Thứ tư, 23/3/2016 | 00:00 GMT+7
Dấu ấn cầu Ghềnh hơn 100 tuổi
Hơn một thế kỷ tồn tại, cầu Ghềnh - do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế - trở thành biểu tượng của vùng đất Biên Hòa (Đồng Nai) và là ký ức tuổi thơ của người.
Theo sách Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (NXB Đồng Nai), năm 1901 quốc lộ 1 và đường sắt Sài Gòn - Nha Trang chạy qua tỉnh Biên Hòa được khởi công. Cùng lúc, công trình cầu Gành (Ghềnh) cũng được Pháp triển khai thi công bắc qua mỏm tây của Cù Lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa).
Đầu thế kỷ 20, quốc lộ đi qua Biên Hòa có mặt đường hẹp, rộng chừng 5m được rải đá và cấp phối tạm thời. Trong đó cầu được xây bằng bêtông và sắt thép nên rất vững chắc. Sở Trường Tiền được lập ra với nhiệm vụ làm đường, bắc cầu nhỏ và sửa chữa, bảo trì đường bộ. Năm 1903, cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh do Hãng Eiffel (Pháp) thiết kế, chế tạo bắc ngang sông Đồng Nai làm xong.
Ngày 14/1/1904, việc khánh thành cầu Ghềnh đã giúp đoạn đường xe lửa Sài Gòn - Biên Hòa thông xe, ít lâu sau tuyến tàu Sài Gòn - Biên Hòa bắt đầu chạy 2 chuyến mỗi ngày. Trong phạm vi tỉnh Biên Hòa, đường sắt và quốc lộ 1 hầu như chạy song song với nhau. Từ tỉnh lỵ, hai con đường huyết mạch này đâm sâu vào rừng rậm bịt bùng để băng qua Bàu Cá, núi Chứa Chan... phục vụ khai thác tài nguyên.
Cầu Ghềnh ngày xưa. Ảnh: Panoramio
|
Cầu Ghềnh ra đời không chỉ thông tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang mà còn giúp cho Cù Lao Phố dễ dàng thông thương với Sài Gòn và Biên Hòa nhiều hơn. Từ nét văn hóa đi chợ, họp chợ đường thủy bằng thuyền, lúc bấy giờ người dân có thể qua cầu bằng xe bò, xe ngựa...
Theo Địa chí Đồng Nai (NXB Tổng Hợp Đồng Nai 2001), từ khi cầu Ghềnh hoạt động, tuyến đường sắt được thông tuyến Sài Gòn - Biên Hòa (1904, dài 71 km), Sài Gòn - Xuân Lộc (1904, dài 81 km), Xuân Lộc - Gia Ray (1905, dài 18 km), Gia Ray - Mường Mán (1910, dài 77 km) và Sài Gòn - Nha Trang (1913, dài 408 km).
Cầu Ghềnh do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế với hệ thống được nâng đỡ bởi ba trụ xây bằng đá rất lớn băng qua một khoảng sông rộng. Những nhịp cầu được làm hình vòng cung, gồm có bốn vòng nên người dân quen gọi là cầu bốn nhịp. Hình dáng của cầu Ghềnh khá giống với cầu Trường Tiền (Huế).
Lược sử Cù Lao Phố viết, đây là thương cảng Nông Nại đại phố sầm uất với nhiều thương gia nước ngoài đến giao thương, buôn bán trong thế kỷ 17-18 sau khi các di thần nhà Minh được chúa Nguyễn cho vào định cư ở Đồng Nai năm 1679. Tuy nhiên, qua nhiều biến cố lịch sử, Cù Lao Phố bị tàn phá nặng nề, dân cư cũng trở nên thưa thớt. Nhiều người đã chuyển lên khu vực Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn... Thế nhưng, vẫn còn một số lưu dân bám trụ xung quanh vùng đất mà tổ tiên từng dày công khai phá. Đến đầu thế kỷ 20, cùng với cầu Ghềnh, người dân bắt đầu đông đúc trở lại và phát triển đến tận hôm nay.
Cầu Ghềnh lung linh về đêm. Nguyễn Mạnh Tiến/Panoramio
|
Thời ấy, cầu Ghềnh là công trình lớn có tầm cỡ ở xứ Nam kỳ. Không chỉ dành cho xe lửa qua lại mà nó còn là huyết mạch giao thông đường bộ của tuyến quốc lộ 1. Kiến trúc cổ kính, vững chãi trường tồn cho đến hôm nay. Hình ảnh bình dị của nó đã tạo nên nét văn hóa rất riêng của đất và người Biên Hòa. Công trình cầu Ghềnh có vai trò quan trọng trong quá trình lịch sử lúc bấy giờ.
Về tên gọi, theo người dân Cù Lao Phố "phải gọi là cầu Gành mới đúng" vì có gành đá nổi lên ở gần cầu thời đó. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai Lưu Văn Du, qua tìm hiểu người dân ở Cù Lao Phố vẫn gọi là "Gành" chứ không phải "Ghềnh". "Ghềnh" có thể sau này người ta phát âm trại ra chứ dân cù lao xưa nay vẫn gọi là "Gành". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm thấy một dữ liệu nào để khẳng định chuẩn xác "Gành" hay "Ghềnh".
Sau hơn 100 năm tồn tại, cầu Ghềnh không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà từ lâu đã trở thành biểu tượng đẹp của thành phố Biên Hòa. Chiếc cầu góp phần tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên sông nước hài hòa lý thú đối với dòng sông Đồng Nai. Vụ tai nạn do xà lan đâm làm sập 2 nhịp cầu Ghềnh hôm 20/3 không chỉ làm gián đoạn tuyến đường sắt Bắc Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đường sắt, đường thủy mà còn khiến nhiều người dân Biên Hòa chạnh lòng.
Lúc hay tin cầu Ghềnh sập, ông Lê Văn Chín (80 tuổi, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) hối hả chạy ra quán cà phê dưới chân cầu. Nhìn 2 nhịp cầu sập đổ xuống sông, cụ ông hét lên: "Cầu sập rồi, ký ức của tôi đó".
Ông kể, người thân sinh của mình chính là một trong những người làm nên cây cầu trăm tuổi này và 3 khối đá đang để trong hiên nhà là những vật liệu làm nên móng cầu ngày xưa. "Lúc đó cha tôi làm thợ sắt, đóng rive các thanh chắn cầu, do làm thủ công nên nung rive khi nào đóng khi đó chứ không như máy hơi bây giờ", ông Chín kể.
Cụ Châu bên cầu Ghềnh nằm 2011. Ảnh: Phước Tuấn
|
Còn với ông Võ Hồng Châu (89 tuổi, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa), cầu Ghềnh để lại nhiều kỉ niệm thời thơ ấu. Lúc nhỏ, ông thường đi bộ qua cầu để vào Biên Hòa học và hay được ông nội kể về những ngày xây cầu. "Ông tôi kể ngày thông cầu đông vui lắm như lễ hội, tàu lửa rít khói chạy từ Sài Gòn về Biên Hòa. Người dân khi ấy lạ lẫm với cây cầu và con tàu lắm", ông nói.
Còn với những người dân sống gần đền thờ Nguyễn Tri Phương bên dưới cầu Ghềnh thì không quên trận chiến ác liệt bảo vệ cầu những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 4/1975. "Bộ đội ta đã chiếm đóng được cầu, quyết bảo vệ trước âm mưu đánh sập - nhằm chặn hướng tấn công của quân ta. Đã có rất nhiều chú bộ đội mãi mãi nằm xuống khi quyết bảo vệ cây cầu này đã được người dân lập bảng ghi danh", cô Nguyễn Thị Lài (phường Bửu Hòa) cho hay.
"Nhìn 2 nhịp cầu nằm dưới sông mà xót xa vô cùng, cây cầu đã quá quen thuộc với tôi. Từ bé ngày nào tôi cũng được ông nội dắt ra bờ sông ngắm đoàn tàu chạy qua cầu, đến khi lớn tôi cùng bạn bè cũng thường la cà ở khu bờ sông này. Hy vọng, cầu sẽ sớm được sửa chữa, phục dựng", anh Nguyễn Thành Huy, nhà ở phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, nói.
Vài năm trước, cầu Ghềnh đã được Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Song, khi xin ý kiến từ cơ quan chủ quản là Bộ GTVT thì không được đồng ý. Sau vụ tai nạn năm 2011, Bộ GTVT từng quyết định đóng cửa đường bộ qua cầu nhưng UBND tỉnh lại đề xuất xin giữ lại một hành lang cho người dân đi xe máy từ phía TP Biên Hòa đi Bình Dương.
Trung Sơn - Hoàng Trường
- Nam công nhân tử vong khi đang lắp cầu Ghềnh mới (31/5)
- Bộ Giao thông yêu cầu đổi nhà thầu điều tiết tàu qua cầu Ghềnh (6/5)
- Tân Bộ trưởng Giao thông đe cán bộ có 'tư tưởng phong bì' (15/4)
- Hoàn tất tháo dỡ Cầu Ghềnh (5/4)
- Phó thủ tướng yêu cầu rút ngắn 15 ngày thi công cầu Ghềnh mới (3/4)
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dau-an-cau-ghenh-hon-100-tuoi-3373735.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking
Thứ ba, 5/4/2016 | 16:36 GMT+7
Hoàn tất tháo dỡ Cầu Ghềnh
Trưa 5/4, nhịp cuối cùng của cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đã được tháo dỡ để chuẩn bị cho việc thi công cầu mới.
Nhịp cuối cùng của cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai được Tổng công ty xây dựng công trình giao thông số 1 tách khỏi trụ, tháo xuống sà lan để đưa vào bờ, hoàn tất lịch sử hơn 100 năm tồn tại. Trước đó, dầm cầu phía bờ xã Hiệp Hòa được đưa xuống chiều 2/4.
Nhịp cầu cuối cùng được tháo dỡ khỏi cây cầu hơn 100 năm. Ảnh: Phước Tuấn
|
Đây là một trong hai nhịp cầu còn nguyên vẹn sau sự cố sà lan tông sập cầu. Do trọng lượng không quá lớn cộng với mong muốn giữ nguyên làm lưu niệm của người dân Đồng Nai nên đơn vị tháo dỡ không cắt nhịp thành hai phần như dự kiến. Hai nhịp cầu sẽ được giao lại cho UBND tỉnh Đồng Nai đưa về Khu du lịch Bửu Long phục dựng làm lưu niệm.
Trước đó, ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển, khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Tai nạn khiến hai nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người đi xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước nhưng may mắn thoát nạn.
Người dân tiếc nuối cây cầu hơn 100 năm bị tháo bỏ. Ảnh: Phước Tuấn
|
Sau tai nạn Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định xây cầu mới và hoàn thành trước ngày 15/7. Tuy nhiên, sau buổi thị sát hiện trường hai ngày trước, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT huy động toàn lực, làm ngày lẫn đêm để rút ngắn thời gian thi công cầu mới trước ngày 1/7 nhằm tiết kiệm 150 tỷ đồng.
Cầu Ghềnh được công ty Pháp thiết kế và xây dựng năm 1901, hoàn thành 4 năm sau đó. Sau hơn 100 năm tồn tại, cầu có tuyến đường sắt này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà từ lâu đã trở thành biểu tượng của TP Biên Hòa.
Phước Tuấn
- Nam công nhân tử vong khi đang lắp cầu Ghềnh mới (31/5)
- Bộ Giao thông yêu cầu đổi nhà thầu điều tiết tàu qua cầu Ghềnh (6/5)
- Tân Bộ trưởng Giao thông đe cán bộ có 'tư tưởng phong bì' (15/4)
- Phó thủ tướng yêu cầu rút ngắn 15 ngày thi công cầu Ghềnh mới (3/4)
- Cần cẩu 500 tấn nâng nhịp cầu Ghềnh ở đáy sông sâu 14 m (31/3) em nhiều nhất
Nhớ thuở xưa giặc Tây sang đô hộ
Đường giao thông họ khai mở mông mênh
Sau bao năm đã nối nhịp cầu Ghềnh
Hơn trăm tuổi,tự hào miền đất lửa!
Bổng một ngày cây cầu không còn nữa
Đến đời sau còn dư ảnh mà thôi
Gãy nhịp đi,ta chấp nhận thế rồi
Cầu hiện đại cho quê hương phát triển!
Đường giao thông họ khai mở mông mênh
Sau bao năm đã nối nhịp cầu Ghềnh
Hơn trăm tuổi,tự hào miền đất lửa!
Bổng một ngày cây cầu không còn nữa
Đến đời sau còn dư ảnh mà thôi
Gãy nhịp đi,ta chấp nhận thế rồi
Cầu hiện đại cho quê hương phát triển!
LÂM GIANG - 18:44 05/04
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hoan-tat-thao-do-cau-ghenh-3381780.html?utm_source=detail&utm_medium=box_topic&utm_campaign=boxtracking
Geen opmerkingen:
Een reactie posten