zaterdag 24 maart 2012

Phim về học giả Hoàng Sa được giải Cánh Diều Bạc

24 tháng 3, 2012
Tiến sĩ Nguyễn Nhã
Tiến sĩ Nguyễn Nhã dành cả đời để nghiên cứu về chủ quyền ở Hoàng Sa
Một phim tài liệu cũ, từng bị gạt đi vì biến cố ngư dân Việt bị bắn chết năm 2005, được trao giải Cánh diều Bạc.
Phim Một đời nghiên cứu Hoàng Sa (kịch bản và đạo diễn: Phạm Xuân Nghị) nói về thành quả nghiên cứu hơn 30 năm của nhà sử học Nguyễn Nhã tại TP. HCM.
Tại lễ trao giải của Hội Điện ảnh Việt Nam hôm 17/3, phim được trao Cánh diều Bạc ở hạng mục Phim tài liệu truyền hình.
Đáng chú ý, phim này đã hoàn thành và được mang đi dự thi ở một vài liên hoan trong nước năm 2005, nhưng bị bỏ qua vì lý do "nhạy cảm".
Khi đó, vào ngày 8/1/2005, tám ngư dân thuộc tỉnh Thanh Hóa bị cảnh sát biển Trung Quốc bắn chết khi đang đánh cá tại vịnh Bắc Bộ.
Tám người khác bị bắt và đưa về đảo Hải Nam một thời gian trước một phiên tòa ở Hải Nam thả họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó nói các ngư dân Việt Nam là ''cướp biển'' và rằng vụ việc là trường hợp "ăn cướp có vũ trang nghiêm trọng trên biển”.
'Đừng bóp méo lịch sử cuộc tranh chấp'
Tiến sĩ Nguyễn Nhã phản bác một số luận điểm của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Việt Nam phản bác rằng "việc tàu Trung Quốc bắn chết chín ngư dân Việt Nam và làm bị thương nhiều người khác, gây thiệt hại đến tài sản và ngư cụ của ngư dân Việt Nam là nghiêm trọng".
Trước những căng thẳng ngoại giao vì biến cố này, phim Một đời nghiên cứu Hoàng Sa tưởng như bị rơi vào quên lãng.
Phim nói về nhà sử học Nguyễn Nhã, từng chủ trương tập san Sử Địa ra mắt năm 1966 ở Sài Gòn.
Số cuối cùng của tập san này, ra mắt đầu năm 1975, là một Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa.
Kể từ ngày đó, ông Nguyễn Nhã vẫn tiếp tục nghiên cứu, thu thập bằng chứng lịch sử với mục đích chứng tỏ Hoàng Sa là của Việt Nam.
Phim của đạo diễn Phạm Xuân Nghị được làm không lâu sau khi ông Nguyễn Nhã nhận luận án tiến sĩ lịch sử năm 2003 với chủ đề về Hoàng Sa.
Bộ phim được giới thiệu là "tài liệu giáo khoa lịch sử bằng hình ảnh cụ thể, sinh động".
Sự liên quan giữa biến cố 2005 và tác động đến phim này hoàn toàn không được truyền thông trong nước nhắc đến.
Dẫu vậy, việc trao giải thưởng muộn cho tác phẩm dường như cho thấy sự thay đổi trong thái độ của giới chức.
Những ngày đầu tháng Ba năm nay chứng kiến khẩu chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120323_nguyennha_documentary.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten