woensdag 4 november 2015

Nhật báo Pháp Les Echos :« Khi Trung Quốc nghi ngại chính mình, càng thiếu tự tin, Bắc Kinh càng lớn tiếng với bên ngoài

Trung Quốc đang thụt lùi hay giẫm chân tại chỗ ?

mediaCác nhà đấu tranh nhân quyền "chào đón" Tập Cận Bình tại Luân Đôn, 20/10/2015.REUTERS/Peter Nicholls
Nhật báo kinh tế Les Echos trong bài viết mang tựa đề « Khi Trung Quốc nghi ngại chính mình » đã nhận xét, càng thiếu tự tin, Bắc Kinh càng lớn tiếng với bên ngoài. Tác giả bài viểt, giáo sư Dominique Moïsi, cố vấn đặc biệt Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định, đối mặt với các thử thách mênh mông trong nước và những nghịch lý, chế độ đôi khi cho người ta cảm giác đang giậm chân tại chỗ.
Tổng thống Pháp François Hollande đến Bắc Kinh hôm nay, theo chân Thủ tướng Đức Angela Merkel có mặt cách đây hai ngày. Những tuần lễ trước đó, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hoa Kỳ và được tiếp đón trọng thể tại Anh quốc. Những chuyến viếng thăm này đã mang lại thêm tính chính đáng cần thiết cho một Trung Quốc đang đối mặt với tăng trưởng giảm sút, đúng ra là những ngờ vực.
Chính quyền Trung Quốc có thể kiểm soát được vấn đề môi trường bằng cách buộc nhiều nhà máy xung quanh Bắc Kinh phải đóng cửa : thời tiết rất đẹp trong dịp Hội nghị Trung ương Đảng tuần rồi. Họ kiểm soát được vấn đề dân số, khi cho phép các cặp vợ chồng có hai con. Chính sách một con « là món quà của Trung Quốc dành cho nhân loại » - một lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh tuần rồi đã nói trong vòng thân mật - vì nếu không, dân số nước này đã có thể lên đến 2 tỉ người !
Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không tìm ra lời giải đáp cho một thách thức khác trầm trọng hơn nhiều. Đó là làm thế nào duy trì quyền lực không suy suyển trong khi tất cả đều thay đổi, từ bên trong cũng như bên ngoài đất nước ?
Tác giả vốn có mặt ở Bắc Kinh tuần rồi nhận xét, có vẻ như thế giới tin tưởng vào Trung Quốc hơn là Trung Quốc tin vào chính mình. Thế vận hội năm 2008 có thể đã tạo nên đỉnh cao cho sự tự tin. Nhưng từ đó đến nay, một mặt, khủng hoảng kinh tế cùng với tăng trưởng chậm lại, mặt khác việc cá nhân hóa quyền lực xung quanh Tập Cận Bình đã tạo nên một không khí khác hẳn. Các diễn từ của quan chức Bắc Kinh tỏ ra ở thế thủ nhiều hơn, càng làm rõ thêm nghịch lý này.
Tác giả đặt câu hỏi, trên trường quốc tế, làm thế nào Trung Quốc có thể rao giảng về dân chủ hóa, khi từ chối thô bạo tiến trình này ngay trong đất nước mình ? Làm thế nào nêu ra việc tôn trọng luật quốc tế như một mô hình đạo đức, trong khi tỏ ra vô cùng thông cảm với Nga trong « việc đã rồi » Crimée ? Người ta không thể xây dựng nên lòng tin trên một sự tương phản quá lớn giữa lời nói và hành động.
Và cuối cùng, làm thế nào hòa hợp được giữa một vai trò quá khiêm tốn trên thế giới - đặc biệt tại Trung Đông - với sự hiện diện đầy đe dọa và những hành động quá hung hăng tại Biển Đông ? Tuy Trung Quốc không loại trừ việc can thiệp vào Syria với các điều kiện hết sức đặc biệt : nếu chính quyền Damas yêu cầu và nếu được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm.
