Vac-xin Covid: Indonesia mua hàng Trung Quốc, nguy cơ phụ thuộc gia tăng
Đăng ngày:
Vac-xin chống Covid-19 đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt. Tại châu Á, việc Indonesia, quốc gia đang bị Bắc Kinh lấn lướt ở Biển Đông, quyết định đặt mua vac-xin Trung Quốc với khối lượng lớn, gây lo ngại. Vac-xin Covid có thể là cơ hội để Trung Quốc gây áp lực với Indonesia, trong bối cảnh, chính sách thiên về phô trương quân sự của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây dường như đang gây khó khăn cho Jakarta. RFI tổng hợp thông tin.
Quy mô dịch bệnh tại Indonesia ra sao ?
Đầu tháng 12/2020, Jakarta tiếp nhận một đợt vac-xin chủng ngừa Covid-19 đầu tiên của công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech. Giới quan sát đánh giá đây là một cột mốc đáng chú ý. Dịch bệnh Covid là mối ám ảnh hàng đầu của đảo quốc Đông Nam Á. Giới lãnh đạo Indonesia đứng trước áp lực phải sớm có vac-xin đủ dùng cho gần 300 triệu dân.
Kể từ tháng 3/2020 đến nay, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo số liệu thống kê chính thức, khoảng 18.000 người chết vì dịch, hơn một triệu người dương tính với virus. Theo nhiều chuyên gia, số liệu chính thức trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.
Ngay từ mùa hè, tổng thống Indonesia Jokoe Widodo, trong chuyến thăm một nhà máy của tập đoàn Bio Farma của Indonesia (nơi sẽ sản xuất vac-xin của hãng Trung Quốc Sinovac), nhận định là chỉ có vac-xin mới cho phép chặn đứng được đà lây lan của đại dịch đáng sợ từ Vũ Hán.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư hành tinh, không có một nền công nghiệp dược phẩm đủ mạnh. Hy vọng được đặt vào các hãng bào chế nước ngoài.
Indonesia đặt mua vac-xin từ những nước nào ?
Hiện tại, Jakarta đã đặt mua tổng cộng hơn 350 triệu liều vac-xin chủng ngừa Covid-19, theo số liệu của trung tâm Global Health Innovation Center, Đại học Hoa Kỳ Duke. Các hãng bào chế dược phẩm Trung Quốc như Sinovac, Cansino, Sinopham và G42 Healthcare (Trung Quốc hợp tác với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), có kế hoạch cung cấp hơn một nửa số liều vac-xin nói trên. Jakarta cũng có một số hợp đồng với hãng dược phẩm Anh AstraZeneca và hãng Mỹ Novax. Indonesia không đặt mua vac-xin Sputnik V của Nga, ngược lại với Ấn Độ.
Việc Indonesia mua nhiều vac-xin của Trung Quốc có hậu quả gì ?
Trả lời AFP, nhà chính trị học Evan Laksmana, trung tâm tư vấn chiến lược CSIS, ở Jakarta, lưu ý « việc Jakarta phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng dược phẩm Trung Quốc, trong một thời gian dài, chắc chắn sẽ để lại các hệ quả ». Trong một nghiên cứu của Viện Yusof Ishak, Singapore, vừa công bố hồi đầu tháng 12/2020, hai nhà nghiên cứu Ardhitya Eduard Yeremia et Klaus Heinrich Raditio, nhận định : « Chính sách ngoại giao vac-xin sẽ đi kèm theo các điều kiện », « Trung Quốc có thể sử dụng các khoản quà tặng vac-xin để thúc đẩy các mục tiêu trong khu vực, đặc biệt trong các vấn đề nhạy cảm như, các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông ».
Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Indonesia đang phải thủ thế ngay tại sân nhà, trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia tại Biển Đông, cách đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc gần 2.000 km. Hồi tháng Giêng năm nay, trước khi đại dịch bùng phát, Indonesia đã phải triển khai nhiều tàu chiến và phi cơ quân sự xung quanh quần đảo Natuna, để đẩy lui đội tàu cá đông đảo của Trung Quốc. Các đội tàu cá này hoạt động với sự hậu thuẫn của tuần duyên, hải cảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác tại vùng biển này, trong lúc chính quyền Jakarta mới đây đã phải hạ giọng, và thể hiện thái độ chủ yếu thông qua các phản đối ngoại giao.
