zondag 18 maart 2012

Khai thác bauxite ở Việt Nam

March 16, 2012


Bắt đầu sản xuất alumina từ tháng 4




HÀ NỘI (NV) -Nhà máy chế biến quặng bauxite thành quặng thô alumina tại Tân Rai, Lâm Ðồng, sẽ bắt đầu chạy thử vào tháng 4, 2012 và hiện đang tìm đối tác để bán sản phẩm.


Chuyển quặng tinh về nhà máy alumin. (Hình: Tuổi Trẻ)


Một số báo ở Việt Nam loan tin này nói rằng chủ đầu tư, Tập Ðoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV) hay biết dưới tên Vinacomin, nói rằng “đang hoàn thành các hạng mục và hạ tầng chuẩn bị chạy thử nhà máy alumin Tân Rai”.

Rồi sau khi “chạy thử có tải trọng vào tháng 4 tới, tập đoàn sẽ chào giá và tiến dần tới đấu giá”.

Dự án bị rất nhiều người ở Việt Nam chống đối kịch liệt vì các hậu quả nghiêm trọng không lường trước được về môi sinh và an ninh quốc phòng từ khi dự án được đem ra bàn cãi và quyết định đầu tư khai thác từ những năm 2007, 2008.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ từ Tướng Võ Nguyên Giáp đến các trí thức, tướng lãnh ở Việt Nam đã lên tiếng thúc hối ngừng lại. Thậm chí hàng ngàn người đã ký các bản kiến nghị đòi ngừng dự án nhưng đều không được lắng nghe.

Cùng với nhà máy Tân Rai chuẩn bị sản xuất năm nay, nhà máy tuyển luyện bauxit thứ hai ở Nhân Cơ, Ðắc Nông, đang xây dựng cũng sẽ dự trù bắt đầu sản xuất từ năm 2014. Cả hai nhà máy có công suất tối đa khoảng 650,000 tấn alumina mỗi đơn vị sau thời gian chạy thử.

Sau nhiều trục trặc, nhà máy Tân Rai bị xây dựng chậm trễ cũng như thiếu các cơ sở phụ trợ. Ðồng thời con đường vận chuyển ra biển dự trù làm đường sắt hiện đang còn nằm trên giấy. Ðường quốc lộ 20 và tỉnh lộ 725 chưa có đoàn xe tải nặng chở quặng và alumina đã hư hỏng trầm trọng, mai kia còn tệ hại đến đâu, nay mới chỉ có những khoản tiền “nâng cấp” kiểu chắp vá.

Theo Vinacomin, hiện tập đoàn này “đang lên kế hoạch đàm phán với các đối tác của Trung Quốc và Nhật Bản bán alumina từ tự án khai thác nhôm đầu tiên của Việt Nam”. VNExpress viết như vậy và nói “hai công ty Chalco (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn từ năm ngoái để mua alumina sản xuất từ dự án bô xít Tân Rai. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán chưa được ký kết.”

Chalco (Tập Ðoàn Nhôm Quốc Doanh Trung Quốc) là nhà thầu đã giúp Vinacomin về nguồn vốn và trang thiết bị cho dự án Tân Rai. Còn Marubeni yểm trợ vay $300 triệu USD hợp vốn từ các ngân hàng nước ngoài và một thỏa thuận cho vay sẽ được ký kết vào đầu năm nay. Chalco là công ty cung cấp kỹ thuật và nhà thầu xây dựng cho dự án.

Khi xây dựng, công ty này đưa gần như toàn bộ người Trung Quốc sang để làm đủ mọi loại công việc, phần lớn đều là những người lao động lậu đối với luật lệ Việt Nam dù trên nguyên tắc họ chỉ đưa chuyên viên sang đây. Báo chí trong nước tố cáo nhưng cũng không có gì thay đổi.

Tháng 9 năm ngoái, hóa chất từ nhà máy Tân Rai khi chạy thử đã rò rỉ ra môi trường, gây thiệt hại cho khoảng 200ha trồng cà phê và ao cá của dân chúng trong khu vực. Sự nguy hiểm nhất là chất bùn đỏ độc hại của tiến trình luyện quặng bauxite được giới chuyên viên cảnh cáo và phản đối rất sôi nổi. Trong khi đang chuẩn bị xây dựng nhà máy Tân Rai thì xảy ra vụ vỡ đập chứa bùn đỏ ở Hungary hồi tháng 10, 2010 lại càng làm cho dư luận người dân ở Việt Nam càng âu lo.


Nhà máy chế biến bauxite Tân Rai đang được xây dựng ở Tây Nguyên. (Hình: TBKTSG)


Theo tin các báo, nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận đang “thực hiện việc thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư để triển khai xây dựng dự án Cảng Kê Gà (Bình Thuận)... Cảng Kê Gà được chia thành 4 giai đoạn. Công suất bốc dỡ giai đoạn một sau 2 năm xây dựng sẽ đạt 3.5 triệu tấn mỗi năm. Ðến năm 2020 sẽ hoàn tất cả 4 giai đoạn xây dựng với tổng công suất bốc dỡ được nâng lên khoảng 35 triệu tấn mỗi năm”.

Ðường thiết lộ để vận chuyển alumina xuống cảng Kê Gà đang được nghiên cứu với phí tổn khoảng $715 triệu USD. Tất cả các phí tổn song hành này, từ sửa đường lộ, xây dựng cảng cộng lại tốn nhiều tỉ đô la sẽ làm cho chi phí đầu tư vào dự án sản xuất khai thác bauxite của Việt Nam lỗ vốn nặng nhưng vẫn cứ đầu tư.

Việt Nam không có nhu cầu nhôm vì không có kỹ nghệ sử dụng nhôm như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước công nghệ khác. Alumina là một dạng nhôm thô sơ cần phải tinh luyện với kỹ thuật cao mới trở thành nhôm (aluminum).

Nhiều người ở Việt Nam từng tố cáo chế độ Hà Nội lập nhà máy tuyển luyện bauxite chỉ để phục vụ cho kỹ nghệ Trung Quốc mà nguyên Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh đã cam kết với họ. (T.N.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146026&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten