zondag 22 november 2015

Trung tâm Asia tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng + Asia 77 'Dòng nhạc Anh Bằng-Lam Phương'

Trung tâm Asia tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng
Thursday, November 19, 2015 2:03:22 PM



Bài liên quan



Ðức Tuấn/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) - Những giọt nước mắt, những câu chuyện kể, tất cả là kỷ niệm như được tái dựng lại trong đêm tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng, diễn ra tại phim trường của trung tâm Asia tối Thứ Ba vừa qua.
Có khoảng trên 30 anh chị em ca nghệ sĩ, từ những ca sĩ lão thành đến những ca sĩ trẻ tuổi nhất, cùng nhau tụ họp để nhắc lại rất nhiều những tình cảm đã được tích tụ từ lâu trong những mối quan hệ thầy-trò, chú-cháu, bác-cháu, hay ông-cháu... với người cố nhạc sĩ tài hoa.

Từ trái, nhạc sĩ Trúc Hồ, nhạc sĩ Song Ngọc, và ca sĩ Mai Lệ Huyền tại buổi tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Ðây là lần thứ ba trung tâm Asia thực hiện chương trình tưởng niệm một thành viên của họ. Trước đó lâu lắm, người ta vẫn còn nhớ là đêm tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, rồi nhiều năm sau là nhạc sĩ Việt Dzũng, và đêm nay là nhạc sĩ Anh Bằng.
Ca sĩ Lâm Thúy Vân không cầm được xúc động, cô bật khóc nức nở khi nhắc về câu chuyện giữa cô và “ông” Anh Bằng.
Lâm Thúy Vân nhắc lại tiếng gọi đầy yêu thương “Lâm Thúy Vân Vân ơi...!” của ông mỗi khi ông gặp cô tại trụ sở của trung tâm Asia.
Cô tâm tình: “Em nhớ mãi những ngày anh chị em Asia được tháp tùng với ông, trong chuyến lưu diễn cuối cùng ở Úc. Thời gian đó ông vui lắm... Lúc trở về ông còn nói: 'Ước gì được làm một chuyến đi Âu Châu.' Bởi vậy, hôm vào thăm ông, nắm bàn tay ấm áp của ông, mà lòng đau thắt. Em kề tai nói cho ông nghe: ‘Ông ơi, cố gắng vượt qua nha ông, ông khỏe lại đi, con sẽ đưa ông đi Âu Châu như ông cháu mình đã ước nguyện.’ Thế nhưng nói chỉ là nói vậy thôi, chứ ông vẫn thiêm thiếp, rồi ra đi mãi mãi...”
Nhạc sĩ Trúc Hồ thì đau đớn khi nhắc lại những gì liên quan giữa đời sống của anh với nhạc sĩ Anh Bằng.
Anh nói: “Dường như đó là định mệnh, có sự sắp đặt của bề trên, cho Trúc Hồ gặp bác Anh Bằng, đáng lẽ là năm 1985, Trúc Hồ đã di chuyển sang tiểu bang vùng lạnh, sinh sống, học hành ở đó, nhưng rồi mình được gặp bác Anh Bằng, và quyết định ở lại California để sinh sống, và làm việc với bác kể từ thời gian đó đến nay...”
Về ảnh hưởng của nhạc sĩ Anh Bằng đối với trung tâm Asia, nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết: “Chắc chắn là ảnh hưởng, không nhiều thì ít, vì bác là người sáng lập, là linh hồn trụ cột của trung tâm. Tuy nhiên, vì Trung Tâm Asia do chị Thy Vân chịu trách nhiệm nên tất cả những sắp xếp hay hoạt động như thế nào, sau sự mất mát của nhạc sĩ Anh Bằng sẽ do chị và ban giám đốc trung tâm quyết định.”
Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung cố gắng giữ bình tĩnh, khi kể lại câu chuyện có một ngày gặp nhạc sĩ Anh Bằng ở trụ sở trung tâm Asia.
“Hôm đó hai bác cháu nói chuyện với nhau nhiều lắm, và cuối cùng của buổi nói chuyện ấy là tờ bút ký của bác Anh Bằng viết lại những câu thơ như: 'Mai bác Anh Bằng đi, Nguyễn Hồng Nhung sẽ khóc,'” ca sĩ này kể.
Khi nói đến đây, người ca sĩ tưởng chừng như cứng rắn lắm, vậy mà cô đã không còn kềm nỗi sự xúc động nữa, và những giọt nước mắt rơi xuống.

