UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.
> Hơn 3.000 hộ dân xâm lấn di tích cố đô Huế
Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại quần thể di tích cố đô Huế nhằm tạo hình ảnh Kinh thành Huế xứng tầm với giá trị của một di tích trọng yếu trong quần thể kiến trúc đã được công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại.
Dự án do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư, tập trung vào tu bổ, tôn tạo lớp thành ngoài của kinh thành Huế (chu vi khoảng 10km), giải tỏa gần 1.000 hộ dân sống trên khu vực thượng thành và Eo bầu ở Kinh thành Huế, tu bổ toàn bộ hệ thống kè hào hầu hết đã bị hư hỏng sạt lở, nạo vét lòng hào đã bị bồi lấp, tu bổ tường thành, gia cường, chỉnh trang hệ thống cầu cống…
Dự án nhằm hoàn chỉnh hình ảnh kinh thành Huế là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Dự án được thực hiện từ cuối năm 2011 đến 2015 với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn Chính phủ, vốn đối ứng từ phía địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, tiến độ của dự án sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động để giải tỏa dân cư sống trên Kinh thành Huế.
Dự án sẽ di dời toàn bộ các hộ dân sống trên kinh thành Huế. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Kinh thành Huế được xây dựng đầu thế kỷ 19 (từ năm 1803 đến năm 1832) là một trong những thành lũy thời cận đại đẹp nhất hiện còn ở Đông Dương và cũng là thành lũy còn lại nguyên vẹn nhất ở Việt Nam. Toàn bộ kinh thành được xây bằng gạch, cao 6,6m, dày 21m và dài chừng 10km chạy dích dắc tạo thành các pháo đài theo kiểu kiến trúc quân sự Vauban, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993 cùng 15 điểm di tích khác thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Nguyễn Đông
Geen opmerkingen:
Een reactie posten