Tìm khoái lạc trong cơn đau vật vã
- 20 tháng 11 2015
Đối thủ của ông đã từng khiến nhiều đối phương đau tim, tai biến và thậm chí chết người.
Thế nhưng Jason McNabb tỏ ra hết sức bình tĩnh trong lúc bước vào võ đài.Tiếng còi vang lên.
Việc ra đòn diễn ra dồn dập khiến người hứng chịu phải chảy nước mắt, sưng môi và đổ mồ hôi.
Đây không phải một trận đấu bình thường. McNabb giờ đây đã nắm giữ kỷ lục thế giới về ăn nhiều ớt Bhut Jolokia nhất trong hai phút.
“Như thể có một đàn ong bắp cày ở trong miệng đang ra sức chích cùng một lúc. Cảm giác giống như địa ngục vậy,” ông nói.
Bhut Jolokia, hay còn gọi là ‘ớt ma’, có độ cay vào tầm hơn 1 triệu đơn vị Scoville - hay nói theo cách khác, nó cay hơn tiêu jalapeno từ 200 đến 400 lần.
Đây là một trong những loại ớt cay nhất hành tinh, và bất cứ ai cắn một chút sẽ đều cảm thấy phải chịu đau đớn tột cùng.
Vậy vì sao người ta lại làm điều này với bản thân?
Thường thì chúng ta tìm kiếm khoái lạc và tránh sự đau đớn. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Một số người lại hứng thú với các hoạt động gây đau đớn như chạy bộ, massage bằng than hồng, xăm hình, xâu khuyên tai và thậm chí bạo dâm.
Với McNabb, cơn đau do ớt gây ra tạo ra một cảm giác thoả mãn giống như thức ăn, ma tuý hay tình dục tạo nên.
“Cơn đau dịu đi khá nhanh và thay vào đó là adrenaline và sự phấn khích mà những trái ớt mang lại,” ông giải thích.
Mối liên kết giữa cơn đau và sự khoái lạc nằm sâu trong cấu tạo sinh học của chúng ta.
Tất cả các cơn đau sẽ khiến hệ thần kinh trung tâm giải phóng endorphin, protein giúp ngăn chặn cơn đau và có công dụng gần giống như thuốc morphine.
Mối liên hệ này có lẽ không phải là điều bất ngờ với những ai hay chạy bộ.
Sự nỗ lực vận động sẽ khiến glucose giải phóng acid lactic do thiếu oxy.
Loại acid này kích hoạt các thụ cảm thể trong các cơ bắp, và sau đó gửi thông điệp này đến não thông qua tuỷ sống.
Tín hiệu này được não diễn giải thành một cảm giác nóng bỏng ở hai chân, khiến người chạy chạy chậm lại hoặc dừng hẳn.
Nhưng đó là khi hệ thống đồi hải mã, trung tâm kiểm soát hệ thần kinh, được kích hoạt.
Cơ quan này phản ứng trước những tín hiệu chuyển tải cơn đau bằng cách giải phóng các chất endorphin ra cơ thể.
Loại protein này kích hoạt các thụ cảm thể thuốc phiện trong não và ngăn chặn các hoá chất tham gia vào quy trình chuyển tải tín hiệu về cơn đau. Điều này giúp ngăn chặn cơn đau.
Nhưng endorphin còn đi xa hơn nữa. Nó kích thích vùng rìa của não và bán cầu não trước, vốn thường được kích hoạt bởi tình yêu và âm nhạc.
Điều này tạo cảm giác khoái lạc sau cơn đau tương tự như khi say heroin hoặc morphin, vốn cũng kích hoạt thụ cảm thể thuốc phiện của não.
Trong khi đó, cơn đau do tập thể thao cật lực cũng làm tăng một chất giảm đau khác trong cơ thể, anandamide.
Được mệnh danh là “chất sung sướng”, nó gắn liền với các thụ cảm thể cần sa trong não để ngăn chặn những tín hiệu chuyển tải sự đau đớn và thay vào đó bằng cảm giác khoái lạc giống như khi do cần sa tạo nên.
Hormon Adrenaline, vốn cũng được cơ thể sinh ra để phản ứng lại cơn đau, tăng cường sự phấn khích bằng kích tăng nhịp tim.
Cảm giác nóng bỏng ở chân được cho là nhằm ngăn chặn sự gắng sức, trong khi cảm giác ‘thấy phê khi chạy’ có thể đã giúp tổ tiên chúng ta chịu đựng những chuyến đi săn dài ngày.
Cảm giác khoái lạc sau cơn đau được cho là đã tiến hoá để giúp chúng ta chịu đựng vết thương.
Thế nhưng vì sao một số cơn đau là khiến chúng ta thích thú, trong khi một số khác lại chỉ đơn thuần hành hạ chúng ta?