Tại sao Trung Quốc tiếp tục núp sau những nguyên tắc đạo đức chung, trong khi lại hành xử nghiệt ngã với người khác ? Tại Bắc Kinh thứ Năm tuần trước, khi tham gia một cuộc tranh luận về trật tự thế giới, bà Angela Merkel đã ngạc nhiên khi thấy phía Trung Quốc tập trung các câu hỏi không phải về vấn đề nhập cư, mà về an ninh mạng. Sau khi chơi ván bài thương mại và tài chính cho Anh, Bắc Kinh lại chìa ra lá bài hận thù với Đức. Bà Angela Merkel nói chuyện với họ về ông Putin, họ lại trả lời bằng cách nêu ra việc nước Mỹ đã nghe lén điện thoại của bà.
Nội bộ càng bế tắc, Bắc Kinh càng cứng rắn trong đối ngoại
Giáo sư Moïsi nhận định, tất cả cho thấy dường như bên trong càng thiếu tự tin, thì Trung Quốc lại càng lớn giọng đối với bên ngoài.
Những thử thách nội bộ đúng là hết sức to lớn. Làm thế nào quản lý được một đất nước nay đã có nhiều tỉ phú hơn cả Hoa Kỳ, nhưng số người nghèo khổ lại đông đảo ngang bằng Ấn Độ ? Làm thế nào hòa hợp được giữa việc cổ vũ mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân trên lãnh vực kinh tế, nhưng lại bác bỏ toàn bộ về mặt chính trị ? Trong lúc khu trung tâm Bắc Kinh chuyển đổi thành một trung tâm thương mại sang trọng khổng lồ, trái tim quyền lực ở Đại sảnh đường Nhân dân dường như ngưng đọng lại trong khung cảnh xưa cũ.
Tác giả quan sát thấy trên các đường phố Bắc Kinh, cảnh sát trong bộ cảnh phục xanh lá và găng tay trắng hiện diện khắp nơi, nhưng cả người đi bộ lẫn người lái xe đều không tuân thủ luật lệ giao thông. Có vẻ như Nhà nước Trung Quốc không quan tâm đến việc giáo dục công dân, về sự tôn trọng lẫn nhau trong xã hội.
Một bầu không khí kỳ lạ ngự trị tại thủ đô. Những tuyên bố ủng hộ chế độ càng thêm cứng rắn, nhưng trong nội bộ hệ thống người ta cởi mở hơn, thận trọng bày tỏ những ngờ vực.
Chưa ai có thể dự đoán về tương lai Trung Quốc, nhưng đất nước này không còn tạo cho người ta cảm giác đang dần bước về một hướng tốt đẹp như vài năm trước đây. Vấn đề là làm sao biết được Trung Quốc đang thụt lùi ít hay nhiều, hay đơn giản chỉ là giậm chân tại chỗ ?
Trực thăng Airbus « Made in China »
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về « Những chiếc Airbus ngày càng ‘‘Made in China’’ hơn », với việc tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp trực thăng dân dụng tại Trung Quốc.
Theo dự kiến, chiếc trực thăng H135 đầu tiên của Airbus sẽ được xuất xưởng tại Cáp Nhĩ Tân vào năm 2018. Đây là loại trực thăng có kích thước khá lớn, dùng cho việc vận chuyển người và thiết bị ra ngoài khơi.
Hiện được sản xuất tại Marignane vùng Bouches-du-Rhône của nước Pháp, trực thăng H135 sản xuất tại Trung Quốc sẽ được mang tên thương mại là AC352, dành cho thị trường nội địa nước này. Nhu cầu còn rất lớn vì quy định ở Trung Quốc đến nay chỉ dành ưu tiên cho trực thăng quân sự. Việc hạn chế này sẽ được giảm dần, và số lượng trực thăng trong 20 năm tới sẽ tăng gấp đôi.
Đối với phi cơ, Airbus cũng chọn Trung Quốc để mở nhà máy lắp ráp đầu tiên ngoài châu Âu. Thị phần của tập đoàn hàng không châu Âu tại Trung Quốc đã tăng từ 7% năm 1995 lên 50%, cạnh tranh ngang ngửa với Boeing. Tập đoàn Mỹ, hiện diện tại Trung Quốc từ bốn mươi năm qua thì có chiến lược khác : nghiêng về việc hợp tác với nhiều đối tác thay vì lập nhà máy bên ngoài Hoa Kỳ.
Serguei Choigou, chiến tướng của ông Putin
Nhìn sang nước Nga, trong bài điều tra « Chiến tướng của Putin », Le Monde phác họa chân dung của ông Serguei Choigou, Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Sáp nhập Crimée, can thiệp vào Syria, hợp tác quân sự với Iran : tướng quân trung thành với Tổng thống tả xung hữu đột trên khắp các chiến trường do Vladimir Putin khởi động, đồng thời còn tỏ ra lão luyện trên mặt trận
Từ sau khi Liên Xô tan rã, chưa bao giờ có nhiều cuộc tập trận như thến từ Nam cực tới Vladivostok, được dàn dựng như những siêu phẩm Hollywood. Mùa hè vừa qua 95.000 binh lính, 170 máy bay và 20 chiến hạm đã được huy động. Trong bối cảnh u ám của nền kinh tế hiện nay, ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng lại được tăng 33%, đạt 3.287 tỉ rúp (46,5 tỉ euro) trong năm 2015, chiếm trên 20% chi tiêu của nước Nga.
Chuyên gia quân sự nổi tiếng Alexandre Goltz nói với Le Monde : « Nếu Putin nghiêm túc nghĩ đến một người kế tục, thì ông Choigou là ứng viên hàng đầu ». Ngược lại, trong trường hợp thất bại hay vấp phải những thử thách nghiêm trọng trên thực địa, Bộ trưởng Quốc phòng cũng sẽ là người đầu tiên bị hy sinh. Cũng theo chuyên gia này, ông Serguei Choigou, người gốc Xibêri, là một trong những lãnh đạo hiếm hoi của Nga vừa làm việc hiệu quả vừa lại là một nhân vật khá tử tế. Ông ta hiểu rất rõ ông Putin, vì họ cùng một thế hệ, cùng một cách suy nghĩ của « con người xô-viết ».
Máy bay Nga bị IS khủng bố?
Cũng liên quan đến Nga, nhưng về sự kiện bi thảm máy bay rơi ở Ai Cập làm 224 người tử nạn, các báo Pháp hôm nay đều đặt ra các giả thiết về nguyên nhân khiến chiếc Airbus của hãng hàng không Nga Kogalymavia nổ tung giữa không trung, trong đó không loại trừ khả năng bị khủng bố.
La Croix nhận định, cho dù Matx cơva đã bác bỏ ngay tuyên bố do chi nhánh Ai Cập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đưa ra nhận là đã bắn hạ chiếc Airbus A321, nhưng một khi hai chiếc hộp đen chưa được phân tích thì mọi kịch bản đều có thể.
Kích thước các mảnh vỡ khá nhỏ, rải rác trong chu vi lên đến 20 kilomet cho thấy có thể máy bay đã bị nổ tung từ trên không. Nhưng theo chuyên gia hàng không Gérard Feldzer, thì vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân. « Không thể loại trừ trường hợp hư hỏng nặng, chẳng hạn một động cơ bị sút ra làm hư hại cánh máy bay như đã có xảy ra trong quá khứ. Nhưng một quả bom nổ bên trong cũng có thể làm phi cơ lao thẳng xuống đất ». Một điều chắc chắn là cơ trưởng đã không gởi tín hiệu báo nguy.
Chuyên gia Alain Rodier nhận định: « Cả Ai Cập và Nga đều có lợi khi bác bỏ giả thiết khủng bố. Ai Cập sợ hậu quả tai hại cho ngành du lịch của mình, còn Nga không muốn ảnh hưởng đến việc can thiệp quân sự vào Syria, vốn dựa trên chủ trương ''thiệt hại nhân mạng bằng 0'' »
Các nhà quan sát đều cố loại trừ khả năng chiếc Airbus A321 bị hỏa tiễn từ dưới đất bắn trúng, vì quân thánh chiến tại Ai Cập đến nay chỉ sở hữu các khẩu kalachnikov, súng phóng lựu, tên lửa chống tăng và hỏa tiễn địa-không cầm tay. Tuy đã từng bắn hạ trực thăng hoặc bắn trúng chiến hạm, nhưng nhóm này không có vũ khí hạng nặng để nhắm vào một chiếc máy bay ở độ cao 9.000 mét. Ngược lại, quân thánh chiến vẫn có thể thâm nhập phi trường Charm El Cheikh để đặt bom ngay trên phi cơ.