Từ trái, ca sĩ Mạnh Ðình, nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh, và nhạc sĩ Nam Lộc, tại buổi tưởng niệm. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh, kể lại kỷ niệm của những năm tháng trước 1975, khi đó cô là học trò, học hát từ người thầy Anh Bằng, mỗi ngày hai tiếng, tại căn nhà trên đường Hai Bà Trưng.
“Tôi còn nhớ lần cuối đến thăm thầy, khi đó nắm tay thầy còn ấm lắm, tôi ngồi lại bên thầy cũng lâu, sau đó tôi ra về, nhưng chỉ một giờ đồng hồ sau, anh Nam Lộc báo tin thầy đã ra đi hồi 8 giờ 59 phút. Lúc đó tự nhiên tôi thấy như sụp đổ tất cả, cái cảm nhận rất lạ, là lúc cầm tay thầy, tuy rằng thầy cũng chỉ nằm đó im thiêm thiếp, nhưng mình hiểu là thầy còn sống, còn đến lúc được báo tin thầy đã ra đi, thật lòng mình hụt hẫng vô cùng,” nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh nói trong sự xúc động.
Còn nhiều ca sĩ khác cũng thương khóc cho sự ra đi của nhạc sĩ Anh Bằng như ca sĩ Mạnh Ðình, ca sĩ Gia Huy, ca sĩ Thanh Lan, ca sĩ Băng Tâm, ca sĩ Mai Lệ Huyền, nhạc sĩ Song Ngọc, ca sĩ Ðan Nguyên, ca sĩ Hoàng Oanh, ca sĩ Ðoàn Phi, ca sĩ Mai Thanh Sơn...
Ðúng thật là không gian của đêm tưởng niệm, cả khán phòng đèn tắt tối đen, trên sân khấu, hay trên những chiếc bàn tròn dành cho anh chị em nghệ sĩ ngồi xung quanh, có những ngọc nến nhỏ vàng leo lét.
Hai bức ảnh lớn của nhạc sĩ Anh Bằng được dựng lên, một bức ở giữa sân khấu, còn một bức nằm góc trái, có sợi khói nhỏ bay lên từ bức ảnh lớn. Người ta có cảm giác linh hồn của người nhạc sĩ đang có mặt để chứng kiến từng câu chuyện, lời ca tiếng hát và những giọt nước mắt thương tiếc của những anh chị em nghệ sĩ, đã hoạt động sát cánh với trung tâm Asia từ nhiều năm nay.
Ngồi phía dưới sân khấu là những ca sĩ Diễm Liên, Nguyên Khang, Mỹ Huyền, Philip Huy, Hoàng Anh Thư, nghệ sĩ hài Quang Minh... Nhiều lắm, họ chờ đợi đến lượt mình để chia sẻ, tâm tình cùng khán giả của chương trình truyền hình SBTN chiếu trực tiếp khắp Bắc Mỹ và Úc.
Ðêm đã khuya lắm rồi, câu chuyện kể về người nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc Việt Nam, tưởng như sẽ không thể nào dứt, vì thời gian trên 30 năm hoạt động của trung tâm Asia, và con đường quá dài của anh chị em ca nghệ sĩ gắn bó với những thăng trầm của trung tâm.
Tất cả gom góp lại là bản thảo của kỷ niệm hằn sâu lên đời sống âm nhạc của họ, kể làm sao hết được những tình cảm sâu sắc của những người con, cháu, anh em trong đại gia đình Asia, đối với người ông, bác, chú, thầy... giống như nhạc sĩ Trúc Hồ vẫn thổn thức trong ký ức của anh.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217771&zoneid=1

Asia 77 'Dòng nhạc Anh Bằng-Lam Phương'
Tuesday, August 25, 2015 3:45:01 PM



Bài liên quan



Ðiểm tiếp nối của tình yêu, quê hương và âm nhạc


Ðức Tuấn/Người Việt
LONG BEACH (NV) - Lâu lắm rồi mới có lại hình ảnh của một dàn nhạc giao hưởng, gồm 40 nhạc công người Mỹ, trong đó có violin, cello, viola, contrabass, drum, guitar, piano, Harp, Saxophone, tất cả cùng ngồi trên cùng một sân khấu.
Ðó là hình ảnh đầu tiên tạo sự khác lạ cho khán giả, trước khi chương trình thu hình Asia 77, nhạc hội “Dòng nhạc Anh Bằng-Lam Phương” bắt đầu.

Ca khúc mở màn: hợp ca “Nhạc Rừng Khuya” (Lam Phương). (Hình: Asia cung cấp)

Ðêm nhạc hội thu hình Asia 77 “Dòng Nhạc Anh Bằng-Lam Phương” được thực hiện tối ngày Thứ Bảy, 22 Tháng Tám, tại rạp Long Beach Performing Arts Center.
Không giống như bất cứ buổi ca nhạc nào khác, theo như giờ giấc ấn định trong tờ quảng cáo, chương trình được bắt đầu khá đúng giờ.
Ðúng 7 giờ, MC Nam Lộc bước ra sân khấu, ông gửi lời chào thân ái đến tất cả khán giả, và thay mặt ban tổ chức, anh chị em ca nghệ sĩ, cũng như tất cả nhân viên cần thiết từ hậu đài, âm thanh, ánh sáng... cảm ơn sự hiện diện của khán giả tham dự, ủng hộ đêm nhạc hội.
“Khán giả hôm nay hầu hết là những người yêu nhạc của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Lam Phương.” Nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh nói về khán phòng tưởng chừng không còn bất cứ chỗ trống nào của đại hí viện Long Beach Performing Arts Center.
“Chúng tôi, có 4 người, đến từ San Diego, vì yêu thích nhạc của bác Anh Bằng cũng như nhạc sĩ Lam Phương, nên chúng tôi không quản ngại đường xa, lái xe lên đây, vì biết rằng đây là một chương trình ca nhạc rất hay, lâu lắm mới có một lần.” Bà An Trịnh, cư dân của San Diego nói với chúng tôi.
Ðó chỉ là một nhóm trong số rất nhiều khán giả khác, có những gia đình từ 5, 6 hoặc 7 thành viên như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái đưa nhau đến xem và ủng hộ đêm nhạc “có một không hai” này.

Từ trái sang phải: Ðan Nguyên, Diễm Liên, Quốc Khanh, Hà Thanh Xuân, cùng tất cả các ca sĩ khác của trung tâm Asia trong giờ phút chào tiễn biệt khán giả. (Hình: Hạ Vi/Asia Forum cung cấp)

Âm thanh, ánh sáng là những yếu tố thứ hai, gây chú ý đến khán giả, và trung tâm Asia đã biết khai thác yếu tố này để nâng giá trị gấp nhiều lần cho đêm nhạc.
Cũng vẫn với quy tắc thường làm, dẫn chương trình là 4 MC: Nam Lộc, Ngọc Ðan Thanh, Thùy Dương, và Bảo Châu.
MC Thùy Dương dù đang mang thai được gần 6 tháng, nhưng với lòng đam mê, yêu nghệ thuật và nhất là vì sự yêu mến của khán giả, nên cô vẫn cố gắng góp tay hoàn thành tốt vai trò điều khiển chương trình.
Ca sĩ là một đội ngũ khá đông, từ những tiếng hát gạo cội như Lệ Thu, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Anh Khoa, Tuấn Vũ, đến rất nhiều những anh chị em ca sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm, gắn bó với trung tâm Asia như Lâm Thúy Vân, Ðan Nguyên, Quốc Khanh, Nguyên Khang, Diễm Liên, Shayla, Ngọc Huyền, Thế Sơn, Ðặng Thế Luân, Y Phương, Mai Thanh Sơn, Thiên Kim, Hà Thanh Xuân, Mỹ Huyền, Philip Huy, Hoàng Anh Thư.
Và một số khá đông các giọng hát mới gia nhập đại gia đình Asia gần đây như Trúc Mi, Hoàng Kim, Cát Lynh, Nhật Lâm, Lê Quốc Tuấn, Băng Tâm, Huỳnh Phi Tiễn, Hoàng Lan, Ngọc Anh Vy.
“Cả phần nội dung của chương trình từ đầu đến cuối, nếu bạn xem kỹ, sẽ thấy gần như đó là một câu chuyện âm nhạc, câu chuyện liên quan giữa những mảng thân phận, quê hương và tình yêu,.” Tiếp xúc với nhật báo Người Việt, vị đại diện ban tổ chức nói.
Cô nói tiếp: “Tất cả nối lại với nhau để giới thiệu và nhắc lại với giới thưởng ngoạn những tiểu sử, chặng đường đáng nhớ của cả hai nhạc sĩ khả kính ấy.”

Danh ca Lệ Thu với ca khúc “Nếu Vắng Anh” (Anh Bằng). (Hình: Asia cung cấp)

Khán giả thích thú khi được cùng các MC ôn lại phần tiểu sử của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Lam Phương, bởi lẽ qua đó khán giả được dịp biết thêm về những chi tiết chưa từng được biết, nhờ các MC tìm hiểu, phỏng vấn và được cả hai người họ kể lại về những thời gian và quãng đời họ đã đi qua.
Xuyên suốt phần nội dung của chương trình, khán giả nhận thức được rõ ràng, nhạc của cả hai ông Anh Bằng và Lam Phương ít nhất được chia làm ba giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn một đánh dấu từ lúc các ông chập chững sáng tác, đến khi trưởng thành, giai đoạn hai là mốc thời gian từ khi trưởng thành, bước hẳn vào đời sống, “tung hoành ngang dọc” dĩ nhiên trong đó bao gồm lúc “binh đao, khói lửa,” cuộc chiến giữa bên này, bên kia xảy ra gay gắt.
Bước sang giai đoạn cuối là biến cố 1975 ào đến, “nước mất nhà tan,” cùng với biết bao nhiêu triệu người Việt bỏ nước ra đi, lúc ấy cả hai nhạc sĩ đều rời Việt Nam vào thời gian ngày 30 Tháng Tư.
“Tị nạn” là tấm căn cước mới, hai chữ nói về thân phận đau buồn của hàng triệu người Việt Nam không đành rời xa quê hương.
Sau khi định cư ở các quốc gia, như Hoa Kỳ, Pháp quốc... cả hai ông vẫn tiếp tục sáng tác, hàng loạt ca khúc viết cho quê hương, tâm tình “ăn nhờ ở đậu” của người Việt Nam sống trên mảnh đất tạm dung, dĩ nhiên có cả những mảnh tình, yêu thương trai gái, bên này, bên kia... Hay nhớ nhung về nơi chốn đã xa tầm tay với.
“Ðây chỉ là 5% trong số tổng di sản nghệ thuật của hai ông cống hiến cho đời, tức là khoảng 800 ca khúc nhạc tình ca.” Nhạc sĩ, MC Nam Lộc nhận định về nhạc của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Lam Phương.
Với những tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca hay tốp ca... Chương trình quả là một chuỗi dài những ca khúc sống động, cuốn hút khán giả đi từ sự chờ đợi này đến ngạc nhiên khác.
Hơn bốn giờ đồng hồ, được chứng kiến, thỏa mãn với âm nhạc, và đồng hành cùng với trung tâm Asia khi ôn lại quá khứ, dĩ vãng đã qua, cho đến giờ phút cuối của chương trình, dù đã gần nửa đêm, nhưng hầu như khán giả không một ai muốn đứng dậy ra về sớm.
Họ chờ giây phút đóng màn, để được đến chào người nhạc sĩ khả kính, bắt tay các ca sĩ ái mộ và chia sẻ nỗi hạnh phúc, niềm vui đến ban tổ chức.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=213306&zoneid=433

Geen opmerkingen:

Een reactie posten