Một trong các giả thiết là do chúng ta tìm kiếm cơn đau khi vẫn ý thức được rằng nó sẽ không mang lại hậu quả nghiêm trọng. Đây là điều mà động vật không thể làm được.
Một trong các ví dụ là ớt.
Một trong các thành phần chính của ớt, capsaicin, là vô hại.
Điều khiến ớt mang lại sự đau đớn là do capsaicin có khả năng kích hoạt TRPV1, một trong các cảm thụ thể nhiệt độ trong lưỡi của chúng ta, vốn báo động cho cơ thể trước nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
Việc TRPV1 được kích hoạt khiến não nhận được thông điệp giống như với lúc lưỡi của chúng ta thực sự cháy bỏng.
Hầu hết trẻ em đều tránh xa món ớt. Thế nhưng chúng dần dần học cách để thích món này qua nhiều lần thử, trong lúc chúng ý thức được rằng món này không gây nên những tổn thương cho cơ thể.
Thế nhưng lưỡi của những người mê ăn ớt cũng nhạy cảm giống lưỡi của tất cả những người khác.
Đó là một sự đam mê đặc biệt chỉ xuất hiện ở con người.
Các nhà khoa học đã thử tìm cách để khiến chuột mê ớt nhưng thất bại.
Các loại động vật có thể được huấn luyện để tự làm hại mình, với điều kiện điều này phải kèm theo một phần thưởng dưới dạng nào đó.
“Nói chung, khi động vật trải nghiệm một điều gì đó tiêu cực, chúng thường tìm cách né tránh,” Paul Rozin từ Đại học Pennsylvania giải thích.
Hành vi bạo lực là điều không khiến những người tham gia vào hoạt động tình dục bạo dâm ngạc nhiên.
Bà Alexandra, một người bạo dâm ở London, giải thích: “Chúng tôi phân biệt giữa cơn đau tích cực và tiêu cực. Những cơn đau tiêu cực cho thấy một điều gì đó không đúng, và là điều mà chúng tôi để ý thấy ngay lập tức. Còn những cơn đau tích cực thì đem tạo cảm giác khoái lạc.”
Giả thiết này cũng giải thích vì sao chúng ta tìm kiếm những trải nghiệm không mấy vui vẻ, như chơi tàu lượn siêu tốc hoặc xem những bộ phim buồn.
“Nếu cho một con vật nào đó đi tàu rồng nhào lộn đến chóng mặt, nó sẽ rất sợ hãi và không bao giờ đi lại một lần nữa,” Rozin nói.
Mối liên hệ giữa cơn đau vào tình dục không chỉ giới hạn ở giới bạo dâm.
Một nhà nghiên cứu đã dùng máy quét cộng hưởng để theo dõi não của các phụ nữ khi họ đạt cực đỉnh. Kết quả cho thấy hơn 30 khu vực của não được kích hoạt, trong đó có cả những vùng đem lại cơn đau.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người sống sót khỏi căn bệnh ung thư, vốn bị cắt thần kinh tuỷ để giảm cơn đau, mất khả năng đạt cực đỉnh. Chỉ khi cơn đau xuất hiện trở lại họ mới có lại khả năng đạt cực đỉnh.
Barry Komisaruk, từ Đại học Rutgers, cho rằng có một mối liên hệ giữa cơn đau và sự đạt cực đỉnh.
“Qua quan sát có thể thấy vẻ mặt của những người đạt cực đỉnh không khác mấy vẻ mặt của người đang bị đau đớn,” ông nói.
Một nghiên cứu về cách mà thuốc paracetamol tác động tới cảm xúc cho thấy loại thuốc giảm đau này không chỉ làm giảm sự đau đớn về tinh thần mà nó còn làm mờ nhạt đi cảm giác khoái lạc.
Đối với con người, có vẻ như cơn đau và sự khoái lạc đã luôn luôn bện vào nhau.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
Tin liên quan
- Sự đau đớn tốt cho bạn thế nào?
- Vì sao khó quên những ký ức đau đớn?
- Ta mang trong mình cơ thể người khác?
- Chụp ảnh tràn lan gây hại trí nhớ?
- Trí nhớ con người có giới hạn?
- Người cao hay lùn có nhiều lợi thế hơn?
- ‘Đạt cực đỉnh’ với một cú nhấn nút
- Khi robot phản bội con người
- Cách 'ngầm tác động' suy nghĩ người khác
- Bí mật về sự phản bội của đôi mắt
- Campuchia và đặc sản côn trùng chiên giòn
- Tiêu tan sự nghiệp chỉ vì cái điện thoại
- Nước Đức và nơi không bao giờ trễ hẹn
- Có thể học được tới 30 ngoại ngữ không?
- Croatia mở cửa cho di dân vào Âu châu
- Người TQ 'nghiện' hay 'bẩm sinh mua sắm'?
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/11/151120_why-pain-feels-good_vert_fut
Geen opmerkingen:
Een reactie posten