donderdag 3 december 2020

Mỹ tăng cường trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông + Mỹ siết chặt quy định visa đối với đảng viên Cộng Sản Trung Quốc

 

Mỹ tăng cường trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Giàn khoan của tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC.
Giàn khoan của tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC. REUTERS
Trọng Nghĩa
4 phút

Đúng với nhận xét của nhiều quan sát viên, vào những ngày cuối trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng tốc độ trừng phạt Trung Quốc. Liên quan đến Biển Đông, mới đây các nguồn thạo tin đã xác định rằng Washington đã sẵn sàng bổ sung tập đoàn năng lượng khổng lồ Trung Quốc CNOOC vào danh sách các công ty Trung Quốc bị trừng phạt vì đang giúp Bắc Kinh áp đặt yêu sách chủ quyền “phi pháp” trên Biển Đông.

Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC - China National Offshore Oil Corporation) là một tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới, được yết giá trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 30/11/2020, tập đoàn này bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen càng lúc càng dài của các công ty Trung Quốc dính líu với quân đội Trung Quốc.

Theo giới quan sát, lý do khiến Mỹ trừng phạt CNOOC rất có thể là vì tập đoàn này đã góp phần đắc lực vào việc giúp chế độ Bắc Kinh thăm dò năng lượng tại vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tự cho là họ có chủ quyền rộng khắp, những yêu sách đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye xem là không có cơ sở pháp lý vào năm 2016, và mới đây, vào tháng 8 vừa qua, đã chính thức bị Mỹ coi là “phi pháp”.

Chính CNOOC là công ty chủ quản của giàn khoan HD-981 mà Trung Quốc đã đưa và cắm sâu bên trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014, gây nên căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Trước đó, ngay từ năm 2012, chính tập đoàn này đã phân lô vùng biển kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gọi thầu quốc tế vào khai thác, bất chấp việc nhiều lô đã được Việt Nam giao cho các tập đoàn quốc tế thăm dò, trong đó có Exxon của Mỹ chẳng hạn.

Việc CNOOC bị đưa vào danh sách đen của Mỹ có hậu quả là ngăn chặn đầu tư Mỹ đổ vào tập đoàn này, cũng như ngăn cản hợp tác giữa tập đoàn Trung Quốc với các công ty Mỹ và quốc tế khác.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, giới đầu tư Hoa Kỳ, hiện đang nắm giữ tới 16,5% cổ phần niêm yết của CNOOC, sẽ bị buộc phải thoái vốn trong bối cảnh chiến dịch chống Trung Quốc đang diễn ra ở Washington.

Công cuộc hợp tác mà CNOOC đang tiến hành với các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ, như Exxon Mobil, sẽ gặp trở ngại rất lớn, và đó sẽ có tác hại không nhỏ đối với tập đoàn Trung Quốc, vì lẽ CNOOC vẫn còn phải dựa vào thiết bị và công nghệ của phương Tây.

Theo ghi nhận của trang thông tin Hồng Kông Asia Times hôm 03/12, ít lâu sau khi có thông tin về việc tập đoàn dầu khí Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, ngày 30/11, cổ phiếu của CNOOC trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 14%.

Theo Asia Times, các biện pháp trừng phạt mới nhất của chính quyền Trump chống lại tập đoàn năng lượng Trung Quốc là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm các nguồn năng lượng quý giá tại Biển Đông.

Khi tố cáo các hành vi ngoài vòng luật pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp các đảo nhân tạo mà họ đang chiếm giữ ở Trường Sa và Hoàng Sa, Hoa Kỳ đã cho biết là sẽ trừng phạt các cá nhân và tập thể Trung Quốc có liên quan đến các hoạt động áp đặt chủ quyền. Biện pháp nhắm vào CNOOC chính là nằm trong khuôn khổ đó.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201203-my-tang-cuong-trung-phat-trung-quoc-ve-van-de-bien-dong

Mỹ siết chặt quy định visa đối với đảng viên Cộng Sản Trung Quốc

Ảnh minh họa. Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/05/2020.
Ảnh minh họa. Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/05/2020. AFP - LEO RAMIREZ
Trọng Nghĩa
4 phút

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 02/12/2020 đã ban hành các quy định mới siết chặt thêm chế độ thị thực nhập cảnh Mỹ đối với đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc và gia đình của họ, theo tiết lộ của nhật báo Mỹ New York Times ngày 03/12.

Trích dẫn các nguồn tin nắm rõ hồ sơ này, New York Times cho biết là, theo quy định mới, thời hạn thị thực nhập cảnh đối với các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc và gia đình của họ chỉ còn là một tháng, và chỉ có giá trị một lần duy nhất.

Cho đến nay, các đảng viên Cộng Sản, tương tự như mọi công dân Trung Quốc khác, đều có thể xin thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ với thời hạn có thể lên đến 10 năm.

Các hướng dẫn thị thực mới cho phép quan chức Mỹ xác định xem một người Trung Quốc xin visa vào Mỹ có phải là đảng viên hay không, dựa trên đơn xin thị thực và phần phỏng vấn lúc nộp đơn.

Nhật báo New York Times dẫn lời một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ xác định rằng việc siết chặt chế độ thị thực nhập cảnh kể trên nằm trong chủ trương bảo vệ nước Mỹ chống lại “ảnh hưởng tai hại” của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Mỹ chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề trên, nhưng trong những ngày gần đây, chính quyền Donald Trump đã tìm cách “củng cố di sản cứng rắn đối với Trung Quốc của tổng thống mãn nhiệm”, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đã xuống đến mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ.

Quan hệ Washington và Bắc Kinh đã trở nên hết sức căng thẳng trên một loạt vấn đề, từ cách xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc, chính sách đàn áp tại Hồng Kông, cho đến các vụ vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn ở Tân Cương, hay các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của họ ở Biển Đông.

Mỹ cấm nhập bông gòn đến từ Tân Cương

Nhiều quyết định trừng phạt Trung Quốc đã liên tiếp được tung ra, gần đây nhất là lệnh cấm nhập khẩu bông gòn từ một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị cho là đã sử dụng lao động cưỡng bức áp dụng trên thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một thông cáo ngày 02/12, bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ cho biết là Hải Quan Mỹ kể từ nay có quyền tịch thu mặt hàng bông gòn nhập của Tập Đoàn Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương XPCC. Đây là một tổ chức kinh tế bán quân sự chiếm gần một phần năm GDP của vùng Tân Cương, đồng thời là một trong những nhà sản xuất bông gòn lớn nhất Trung Quốc.

Vào tuần trước, hãng tin Anh Reuters cũng tiết lộ việc Washington đã sẵn sàng đưa thêm bốn tập đoàn lớn của Trung Quốc vào “danh sách đen” của các doanh nghiệp do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát.

Trong số này có nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu của Trung Quốc SMIC và Tổng Công ty Dầu Khí Hải Dương CNOOC, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận của các thực thể này với giới đầu tư Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201203-my-siet-chat-quy-dinh-visa-doi-voi-dang-vien-cong-san-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten