donderdag 12 november 2015

Mỹ hốt bạc từ các 'em bé... mỏ neo' Trung Quốc

Thứ sáu, 13/11/2015 | 05:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 13/11/2015 | 05:00 GMT+7

Mỹ hốt bạc từ các 'em bé mỏ neo' Trung Quốc

"Họ mà thích cái gì là họ mua ngay", một nhân viên cửa hàng xa xỉ nói về những phụ nữ Trung Quốc đến Mỹ sinh con với giấc mơ có thẻ xanh, hoặc mong muốn cho thế hệ sau tương lai tốt hơn.
my-hot-bac-tu-cac-em-be-mo-neo-trung-quoc
Du khách Trung Quốc thường chi tiêu mạnh tay trên đất Mỹ. Ảnh: LA Times
Theo WSJ, phụ nữ Trung Quốc không phải những người nước ngoài duy nhất có mong muốn sinh con trên đất Mỹ, nhưng họ luôn chiếm số lượng đông đảo nhất. Những người này thường tới Mỹ theo thị thực du lịch và sẽ về nước vài tháng sau khi sinh con.
Tuy nhiên, trước khi rời đi cùng con, vốn bị giới phê bình gán cho cái tên "em bé mỏ neo" (ý chỉ gia đình lợi dụng những đứa bé như cái neo để trụ lại trên đất Mỹ) những phụ nữ này thường chi hàng nghìn USD tại các bệnh viện tư, trung tâm mua sắm và các khu căn hộ cao cấp. Hoạt động này, còn được gọi là du lịch sinh con, đang tạo ra một ngành kinh doanh "béo bở" tại nhiều khu vực ở Mỹ, trong đó có khu vực phía đông nam Los Angeles.
Một ngày chủ nhật gần đây, tại khu mua sắm cao cấp South Coast, trung tâm thành phố Costa Mesa, California, có thể thấy những người nói tiếng Trung, một số mang bụng bầu lộ rõ, xuất hiện đông đảo tại các gian hàng hiệu Chanel, Christian Dior, Giorgio Armani...Họ áp đảo những khách mua sắm khác về số lượng.
Hai phụ nữ mạng bụng bầu vừa nói tiếng Trung vừa bước ra khỏi gian hàng Fendi, một người đẩy một chiếc nôi trẻ em trông còn mới, bên trên chất đầy túi xách. Phía cuối một hành lang khu mua sắm, 7 phụ nữ mang thai ngồi nói chuyện bằng tiếng Trung trên một băng ghế, với nhiều túi mua sắm đặt dưới chân.
"Họ mà thích cái gì là họ mua ngay", Joanne Lee, một trong ba nhân viên bán hàng nói tiếng Trung tại cửa hàng thời trang xa xỉ Coach cho biết. "Họ mua nhiều món hàng một lúc".
Sự gia tăng số lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc với mục đích sinh con phần nào cho thấy tầng lớp khá giả mới tại nước này, đồng thời nó cũng phản ánh sự bất an trong một bộ phận dân cư đối với triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ sẽ tự động trở thành công dân Mỹ, và theo luật pháp liên bang, khi đứa trẻ đó đủ 21 tuổi, họ có thể bảo trợ cho các thành viên gia đình mình ở nước ngoài xin cấp thẻ xanh, thậm chí xin nhập tịch.
Trung tâm Nghiên cứu Di cư ước tính hàng năm có khoảng 40.000 phụ nữ tới Mỹ du lịch với mục đích sinh con, hầu hết từ Trung Quốc. Cơ quan này thường hỗ trợ việc kiềm chế loại hình du lịch này, và ủng hộ thắt chặt luật nhập cư nói chung.
Những người du lịch vì mục đích sinh con chiếm một phần trong số 2,2 triệu du khách Trung Quốc tới Mỹ trong năm ngoái, với tổng mức chi tiêu khoảng 24 tỷ USD, theo Bộ thương mại Mỹ. Du khách Trung Quốc nhìn chung là những người nước ngoài có mức chi tiêu bình quân đầu người cao nhất tại Mỹ. Trung bình mỗi khách Trung lưu lại tại Mỹ hai tuần, riêng người mang bầu thường lưu trú dài ngày hơn.
Mặc dù không có số liệu chính xác để đánh giá tác động đầy đủ, du lịch vì mục đích sinh nở đã để lại một dấu ấn rõ nét với kinh tế một số khu vực tại Mỹ những năm gần đây. Hồi tháng ba, các điều tra viên liên bang đột kích một số cơ sở kinh doanh tại Nam Cailifornia chuyên hỗ trợ loại hình du lịch này, với nghi ngờ vi phạm pháp luật, trong đó có gian lận và trốn thuế.
Cơ quan chức năng ước tính mỗi phụ nữ đã chi từ 40.000 - 80.000 USD cho những cơ sở này để mua gói dịch vụ, bao gồm lưu trú, di chuyển tới bệnh viện, và giúp họ xin hộ chiếu cho con sau khi chào đời.
Karthick Ramakrishnan, giáo sư chính sách công Đại học California, Riverside, ước tính những phụ nữ tham gia loại hình du lịch này mỗi năm chi khoảng một tỷ USD tại Mỹ. Con số này chưa tính các khoản chi tiêu bên ngoài, như mua sắm hay ăn uống. "Đó là những người giàu có, không muốn tới một bệnh viện hạng xoàng để sinh con", ông Ramakrishnan cho biết.
Dù một số cơ sở kinh doanh loại hình du lịch này đang đối mặt với việc bị khởi tố sau cuộc truy quét hồi tháng ba, những phụ nữ Trung Quốc, bác sĩ của họ cũng như bệnh viện nơi họ sinh con ít khả năng phải đối mặt với án phạt, cựu luật sư liên bang về nhập cư, Carl Shusterman, nhận định. Việc người nước ngoài là phụ nữ mang thai tới Mỹ và sinh con là hợp pháp, cho dù họ có thể bị xem như đã gian dối trước viên chức chính phủ Mỹ về mục đích xin thị thực nhập cảnh.
Tại thành phố Irvine một tối gần đây, khoảng một chục bà bầu Trung Quốc đi lại tại bãi đậu xe của một khu dân cư mang phong cách khu nghỉ dưỡng. Hầu hết họ đều từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng một người có tên Wasie Su cho biết bà đến Mỹ để sinh con với thị thực du lịch được nhập cảnh nhiều lần. Bà dự kiến sẽ sinh con gái vào ngày 20/11, và khẳng định làm vậy vì tương lai của con mình, chứ không phải vì muốn bản thân được nhập tịch Mỹ.
"Số tiền và thời gian bỏ ra hoàn toàn xứng đáng để trao cho con gái tôi những lựa chọn tốt hơn", bà Su nói. "Tôi có gia đình, bạn bè và công việc" tại Trung Quốc. "Tôi không mong có được thẻ xanh từ con mình".
Mùa hè vừa qua, Donald Trump, một trong những ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa, cho rằng Mỹ cần xem lại chính sách cấp quốc tịch khi hiện tượng "em bé mỏ neo" ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, một bước đi như vậy có thể đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp.
Khác với những phụ nữ nghèo thường không có bảo hiểm, hầu hết phụ nữ Trung Quốc sinh con tại bệnh viện tư. Một bệnh viện có tên Newport Beach Hoag còn mở "gói dịch vụ thai sản", trong đó, nếu không có rắc rối phát sinh, một ca sinh thường có giá 7.500 USD, một ca sinh mổ có giá 10.750 USD. Đây đều là những mức giá cao hơn nhiều so với số tiền bảo hiểm y tế phải trả cho những người Mỹ có bảo hiểm.
Khi được hỏi về những du khách Trung Quốc tới sinh con, Hoag khẳng định họ chăm sóc y tế cho bất kỳ ai cần đến mình. "Ưu tiên duy nhất của chúng tôi là chăm sóc tốt nhất cho những ai có nhu cầu", bệnh viện này khẳng định.
Cho dù các người mẹ Trung Quốc tương lai được các trung tâm mua sắm và cơ sở kinh doanh chào đón, một số người khác tại khu quận Cam lại tỏ ý phản đối.
"Việc này khiến tôi thấy phiền lòng bởi cháu tôi sẽ phải cạnh tranh với con của những phụ nữ này để vào đại học", John Michael, một bác sĩ về hưu tại Irvine nói. "Gia đình tôi nộp thuế suốt bao lâu nay, còn họ chỉ là những người vãng lai sắp chen vào cuộc sống của chúng tôi".
Hoàng Nguyên

