Chiến dịch 'đốt lò' của TBT Trọng ngày càng tăng độ nóng?

Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam, tham nhũng
Chụp lại hình ảnh,

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng với câu 'Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy'

Sáng 12/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhận xét rằng: "Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh PCTN không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn".

Đồng thời, ông Học cũng khẳng định: "Lò ở đầu nhiệm kỳ XII nóng thì tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn mãi như thế".

Theo báo cáo tổng kết tại hội nghị sáng nay, từ năm 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên. Trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng.

Các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

NPT quote card on corruption

Tham nhũng có giảm?

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gọi nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, là giai đoạn "xoay chuyển tình hình".

Theo ông Hùng, nhiều vụ, việc lâu nay được cho là "vùng cấm, nhạy cảm", kéo dài từ những năm trước, liên quan đến cán bộ cấp cao song đã được các cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, xét xử theo quy định pháp luật. Ông lấy ví dụ vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng; vụ án AVG;...

Một trong những vụ án ông Hùng nêu ra là vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, khi lần đầu tiên 2 cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng bị xét xử công khai về tội nhận hối lộ, một lãnh đạo doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước về tội đưa hối lộ. Cũng trong vụ này, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 100%, với hơn 8.000 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 1, theo một thăm dò dư luận ở Việt Nam, có vẻ người dân cho rằng tham nhũng đã giảm trong những năm gần đây, cùng thời gian diễn ra công cuộc 'đốt lò' của ông Trọng.

Cụ thể, Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam, hôm 7/1 công bố kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019.

Có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận về mức độ tăng của tham nhũng
Chụp lại hình ảnh,

Có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận về mức độ tăng của tham nhũng

Họ phỏng vấn 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 7 và tháng 8 và tháng 11 năm 2019.

Mặc dù mức độ tham nhũng vẫn được cảm nhận là cao trên phạm vi cả nước nhưng có cải thiện trong 3 năm qua. Năm 2019, 43% người Việt Nam cho rằng tham nhũng ở Việt Nam tăng lên trong 12 tháng qua (thấp hơn so với 58% năm 2016); 31% cho rằng tình hình không thay đổi (so với 25% năm 2016); và 26% cho rằng tham nhũng đã giảm (so với 17% năm 2016).

Chiến dịch thành trừng nội bộ?

Luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long trước đó nhận xét với BBC: "Chiến dịch "củi lửa, đốt lò" chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động tất nhiên là một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ, tôi nghĩ nó là một chiến dịch dài hơi xuyên Đại hội được tung ra để phục vụ cho một phe phái nào đó đang cầm cờ và phất trong tay."

Ông Long cho rằng, cách thức báo chí chính thống nhà nước đưa tin với ông Nguyễn Đức Chung, ông Đinh La Thăng và các bị can, bị cáo khác, dù là các quan chức bị cho là "củi" bị đưa vào lò như lâu nay, không cho thấy biểu hiện của một nhà nước pháp quyền.

"Nhà nước pháp quyền sẽ xử lý tham nhũng mà không cần quan tâm đến các phe phái chính trị, còn chiến dịch "đốt lò" của đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng là một chiến dịch mang tính chất chính trị thuần túy, chứ không phải là một chiến dịch trấn áp tội phạm gì cả, đó là hai vấn đề rất khác nhau," ông Long nhìn nhận.

Cũng trong chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nhận xét: "Về công cuộc "củi lửa, đốt lò", tôi cho rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết rõ hơn ai hết về nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng sẽ hủy hoại tính chính danh của ĐCSVN, sẽ đẩy đất nước đến chỗ lụn bại.

"Công cuộc chống tham nhũng do ông phát động có mang lại kết quả nhất định, nhưng theo tôi vẫn không căn bản. Chống tham nhũng phải đi liền với cải cách bộ máy đảng và chính quyền mạnh tay và triệt để như cách ông Lý Quang Diệu đã làm ở Singapore? Tiếc rằng, Việt Nam lại chưa làm được như thế."

"Cuối cùng, không chỉ trong vụ việc cá biệt nào, tôi cho rằng, với Việt Nam, cách chống tham nhũng hiệu quả là cải cách thể chế chính trị theo khuôn mẫu tự do dân chủ. Khi đó, dù TBT Nguyễn Phú Trọng có không tại vị nữa, thì công cuộc " củi lửa, đốt lò" vẫn vận hành trơn tru và hiệu quả," nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm riêng với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55285481?fbclid=IwAR2GmdUU7zlPRISBq-NPxDsfsgEIS8nbdXdTq52kEKvEO8r9nEZ2bGx5xJY