Cuộc chiến âm thầm của Israel chống chương trình hạt nhân Iran
Đăng ngày:
Ngày 27/11/2020, nhà khoa học nguyên tử hàng đầu của Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh, đã tử nạn trong một cuộc phục kích. Israel bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công. Giới quan sát cho rằng vụ này đang khép dần con đường của Joe Biden trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 dưới thời tổng thống Barack Obama.
Mohsen Fakhrizadeh là nhà khoa học thứ năm của Iran có liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân bị Israel sát hại tính từ năm 2010. Tel Aviv vẫn chưa lên tiếng bình luận, nhưng những dòng Tweet của thủ tướng Netanyahu như ngầm khẳng định : « Tuần này, tôi đã làm được nhiều việc, nhưng tôi không thể nói ra tất cả ».
Từ lâu nay, Israel luôn xem Iran như là một mối đe dọa « hiện hữu » và không ngần ngại công khai tố cáo vai trò của Mohsen Fakhrizadeh trong một cuộc họp báo năm 2018, khi tiết lộ nội dung những hồ sơ bí mật về chương trình hạt nhân của Iran mà Mossad đánh cắp được từ một kho lưu trữ của Teheran.
Kể từ đó, Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, cùng với nhiều sĩ quan của Vệ Binh Cách Mạng, trong tầm ngắm của cơ quan tình báo Israel. Và trong « một cuộc chiến âm thầm chống chương trình hạt nhân của Iran » như nhận định của Le Figaro, có thể nói Israel là « một bậc thầy » với những đòn phá hoại, tấn công khủng bố, nổ súng, tấn công tin tặc… ngay trên chính lãnh thổ Iran, mà không lo sợ bị trừng phạt.
Những tháng gần đây, chiến dịch này của Mossad như gia tăng cường độ, mà Mohsen Fakhrizadeh là nạn nhân mới nhất. Tháng Giêng, tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo lực lượng Al-Qods, đơn vị tinh nhuệ của Vệ Binh Cách Mạng, đã bị một drone của Mỹ bắn hạ trên lãnh thổ Irak.
Tháng Tám, Iran lại bị « ê mặt » khi những tay giết thuê hạ sát một thủ lĩnh cao cấp của Al Qaida ngay trên đường phố Teheran. Sự việc xảy ra khiến người ta nghi là đang có một mạng lưới gián điệp và đồng lõa của Mossad rất phát triển tại Iran.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Yossi Melman, được Le Figaro trích dẫn, « Fakhrizadeh là độc nhất, bởi vì ông ấy điều hành giai đoạn cuối cùng và quan trọng nhất trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân và phát triển các loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân ».
Chỉ có điều, như cảnh báo của Yossi Melman, « một nhà khoa học tài năng khác rồi cũng sẽ được tìm thấy để thay thế cho người vừa bị loại. Hơn nữa, Iran cũng đã tích lũy được khá đầy đủ hiểu biết để chế tạo ra vũ khí hạt nhân cho chính mình theo như ý muốn ».
Vẫn theo quan điểm của vị chuyên gia này, chính những vụ ám sát các nhà khoa học Iran trong những năm gần đây có lẽ đã thúc đẩy Teheran có những phản ứng, như gia tăng mức độ làm giầu chất uranium, lắp đặt các máy ly tâm tinh vi hơn và thiết lập các nơi cất trữ chất uranium bổ sung, nhằm giảm bớt thời hạn chế tạo loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Nhưng có một điều chắc chắn là gần đến ngày hết nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không muốn giảm cường độ chính sách « áp lực tối đa » lên Iran. Sau khi rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, chính quyền Donald Trump liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, với hy vọng buộc Iran đàm phán một thỏa thuận mới, ràng buộc hơn, theo các tiêu chí của Mỹ.
Thế nhưng, bất chấp các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt và đang tàn phá nền kinh tế đất nước, Teheran vẫn dứt khoát không nhượng bộ Washington. Trong khi đó, nước Cộng Hòa Hồi Giáo đặt nhiều hy vọng vào tân chính quyền Biden, từng tuyên bố mong muốn thay đổi đường hướng và làm sống lại thỏa thuận 2015, với điều kiện Iran tạm ngưng các chương trình phát triển hạt nhân.
Theo giới quan sát, với vụ ám sát này, Donald Trump và Benjamin Netanyahu có vẻ như đang tìm cách buộc Iran phải chọn lựa giữa sự trả thù và thiện chí thoát khỏi sự cô lập. Và với một mục tiêu sau cùng không nói ra : « Ngáng chân » Joe Biden để ngăn cản ông tiến hành một chính sách ngoại giao thay thế !