Theo nhiều chuyên gia, trong hiện tại, Indonesia tiếp tục duy trì chính sách « đi dây khá khôn ngoan, để tránh bị phụ thuộc hoàn toàn vào một trong hai đại cường », theo nhà chính trị học Marcus Mietzner, giảng viên Đại học quốc gia Úc. Nhà chính trị học Úc ghi nhận, Jakarta giữ khoảng cách với kêu gọi thành lập liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương, đối phó với Trung Quốc, của Hoa Kỳ và các đồng mình trong Bộ Tứ, nhưng đồng thời không muốn có một liên minh quân sự với Trung Quốc. Cụ thể là, Jakarta cho biết « sẽ không chấp nhận đề nghị của Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự tại Indonesia, nếu Bắc Kinh đề xuất ». Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi : thế đi dây hiện nay của Jakarta sẽ ra sao, nếu Indonesia tăng cường hợp tác về y tế với Trung Quốc, phụ thuộc ngày càng nhiều vào vac-xin Trung Quốc.
Ông Evan Laksmana, ghi nhận là trong hiện tại, không có dấu hiệu đáng kể nào về các nhân nhượng của Jakarta, để đổi lấy vac-xin Trung Quốc, tuy nhiên, nhà chính trị học Indonesia nhấn mạnh là : « Tại Jakarta, tất cả mọi người đều hiểu rằng một số sáng kiến ngoại giao hay các sáng kiến khác sẽ khó được đưa ra, nếu như có thể gây cản trở cho quan hệ với Trung Quốc ».
Khối ASEAN hiện đang đàm phán với Trung Quốc về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC). Điều mà nhiều người lo ngại là thái độ nói trên của chính quyền Indonesia, quốc gia ASEAN ven Biển Đông, có thể khiến khối ASEAN có nguy cơ sẽ phải nhân nhượng nhiều trong các đàm phán với Trung Quốc.
Phải chăng Hoa Kỳ thất bại trong chính sách tăng cường hợp tác với Indonesia ?
Về vac-xin phòng Covid-19, Jakarta đã từng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng Washington không có phương tiện để giành cho Indonesia các khoản hỗ trợ « hào phóng » như Bắc Kinh. Nước Mỹ cũng đang sa lầy trong đại dịch ngay ở trong nước. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là vac-xin, mà là một chiến lược hợp tác thực chất giữa Hoa Kỳ với Indonesia, đã dường như vắng bóng, theo nhiều nhà quan sát. Điều này thể hiện rõ trong bối cảnh đại dịch nước sôi lửa bỏng.
Cuối tháng 10/2020, Reuters có bài nhận định đáng chú ý mang tựa đề « Cần vac-xin, không cần máy bay dọ thám : Thất bại của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á ». Hãng tin Anh dẫn lại một nguồn tin từ nội bộ chính quyền Indonesia, phàn nàn là Washington đã sử dụng « quá nhiều trừng phạt, quá nhiều sức mạnh võ biền », trong lúc « Trung Quốc thì khôn ngoan, thường xuyên sử dụng quyền lực mềm, tiếp cận kinh tế, tiếp cận phát triển ». Đề nghị mang tính phô trương của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7, tháng 8, yêu cầu Jakarta để phi cơ dọ thám Mỹ P-8 Poseidon tiếp liệu đã bị chính quyền Jakarta từ chối.
Phi cơ P-8 được sử dụng để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Jakarta lo ngại xung đột vũ trang bùng nổ, trong bối cảnh Mỹ, Trung gia tăng tập trận tại Biển Đông hồi đầu tháng 7.
Nhiều giới chức và chuyên gia Indonesia khẳng định chính quyền Trump nhìn chung đã phạm nhiều sai lầm ngoại giao trong chính sách với khối Đông Nam Á. Kể từ năm 2017, Washington không có đại sứ tại ASEAN. Việc tổng thống Trump không tham dự thượng đỉnh ASEAN – Mỹ năm 2019, mà chỉ cử một quan chức cấp thấp, khiến 7 trong số 10 lãnh đạo ASEAN tẩy chay cuộc họp này. Reuters dẫn nhận định của nhà phân tích Aaron Connelly, Viện CSIS Singapore, thừa nhận Washington đang « nhường hẳn sân » cho Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19, với việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, tuyên bố lo vac-xin trước hết cho nước Mỹ, trong lúc Trung Quốc khẳng định tham gia tích cực vào nỗ lực quốc tế chia sẻ vac-xin.
Cựu đại sứ Indonesia tại Mỹ (2010-2013), ông Dino Patti Djalal, nhấn mạnh là chiến dịch truyền thông rầm rộ của tổng thống Trump nhằm lên án Trung Quốc là quốc gia « độc ác », với việc để virus Covid tràn ra thế giới, có mục tiêu trước hết là để đánh lạc hướng các chỉ trích mạnh mẽ trong nước về việc chính quyền Trump xử lý đại dịch kém cỏi. Chính sách thùng rỗng kêu to của ông Trump vô hình chung đã để Trung Quốc rảnh tay, nhân đại dịch, mặc sức thi hành chính sách « ngoại giao vac-xin », khẳng định vị thế của một mạnh thường quân.
Vac-xin Covid: Indonesia mua hàng Trung Quốc, nguy cơ phụ thuộc gia tăng (rfi.fr)
Covid-19: Brazil dùng vac-xin Trung Quốc bất chấp tranh cãi
Đăng ngày:
Bộ trưởng Y Tế Brazil Eduardo Pazuello vào hôm qua, 20/10/2020, thông báo nước này sẽ dùng một loại vac-xin chống virus corona chủng mới của Trung Quốc trong khuôn khổ chiến dịch tiêm chủng, bất chấp tranh cãi bùng lên xung quanh việc điều trị này.
Vac-xin CoronaVac, do viện bào chế Sinovac phát triển, đã được thử nghiệm trên hàng nghìn tình nguyện viên ở sáu bang của Brazil, trong đó có Sao Paulo, nơi bị đại dịch nghiêm trọng nhất.
Chính phủ Brazil đã đạt được thỏa thuận với bang này về việc mua 46 triệu liều thuốc chủng, sẽ được sử dụng kể từ tháng Giêng tới đây.
Là quốc gia thứ hai chịu hậu quả nặng nề nhất sau Hoa Kỳ, với hơn 154.000 người chết, vac-xin đã trở thành vấn đề chính trị ở Brazil.
Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiều lần chỉ trích vac-xin Trung Quốc, chống lại thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria, một trong những đối thủ chính trị chủ chốt của ông. Tổng thống Bolsonaro đã tuyên bố rằng tiêm vac-xin sẽ "không bắt buộc", trái với mong muốn của thống đốc Doria.
Venezuela sẽ tiêm vac-xin Covid-19 từ tháng 12
Cũng tại Nam Mỹ, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày hôm qua 20/10/2020 cho biết là nước này sẽ tung ra một chiến dịch tiêm chủng chống virus corona từ tháng 12 đến tháng 01/2021 nhờ vac-xin do Nga và Trung Quốc cung cấp,
Tổng thống Maduro đã nêu rõ là việc tiêm chủng sẽ "ưu tiên" cho những người đã mắc các bệnh khác, giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tá. Sau đó, chiến dịch này sẽ mở rộng ra toàn dân.
Covid-19: Ca tử vong tại Mỹ lên đến 300.000 người
Tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu của Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch bệnh (CDC) công bố hôm qua 20/10/2020, xác nhận rằng con số tử vong chính thức ở mức 200.000 người thấp hơn số nạn nhận thực sự rất nhiều.
Theo đánh giá của CDC, số tử vong liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Hoa Kỳ là gần 300.000 người trong giai đoạn từ 26/01 đến 03/10 vừa qua : Ngoài số 200.000 ca tử vong được ghi nhận chính thức là chết vì Covid-19, còn có gần 100.000 người chết được ghi là do các bệnh khác, nhưng lẽ ra phải được xếp vào diện tử vong vì Covid-19.
Lý do không ghi chết vì virus corona, theo CDC có thể là do chẩn đoán sai hoặc không xét nghiệm tìm Covid-19, thậm chí những người chết ở nhà vì không thể hoặc không muốn đến bệnh viện do khủng hoảng y tế, và đã được thống kê là chết vì bệnh tim, bệnh hô hấp, bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ… Đây là những trường hợp chết gián tiếp vì đại dịch.
