Friday, June 06, 2014 1:03:55 PM
Ký sự du lịch Paris (bài 8)
Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Khu phố Á Châu này tập trung trong khu tam giác tạo bởi các con đường Rue de Tolbiac, Avenue d'Ivry và Rue Nationale với các siêu thị bán thực phẩm Á Châu, nhà hàng, tiệm thuốc bắc, đồ cổ, sách báo, phim ảnh, dĩa nhạc và các dịch vụ như du lịch, điện thoại, mắt kính, thuốc tây v.v... Khách hàng mua sắm nơi đây là người Hoa, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một số người gốc Á trước kia sinh sống ở các đảo thuộc địa Pháp trong Thái Bình Dương như Polynesia, Guiana, Caledonia.
Các cao ốc gia cư trong khu phố Á Châu, Quận 13, Paris. |
Cũng nhắc lại là khi đi đến vườn hoa Luxembourg chúng tôi tình cờ gặp một người Việt Nam, người ấy là Linh Mục Hồ Quang Lâm thuộc dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn sang Pháp tu học. Sau khi dạo chơi vườn Luxembourg là công viên đẹp nhất Paris, Linh Mục Lâm có nhã ý đưa chúng tôi đi ăn món Việt ở khu phố Á Châu thuộc Quận 13. Linh mục cho biết có một nhà hàng Buffet mới mở khá nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở đây nhưng chúng tôi vì đi Cruise mới về quá ngán các món Buffet nên tôi đề nghị đi ăn phở.
Rời vườn Luxembourg chúng tôi đi về hướng Ðông gần đền Panthéon, đến ga xe điện ngầm của công ty RER Line B rồi sẽ đổi sang đường Métro số 14 ở ga Châtelet để tới khu phố Tàu. Trên đường xe điện RER số hành khách đi cũng bình thường nhưng khi đến ga Châtelet đường 14 đi về hướng Olympiades là ga cuối gần Chợ Tàu xe nào cũng quá đông người nên chúng tôi không lên xe được. Có lẽ vì chiều Thứ Sáu người ta di chuyển quá đông, phải đợi thêm 2 chuyến mới lên xe được nhưng đứng như nêm cối. Ðến ga Lyon bỗng nhiên hành khách xuống gần hết, hóa ra người ta đổ về ga chánh Lyon để về các tỉnh miền Nam nước Pháp. Từ ga Lyon đi thêm 4 ga nữa là tới trạm cuối đường Olympiades xe trống chúng tôi có chỗ ngồi thoải mái. Vì là trạm cuối nên đến Olympiades mọi người đều ra hết và xe chắc là có hai đầu máy sẽ chạy chiều ngược lại nhưng phải đổi sang đường rầy khác nằm kế cận. Linh Mục Lâm cho biết tuyến Métro đường 14 là tuyến mới nhất của Paris, xe không có người lái mà tự vận hành bằng hệ thống vi tính.
Tiệm phở Mùi trong khu phố Việt. |
Lên khỏi ga Olympiades là gặp đường Tolbiac đi về hướng Tây rồi rẽ trái sang đường Ivry sẽ gặp rất nhiều nhà hàng Việt và Tàu và tiệm phở Mùi cũng nằm trên con đường này. Chúng tôi vào tiệm phở Mùi để xem mùi vị phở có khác hơn trước không? Năm năm trước vào tháng 5 năm 2008 chúng tôi cũng đã ăn phở ở đây, hôm nay ghé lại tiệm phở vẫn vậy nghĩa là lò nấu phở, thùng nước lèo vẫn đặt ở phía trước cạnh quày tính tiền. Thực khách có thể chứng kiến ông thợ nấu sửa soạn tô phở như thế nào từ luộc bánh, sắp thịt cho đến múc nước lèo chan vào cho đến rải hành ngò trên tô phở có lẽ giống như các quán phở ở Hà Nội. Trong khi ở Bolsa công việc nấu phở luôn luôn ở nhà bếp phía sau, thực khách không bao giờ thấy được người nấu làm như thế nào. Cũng giống như Bolsa tô phở Paris cũng có “chất lượng” tô lớn, nước lèo ngọt, thịt nhiều, giá cả năm nay là 8 Euros trong khi lần trước chỉ có 7 Euros. Cha Lâm và tôi mỗi người làm một chai bia Saigon để nhớ lại hương vị bia 33 ngày nào. Nước Pháp đang tranh giải túc cầu mùa Hè nên từ ông chủ tiệm phở cho tới các nhân viên bồi bếp đang mải mê theo dõi bàn tán trận banh trên màn ảnh truyền hình.
Linh Mục Hồ Quang Lâm (trái) bắt tay một bạn trẻ trước chợ Tang Frères. |
Vào chợ Tang Frères
Rời tiệm phở chúng tôi tiếp tục băng qua phía bên kia đường Ivry có bảng Tang Frères nơi đầu một con hẻm lớn để vào chợ thực phẩm Tang Frères là ngôi chợ Á Châu lớn nhất ở Pháp và có thể cả Châu Âu nữa. Chợ Á Châu ở Paris không có bãi đậu xe rộng thênh thang ở phía trước như ở Bolsa mà chợ nằm khuất sau những dãy phố lầu. Chợ cũng có nơi đậu xe nhưng là dưới tầng hầm phải đi ngả phía cuối chợ vào. Những ngày cuối tuần muốn vào đậu xe nơi đây xe phải sắp hàng thành một hàng dài nhiều khi ra tới cả ngoài đường.
Ði vào hẻm chợ Tang Frères thấy đồng hương Việt Nam tụ tập đứng chờ nhau trước cửa chợ nơi có mái hiên che nắng mưa và cũng có bày bán các cây hoa kiểng, cây ăn trái. Phía ngoài có một tiệm Fast Food BBQ bán vịt quay, heo quay, xá xíu v.v... chiều Thứ Sáu người mua cũng rất đông không khác gì Bolsa. Nơi đây có một thanh niên gặp cha Lâm rất là mừng rỡ thăm hỏi ríu rít, cha Lâm cho biết đó là một bổn đạo đi nhà thờ do cha làm lễ ở một nhà thờ phía Bắc Paris. Cha Lâm hỏi chúng tôi ngày mai Thứ Bảy nếu không có chương trình gì thì cha sẽ đến đón mời đến cộng đoàn do cha phụ trách. Rất tiếc ngày mai chúng tôi có hẹn với một người anh bà con vốn là sinh viên du học trước kia để đưa đi thăm thú Paris.
Chợ Trung Quốc chen chân trong khu phố Á Châu. |
Chợ Tang Frères tuy chỉ có một tầng nhưng rộng lớn bán đủ loại thực phẩm Á Châu từ mì sợi, hoành thánh của người Tàu, bánh phở, bánh tráng, chả giò của người Việt cho đến mắm cá của người Miên, khô cá của người Lào. Nói chung mặt hàng nào cũng có như các chợ Việt Nam ở Little Saigon tuy nhiên giá cả cao hơn khoảng 30-40% nhưng so với vật giá Âu Châu như vậy rất rẻ so với các chợ địa phương. Ở Paris khu phố nào cũng có các tiệm thực phẩm nho nhỏ như một căn phố, chúng tôi thường vào mua bánh mì, thịt nguội, tôm luộc sẵn, cá hộp, rau cải, trái cây về phòng khách sạn ăn cho đỡ tốn tiền và thời giờ, vả lại đồ Tây không mấy hợp khẩu. Giá cả thực phẩm các tiệm này gần gấp đôi chợ Tang Frères.
Tang Frères có nghĩa là “anh em nhà họ Trần” do hai anh em người Hoa tên Bou Rattanavan (Trần Khắc Uy) và Bounmy Rattanavan (Trần Khắc Quang) thành lập và sở hữu công ty. Gia đình Rattanavan gốc người Phố Ninh, tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc. Sau nhiều năm sống tại Thái Lan và Lào, do những bất ổn tại Ðông Dương họ quyết định tới Paris vào thập niên 1970.
Năm 1976, số người tỵ nạn Ðông Dương đến Pháp khá đông, hai anh em thành lập công ty Tang Frères chuyên nhập cảng nông sản từ Ðông Nam Á phân phối khắp Âu Châu. Năm 1981, họ mở siêu thị đầu tiên tại Quận 13, 7 năm sau doanh thu của họ đạt tới con số 270 triệu franc, bước vào hàng ngũ các công ty lớn của Pháp. Liên tục công ty tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, đến năm 1990, gia đình Rattanavan sở hữu 6 siêu thị, doanh số lên tới 600 triệu franc trở thành công ty hàng đầu Châu Âu trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm Á Châu. Nếu ở Bolsa doanh thu như vậy được phong tước “doanh gia.”
Nhà sách Khai Trí là một trong vài tiệm sách Việt ở Paris. |
Năm 2000, doanh thu vượt qua con số 1 tỷ franc và vào năm kế tiếp 2001 công ty không còn giới hạn trong nghề thực phẩm mà bước sang lãnh vực truyền thông với tên Tang Media phát sóng một đài truyền hình tiếng Trung Quốc cho cộng đồng Hoa Kiều ở Pháp gồm phim bộ, phim tài liệu, thể thao và có chi nhánh đặt tại Bắc Kinh. Từ năm 2002 công ty đầu tư vào những dự án quốc tế như xây dựng nhà máy sản xuất bia ở Ðường Sơn, Trung Quốc, khai thác một bến cảng công nghiệp ở Quảng Tây và tham gia cả vào lãnh vực dược phẩm. Ở khu phố Tàu Quận 13 này, công ty còn một cửa hàng khác nhỏ hơn trên đại lộ Choisy. Hàng tuần nguyên một chuyến bay Cargo chở hàng cho công ty từ Trung Quốc đến Paris.
Vào chợ xem qua cho biết chứ không mua gì, trái cây Á Châu cũng rất nhiều như sầu riêng tươi, mít, nhãn, xoài v.v... Cạnh tranh với chợ Tang Frères thấy có một ngôi chợ Trung Quốc nghe nói mới mở, trang hoàng lồng đèn đỏ, chữ mạ vàng nằm ở khu phố phía Bắc tuy nhiên cơ ngơi nhỏ hơn chợ Tang Frères.
Tiệm băng nhạc Việt trong khu thương mại Á Châu. |
Rời chợ anh em họ Trần, chúng tôi trèo lên bậc thang xi măng để lên khu phố Việt trong một cao ốc buyn đinh hình như các tầng trên là khu căn hộ apartment. Hành lang thương xá hơi tối nhưng mát mẻ vì có máy lạnh, tập trung các tiệm ăn, nữ trang, quần áo, tranh ảnh, vật dụng trang trí, đồ kỷ niệm. Thấy có các cửa hàng như Thúy Nga, Làng Văn, Phở 34 Ngọc Phương, thẩm mỹ viện Crystal v.v... Xin lưu ý du khách ở xa đến là các cửa hàng này buổi trưa đóng cửa để nghỉ trưa từ 12 giờ đến 3, 4 giờ mới mở cửa lại và mỗi tuần ngày Thứ Hai đa số các cửa tiệm đều đóng cửa.
Sau thương xá bước xuống là một khoảng sân rộng bao quanh bằng những chung cư cao ốc hàng chục tầng lầu nghe nói được xây từ những năm 1960 cho những gia đình thu nhập thấp. Giữa khoảng sân này là những ngôi nhà có mái cong cong kiểu Á Ðông thấy có các nhà hàng như Phượng Hoàng, Quán Ngon, New Chiana Town, Lilly's Café và siêu thị Việt Nam. Ở một góc phố có cửa hiệu “Chiều Tím Paris” sau khung kính buông màn đỏ kín bưng không biết kinh doanh gì ngoài chữ “Diner Dansant-Karaoké.” Nếu là nhà hàng ăn thì không buông màn kín mít như vậy? Tôi đứng tìm hiểu thì có một bà sồn sồn son phấn áo đầm vừa bước ra, tôi hỏi nhà hàng bán thức ăn gì? Bà trả lời: “Tiệm nhảy đầm ông ơi, đi chơi từ sáng đến giờ, vui ghê nhưng mệt và đói bụng quá, phải kiếm gì ăn!”
Vũ trường Chiều Tím trong khu phố Việt ở Paris. |
Hiện nay ở Paris không phải chỉ có khu phố Á Châu Quận 13 này mà còn có khu phố Tàu mới khác nữa ở Belleville về hướng Ðông Bắc Paris cũng đang phát triển và khu này có thêm thương mại của người Do Thái, Trung Ðông. Khu phố Á Châu Quận 13 vẫn là khu China Town lớn nhất với khoảng 150 nhà hàng ăn và các cửa hàng bán lẻ. Sau khi Việt Nam, Miên, Lào bị nhuộm đỏ năm 1975 làn sóng thuyền nhân người Việt và Hoa từ các nước Ðông Dương này sang Pháp định cư. Lúc đó khu Quận 13 Paris là khu lao động dân nghèo, chính quyền đang phá bỏ những khu nhà cũ kỹ thay thế bằng những cao ốc chung cư hàng chục tầng lầu. Vì giá rẻ so với những nơi khác nên nhiều thuyền nhân gốc Hoa, Việt vào mua những căn chung cư này và phát triển khu thương mại quanh đó bắt đầu vào năm 1982. Ngày nay đến khu phố Á Châu này thấy sừng sững trên cao nhiều buyn đinh chọc trời và những nhà hàng ăn thấp ở phía dưới. Tuy nhiên giữa các khu cao ốc, thương mại vẫn có những không gian màu xanh nho nhỏ trồng hoa kiểng và vườn chơi cho trẻ con, người lớn tuổi.
Hiện ở Pháp có khoảng 250,000 người Việt sinh sống, đông nhất là ở các thành phố lớn như Paris, Marseille và Lyon, ở mọi nơi đều có khu thương mại Việt Hoa nhưng khu Phố Á Châu Quận 13 vẫn là khu thương mại sầm uất và nhộn nhịp nhất xứ Pháp. Hàng năm có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống nhưng được người Pháp chú ý và các báo Pháp đưa tin là cuộc diễn hành rực rỡ nhiều màu sắc trong ngày Tết Nguyên Ðán mặc dù thời tiết Paris lúc đó vẫn còn trong mùa Ðông giá lạnh.
Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.
Ðã có bán trên NGUOI VIET SHOP (www.nguoi-viet.com).
Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí) hay liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: trinhhaotam@yahoo.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189428&zoneid=22
Geen opmerkingen:
Een reactie posten