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201130-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-%C3%A2m-th%E1%BA%A7m-c%E1%BB%A7a-israel-ch%E1%BB%91ng-ch%C6%B0%C6%A1ng-tr%C3%ACnh-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-iran
Teheran lên án "khủng bố" Israel sát hại nhà khoa học Iran
Đăng ngày:
Nhà khoa học nguyên tử hàng đầu của Iran, Mohsen Fakhrizadeh, đã bị phục kích sát hại ngày 27/11/2020 gần thủ đô Teheran. Chính quyền Teheran cáo buộc Israel, « tay sai » của Hoa Kỳ, đứng sau vụ tấn công và cố tình gây « hỗn loạn » trong khu vực.
Trong thông cáo ngày 27/11, bộ Quốc Phòng Iran cho biết ông Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, đứng đầu Phòng Nghiên cứu và Đổi mới của bộ, đã không qua khỏi sau khi được nhập viện khẩn cấp. Chiếc xe chở nhà khoa học « đóng vai trò quan trọng trong các tiến bộ quốc phòng Iran » đã bị phục kích trên một đại lộ ở ngoại ô Teheran, sau khi dừng lại vì « một vụ tai nạn ». Đúng lúc xe của ông dừng lại, một chiếc xe chứa chất nổ bên kia đường đã nổ tung, sau đó nhiều tay súng xuất hiện và bắn xối xả vào xe.
Tổng thống Iran Rohani ra thông cáo lên án « bàn tay tàn nhẫn » của Hoa Kỳ và « tay sai » Israel « đã vấy máu một người con của dân tộc ». Giới chính trị gia và quân sự Iran đồng loạt lên án vụ tấn công và thề báo thù.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :
« Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng như chủ tịch Quốc Hội Mohammad Bagher Ghalibaf đều cáo buộc Israel nhúng tay vào vụ sát hại Mohsen Fakrizadeh bằng một cuộc tấn công được chuẩn bị rất tinh vi ở phía bắc thủ đô Teheran.
Về phần tướng Baghri, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, đã thề sẽ có một cuộc báo thù khủng khiếp nhắm vào những kẻ ra tay tấn công và những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại này.
Cách đây hai năm, thủ tướng Israel từng nhắc đến ông Mohsen Fakrizadeh, khi khẳng định mọi người phải nhớ đến tên của nhân vật này, ngầm cho rằng nhà khoa học Iran là mục tiêu tương lai của Israel.
Vụ sát hại Mohsen Fakrizadeh xảy ra 5 tháng sau vụ nổ ở khu hạt nhân Natanz, mà Teheran cũng đã cáo buộc Israel và Hoa Kỳ can dự.
Các nhà lãnh đạo Iran không nêu rõ sẽ báo thù như thế nào cho cái chết của Mohsen Fakrizadeh. Ông được cho là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran ».
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Iran bình tĩnh
Ngay sau vụ sát hại nhà khoa học Iran, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi « kềm chế và cần tránh mọi hành động có thể gây leo thang căng thẳng trong vùng ».
Ngay từ năm 2008, nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh đã bị bộ Ngoại Giao Mỹ lưu ý vì « tiến hành những hoạt động và giao dịch góp phần phát triển chương trình hạt nhân của Iran ». Vụ sát hại xảy ra vào lúc Hoa Kỳ sắp có chính quyền mới. Trước đó, tổng thống Donald Trump từng tham vấn nhiều lãnh đạo cấp cao Mỹ về khả năng « hành động » nhắm vào một khu hạt nhân Iran.
Mỹ trừng phạt 4 công ty hỗ trợ chương trình hạt nhân Iran
Tổng thống Donald Trump luôn áp dụng chính sách « gây áp lực tối đa » đối với chính quyền Teheran. Theo AFP, hành động mới nhất là ban hành trừng phạt kinh tế đối với 4 công ty của Trung Quốc và Nga : Chengdu Best New Materials và Zibo Elim Trade (trụ sở tại Trung Quốc) và Nilco Group và Joint Stock Company Elecon (ở Nga).
Ngày 27/11, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc bốn công ty này đã hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời khẳng định « sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp trừng phạt trong khả năng để ngăn cản Iran phát triển năng lực nguyên tử ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201128-teheran-l%C3%AAn-%C3%A1n-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-israel-s%C3%A1t-h%E1%BA%A1i-nh%C3%A0-khoa-h%E1%BB%8Dc-iran
Geen opmerkingen:
Een reactie posten