Covid-19tại Pháp: 163 người chết trong 24 giờ
Dịch Covid-19 tiếp tục lan mạnh tại Pháp. Theo dữ liệu của Bộ Y Tế Pháp công bố hôm qua 20/10, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 163 người chết tại bệnh viện, nâng số ca tử vong vì dịch bệnh ở Pháp lên thành 33.885 người.
Về số ca nhiễm mới, có thêm 20.468 trường hợp được phát hiện, nâng tổng số ca xét nghiệm dương tính với virus corona lên thành 930.745 trường hợp kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Pháp.
Điều đáng lo ngại là số người nhập viện và bị đưa vào các khoa hồi sức khẩn cấp ngày càng tăng, với thêm 1.944 bệnh nhân mới trong vòng 24 giờ, trong đó có 278 người được đưa đi chăm sóc đăc biệt.
Tổng cộng trên toàn quốc, hiện có đến hơn 12 000 người đang được điều trị tại bệnh viện trong đó có 2.177 bệnh nhân trong các khoa hồi sức đặc biệt, một con số đáng ngại trong bối cảnh cả nước Pháp hiện chỉ có khoảng 6000 giường chăm sóc đặc biệt.
Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Quốc Hội Pháp hôm qua cho biết sẽ họp phiên đặc biệt vào thứ Bảy và Chủ Nhật này để xem xét dự luật triển hạn tình trạng khẩn cấp y tế trước làn sóng thứ hai của dịch Covid-19.
Covid-19 : Bỉ ngưng xét nghiệm người tiếp xúc với ca nhiễm
Trước tình trạng các phòng xét nghiệm bị quá tải, cơ quan y tế của Vương quốc Bỉ đã quyết định kể từ nay ngưng xét nghiệm toàn bộ những người đã tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19, mà chỉ xét nghiệm những người nào có triệu chứng.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình :
Như vậy là tại Bỉ, kể từ nay, những người có tiếp xúc với một ca bệnh Covid-19 sẽ bị cách ly trong 7 ngày. Biện pháp này cũng được áp dụng đối với những người đến từ những « vùng đỏ » bên ngoài nước Bỉ, trong khi cho tới nay việc xét nghiệm là bắt buộc.
Cơ quan y tế Bỉ sẽ xét nghiệm trước hết những người đã có các triệu chứng của Covid-19, sau đó mới xét nghiệm một số người không có triệu chứng, nhưng có những lý do để tin rằng họ có thể đã bị lây nhiễm virus corona.
Từ tuần trước, một số bệnh viện đã làm như vậy, chẳng hạn như tại Liège, nơi mà phải đợi từ 3 đến 4 ngày mới có kết quả, trong khi mục tiêu đề ra trên toàn quốc là 24 giờ.
Như vậy là biện pháp này được áp dụng phổ biến và kể từ nay đây là chiến lược y tế mới của Vương quốc Bỉ. Nhưng vấn đề gay go nhất bây giờ chính là hậu cần. Kho thuốc để xét nghiệm thì có đủ, nhưng nước này thiếu khả năng phân tích, cả về nhân lực, lẫn máy móc. Chính phủ liên bang đã không muốn làm trái với các quy định về đấu thầu, cho nên việc giao máy móc phân tích bị chậm trễ.
Số ca nhiễm mới tại Bỉ đã tăng 70% so với tuần trước và số người nhập viện đã tăng 95%. Một số bệnh viện đã phải tạm hoãn một số ca mổ không cấp thiết và có bệnh viện nay sợ rằng họ sẽ phải chọn lọc bệnh nhân để cứu sống.
Bộ trưởng Y Tế liên bang Franck Vandenbroucke đánh giá tình hình y tế tại Bỉ nay còn tồi tệ hơn cả đầu đợt dịch thứ nhất. Theo ông, tình hình tại Bỉ nguy hiểm nhất châu Âu và « thật sự là chúng ta sắp gặp một trận sóng thần ».
Covid-19: Brazil dùng vac-xin Trung Quốc bất chấp tranh cãi (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten