zondag 18 maart 2012

Tranh đua tiếp tục sau vụ Bạc Hy Lai

16 tháng 3, 2012
Biến cố cách chức Bạc Hy Lai, cho đến gần đây còn là ứng viên vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, tiếp tục được giới quan sát bàn luận.
Sự ngã ngựa của người vừa mất chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh được cho là sẽ làm tăng cạnh tranh cho các chức vụ cao nhất tại Đại hội Đảng Cộng sản mùa thu năm nay.
Có vẻ như mô hình Trùng Khánh, một thời được ca ngợi, cũng bị bác bỏ và đánh dấu một thất bại lớn cho phe "tân tả" trong đảng, những người từng xem ông Bạc là đại diện.
Ngồi chơi xơi nước?
Ông Bạc Hy Lai, người nắm chức bí thư của Trùng Khánh từ năm 2007, bị cách chức vì liên quan vụ Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an thành phố, người đã tìm cách lánh nạn trong Lãnh sự quán Mỹ trước khi bị bắt.
Chương trình tin tức của truyền hình Trùng Khánh ngày 15/3 đưa tin ông Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã chủ trì hội nghị cán bộ lãnh đạo tại Trùng Khánh.
Ông Lý được dẫn lời: "Sự điều chỉnh chức vụ lãnh đạo là do tác động chính trị nghiêm trọng từ vụ Vương Lập Quân."
Tuy vậy, một số nhà phân tích ở đại lục cho rằng ông Bạc Hy Lai sẽ không phải chịu những trừng phạt nặng nề như vụ bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ trước đây.
Dẫu sao ông vẫn là con của Bạc Nhất Ba, một trong những công thần số một của Đảng.
Ông Zhang Minh, từ Đại học Nhân dân, nói: "Trừ phi Bạc dại dột chống lại, bằng không thì sự nghiệp ông ta sẽ giống như Vương Lạc Tuyền".
Năm 2010, Bí thư khu ủy Tân Cương Vương Lạc Tuyền bị cách chức sau những chê trách quanh chính sách với người dân thiểu số Uyghur. Ông phải về làm Phó bí thư Ủy ban chính trị và lập pháp của Đảng, nhưng vẫn ngồi trong Bộ Chính trị.
Người yêu, kẻ ghét
Ông Bạc Hy Lai
Chiến dịch Nhạc Đỏ là một phần của 'mô hình Trùng Khánh'
Được xem là người năng nổ, hùng biện và cũng tàn nhẫn, khác với phong thái nhạt nhẽo của nhiều quan chức, ông Bạc Hy Lai là một chính khách hiếm hoi của Trung Quốc gây ấn tượng mạnh cho truyền thông quốc tế và người nước ngoài.
Ban đầu, khi còn là Bộ trưởng Thương mại năm 2004, ông được đánh giá như một chính khách theo xu hướng cải cách, phần nào theo phương Tây.
Nhưng dần dần, ấn tượng này thay đổi từ khi ông chuyển về làm Bí thư Trùng Khánh. Mặc dù nhiều người khen ngợi chiến dịch chống tội phạm của ông, nhưng dư luận cũng bị sốc vì sự trấn áp nặng tay, bỏ qua các ràng buộc pháp lý mà cánh tay phải của ông Bạc, Vương Lập Quân, là người thi hành.
Chiến dịch hát Nhạc Đỏ, tăng cường sự đầu tư của nhà nước và những dự án vì dân như nhà ở xã hội, tất cả đã tạo nên cái gọi là "mô hình Trùng Khánh".
Tại Trùng Khánh, ông trở thành biểu tượng của "tả phái", với khẩu hiệu xây dựng một xã hội quân bình hơn như dưới thời Mao Trạch Đông.
Cho đến đầu năm nay, giới quan sát thống nhất rằng ông Bạc có hy vọng rất lớn để theo chân những người cùng trang lứa như Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường vào cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị.
Nhưng sau khi xảy ra vụ Vương Lập Quân bị bắt hồi tháng Hai, những người quan tâm chính trị ở Bắc Kinh đồn đoán về tiền đồ của ông Bạc.
Ngày 3/3, khi ra sân bay đón đoàn Trùng Khánh do Bạc Hy Lai dẫn đầu về Bắc Kinh dự họp Quốc hội, ông Hạ Quốc Cường, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng, có lời chào bí hiểm.
Ông Hạ nói: "Khí hậu Trùng Khánh rất khác Bắc Kinh. Năm nay, giai đoạn lạnh đã tương đối dài ở Bắc Kinh. Lúc này đang là thời điểm giao mùa."
"Tôi hy vọng mọi người chú ý giữ ấm, chống cảm lạnh, lưu ý giữ sức khỏe."
Nhiều người tin rằng ông Hạ lúc ấy không có ý định nói về thời tiết.
Nhiều nhà quan sát cho rằng lý do chính cho sự ngã ngựa của Bạc Hy Lai không phải vì sự "phản bội" của Vương Lập Quân mà vì phong cách chính trị của ông khiến nhiều đối thủ lo ngại.
Patrick Chovanec, giáo sư ở Đại học Thanh Hoa, nói có ba lý do khiến ông Bạc sa cơ.
Các quan chức cao cấp khác bực tức trước cách ông Bạc lấy lòng báo chí và tự quảng cáo cho mình. Thứ hai, nhiều người cảm thấy bị đe dọa vì họ không thể cạnh tranh theo cách như ông Bạc chủ xướng.
Và thứ ba, họ choáng váng bởi chiến thuật "vận động quần chúng" của ông - nó gợi nhắc lại Cách mạng Văn hóa khi dân chúng được sử dụng để tiêu diệt các phe nhóm trong Đảng.
Ai hưởng lợi?
Trong cuộc tranh đua vào Thường vụ Bộ Chính trị, có vẻ ông Uông Dương, Bí thư Quảng Đông và được xem là khó chịu với ông Bạc, sẽ có lợi.
Một vài cái tên khác cũng được nhắc đến như Hạ Quốc Cường, hay Trương Đức Giang (Phó Thủ tướng và nay kiêm nhiệm Bí thư Trùng Khánh).
Năm nay, lần đầu tiên việc thay thế bảy trong số chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và chọn ra chủ tịch và thủ tướng sẽ không được chỉ định bởi một đại lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân. Nay nó phụ thuộc vào sự đồng thuận của một nhóm đảng viên cao cấp.
Có lẽ điều này cũng đã góp phần dẫn đến thất bại của Bạc Hy Lai. Phong thái thủ lĩnh của ông khiến ông nổi bật trong mắt công chúng, nhưng lại gây lo ngại cho giới chóp bu trong Đảng.
Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả trên Facebook của BBC.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120316_boxilai_ouster.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten