woensdag 15 juni 2016

Sữa Ensure (Mỹ) có ghi nhãn... 'không bán tại Việt Nam' bị nghi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng... tràn ngập thị trường Việt Nam

Thứ ba, 20/1/2015 | 13:43 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ ba, 20/1/2015 | 13:43 GMT+7

Sữa Ensure 'không bán tại VN' bị nghi cạnh tranh không lành mạnh

Theo Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), dù chưa đủ chứng cứ chứng minh việc ghi nhãn Ensure Nutrition Shake của Abbott là nhằm độc quyền thị trường, song có thể xem xét ở góc độ cạnh tranh không lành mạnh.
sua-abott-3_1421723556.jpg
Nhà sản xuất tái khẳng định việc ghi nhãn hạn chế lưu thông không mang tính kỳ thị. Ảnh: N.M
Những nghi vấn nêu trên được đưa ra trong cuộc họp liên ngành đầu tuần này, do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, nhằm làm rõ việc ghi nhãn “Not to be sold in Vietnam or Mexico” trên sản phẩm sữa nước Ensure của hãng Abbott.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan quản lý đều thừa nhận câu chuyện ghi nhãn nêu trên là vấn đề trước nay chưa gặp phải. Ngay cả Nghị định 89 quy định việc ghi nhãn hàng hóa cũng không đề cập đến giới hạn lưu thông thị trường. Do vậy, các đơn vị đều cho rằng rất khó để đánh giá.
Song với việc đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên, các bên đều khẳng định cần làm rõ đằng sau việc ghi dòng chữ "Không bán ở Việt Nam" của nhà sản xuất có dấu hiệu gì liên quan đến hạn chế phân phối thị trường hay không. Nếu không tìm được hướng giải quyết, các doanh nghiệp nhập khẩu khác lẫn người tiêu dùng sẽ thiệt thòi.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) tính đến 21/3/2014, cả nước có hơn 50 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng Ensure nước với tổng giá trị lên tới 700 tỷ đồng. Nhưng từ khi sản phẩm Ensure Nutrition Shake ghi thêm vì dòng chữ giới hạn lưu thông, những công ty nhập khẩu trước đó bỗng nhiên trở thành người vi phạm pháp luật (do không được cấp giấy chứng nhận kiểm định).
Bà Trần Phương Lan (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết trước đây Abbott tiến hành phân phối nhập khẩu với nhiều công ty của Việt Nam. Tuy nhiên, khi hãng mua lại nhà phân phối là Công ty TNHH 3A, họ đã có vị thế độc quyền nhất định. 
Về dòng chữ ghi thêm trên nhãn hàng, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng nếu có thể xem xét ở dưới góc độ cạnh tranh không lành mạnh, mà cụ thể là chỉ dẫn gây nhầm lẫn. “Rõ ràng khi có dòng chữ 'Không bán tại Việt Nam'  trên sản phẩm thì người tiêu dùng không rõ ý nghĩa như thế nào. Chúng tôi thấy rằng nên xem xét dòng chữ này dưới hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh", bà nói.
Bà Lan cho biết thêm, xác định nhà sản xuất có vi phạm hay không cần thông qua quá trình điều tra và có chứng cứ. Hiện các dữ liệu này chưa đầy đủ để chứng minh việc ghi nhãn là độc quyền thị trường, nhưng trước mắt có thể xem xét ở góc độ cạnh tranh không lành mạnh.
Kết luận cuộc họp, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định việc không cấp phép cho những sản phẩm trên nhãn hàng có dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" là phù hợp với quy định. Cục đề nghị cơ quan quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương thu thập thêm thông tin để làm rõ việc ghi nhãn có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh hay không để xử lý.
Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Abbott về việc chất lượng sản phẩm Ensure có ghi cụm từ giới hạn lưu thông thị trường, cần thiết sẽ yêu cầu nhà sản xuất thay đổi lại cách ghi nhãn, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Trước đó, tại văn bản gửi cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, văn phòng Abbott tại Việt Nam tái khẳng định cụm từ trên nhãn sữa Ensure nước chỉ có ý nghĩa xác định vùng thị trường mà nhà sản xuất chưa bán hàng, để lưu ý khách hàng chọn đúng sản phẩm có chất lượng, không bị làm giả; hoàn toàn không mang tính kỳ thị.
Đối với việc phân phối, Abbott tại Việt Nam cho rằng, các kênh không được ủy quyền chứa đựng nhiều nguy cơ cho sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, nhà sản xuất có quyền lựa chọn một nhà phân phối thỏa mãn các yêu cầu về bảo quản, vận chuyển sản phẩm...
Điều 40, Chương III, Luật Cạnh tranh nêu rõ: "Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh".
Thành Tâm

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/sua-ensure-khong-ban-tai-vn-bi-nghi-canh-tranh-khong-lanh-manh-3136164.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking

Ý kiến bạn đọc ()
Sữa bò thì nông dân đang đổ đi, trong khi đó giá sữa thành phẩm thì vẫn đang ở mức trên trời... Vấn đề là tại sao sữa này không được bán tại Việt Nam nó mới là vấn đề lớn......
Mewin HD - 13:58 20/01/2015
sữa này vẫn được bán ở VN, nhưng sẽ không có dòng chữ not to be sold in Vietnam or Mexico. nhà sản xuất đã ghi chú lên sản phẩm rồi vậy mà vẫn bị các công ty nhập lậu về. điều cần phải nói ở đây là vì sao hàng lậu lại được bán ngoài thị trường với số lượng lớn như thế trong khi chưa được kiểm tra chất lượng và sẽ không ai đứng ra đảm bảo chất lượng của sản phẩm này, chỉ có người mua chúng ta là chịu thiệt 
"Sữa" Ensure không phải là sữa mà là một hợp chất dinh dưỡng được bào chế đặc biệt, dành cho người biếng ăn hay người bệnh, thường được bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân đang nằm viện, vừa qua cơn bạo bệnh, hay người già yếu không ăn uống được. Mình thấy nó rất là tốt cho người già yếu, ông cụ nhà mình chẳng hạn, năm ngoái ở tuổi 94, không bệnh hoạn gì nhưng rất là yếu, không còn ăn uống gì được; ai cũng nghĩ là ổng sắp đi ...theo lẽ vô thường, ngay cả bác sĩ gia đình cũng nghĩ vậy. Chẵng còn cách gì khác, người nhà mình ép ông cụ uống 2 lon mỗi ngày, rồi từ từ tăng lên 3, 4 lon. Bây giờ ông rất khỏe mạnh, ai đến thăm cũng ngạc nhiên, mỗi bữa ăn được gần hết một ổ bánh mì Bagget...Mình khuyên những ai đang nuôi dưỡng người già yếu nên dùng sữa này rất là tốt. 
 
Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.
Haha giá này bạn cập nhập hơi trể thì phải... Theo mình biết thì sữa ĐÀ LẠT MILK ĐANG GIỮ GIÁ 43.000 VNĐ. Tính ra là hơn 2$ rồi bạn ạ :)))
Đó là lí do người VN lùn
n.ngph - 21:54 20/01/2015

Nếu vẫn là chai sữa này trong tay người Mỹ, thử hỏi người Mỹ có được uống nó hay không?. Tất nhiên là rất được nếu nó là sản phẩm chính hãng và đạt chất lượng. Người tiêu dùng ở Vietnam và Quốc tế khi đọc dòng thông tin này trên sản phẩm đều có thể đặt câu hỏi: - Sữa Ensure này chưa đảm bảo chất lượng dành cho người Việt ??? - Nhà sản xuất Abbott từ chối không cung cấp cho thị trường Vietnam ??? Tất cả đều sai. Vậy thì vấn đề ở đây không gì khác ngoài ý đồ tạo độc quyền phân phối sản phẩm của Abbott và  3A tại thị trường Việt nam (nói riêng) nhằm độc quyền đáng kể về giá bán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng Việt nam, gián tiếp làm cho thị trường hàng lậu vào Việt nam thêm sôi động. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong nước và đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt, nhà chức trách phải có biện pháp thỏa đáng và đúng luật để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh này góp phần đảm bảo an ninh thương mại. 
Đình Phú - 16:25 20/01/2015

Dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" đã có từ lâu lắm rồi! Tôi trực tiếp mua Ensure tại các siêu thị ở Mỹ cũng đã thấy có từ lâu rồi! Thiệt tình lúc đó tôi chỉ nghĩ , chắc là tại VN và Mexico làm giả nhiều quá?
saonam - 17:27 20/01/2015

Thứ tư, 14/1/2015 | 12:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ tư, 14/1/2015 | 12:00 GMT+7

Sữa Ensure 'không được bán ở Việt Nam' tràn ngập thị trường

Nhà sản xuất khẳng định việc dán nhãn hạn chế thị trường là nhằm chống buôn lậu, song kể từ khi việc này được thực hiện, tình trạng buôn lậu lại tăng lên.
Cục Điều tra Chống buôn lậu và Cục Hải quan TP HCM vừa cho biết trong tháng 12/2014, các đơn vị này đã phát hiện và tạm giữ 3 container sữa nước, vốn được khai báo trước đó là lưới thép, tại cảng Cát Lái (TP HCM).
sua-abott-3-2045-1421036853.jpg
Sữa Ensure mang nhãn "không bán ở Việt Nam" vẫn được bày bán nhiều trên thị trường. Ảnh: N.M
Trong lô hàng này, hải quan phát hiện gần 8.000 thùng sản phẩm Abbott Ensure Nutrition Shake (loại 30 chai một thùng) và 200 thùng Abbott Glucerna (20 chai một thùng). Trên nhãn mặt hàng Ensure Nutrition Shake đều ghi dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” (Không bán tại Việt Nam và Mexico). Các sản phẩm dán nhãn này không được Bộ Y tế cho phép kiểm tra chất lượng để nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
>>> Hàng nghìn lon sữa ngoại nghi nhập lậu bị tịch thu
Trước đó trong cả năm 2014, Chi cục quản lý thị trường TP HCM cũng cho biết trong số 272 vụ buôn bán thực phẩm nhập lậu bị phát hiện thì riêng đối với mặt hàng sữa, đơn vị này đã phát hiện gần 37.000 sản phẩm Ensure Nutrition Shake loại tương tự.
Không được phép nhập khẩu và bán trên thị trường Việt Nam, song theo khảo sát của VnExpress, sản phẩm nêu trên hiện được bán khá phổ biến tại các đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội, TP HCM... với giá 35.000-38.000 đồng một chai Ensure Nutitrion Shake thể tích 237 ml. Ngoài ra, tại các cửa hàng cũng xuất hiện một sản phẩm có tên tương tự, nhưng không dán nhãn hạn chế thị trường với giá thấp hơn khá nhiều - khoảng 26.000 đồng mỗi chai.
Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Thái Vương - Giám đốc đối ngoại Abbott Việt Nam xác nhận cả 2 loại sản phẩm nêu trên cùng được hãng này sản xuất và có giá trị sử dụng như nhau. Tuy nhiên, loại không ghi nhãn hạn chế thị trường là sản phẩm được cấp phép tại Việt Nam và nhập khẩu chính hãng qua đơn vị ủy quyền là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (đã được Abbott mua lại năm 2012). Trong khi đó, loại dán nhãn hạn chế được các doanh nghiệp khác nhập, hoặc là hàng "xách tay" nên phía Abbott Việt Nam không chịu trách nhiệm về những sản phẩm này, do không tham gia vào quá trình vận chuyển để đảm bảo chất lượng.
sua-abott-4-5902-1421036854.jpg
Trong khi phủ nhận trách nhiệm đối với các sản phẩm "không bán tại Việt Nam" (trái), Abott và đối tác 3A vẫn tăng nhập sản phẩm tương tự và không ghi nhãn hạn chế (phải) theo đường chính hãng.
Lý giải trước đó với Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), đại diện Abbott cho biết việc ghi nhãn hạn chế nêu trên bắt đầu từ năm 2013 và không xuất phát từ vấn đề chất lượng, khi mà sản phẩm vẫn đang được lưu hành tự do tại Mỹ. Việc làm này chỉ nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp khác (ngoài 3A) nhập khẩu sản phẩm cùng loại để cạnh tranh và chống việc buôn lậu.
Theo ông Lê Nam, chuyên gia về marketing, việc ghi thêm dòng chữ giới hạn lưu thông thị trường, ngoài cảnh báo về chất lượng, nhà sản xuất và đơn vị phân phối có thể có mục đích riêng. Theo đó, Abbott từng cung cấp sản phẩm Ensure thông qua 3A và một số công ty khác. Tuy nhiên, từ tháng 8/2012, khi hãng này mua lại 3A, việc thu hẹp hệ thống phân phối về riêng cho doanh nghiệp này có thể giúp Abbott gia tăng sức mạnh thị trường, đồng thời tránh rủi ro, không phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm có ghi nhãn hạn chế, lại được bán trên thị trường Việt Nam.
"Đây có thể là cách làm của một doanh nghiệp khi muốn tạo dựng vị thế độc quyền trên thị trường. Còn về giá trị sử dụng, do mặt hàng này vẫn đang được bán phổ biến ở Mỹ nên tôi không thấy có vấn đề gì về chất lượng với các sản phẩm được dán nhãn hạn chế thị trường”, vị này nhận định.
fred-meyer-6941-1421206578.jpg
Sản phẩm tương tự đang được bán tại Fred Meyer - một hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ.
Theo báo cáo vừa được Ban chỉ đạo 389 gửi tới các cơ quan chức năng về tình hình nhập lậu sữa, kể từ khi phía Abbott dán loại nhãn trên lên sản phẩm và không được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu (tháng 8/2014), tình trạng nhập lậu sản phẩm Ensure Nutrition Shake lại có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể, Ban chỉ đạo cho biết một số doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở trong việc hướng dẫn hồ sơ xin cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm để làm giả chứng từ, tài liệu công bố chất lượng cũng như bản chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do tại Mỹ. "Khi đến Việt Nam trong thời gian đợi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, không ít doanh nghiệp đã tự ý giải tỏa lô hàng để cung cấp sản phẩm ra thị trường”, Ban chỉ đạo 389 cho hay.
Việc gia tăng nhập lậu mặt hàng sữa nước Ensure như hiện nay, theo tính toán của cơ quan này, đã làm Nhà nước thất thu khoảng 40-50 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm. Đây là sản phẩm mà người tiêu dùng không được đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, Ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu một số bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi bổ sung quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, trong đó có sản phẩm chất dinh dưỡng Ensure nước. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế làm rõ với công ty Abbott tại Mỹ về chất lượng của loại sản phẩm Ensure trên bao bì có in nhãn hạn chế thị trường.
"Nếu chỉ nhằm mục đích chống nhập lậu và sản phẩm này vẫn đang được lưu hành tại nước sản xuất thì Abbott cần thay đổi việc ghi dòng chữ mang tính kỳ thị phân biệt bằng biện pháp quản lý khác phù hợp hơn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để chống tình trạng buôn lậu mặt hàng Ensure nước", đại diện Ban chỉ đạo 389 khẳng định.
Theo số liệu của cơ quan quản lý, sau khi các sản phẩm Ensure Nutitrion Shake dạng nước hương Vani được dán nhãn “Not to be sold in Vietnam or Mexico" không được phép nhập khẩu, lượng nhập sản phẩm tương tự (không dán nhãn) và các mặt hàng sữa nước Ensure của hãng qua Công ty Dinh dưỡng 3A tăng mạnh.
Theo đó, trong tháng 8/2014, lượng nhập mới đạt hơn 543.000 chai (trị giá 16,3 tỷ đồng) thì đến tháng 10/2014, con số này này đã lên đến 891.000 chai (27 tỷ đồng). Tính chung giai đoạn tháng 7-11/2014, kim ngạch nhập khẩu riêng sản phẩm Ensure nước của công ty 3A là hơn 104 tỷ đồng.
Thành Tâm – Thi Hà

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/sua-ensure-khong-duoc-ban-o-viet-nam-tran-ngap-thi-truong-3131549.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking


Geen opmerkingen:

Een reactie posten