Tuy nhiên việc phe thánh chiến lên tiếng nhận là tác giả cũng gây lo ngại, vì nhánh « Tỉnh Sinai », trước đây mang tên Ansar Jerusalem là một trong những nhóm đầu tiên đầu quân vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nếu nguyên nhân khủng bố là sự thật, thì đây là một hướng tiến công mới, cách hành động mới của IS. Trong khi cho đến nay IS luôn tỏ ra khả tín trong các tuyên bố, chưa bao giờ nhận vơ chiến tích của người khác vào mình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151102-trung-quoc-dang-thut-lui-hay-giam-chan-tai-cho

Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc lâu dài

mediaMột căn nhà bị đập bỏ để nhường chỗ cho các dự án địa ốc ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, trong khi nhiều căn hộ mới xây vẫn chưa có người mua.REUTERS/Stringer/Files
Nhà kinh tế Jean-Pierre Petit trên báo Le Monde nhận định « Tại Trung Quốc, thách thức của thị trường sẽ còn kéo dài ». Cuộc khủng hoảng vừa qua đã làm tăng thêm sự nghi ngại của các nhà đầu tư ngoại quốc và cả người Trung Quốc. Bản thân tâm trạng ngờ vực này bản thân nó cũng là một nhân tố bổ sung cho viễn cảnh bấp bênh của kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, trong những năm tháng tới. Tác giả đưa ra năm lý do căn bản.
Trước hết, khủng hoảng đã tạo nên cảm giác chính quyền Trung Quốc có thể không còn kiểm soát được tình hình kinh tế vĩ mô. Không phải Bắc Kinh thiếu sáng suốt, nhưng đơn giản là các diễn biến mới đây khiến các công cụ của chính quyền trở nên ít hiệu quả. Tác động hạn chế của các biện pháp tiền tệ và ngân sách do vấp phải những khó khăn rất lớn : trọng lượng khối nợ, sản xuất thừa, nợ xấu ngân hàng tăng, tín dụng đen phát triển… Nền kinh tế tuột khỏi tầm tay Bắc Kinh vì đã trở nên phức tạp hơn, toàn cầu hóa hơn trước đây.
Thứ hai, các mục tiêu của chính quyền mâu thuẫn lẫn nhau. Các biện pháp tái thúc đẩy ngắn hạn làm tăng thêm sự mất cân bằng : việc giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc chỉ thổi phồng thêm các bong bóng chứng khoán và địa ốc, với nguy cơ gây ra những vụ sụp đổ mới. Giảm hối suất cũng làm chậm lại các nỗ lực chấn chỉnh của doanh nghiệp và sự chuyển đổi mô hình kinh tế.
Thứ ba, thị trường tỏ ra nghi ngờ sự khả tín của các con số thống kê do Bắc Kinh đưa ra. Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) rõ ràng là không độc lập với quyền lực trung ương, và ai cũng biết rằng chính quyền các địa phương có xu hướng khai lố các hoạt động. Một số chuyên gia dựa trên các dữ liệu như sản lượng thép và điện, lượng hàng vận chuyển, nguyên vật liệu nhập khẩu, tiêu thụ điện…để khẳng định Trung Quốc đang hard landing (hạ cánh cứng), tỉ lệ tăng trưởng thực sự chỉ từ 0 đến 3% tùy theo cách định nghĩa.
Tác giả hoan nghênh các chuyên gia khác ở Paris, Luân Đôn, cho rằng đánh giá tăng trưởng của một đất nước khổng lồ và phức tạp như thế không dễ dàng. Nhưng dù sao đi nữa, sự hoài nghi về số liệu Trung Quốc sẽ còn tăng lên trong tương lai, vì nguy cơ hard landing đang rất lớn.
Lý do thứ tư : thông tin mù mờ là một nhân tố gây thêm ngờ vực. Sự thay đổi tỉ giá hối đoán vốn gần như bất biến hôm 11/8 là một ví dụ cụ thể, với việc phá giá đồng nhân dân tệ ba lần trong ba ngày liên tiếp, trong khi Nhà nước tuyên bố đây chỉ là một biện pháp kỹ thuật đột xuất.
Cuối cùng, sau 35 năm tăng trưởng hầu như liên tục, Trung Quốc đang lâm vào một tình hình chưa từng thấy. Các nhà đầu tư không quên các thời kỳ hard landing ở Hoa Kỳ hay châu Âu, nhưng khó thể tưởng tượng với Trung Quốc.
Trước đây tỉ lệ tăng trưởng chỉ sụt giảm vào năm 1989 (4,2%, sau vụ thảm sát Thiên An Môn) và năm 1999 (7,6%, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á), nhưng thời đó Trung Quốc chỉ chiếm 3,2% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, còn nay là 13,5%. Thế nên các nhà đầu tư khó thể đánh giá nổi tác động dây chuyền của cú sốc Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia mới nổi.
Nhập cư : Sự ích kỷ của một số nước làm mất ý nghĩa Liên hiệp Châu Âu
Nhìn sang châu Âu đang bối rối trước cuộc khủng hoảng di dân, nhật báo Le Monde có bài xã luận mang tựa đề « Châu Âu với những ích kỷ quốc gia ». Tờ báo chỉ trích, trước những thảm kịch diễn ra ngay trước cửa ngõ, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã không có được một hành động chung cho toàn khối.
Đức và Pháp đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu : phân bổ hạn ngạch 120.000 người tị nạn chiến tranh từ Syria, Irak và Afghanistan hiện đang có mặt ở Hy Lạp, Ý và Hungary, lập ra các cơ quan đăng ký người tị nạn và di dân kinh tế ở các nước biên giới châu Âu, thống nhất các quy định về tị nạn chính trị.
Các nước Trung Âu và Đông Âu đã ngăn trở sự ra đời của thỏa thuận có thể coi là câu trả lời chung của châu Âu về vấn đề nhập cư. Họ nhất quyết không chấp nhận nguyên tắc phân bổ, dù có bàn bạc chung, coi đây là vấn đề chủ quyền. Đức hôm qua đe dọa trừng phạt tài chính, và theo Le Monde, thì Berlin có lý.
Sự bất đồng này không chỉ tượng trưng cho một châu Âu đóng cửa trước những bi kịch diễn ra ngay trước mắt, mà còn đặt lại vấn đề về ý nghĩa của Liên hiệp Châu Âu. Được cho là có một chính sách ngoại giao chung, bảo vệ các giá trị toàn cầu, là mẫu mực cho dân chủ, EU nay có vẻ chỉ đơn giản là một khối tự do mậu dịch. Trước thử nghiệm đầu tiên này, EU phản ứng như một tổ hợp các Nhà nước liên kết với nhau chỉ bằng một hiệp ước thị trường chung. Theo tờ báo, đây là một sự thụt lùi so với tham vọng lúc ban đầu thành lập, và là lời thú nhận cho một sự tê liệt tập thể đầy nguy hiểm.
Dán nhãn tị nạn hay nhập cư ?
Cũng về hồ sơ nhập cư, nhật báo công giáo La Croix kể ra một loạt từ ngữ : người tị nạn, di dân, nhập lậu, lưu vong…Người ta muốn dán một cái nhãn lên mỗi một người trong số nửa triệu con người đi vào không gian Schengen từ đầu năm nay. Những ai có quyền đi vào châu Âu hoặc không, ai chạy loạn chiến tranh, ai đi tìm việc… một bên là tị nạn chính trị và bên kia là di cư vì lý do kinh tế.
Theo La Croix, có thể hiểu được tầm quan trọng của việc ưu tiên bảo vệ những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, và do đó cần tách biệt với những đối tượng khác. Tuy nhiên các nguyên nhân di cư trộn lẫn nhau và phức tạp, việc phân biệt người tị nạn và di dân rất tế nhị, nhiều khi may rủi. Tờ báo cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mọi hồ sơ. Dù được cho nhập cư hay không, họ cần được đối xử nhân đạo, và phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150916-kinh-te-trung-quoc-se-tiep-tuc-xuong-doc-lau-dai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten