Ngô Nhân Dụng
Gần đây dư luận Việt Nam sôi nổi vì bỗng được hỏi ý kiến về một dự thảo chương trình dạy tiếng Hoa bốn tiết một tuần ở cấp tiểu học và trung học đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo.
Trước phản ứng kinh ngạc sững sờ của người dân, trang điện tử của Bộ Giáo Dục vội vàng giải thích, rằng “Ðối tượng áp dụng là học sinh dân tộc Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở đang sinh sống ở Việt Nam.”
Mọi người bớt thắc mắc về chương trình giáo dục này, nhưng phải tự hỏi: Tại sao người Việt mình lại phản ứng mạnh mẽ như vậy trước một chương trình dạy ngoại ngữ? Tại sao các trường vẫn bắt học sinh phải tập nói tiếng Anh rất sớm thì không ai nói gì, đụng tới tiếng Trung Hoa thì cả làng cả nước xôn xao?
Trong một bài viết đang được phổ biến rất rộng rãi trên các mạng điện tử, nhà văn Song Chi đã nêu ra đầy đủ các lý do khiến người Việt Nam bị “dị ứng, cảnh giác quá độ,” trước bản thông tư gây hiểu lầm trên. Hiểu rõ các nguyên do đó, sau khi nghe Bộ Giáo Dục nói rằng, “Phạm vi áp dụng: môn học tiếng Hoa là môn học tự chọn dành cho học sinh dân tộc Hoa có nguyện vọng;” hầu như không ai thấy cần bàn tán thêm nữa.
Nhưng thực ra, vẫn còn rất nhiều điều đáng thắc mắc. Thắc mắc ở ngay những lời giải thích rằng dạy tiếng Hoa là “môn học tự chọn dành cho học sinh có nguyện vọng muốn học.” Hơn nữa, đó chỉ là những “học sinh dân tộc Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở đang sinh sống ở Việt Nam.”
Thắc mắc đầu tiên là những “học sinh dân tộc Hoa đang sinh sống ở Việt Nam” là các em nào? Có phải là con em của các người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam hay không? Hay là các em gốc Hoa mà cha mẹ sinh sống ở Việt Nam, có thể từ nhiều đời, và đã chính thức thành công dân Việt. Nếu là trường hợp thứ nhất, thì cha mẹ các em thuộc loại di dân hợp pháp hay không? Nếu di dân hợp pháp, thì tại sao con em của họ lại được biệt đãi như vậy, so với con em của những người ngoại quốc khác cũng đang làm việc tại nước ta? Thông thường, di dân ở một nước thường lo giáo dục tiếng mẹ đẻ cho con cái họ. Người Việt ở Mỹ, ở Pháp vẫn mở các trường dạy Việt ngữ khắp nơi. Họ hoàn toàn tự do, và lo lấy, không tiêu đến đồng nào trong ngân sách nhà nước sở tại. Ít có nơi nào lại được cơ quan chính phủ lo đặt chương trình dạy tiếng Việt trong các trường công, trừ khi di dân thỉnh cầu, với số người quy tụ rất đông đảo trong cùng một khu vực. Nếu một học khu đã đồng ý cho dạy tiếng Việt ở trường công, do chính phủ đài thọ, thì nhà trường sẽ bị bắt buộc phải dạy tiếng mẹ đẻ cho con em các di dân hợp pháp gốc từ các nước khác. Thường các chương trình dạy tiếng mẹ đẻ của di dân vẫn được chính quyền gốc của họ hỗ trợ công khai. Chính phủ Nam Hàn giúp các lớp dạy tiếng Hàn Quốc; chính phủ Nhật tài trợ các lớp dạy tiếng Nhật; mọi việc giúp đỡ đều được hoan nghênh mà không ai nghi ngại một ẩn ý chính trị nào cả.
Ở Việt Nam, ngoài chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho các học sinh gốc Hoa, có di dân từ nước nào khác được quyền dạy trẻ em của họ tiếng mẹ đẻ trong trường công lập Việt Nam hay không? Tại sao lại ưu đãi người Trung Quốc?
Nếu đối tượng của chương trình dạy tiếng Hoa là những “học sinh dân tộc Hoa,” tức là con em của những người Việt gốc Hoa, đã là nhóm thiểu số trong dân Việt, có thể sống vĩnh viễn ở Việt Nam, thì chương trình dạy tiếng Hoa cho họ cũng gây một tình trạng bất công khác. Tại sao không thấy chương trình dạy tiếng gốc tổ tiên, tiếng mẹ đẻ cho những trẻ em Việt gốc Khmer hay gốc Champa? Trong nước Việt Nam có bao nhiêu nhóm dân tộc thiểu số. Khi so sánh thì thấy người gốc Hoa xưa nay dễ hội nhập, dễ đồng hóa, vì văn hóa, phong tục, tín ngưỡng giống người Việt hơn cả. Họ đi đâu cũng sống được cho nên con cháu họ có thể nhanh chóng trở thành người Việt trong vài thế hệ. Chính các đồng bào gốc Chàm hay gốc Khơ Me hội nhập khó hơn, vì phong tục, tôn giáo không giống người Việt.
Như vậy thì tại sao lại chiếu cố đặc biệt tới các đồng bào gốc Hoa như vậy? Ðiều đáng lo là chính chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho các trẻ em gốc Hoa sẽ làm quá trình hội nhập và đồng hóa của các em bị chậm lại. Việt Nam muốn chọn làm một quốc gia đa chủng, như Canada (hai ngôn ngữ chính), Thụy Sĩ (bốn ngôn ngữ chính), Ấn Ðộ (hàng trăm ngôn ngữ); hay muốn giống các quốc gia thuần nhất, chỉ dùng một ngôn ngữ chính thức? Nếu theo mô hình thứ nhì, thì tại sao lại nâng cao địa vị của một tiếng Hoa trong nền giáo dục Việt Nam như vậy?
Thời cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có một kế hoạch thúc đẩy tiến trình hội nhập và đồng hóa của người Việt gốc Hoa. Dụng ý này được đưa ra minh bạch công khai, không che đậy gì cả. Tên người Hoa khai sinh phải viết theo lối Việt Nam, theo âm chữ Hán Việt chứ không theo các thổ âm Trung Quốc. Các trường của Hoa kiều đều phải dạy tiếng Việt làm ngôn ngữ chính. Các văn kiện hành chánh, hợp đồng, các bảng hiệu phải viết bằng tiếng Việt. Luật lệ này rất giống các đạo luật ở Québec trong thập niên 1970, bắt phải dùng tiếng Pháp, để bảo vệ ngôn ngữ xứ này trước cảnh “xâm lấn” của tiếng Anh. Một kết quả của kế hoạch Ngô Ðình Diệm, là sau 20 năm, ai vào Chợ Lớn thấy phong cảnh đã Việt Nam hóa, không còn là một thành phố Trung Hoa như trước nữa. Nhiều người Việt gốc Hoa sau đó đã hoàn toàn hóa thành người Việt, họ không tơ tưởng gì về tổ quốc thứ hai của họ nữa.
Tại sao bây giờ nước Việt Nam muốn đi ngược lại tiến trình trên? Tại sao lại tìm cách bảo vệ ngôn ngữ của một sắc dân thiểu số, khiến cho sợi dây liên lạc giữa họ với nước tổ của họ bền chặt hơn? Ðây là một quyết định về chính sách quốc gia chứ không phải là một vấn đề thuần túy giáo dục.
Chưa hết. Thông cáo của Bộ Giáo Dục nói chương trình dạy tiếng Hoa có tính cách tự nguyện; “cho học sinh có nguyện vọng;” nhưng có điều nào giới hạn số học sinh xin học để không thu hút những người Việt không phải gốc Hoa hay không? Bao nhiêu gia đình người Việt cũng đang muốn cho con học tiếng Hoa, họ có thể nhân cơ hội này cũng ghi tên xin học. Các học sinh có cần chứng minh mình là người gốc Hoa, hay chỉ cần ghi tên xin học là đủ? Chứng minh như thế nào?
Hiện nay chính phủ Bắc Kinh đang phát triển mạng lưới Viện Khổng Tử, đem truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa khắp thế giới. Họ có thể tình nguyện giúp việc dạy tiếng Hoa ở Việt Nam, giống như họ đang thí nghiệm tại một số trường tiểu học và trung học tại California, và khắp nơi khác trên thế giới. Thử tưởng tượng có ngày Viện Khổng Tử sẽ khuyến khích các trẻ em ở Việt Nam học tiếng Hoa bằng các cuộc liên hoan, du lịch, các học bổng sang Tầu tập huấn thêm, chưa kể các món quà tặng kẹo, bánh, đồng phục, thường xuyên! Họ đã có sẵn một môi trường do Bộ Giáo Dục Việt Nam đặt nền tảng, ai dại gì mà không thong thả bước vào “giúp” để khai thác?
Trong mười năm, hai chục năm, những học sinh học tiếng Hoa đó sẽ đi làm. Họ có thể dần dần trở thành lớp người lãnh đạo trong nhiều nghề, nhiều ngành, nhiều cơ quan chính phủ ở nước ta. Họ có thể được khuyến khích lập thành các hiệp hội, các đoàn thể; và sợi dây liên lạc của họ sẽ được chính quyền Trung Quốc giúp cho thêm chặt chẽ.
Hiện đã có các công ty Trung Quốc đang được phép khai thác tài nguyên rừng, mỏ của Việt Nam. Ðã có hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc đang lập ra những khu cư trú biệt lập (như một thành phố Trung Hoa). Lại thêm ý định của Bắc Kinh lập Ðặc Khu Nam Hải để cai quản cả Vùng Lưỡi Bò. Lại có một chính quyền Việt Nam lúc nào cũng khép nép, nhũn nhặn với các “đồng chí anh em.” Nay lại có thêm một vài thế hệ những bạn trẻ được học tiếng Hoa từ bậc tiểu học, nay mai sẽ lớn lên gia nhập cuộc đời. Nói thật, trước viễn ảnh đó, người Việt chúng tôi rất lo ngại!
Nêu lên mối lo ngại đó, rõ ràng là người viết vẫn mang tâm lý “lấn cấn, dị ứng,” như nhà văn Song Chi mô tả. Muốn biết tại sao một người Việt Nam, như ký giả này, lại “lấn cấn, dị ứng” như vậy, xin quý vị cứ đọc bài của Song Chi, sẽ hiểu đầy đủ và rành mạch. Với lịch sử hai ngàn năm đụng chạm, với kinh nghiệm trải qua các biến cố trong nửa thế kỷ gần đây, người Việt Nam rất khó tránh khỏi những lấn cấn, dị ứng khi đụng tới chuyện nào dính dáng với Trung Quốc.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146035&zoneid=7
Geen opmerkingen:
Een reactie posten