donderdag 2 juni 2016

Tổng thống Ðài Loan Thái Anh Văn nhập cuộc... Biển Đông

Thái Anh Văn nhập cuộc Biển Đông
Tuesday, May 31, 2016 7:20:59 PM



Ngô Nhân Dụng
Trước khi Bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Bắc Kinh đã đe dọa nếu bà nói đến Đài Loan độc lập thì chiến tranh sẽ diễn ra. Ngược lại, họ muốn bà chính thức xác định sẽ tuân theo quy tắc “Một nước Trung Hoa” mà chính quyền hai bên đã thỏa thuận từ năm 1992. Từ khi rút chạy ra hòn đảo này năm 1949, các chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa vẫn coi Trung Hoa Dân Quốc bao gồm cả lục địa và “tỉnh Đài Loan.” Cộng sản Trung Quốc cũng chủ trương như vậy. Còn đảng Dân Chủ Tiến Bộ vẫn được tín nhiệm bởi người người dân Đài Loan muốn tách ra làm một quốc gia độc lập.
Trong bài diễn văn nhậm chức, vị nữ tổng thống đầu tiên không đả động tới chữ “Độc lập” nhưng cũng không hề nhắc tới quy tắc“Một nước Trung Hoa.” Nhưng mới 11 ngày sau khi chính phủ Thái Anh Văn ra đời, bộ ngoại giao Đài Loan đã  công bố xác nhận chủ quyền trên gần hết các hòn đảo trong vùng biển Đông Nam Á rộng 3 triệu rưỡi cây số vuông, trong đó có Biển Đông nước ta. Đài Loan xác định đây là vùng “đất đai và hải phận ‘lịch sử’ của Trung Hoa Dân Quốc, một điều không thể chối cãi theo luật pháp quốc tế.”
Lời tuyên bố này giống hệt lập trường của Trung Cộng. Thực ra, Đường Lưỡi Bò mà Bắc Kinh coi họ làm chủ là do chính phủ Tưởng Giới Thạch vẽ ra trên bản đồ năm 1947, khi Quốc Dân Đảng còn cai trị cả nước Tàu, trong lúc Việt Nam và các nước Philippines, Malaysia, vân vân còn đang lo giành độc lập. Cho nên hành động của bộ ngoại giao Đài Loan có thể coi là một cách ngầm công nhận chỉ có một nước Trung Hoa, trong đó có Đài Loan, mà chính phủ Đài Bắc vẫn giữ các di sản của chế độ Trung Hoa Dân Quốc, thành lập năm 1911 trong lục địa.
Chính phủ Đài Bắc đặc biệt chú trọng tới đảo Bình Ba, tên quốc tế là Itu Aba, mà người Trung Hoa gọi là đảo Thái Bình. Quân Quốc Dân Đảng đã chiếm đảo này năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng Mỹ. Sau đó chính phủ Nhật đã chính thức từ bỏ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi ký Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951 với Mỹ và các nước liên hệ, trong đó công nhận nhiều đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chính phủ quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại cầm đầu. Nhật Bản còn ký Hiệp ước Hòa bình tại Đài Bắc năm 1952 riêng với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc để xác nhận lại. Tuy nhiên, trong bản hiệp ước song phương này ngoại trưởng Nhật Bản Isao Kawada chỉ công nhận các đảo Đài Loan và Bành Hồ (Pescadores) thuộc chủ quyền chính phủ Trung Hoa mà không nhắc gì tới Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng Đài Bắc vẫn chiếm đóng đảo Bình Ba từ 1945 tới nay. Đây là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, dài 1,400 mét, và trên đảo có nước ngọt, đủ điều kiện cho dân sinh sống. Đó là hòn đảo duy nhất có thể xác định Đặc Quyền Kinh tế (EZZ) theo luật biển quốc tế. Tháng Giêng năm 2016, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã đến thăm quân sĩ trú phòng trên đảo, và trước khi từ nhiệm đã bỏ ra 100 triệu mỹ kim để tu bổ bến tàu và dựng một hải đăng mới trên đảo.
Những hành động trên nhằm “đón đầu” phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế về đơn kiện của chính phủ Philippines chống lại Trung Cộng. Tháng Tư vừa qua, một hội luật quốc tế ở Đài Loan đã trình bầy với tòa án các chứng cớ biện hộ rằng đảo Bình Ba thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Hai ngày trước khi bà Thái Anh Văn nhậm chức, bộ ngoại giao Đài Bắc còn tuyên bố họ không công nhận phán quyết của tòa nếu các thẩm phán và chính quyền Philippines không tới đảo Bình Ba quan sát. Đặc biệt, lập trường này được Bắc Kinh lên tiếng ủng hộ!
Chính phủ Philippines và Việt Nam có thể coi lời tuyên bố mới nhất của chính phủ Thái Anh Văn là một cuộc toa rập giữa Bắc Kinh và Đài Bắc; trước khi Tòa Trọng Tài công bố quyết định của họ. Trong khi đó, bà Thái Anh Văn đã tới thăm căn cứ Không quân ở Hoa Liên, ăn cơm cùng binh sĩ, và kêu gọi quân đội Trung Hoa Dân Quốc hãy bảo vệ lãnh thổ, nhân dân và quyền sống tự do dân chủ. Đây là một cách trả lời cho những lời đe dọa chiến tranh của Trung Cộng.
Lập trường hai mặt của bà Thái Anh Văn có thể nhằm vào cử tri Đài Loan, một bên là những người có xu hướng độc lập chống lại chính sách đi gần Bắc Kinh của chính phủ cũ, bên kia là những người ủng hộ quan điểm một nước Trung Hoa của Quốc Dân Đảng. Bà Thái Anh Văn đang chuẩn bị cho cuộc bàu cử năm 2020, thu hút thêm phiếu của những người muốn giữ quan hệ thương mại tốt với lục địa!
Nhưng điểm đặc biệt trong bản tuyên bố của bộ ngoại giao Đài Loan là họ kêu gọi các nước đang tranh chấp hãy chung sống trong hòa bình và hợp tác với nhau trong việc khai thác hải sản cũng như các tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển. Đây là một lập trường hoàn toàn trái nghịch với các hành vi bá quyền và xâm lấn của Bắc Kinh.
Trong khi còn tranh cử tổng thống, bà Thái Anh Văn đã nói với một số nhà ngoại giao quốc tế rằng bà chủ trương sẽ đối thoại với các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và cả Trung Cộng về các tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo. Đây là một cách cho Đài Loan vai trò quan trọng hơn trong cùng Đông Nam Á, mà từ lâu các nước đều chỉ chính thức giao thiệp với Bắc Kinh. Đảng Dân Tiến cũng muốn giảm bớt ràng buộc kinh tế với lục địa Trung Hoa và mở rộng thêm việc giao thương với các nước Đông Nam Á.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á như Brunei, Malaysia, Philippines và Indoneia có thể nhân dịp này hoan nghênh chủ trương “cùng hợp tác khai thác tài nguyên” của chính phủ Đài Bắc, trong khi mỗi nước vẫn không từ bỏ chủ quyền của mình trên những hòn đảo đang kiểm soát hoặc không kiểm soát. Tất cả các nước trong vùng đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Cộng.

Tòa án Trọng Tài sẽ đưa ra ý kiến về hai vấn đề chính. Một là xác định các địa điểm nào chỉ coi là “đá ngầm,” là “tảng đá” hay là “đảo.” Nếu được công nhận là đảo thì quốc gia có chủ quyền sẽ được coi hải phận 200 dặm biển là nơi có Đặc quyền Kinh tế (EEZ); các tảng đá chỉ được công nhận 12 hải lý; còn các tảng đá ngầm, không phải là đảo, bị ngập nước khi thủy triều lên, thì không có quyền nào hết.
Phán quyết thứ hai nhắm vào khu vực Đường Lưỡi Bò, nhiều phần sẽ không công nhận đặc quyền của Trung Cộng trong vùng biển này. Phán quyết này được đưa ra trong tháng tới sẽ gây ra nhiều phản ứng, Trung Cộng và Đài Loan sẽ bác bỏ trong khi các nước khác sẽ hoan nghênh.  Tuy nhiên, tòa án này không có quyền thi hành bản án, và cả Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc cũng không có quyền xác định đảo nào thuộc về nước nào.
Trước và sau khi có bản phán quyết, Trung Cộng sẽ có những hành động gây hấn để ngăn ngừa ảnh hưởng. Họ sẽ hung hăng hơn trước, để đe dọa các nước láng giềng. Để chặn trước cảnh này, hội nghị G-7 ở Nhật Bản vừa qua và hội nghị các ngoại trưởng Đông Nam Á đều lên tiếng than phiền về các hành động hung hăng của Trung Cộng trong vùng Biển Đông nước ta.
Việc công bố lập trường của chính phủ Đài Loan là một cơ hội cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Một mặt, chính quyền các nước sẽ phản đối ý kiến về Đường Lưỡi Bò của Đài Bắc; mặt khác, họ có thể hoan nghênh ý kiến cùng hợp tác khai thác tài nguyên kinh tế trong vùng đang còn tranh chấp dù không xác định chủ quyền trên các đảo.
Những nước Đông Nam Á đang theo chế độ dân chủ tự do có thể đi xa hơn Việt Nam. Họ có thể liên kết với Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn thành một “vòng đai dân chủ Đông Á” để hợp tác kinh tế với nhau, cùng ngăn cản không cho Trung Cộng bành trướng thêm. Bao giờ Việt Nam xóa bỏ chế độ độc đảng thì cũng được tham gia vào liên minh đó. Đài Loan có thể xin tham dự Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương Trans-Pacific Partnership (TPP) để thoát cảnh bị Trung Cộng cô lập hóa, dù chỉ tham dự với tư cách một “lãnh thổ” chứ không phải quốc gia. Bản tuyên bố của chính phủ Đài Loan về vùng biển Đông Nam Á có thể mở đầu chuỗi các biến cố tương lai đó.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=229180&zoneid=7

Geen opmerkingen:

Een reactie posten