woensdag 2 december 2020

Mỹ trừng phạt công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc khai thác ở Biển Đông : China National Offshore Oil Corp (CNOOC)

 

Mỹ trừng phạt công ty dầu khí Hải dương  Trung Quốc khai thác ở Biển Đông : China National Offshore Oil Corp (CNOOC)

Trụ sở của CNOOC, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, tại Bắc Kinh.
Trụ sở của CNOOC, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, tại Bắc Kinh. STR/AFP
Thu Hằng
4 phút

Chính quyền tổng thống Donald Trump dự định đưa thêm bốn công ty Trung Quốc vào « danh sách đen » những công ty do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát. Theo một tài liệu mà Reuters truy cập được và đưa ra ngày 30/11/2020, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc nằm trong số bốn công ty trên, do đã khai thác dầu khí trong vòng nhiều năm ở những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp.- CNOOC) là công ty dầu khí lớn thứ ba ở Trung Quốc (sau CNPC và Sinopec) bị trừng phạt do hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, « bị Hoa Kỳ coi là hành động quân sự », theo nhận định của một chuyên gia Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, thuộc đại học Hạ Môn (Xiamen). CNOOC cũng sở hữu nhiều khu khai thác dầu khí ở Mỹ và hợp tác với nhiều công ty Mỹ như Exxon Mobil Corp. trong nhiều dự án quốc tế.

Theo Henik Fung, nhà phân tích thuộc Bloomberg Intelligence, các nhà đầu tư Mỹ sở hữu 16,5% cổ phiếu CNOOC niêm yết tại Hồng Kông. Quyết định của chính quyền Mỹ khiến các nhà đầu tư Mỹ tìm cách thoái vốn, theo sắc lệnh cấm công dân Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc do quân đội nắm giữ hoặc kiểm soát. Giá cổ phiếu của CNOOC đã giảm 14% vào thứ Hai 30/11.

Ba doanh nghiệp khác bị liệt vào danh sách đen là công ty sản xuất chíp điện tử SMIC và hai công ty xây dựng (China Construction Technology Co Ltd và China International Engineering Consulting Corp.). Với 4 doanh nghiệp này, danh sách đen những công ty Trung Quốc do quân đội kiểm soát hoặc sở hữu tăng lên thành 35.

Ngày 30/11/2020, trả lời báo giới về khả năng Washington ban hành lệnh trừng phạt mới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu : « Bắc Kinh hy vọng Hoa Kỳ sẽ không gây thêm trở ngại cho quan hệ song phương và không phân biệt đối xử các doanh nghiệp Trung Quốc ».

Cùng ngày, bộ Tài Chính Mỹ thông báo trừng phạt một công ty điện lực Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ việc kiểm duyệt ở Venezuela. Đây là loạt biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc mà tổng thống Trump duy trì trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

Trung Quốc trừng phạt bốn nhân viên tổ chức phi chính phủ Mỹ

« Ăn miếng trả miếng », ngày 30/11, Trung Quốc đã ban hành trừng phạt đối với bốn quan chức của các tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ, để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Washington đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông. Theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 30/11, bốn nhân vật này gồm John Knaus, giám đốc cấp cao khu vực châu Á của Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment Democracy), Manpreet Singh Anand của Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute), Crystal Rosario, giám đốc Văn phòng Hồng Kông của Viện Dân chủ Quốc gia và Kelvin Sit Tak-O, quản lý dự án của Văn phòng Hồng Kông.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bốn người này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, bao gồm cả đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201201-m%E1%BB%B9-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-m%E1%BB%99t-c%C3%B4ng-ty-d%E1%BA%A7u-kh%C3%AD-trung-qu%E1%BB%91c-khai-th%C3%A1c-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten