woensdag 8 juni 2016

Biển Đông : Bắc Kinh và Washington đều cao giọng tại Shangri-La 2016 + Video Lập trường của Việt Nam qua tướng Vịnh





Biển Đông : Bắc Kinh và Washington đều cao giọng tại Shangri-La


mediaĐô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la, Singapore, ngày 05/06/2016.REUTERS/Edgar Su
Tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á thường niên diễn ra tại Shangri-La, Singapore, từ ngày 03 đến 05/06/2016, cả Trung quốc và Hoa Kỳ đều cáo buộc nhau « gây hấn » ở vùng Biển Đông. Theo Le Figaro, « Biển Đông : Bắc Kinh và Washington đều cao giọng » khi sắp đến ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye chuẩn bị ra phán quyết về đơn kiện của Philippines về đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Đáp lại những lời chỉ trích của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tuyên bố : « Chúng tôi không gây rắc rối nhưng chúng tôi cũng không sợ rắc rối ». Ông nói thêm : « Trung Quốc có đủ khôn ngoan và sự kiên trì cần thiết để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình » và cũng cảnh cáo rằng « các nước không trực tiếp liên quan thì không được phép ngầm phá hoại lộ trình hòa bình của chúng tôi vì các lợi ích cá nhân ích kỷ ».
Trung Quốc luôn gạt bỏ mọi trung gian hòa giải và đàm phán đa phương về các tranh chấp tại Biển Đông vì Bắc Kinh hy vọng gây áp lực thương mại để đạt được các đàm phán và hiệp ước song phương.
Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất báo động về thái độ ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh cũng như ý đồ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về tranh chấp ở biển Đông với Philippines. Cả Nhật Bản, Việt Nam, cùng với nhiều quốc gia châu Á khác cũng như Pháp và Anh Quốc cùng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh : « Nếu hôm nay luật hàng hải ở Biển Đông không được tuân thủ thì ngày mai, luật hàng hải ở biển Bắc, Địa Trung Hải và các vùng biển khác cũng sẽ bị vi phạm ».
Trước nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter : « Trung Quốc đang tự xây một bức trường thành cô lập », phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tỏ ra « lo ngại về việc một số nước tiếp tục nhìn nhận Trung Quốc với tâm lý và định kiến Chiến tranh lạnh ». Trước đó, trong chuyến thăm Mông Cổ, ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng kêu gọi Trung Quốc « không nên đưa ra các biện pháp đơn phương và khiêu khích ».
Mối quan hệ Trung-Mỹ trở nên căng thẳng từ năm 2013 khi Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không trên phần lớn vùng biển Hoa Đông. Theo một nguồn tin quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Trước ý đồ trên, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo « lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông là một hành động khiêu khích và gây bất ổn và có thể làm leo thang căng thẳng ».

Hậu quả lụt lội tại Pháp
Hậu quả lụt lội tại Pháp cũng là một chủ đề được đề cập nhiều. Theo thông tin trên trang nhất của Le Monde, mực nước trên sông Seine đoạn đi qua Paris đã giảm xuống, nhưng tình hình lại trầm trọng hơn ở nhiều tỉnh ở thượng nguồn.
Theo tổng kết của Le Figaro, « Lũ lụt đã khiến 4 người thiệt mạng và 24 người bị thương », tổng thiệt hại về vật chất được thẩm định lên đến 2 tỉ euro. Riêng nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến « các bài học rút ra sau đợt lũ lụt ». Tờ báo trích nhận định của bà Françoise Piton, thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Phòng chống Lũ lụt Quốc gia, công việc phòng ngừa vẫn không được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh đến việc « giáo dục » người dân vì « một số người vẫn nghĩ rằng có thể được an toàn khi ngồi trong xe hơi ».
Mohamed Ali : Giã từ một huyền thoại
Le Monde dành nửa trang nhất để nói về huyền thoại quyền Anh Mohamed Ali mà tờ báo đánh giá là « một phần lịch sử nước Mỹ từ 1942 đến 2016 ». Trên trang nhất của Libération, đi kèm với hình ảnh nắm đấm của Ali là dòng tựa « Anh từng là một ông hoàng ». Huyền thoại Mỹ và biểu tượng của thế kỷ XX, nhà vô địch quyền Anh qua đời ngày 03/06/2016.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160606-bien-dong-bac-kinh-va-washington-deu-cao-giong



