Pháp: Covid-19 hoành hành trở lại, lãnh vực văn hóa bị hy sinh
Đăng ngày:
Chủ đề trung tâm của báo chí Pháp ra hôm nay 11/12/2020 là những quyết định không vui liên quan đến kế hoạch giảm phong tỏa chống dịch Covid-19 kể từ ngày 15/12/2020, mà thủ tướng Pháp Jean Castex buộc phải loan báo hôm qua. Bên cạnh đó, các báo cũng chú ý đến những lời chỉ trích không khoan nhượng của Thượng Viện Pháp đối với chính quyền về cách đối phó kém cỏi với dịch bệnh trong thời gian qua.
Những quy định mới liên quan đến việc giảm nhẹ phong tỏa tại Pháp kể từ giữa tháng 12 này đã được hai tờ Le Figaro và Libération phân tích kỹ lưỡng và nêu bật trên trang nhất. Trong lúc Le Figaro nhìn sự kiện một cách khái quát, nêu bật trong hàng tựa “Sau khi bị phong tỏa, Pháp lại bị giới nghiêm”, thì Libération xoáy mạnh trên khía cạnh các sinh hoạt văn hóa vẫn chưa được phép hoạt động trở lại với một hàng tựa rất bình dân: “Mùa Giáng Sinh: Văn hóa bị mắc nghẹn”.
Le Figaro: “Gáo nước lạnh” cho hy vọng chấm dứt phong tỏa
Đối với Le Figaro, vào lúc mọi người đều hy vọng là nhân dịp những ngày lễ cuối năm rất quan trọng, chính quyền sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa. Thế nhưng, thủ tướng Pháp đã dội “một gáo nước lạnh”. Trái với lời hứa trước đây là sẽ giảm bớt các hạn chế về tự do đi lại hay tụ tập kể từ ngày 15 tháng 12, ông Jean Castex đã chỉ “điều chỉnh” các ràng buộc, với lý do là “tình hình y tế ngày càng xấu đi”.
Vấn đề, theo tờ báo cánh hữu Pháp, là sự điều chỉnh này lại đi theo chiều hướng siết chặt thêm: Các rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng tiếp tục bị đóng cửa thêm ba tuần nữa, tuy chế độ giấy phép đi lại được hủy bỏ, nhưng một lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt sẽ được áp dụng, không phải từ 9 giờ tối như trước đây, mà ngay từ 8 giờ tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau.
Cứu Giáng Sinh nhưng hy sinh Tết Dương Lịch
Ngay cả tối giao thừa 31/12 cũng phải chịu giới nghiêm, cho dù theo thông lệ, đó là lúc mà rất đông người đổ ra đường phố để vui chơi và đón mừng năm mới. Chính quyền Pháp đã cảnh báo là hơn 100.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động, để bảo đảm việc chấp hành lênh giới nghiêm vào tối hôm đó.
Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là ngày lễ Giáng Sinh với lệnh giới nghiêm được giải tỏa tối 24 tháng 12, để mọi người có thể quây quần mừng Noel bên nhau. Thế nhưng, thủ tướng Pháp nhắc nhở là không nên có hơn sáu người quanh bàn ăn!
Theo Le Figaro, như vậy là thủ tướng Pháp đã quyết định cứu Giáng Sinh, nhưng hy sinh Tết Tây.
Libération: Castex, ông già roi vọt của mùa Noel
Cũng như đồng nghiệp cánh hữu, nhật báo cánh tả Libération cũng chú ý đến tác động của dịch Covid-19 trên lễ Noel và Tết Dương Lịch tại Pháp, với quyết định dỡ bỏ phong tỏa tối thiểu của thủ tướng Castex.
Tờ báo đã chú ý nhiều hơn đến những giới hạn vẫn được duy trì, như các quy định tiếp tục đóng cửa các rạp chiếu bóng, các nhà hát hay viện bảo tàng, được Libération gọi chung là những “giới hạn trong lãnh vực văn hóa”.
Trong bài viết “Jean Castex, ông già roi vọt của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa”, Libération không ngần ngại đối lập thủ tướng Pháp với hình ảnh ông già Noel hiền hòa, mà ai cũng nghĩ tới khi đến cuối năm. Libération đau xót: “Nào là giới nghiêm kể từ 20 giờ, kể cả tối giao thừa, nào là các nhà hát, viện bảo tàng phải đóng cửa thêm 3 tuần lễ nữa, đại đich đã không thuyên giảm như hy vọng, khiến cho thủ tướng chỉ giảm bớt các hạn chế ở mức tối thiểu mà thôi”.
Riêng nhật báo Les Echos thì không hề thấy là các biện pháp phong tỏa đã được giảm nhẹ, mà ngược lại là khác: “Castex siết chặt thêm kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa”.
Giới làm văn hóa hy vọng điều tốt nhất, để nhận được điều tồi tệ nhất
Về chủ đề giảm phong tỏa tại Pháp, Le Figaro đã dành riêng một bài để nói về thái độ bàng hoàng của giới hoạt động trong các ngành văn hóa tại Pháp trước hung tin vừa được thủ tướng Pháp loan báo.
Đối với Le Figaro, giới này từng hy vọng vào điều tốt nhất để rồi phải hứng chịu một thực tế tồi tệ nhất. Kể từ thông báo của tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 24 tháng 11, các tác nhân trong ngành văn hóa đã coi ngày 15 tháng 12 là ngày họ được hoạt động lại. Tối hôm qua, họ lại thấy rằng phải đóng cửa thêm ba tuần, với cuộc hẹn ngày 7 tháng Giêng năm tới, để “duyệt xét lại tình hình.”
Theo Le Figaro, chính vì đã nuôi hy vọng là sắp được mở cửa mà trong thời gian qua, các nhà phân phối phim chẳng hạn đã sắp xếp lại lịch trình của họ để cung cấp các bộ phim chiếu lại hay phim mới vào mỗi thứ Tư trong tháng 12, các nhà hát thì đã thay đổi giờ diễn các vở kịch, đủ sớm để tuân theo lệnh giới nghiêm đã công bố, các viện bảo tàng thì ồ ạt tăng cường thông báo về việc mở lại các cuộc triển lãm.
Tối hôm qua, như vậy là nỗi thất vọng đã tràn ngập các viện bảo tàng cũng như các nhà hát, rạp chiếu phim trên toàn nước Pháp.
Thượng Viện Pháp: Chính quyền đối phó kém cỏi với đại dịch
Cũng đề cập đến chủ đề Covid, Le Monde đã dành tựa chính trang nhất cho báo cáo của Thượng Viện Pháp tiết lộ vào thứ Năm 10/12. Sau nhiều tháng điều tra, các thượng nghị sĩ đi đến kết luận khá khắt khe, khiến Le Monde chạy tựa: “Covid: Thượng Viện xoáy mạnh vào ‘sự thiếu chuẩn bị của hành pháp’”.
Tờ báo liệt kê: Các thượng nghị sĩ chỉ trích một sự “thiếu chuẩn bị”, “thiếu chiến lược” và “thiếu thông tin” cho dân chúng. Báo cáo giải thích là, từ lúc hệ thống phòng ngừa rủi ro dịch tễ được đặt trong tình trạng báo động đến lúc tổng thống Macron ban hành tình trạng phong tỏa, hành pháp có một loạt “quyết định chậm trễ và thiếu phối hợp”…
Báo cáo cũng dành một phần không nhỏ cho câu chuyện về khẩu trang, sẽ là “biểu tượng của sự thiếu chuẩn bị, với hậu quả nặng nề (…), nuôi dưỡng thêm không khí lo âu”.
Về sự thiếu hụt khẩu trang trong mùa dịch đầu tiên, báo cáo nhấn mạnh trên trách nhiệm của tổng giám đốc y tế hiện nay, Jérôme Salomon, đã quyết định vào mùa thu 2018 là không đổi mới dự trữ khẩu trang phẫu thuật, trong lúc hơn 600 triệu khẩu trang bị đánh giá không còn phù hợp. Ông Salomon còn bị chỉ trích, vì đã yêu cầu sửa một báo cáo chính thức về khẩu trang.
Liên Âu: Hungary và Ba Lan bị khuất phục
Về thời sự quốc tế, cụ thể là thời sự châu Âu, sự kiện được tất cả các báo chú ý là việc hai thành viên ngỗ nghịch của Liên Hiệp Châu Âu là Ba Lan và Hungary rốt cuộc đã phải rút lại lời đe dọa phủ quyết ngân sách chung của toàn khối. Le Monde đưa tựa trên trang nhất: “Kế hoạch vực dậy Châu Âu : Ba Lan và Hungary sẵn sàng bỏ quyền phủ quyết”.
Ba tuần sau khi phủ quyết kế hoạch 750 tỷ euro hầu vực dậy Châu Âu và ngân sách cộng đồng (2021-2027) 1 074 tỷ, Ba Lan và Hungary giờ đây nói sẵn sàng bỏ phủ quyết của họ.
Điều kiện tôn trọng nhà nước pháp quyền để nhận tài trợ vẫn không thay đổi, nhưng hai quốc gia cho rằng đã nhận được đủ đảm bảo để kế hoạch chấn hưng không bị bắt làm con tin, trong lúc Châu Âu cần phải đối phó với sự tàn phá kinh tế và dịch bệnh Covid-19.
Theo Le Monde, Ba Lan và Hungary thật ra sẽ mất mát nhiều trong vụ việc này và Liên Âu cũng đã nhắc nhở họ một cách thẳng thừng những tuần lễ qua.
Trước tiên là yếu tố chính trị: Gánh trách nhiệm về sự thất bại của một kế hoạch được thương lương rất chật vật giữa 27 quốc gia, không phải là một chuyện dễ dàng, hơn nữa đại dịch còn khá lâu mới được kiểm soát. Nhưng nhất là, nếu hai nước này đi đến cùng trong lời đe dọa của họ, thì vị trí của họ trong việc xây dựng cộng đồng chỉ sẽ bị đặt lại. Đối với Ba Lan, Vacxava rất muốn tránh ảnh hưởng của Nga, cắt đứt với cộng đồng các nước châu Âu sẽ quá nguy hiểm.
Ngoài ra còn vấn đề tài chính. Ủy Ban Châu Âu đã nhanh chóng cho biết sẵn sàng tiến hành kế hoạch vực dậy, mà không có Ba Lan và Hungary và đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề với một số kịch bản khả thi. Vacxava sẽ mất đi như thế 23 tỷ euro, Budapest 6 tỷ, tức cả hai sẽ mất đi 4% GDP.
Việc Ba Lan và Hungary sẵn sàng bỏ phủ quyết của họ, cũng được Libération chú ý trên trang nhất với một tựa mang dáng chơi chữ: “Nhà Nước pháp quyền ngẩng cao đầu tại Thượng Đỉnh Châu Âu”.
Cầu thủ Antoine Griezmann cắt quan hệ với Hoa Vi
Báo Libération cũng quan tâm đến sự kiện cầu thủ bóng đá Antoine Griezmann, gương mặt quảng cáo của Hoa Vi kể từ năm 2017, hôm thứ Năm 10/12 tuyên bố “chấm dứt quan hệ đối tác” với người khổng lồ viễn thông Trung Quốc, với lý do có “nhiều nghi ngờ" về việc Hoa Vi tham gia theo dõi người Duy Ngô Nhĩ.
Trong vài năm nay, Bắc Kinh đã thử nghiệm các kỹ thuật kiểm soát cực kỳ tinh vi của công an ở Tân Cương, một khu vực ở phía tây Trung Quốc với khoảng 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, với chiêu bài "duy trì sự ổn định" và chống lại ''chủ nghĩa cực đoan''.
Từ một ghi chú nội bộ có từ tháng 01 năm 2018 và do IPVM, một phương tiện truyền thông điều tra chuyên giám sát video phát hiện, tờ báo Mỹ Washington Post đã tiết lộ hôm thứ Ba 08/12 rằng Hoa Vi sẽ giúp thử nghiệm một hệ thống nhận diện khuôn mặt với "cảnh báo Duy Ngô Nhĩ”, nhằm báo cho cảnh sát bất kỳ người nào đang đi trên đường và có vẻ thuộc về sắc tộc này.
Hôm thứ Năm, Antoine Griezmann kêu gọi “Hoa Vi không nên chỉ hài lòng với việc phủ nhận những cáo buộc này, mà hãy có những hành động cụ thể càng nhanh càng tốt để lên án vụ đàn áp hàng loạt” […] và sử dụng ảnh hưởng của mình để góp phần tôn trọng nhân quyền".
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201211-phap-covid-vanhoa-bi-hy-sinh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten