Tư bản Trung Quốc : Đảng Cộng Sản vẫn là vua
Đăng ngày:
Alibaba là một biểu tượng của sự thành công trong lĩnh vực công nghệ cao và đã vươn lên đến hàng thứ 7 trong số những đại tập đoàn của thế giới, nhưng chủ nhân thực thụ của tập đoàn này vẫn là Cộng Sản Trung Quốc. Bắc Kinh đã chặn đứng tham vọng tham gia sàn chứng khoán của Ant Financial, một công ty con của hệ thống mua bán trên mạng Alibaba.RFI Việt ngữ mời nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Alex Payette, chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada, lần lượt giải mã cuộc đấu trí giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc với Alibaba.
Bài học nào từ việc Bắc Kinh trực tiếp can thiệp vào hồ sơ tài chính của Ant Financial ? Đâu là thiệt hại từ một đòn đau mà đích thân ông Tập Cận Bình giáng cho Alibaba, công ty mẹ kiểm soát 30 % vốn của tập đoàn tài chính Ant Group ? Yếu tố kinh tế chưa đủ để giải thích cho quyết định của lãnh đạo tối cao Trung Quốc khiêu chiến với ông trùm Mã Vân/Jack Ma với ảnh hưởng ngày càng lớn trong các lĩnh vực từ mua bán trên mạng, đến tài chính, ngân hàng.
Ngày 03/11/2020, trong chớp mắt nhà tỷ phú Mã Vân lỡ hẹn với các nhà đầu tư ở Thượng Hải và Hồng Kông sẵn sàng rót đến 35 tỷ đô la Mỹ vào Ant Financial. Giấc mơ phá kỷ lục về sức huy động vốn trong lịch sử của ngành tài chính thế giới bỗng chốc tan thành mây khói.
Hai ngày trước khi Ant Financial chính thức niêm yết cổ phiếu, sáng lập viên Alibaba, công ty mẹ của Ant, đã bị Ủy Ban Ổn Định Tài Chính Trung Ương triệu tập và được thông báo chính quyền vừa « thay đổi các quy định » về các hoạt động tài chính. Chiếu theo các văn bản vừa có hiệu lực, Ant chưa hội tụ đủ điều kiện để tham gia chứng khoán. Dự án tuy nhiên chưa bị vĩnh viễn chôn vùi, do các giới chức tài chính Bắc Kinh gia hạn cho Ant sáu tháng để « điều chỉnh hồ sơ ».
Về cơ bản, Ant Financial là một công cụ tài chính để phục vụ cho hơn 700 triệu khách hàng của hệ thống phân phối trên mạng Alibaba. Ant cho ra đời một loạt các ứng dụng cho khách hàng vay tiền, cho phép thanh toán các khoản mua bán trên mạng với Alibaba bằng các công cụ tin học và kỹ thuật số. Trong số này, được biết đến hơn cả là ứng dụng Alipay. Alipay năm 2019 quản lý khối tiền hơn 15 tỷ đô la, tức là tương đương với trọng lượng của hai đối thủ Hoa Kỳ là Mastercard và Visa cộng lại.
Cho đến hiện tại, Ant Financial tự đặt mình vào thế của một nhà trung gian mang kỹ thuật số và tin học làm nhịp cầu giữa một bên là các ngân hàng hay cơ quan tài chính và bên kia là những người dùng ứng dụng của Ant để mua bán. Ở cương vị này, chi nhánh tài chính phụ thuộc vào Alibaba chỉ bảo đảm 2 % các khoản tín dụng cấp cho khách hàng.
Thế nhưng, theo các quy định về tài chính mới của Trung Quốc được thông báo trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/2020, khoản dự trữ an toàn đó phải tương đương với 30 % tín dụng cấp ra. Một cách cụ thể, để kịp « lên sàn chứng khoán » ngày 05/11/2020 như dự kiến, Ant phải chứng minh có sẵn hơn 20 tỷ đô trong quỹ dự trữ. Đó là điều bất khả thi.
Chuyên gia Alex Payette, chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư vấn Cercius tại Montréal - Canada, nghiên cứu về chiến lược của đảng Cộng Sản Trung Quốc, và cũng là cây bút thường xuyên cộng tác với tờ báo chuyên đề Asialyst của Pháp, trước hết nêu lên thiệt hại nhãn tiền từ thất bại vừa qua, đồng thời ông cho rằng viễn cảnh Ant Financial được tham gia sàn chứng khoán trong tương lai, dù có được thực hiện, cũng sẽ đầy trắc trở :
Alex Payette : Khó để thẩm định một cách chính xác, nhưng đây là một tập đoàn khổng lồ và thương vụ niêm yết cổ phiếu này liên quan đến 35 tỷ đô la Mỹ, thậm chí là 50 tỷ. Do vụ việc bất thành, quyết định hoãn cho phép Ant Financial tham gia sàn chứng khoán vào giờ chót gây thiệt hại về tài chính rất nghiêm trọng. Đối với chủ nhân Alibaba, ông Mã Vân (Jack Ma) không có gì chắc chắn là một khi Bắc Kinh bật đèn xanh cho Ant Financial niêm yết cổ phiếu, tập đoàn tài chính fintech này của Trung Quốc sẽ tiếp tục có sức thu hút các nhà đầu tư. Mà cũng chưa có gì chắc chắn là Trung Quốc sẽ cho phép Ant Financial tham gia sàn chứng khoán như quyết định ban đầu.
Mã Vân quên mất nguyên tắc « im lặng là vàng »
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi thái độ đột ngột của Bắc Kinh với nhà tỷ phú Mã Vân, tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, ông chủ Alibaba, người đang nắm giữ đến gần 1/3 vốn của Ant Financial, đã « xem trời bằng vung » và cho mình cái quyền chỉ trích chế độ. Phát biểu tại một diễn đàn các doanh nhân ở Thượng Hải hôm 24/10/2020, họ Mã đã công khai « kêu gọi cải tổ hệ thống tài chính », mở rộng các dịch vụ thanh toán tiền tệ qua mạng internet. Chưa hết, ông chủ Alibaba còn cho rằng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc ngày nay vẫn hoạt động như « các tiệm cầm đồ » và do vậy đã đến lúc cần « kiến tạo một hệ thống tài chính cho các thế hệ tương lai ».
Trong mô hình « mới » đó, Mã Vân đã chuẩn bị sẵn cho Ant để đứng vững ít nhất trong bốn lĩnh vực: phương tiện thanh toán, đầu tư, tín dụng và bảo hiểm.
Phải chăng vì quá tự tin vào thế gần như độc quyền của mình và các chiến lược sắp tới, mà chủ nhân Alibaba Mã Vân đã quên mất rằng, ngay cả một tập đoàn như Alibaba « cũng chỉ có thể hiện hữu với sự đồng ý của đảng », như ghi nhận của chuyên gia Alex Payette, cơ quan tư vấn Cercius. Hơn thế nữa, chỉ cần tinh ý một chút cũng đủ thấy là từ nhiều tháng qua chính quyền Bắc Kinh luôn chủ trương siết chặt các luật chơi.
Alex Payette : Cần trở lại với những tuyên bố được đưa ra hồi tháng 5/2020. Trước hết đảng Cộng Sản Trung Quốc nhấn mạnh đến việc giám sát các luồng tài chính và kế tới, Bắc Kinh, qua lời phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, nói đến kế hoạch mở cửa thị trường tài chính của nước này, nhưng việc mở cửa đó phải có những biện pháp kiểm soát đi kèm. Thực sự thuần túy về mặt kinh tế, Bắc Kinh cũng có những lý do để giám sát các hoạt động tài chính, bởi vì hệ thống ngân hàng tại quốc gia không có gì là vững chắc. Như đã chúng ta biết, ở Trung Quốc các doanh nghiệp tư nhân rất khó được cấp tín dụng để phát triển. Ant Financial là một tập đoàn tài chính - công nghệ có khả năng cấp vốn cho các doanh nghiệp tư nhân qua các dịch vụ trên mạng. Về thực chất, Ant không chỉ là một nhà môi giới như giải thích về mặt lý thuyết. Nhưng các khoản tín dụng đó cần phải được bảo đảm và sau cùng thì ai sẽ đứng ra bảo đảm cho các khoản vốn vay đó ?
Dù vậy, qua việc chặn lại đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên của Ant Financial, Bắc Kinh bắn đi hai tín hiệu cùng một lúc. Một là để chứng minh đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn nắm giữ tất cả mọi quyền sinh sát trong tay, kể cả với những con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo tôi, điều này đang hủy hoại những nỗ lực của chính quyền Tập Cận Bình muốn thu hút đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc. Điều thứ nhì là trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc có cần đến tư bản của nước ngoài và có cần đến lĩnh vực tư nhân để khởi động lại cỗ máy kinh tế sau đại dịch Covid-19? Đó là điều còn mập mờ một khi ông Tập Cận Bình tuyên chiến với tỷ phú Mã Vân.
Nói cách khác, quyết định hoãn hay hủy việc cho phép Ant tham gia sàn chứng khoán không hẳn là một sai lầm, bởi ít nhất ba lý do : Thứ nhất, Ant có sức thu hút ngoài mọi mong đợi. Đó là chưa kể khi đã trở thành một tập đoàn tài chính có trị giá ngang tầm với những tên tuổi như JP Morgan, Ant sẽ trở thành mối cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc. Các ngân hàng nhà nước chưa sẵn sàng chia sẻ thị phần với bất kỳ một ai, kể cả đó là Alibaba.
Điểm thứ nhì là các sản phẩm tài chính của Ant, các dịch vụ tài chính nay là thẻ tín dụng do Alipay phát hành đẩy người tiêu dùng và các doanh nghiệp tư nhân vào thế nợ nần chồng chất và nguy cơ khủng hoảng tài chính tương tự như khủng hoảng ở Mỹ hồi 2008 càng lớn. Đó là kịch bản Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá. Tại Trung Quốc, ổn định tài chính không chỉ là một vấn đề kỹ thuật hay thuần túy kinh tế, mà trước hết là một vấn đề chính trị.
Một đợt thanh trừng chính trị ?
Tuy nhiên, giới phân tích không loại trừ khả năng việc Bắc Kinh phạt Ant Financial lần này là một vụ thanh trừng về chính trị : Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc CCB là một trong những tiếng nói sốt sắng nhất ủng hộ Ant niêm yết cổ phiếu. Có điều CCB thuộc « vây cánh » của phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn. Giới quan sát tình hình chính trị Bắc Kinh cho rằng, quan hệ cá nhân giữa ông này và chủ tịch Tập Cận Bình đang « bước vào mùa đông giá buốt », kể từ khi một nhân vật thân tín với ông Vương Kỳ Sơn công khai chỉ trích chủ tịch Trung Quốc quản lý kém cỏi đại dịch Covid-19 hồi tháng 2/2020.
Với RFI Việt ngữ, chuyên gia Alex Payette nhìn xa hơn về quá khứ, giải thích Mã Vân là người của « chế độ cũ » :
Alex Payette : « Những người chủ trương cởi trói về tài chính cho tư nhân như Mã Vân họ đã từng gắn bó với cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, nhờ vậy mà vốn của Alibaba ở các nơi đã dễ dàng được chuyển về Trùng Khánh. Cũng nhờ có điểm tựa này mà chủ nhân của Alibaba đã dễ dàng sáng lập Ant Financial. Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với ông Tập Cận Bình. Cần nói thêm rằng, một số doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc - trong đó có Mã Vân - càng lúc càng giữ khoảng cách với đường lối quá bảo thủ của ông Tập Cận Bình ».
Alex Payette cũng giải thích Tập Cận Bình có nhiều thủ đoạn để tấn công Mã Vân, kể cả việc hy sinh ngành công nghệ cao, một con gà đẻ trứng vàng của Trung Quốc :
Alex Payette : « Trong trường hợp của ông Mã Vân, tôi nghĩ rằng Bắc Kinh muốn cảnh cáo chủ nhân Alibaba mà thôi. Ông này quá nổi tiếng và được quốc tế biết đến quá nhiều để có thể bị thất sủng hay bị tống giam, như trường hợp của Ngô Tiểu Huy, cựu chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn bảo hiểm An Bang, cháu rể cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Ngoài ra, bảo rằng công nghệ cao và tài chính công nghệ là con gà đẻ trứng vàng thì cũng không hẳn là như vậy. Vì đó là con gà đẻ trứng vàng đối với ai ? Điều đó chỉ đúng là với những ân nhân, những điểm tựa chính trị của Mã Vân, nhưng đối với ông Tập Cận Bình thì không. Nhà tỷ phú Trung Quốc này càng mạnh và đế chế của ông ta càng được mở rộng, đó lại càng là một thách thức, một mối đe dọa đối với ông Tập.
Dù vậy, đây là một đòn đau, vì lĩnh vực tư nhân trông đợi nhiều vào việc Ant Financial được yết giá trên sàn chứng khoán để có triển vọng được cấp tín dụng. Chung cuộc, Mã Vân chỉ có hai ngõ thoát : Hoặc là chấp nhận luật chơi do Bắc Kinh áp đặt, có nghĩa là tập đoàn tài chính trên mạng này phải chịu thua lỗ nặng nề. Giải pháp thứ hai là đồng ý phát hành cổ phiếu, nhưng ở mức cò con, chứ không phải là hàng chục tỷ đô la như dự án lần này. Kèm theo đó là chấp nhận để cho tất cả các tập đoàn dưới quyền ông Mã Vân chia sẻ dữ liệu big data, những thông tin cá nhân của khách hàng của các đối tác … với chính quyền Trung Quốc, qua đó để cho chính phủ giám sát tất cả các mục tiêu mà Bắc Kinh cần nhắm tới.
Hồ sơ Ant Financial cho thấy kinh tế Trung Quốc có thêm dấu hiệu đang sôi sục, mà trong đó hệ thống ngân hàng truyền thống trong tay nhà nước chưa dễ dàng từ bỏ thế độc quyền. Nhưng quan trọng hơn cả là trong mô hình tư bản Trung Quốc, đảng Cộng Sản vẫn nắm giữ mọi quyền sinh sát, ngay cả với những tập đoàn được xem là tủ kính của một nền kinh tế hiện đại.
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20201201-tap-chi-kinh-te-tu-ban-trung-quoc-dang-cong-san-la-vua
Geen opmerkingen:
Een reactie posten