Tranh chấp Biển Đông bao trùm diễn đàn an ninh Shangri-La


mediaThứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (giữa) sau cuộc họp với các quan chức Trung Quốc bên lề cuộc đối thoại Shangri-La, Singapore, ngày 03/06/2016.ROSLAN RAHMAN / AFP
Các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bao trùm diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất ở châu Á, Đối thoại Shangri-La, ở Singapore khai mạc ngày 03/06/2016.
Cuộc đối thoại về an ninh này, do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) Luân Đôn tổ chức, sẽ diễn ra trong ba ngày, quy tụ khoảng 20 bộ trưởng Quốc Phòng vùng châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter.
Đối thoại Shangri-La năm 2016 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ và đang tăng tốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo tranh chấp.
Đối với Washington, các tranh chấp về chủ quyền phải được giải quyết bằng con đường ngoại giao, chứ không phải bằng chính sách của Trung Quốc đặt mọi người trước việc đã rồi. Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã gởi các tàu chiến đến sát các đảo mà Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông nhằm cho thấy là Washington kiên quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải tại vùng biển chiến lược này.
Tại Đối thoại Shangri-La những năm trước, các quan chức quốc phòng của Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn có những trao đổi rất gay gắt, chủ yếu là do vấn đề Biển Đông.
Theo dự báo của trung tâm nghiên cứu chiến lược IHS Jane, những căng thẳng trên Biển Đông có thể khiến chi tiêu quốc phòng của vùng châu Á-Thái Bình Dương tăng thêm gần 25% trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020, lên đến 533 tỷ đôla.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên do vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, cũng như mối đe dọa khủng bố Hồi Giáo cũng là những chủ đề nổi cộm tại Đối thoại Shangri-La năm 2016.
Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayut Cha-o-Cha đã đọc bài diễn văn chính ( keynote ) trong buổi khai mạc tối nay.
Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận do Mỹ tổ chức
Trong một thông cáo đưa ra tối hôm qua, 02/06/2016, bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết là hải quân nước này sẽ gởi 5 chiến hạm đến Hawai vào mùa hè năm nay để tham gia cuộc tập trận do Hoa Kỳ tổ chức, mặc dầu quan hệ hai nước vẫn căng thẳng do vấn đề Biển Đông.
Cuộc tập trận mang tên « Vành đai Thái Bình Dương » ( RIMPAC ), được xem là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần vào tháng 6 và tháng 7.
Theo thông cáo của bộ Quốc phòng Trung Quốc, các tàu chiến của nước này sẽ tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật, các cuộc diễn tập chống cướp biển, tìm kiếm cứu hộ trên biển.
Nhiều lãnh đạo bên đảng Cộng hòa, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, đã kêu gọi tổng thống Barack Obama loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC để thể hiện sự bất bình của Washington về những tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160603-tranh-chap-bien-dong-bao-trum-dien-dan-an-ninh-shangri-la

Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc

  • 4 tháng 6 2016
Image copyright Reuters
Image caption Bộ trưởng Ash Carter nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo trợ an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên
Tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 15 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter một lần nữa cảnh báo rằng với các hành động của mình trên Biển Đông, Trung Quốc đang “dựng Trường thành tự cô lập mình”.
Trong bài diễn văn quan trọng có tựa đề ‘Mạng lưới an ninh có nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương’, ông Carter nhận định: “Đáng tiếc là đang có sự quan ngại ngày càng lớn trong khu vực... về các hoạt động của Trung Quốc trên biển, trong không gian ảo và trên không”.
Ông bộ trưởng nói: “Thực tế tại Biển Đông, Trung Quốc đã có nhiều hành động mở rộng và chưa có tiền lệ, gây quan ngại về dụng ý chiến lược của mình”.
Điều này, theo ông “đang tách riêng Trung Quốc trong khi cả khu vực cùng hợp nhau lại”.
“Đáng tiếc, nếu tiếp tục các hành động như vậy Trung Quốc sẽ dựng bức Trường thành để tự cô lập mình”.
Một lần nữa người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định Hoa Kỳ không phải quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không đứng về bên nào.
“Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ cùng các đối tác trong khu vực bảo vệ các nguyên tắc cơ bản như quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.”
Ông Ash Carter hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là quân đội hùng mạnh nhất thế giới và nhà bảo trợ chủ chốt cho an ninh khu vực trong nhiều thập niên tới.

Tài liệu chủ quyền

Image copyright Xinhua
Image caption Hai đoàn Việt Nam và Trung Quốc đã có tiếp xúc song phương
Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 15 diễn ra trong khi tòa trọng tài quốc tế được trông đợi sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Carter, phán quyết này sẽ là cơ hội cho Trung Quốc và các nước khác trong khu vực cam kết tuân thủ các nguyên tắc trong tương lai.
Hoa Kỳ lâu nay đã nỗ lực vận động các quốc gia Á châu ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài theo hướng lấy đó làm nguyên tắc ứng xử.
Trung Quốc, ngược lại, nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và cũng không chấp nhận phán quyết.
Diễn biến vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Ngay tại Đối thoại Shangri-La, đoàn Trung Quốc đã phân phát tập tài liệu tiếng Trung tựa đề ‘Các khía cạnh của vấn đề Nam Hải (Biển Đông)’ tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của mình.
Tập tài liệu mỏng đề cập tới các dữ kiện lịch sử mà Trung Quốc nhiều lần đưa ra để chứng thực cho chủ quyền của mình tại Biển Đông.
Đề cập về sự việc này, trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nói với BBC ông "có được biết đã có người phát tán tờ rơi nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông là thuộc về Trung Quốc".
"Tôi chưa nghiên cứu và cũng chưa biết chắc ai làm việc này, nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế vì đây [Đối thoại Shangri-La] là diễn đàn mở, công khai minh bạch và tất cả các nước đều lắng nghe nhau một cách tôn trọng."
Theo ông, "nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ của mình thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch trước cộng đồng thế giới, tốt hơn là phát các tờ rơi, nhất là các tờ rơi gây tranh cãi" như nói ở trên.
Tập tài liệu được tung ra sau khi hai đoàn Việt Nam và Trung Quốc có tiếp xúc song phương chiều thứ Sáu 3/6.
Tại cuộc gặp, người đứng đầu hai đoàn là Đô đốc Tôn Kiến Quốc và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã ca ngợi các nỗ lực hợp tác chung giữa quân đội hai nước.
Hành động nếu chứng thực là của đoàn Trung Quốc một lần nữa cho thấy dường như hợp tác và thiện chí chỉ là động tác ngoại giao, bởi vì Việt Nam cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
BBC đã tiếp cận các đoàn đại biểu các nước trong khu vực để tìm hiểu phản ứng của họ trước tài liệu chủ quyền của Trung Quốc nhưng chưa được trả lời.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160604_shangri_la_day2

Nghe/Xem

Geen opmerkingen:

Een reactie posten