuyển nhân sự. Điều này đã để lại một tác động ghê gớm về mặt sức khỏe tâm sinh lý, tinh thần và sự ổn định gia đình của binh lính.
Nhiều người hàng xóm làm chứng cho rằng, ban đầu binh sĩ Robert tình nguyện tham gia quân đội vì muốn truy lùng Al-qaida sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, để rồi cuối cùng anh ta kết thúc lý tưởng khi nuôi dưỡng trong lòng mối hận thù quân đội. Anh ta cho rằng công lao cống hiến đã không được đáp trả xứng đáng. Trong giai đoạn giữa năm 2003 và 2010, sau ba đợt triển khai quân tại Irak, từng hai lần bị thương, binh sĩ Robert nhận nhiều huân chương nhưng không hề được nhận chiếc mề đai « Anh dũng bội tinh » do chính tổng thống Mỹ trao tặng cũng như được thăng cấp như anh ta mong đợi.
Theo luật sư biện hộ cho binh sĩ Robert, thì anh này đang bị một triệu chứng rối loạn tâm lý kiểu « rối loạn tâm thần sau sang chấn » (Stress Post-Traumatique). Tuy nhiên, trung tâm y tế thuộc khu căn cứ quân sự của anh ta Lewis-Mc-Chord lại phủ nhận hoàn toàn. Về đời sống riêng tư, nhiều người hàng xóm tỏ ra bị sốc khi hay tin vụ thảm sát. Họ cho rằng « anh ta luôn có thái độ rất lạc quan về việc được phục vụ dưới màu cờ của đất nước ».
Thế nhưng, Le Figaro điểm lại rằng trước khi tham chiến tại Irak đã xảy ra nhiều biến cố. Năm 2002, anh ta bị bắt vì có thái độ xâm phạm tình dục bạn gái của mình. Năm 2009, anh ta phải đối chất trước công lý vì tội bỏ trốn sau khi gây tai nạn. Ngoài ra những khó khăn tài chính đang làm lung lay nền tảng gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Cuối cùng, theo như kết luận của vị luật sư bào chữa thì quân đội phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc này.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120319-nhung-chiec-keo-kiem-duyet-trung-quoc-duoc-mai-giua

Geen opmerkingen:

Een reactie posten