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/my-hot-bac-tu-cac-em-be-mo-neo-trung-quoc-3311001.html

Chủ nhật, 30/8/2015 | 13:08 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Chủ nhật, 30/8/2015 | 13:08 GMT+7

Bà mẹ Trung Quốc vỡ mộng sinh con tại Mỹ để nhập tịch

"Tôi ước gì mình chưa từng nghĩ đến chuyện đó", Ma Yi nói khi giấc mơ sinh con ở Mỹ để thế hệ sau có tương lai tốt hơn tan thành mây khói.
25sino-birth01-articleInline-v3_14408187
Ma Yi, người phụ nữ đến Mỹ với ý định sinh con để nhập tịch. Ảnh: NY Times
Khi Ma Yi, 36 tuổi, một quản lý cấp cao tại Thượng Hải, đặt chân đến sân bay quốc tế Los Angeles, người phụ nữ này mang theo giấc mơ Mỹ của riêng mình, đó là sinh hạ đứa con đang ở tháng thai kỳ thứ 8 để có quốc tịch Mỹ.
Ma cho biết cô đã kể cho một nhân viên nhập cảnh về kế hoạch của mình. Cô nói với người này rằng cô đã xin thị thực du lịch từ vài tháng trước, nhưng sau đó quyết định muốn sinh con tại Mỹ.
Ma khẳng định đã hỏi kỹ thông tin tại lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải xem liệu thị thực của mình có cho phép sinh con ở Mỹ hay không và được trả lời là không vấn đề gì. Cuối cùng, nhân viên nhập cảnh cho Ma đi qua cùng với mẹ chồng, chồng và cậu con trai 5 tuổi.
Thế nhưng sau đó tình hình bắt đầu xấu đi. Sau khi họ nhận hành lý, một nhân viên hải quan chặn họ lại và hỏi vài câu, trong đó có lý do Ma đến Mỹ. Cô kể lại câu chuyện đã kể, nhưng lần này không được chấp nhận. Ma bị cáo buộc nói dối nhân viên lãnh sự trong đơn xin thị thực. Vài giờ sau đó, Ma cùng gia đình bị đưa lên máy bay quay lại Trung Quốc và cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 5 năm.
"Tôi bị sốc", Ma chia sẻ qua điện thoại từ Thượng Hải. "Tôi không thể tin chuyện đó lại xảy ra. Tôi không biết rằng nước Mỹ sẽ hành động như vậy".
Ồ ạt đến Mỹ sinh con
Mỹ hiện là một trong số ít các quốc gia phát triển trao quyền công dân cho mọi trẻ em sinh ra trên đất của họ. Ngày càng có nhiều gia đình giàu có tại Trung Quốc tranh thủ lợi thế của chính sách này, với niềm tin rằng một tấm hộ chiếu Mỹ sẽ giúp con cái họ được tiếp cận một nền giáo dục tốt hơn, môi trường sạch hơn và thực phẩm an toàn hơn.
Theo Trung tâm quản lý dịch vụ các bà mẹ Mỹ, một tập hợp các doanh nghiệp chuyên tổ chức du lịch sinh nở cho khách hàng, du khách Trung Quốc đã sinh khoảng 10.000 trẻ em tại Mỹ trong năm 2012, tăng 4.200 ca so với năm 2008.
"Tôi muốn trao cho con tôi một lựa chọn khác", Ma nói. "Chúng tôi đủ điều kiện làm việc đó".
Ma cho biết cô hy vọng con mình được giáo dục ở nước ngoài. "Tôi nghĩ, nếu đứa con thứ hai của tôi có hộ chiếu nước ngoài, việc đó sẽ dễ hơn nhiều", cô chia sẻ, và cho biết những người quanh cô cũng nghĩ vậy. Họ đều tin rằng hộ chiếu nước ngoài sẽ giúp cho con cái có lợi thế hơn để vào những ngôi trường tốt, và sau đó có được việc làm tốt. "Nhiều bạn bè của tôi và đồng nghiệp đều nói về điều này", Ma nói.
Nhưng giờ đây, Ma nhận ra rằng nhiều người Trung Quốc muốn sinh con tại Mỹ đang vấp phải những trở ngại mới, khi chính phủ Mỹ tăng cường trấn áp tình trạng lợi dụng chính sách nhập cư. Hồi tháng 3, các đặc vụ Bộ an ninh nội địa Mỹ đã lục soát nhiều ngôi nhà của 3 doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch sinh nở tại Los Angeles.
Chủ các doanh nghiệp này đang bị điều tra vì nghi ngờ trốn thuế, giả mạo thị thực và sử dụng sai mục đích phúc lợi xã hội. Nhiều phụ nữ Trung Quốc, những người được xem là nhân chứng chính trong cuộc điều tra, đã bỏ trốn khỏi Mỹ. Hồi tháng 5, một luật sư đại diện cho một vài phụ nữ đã bị bắt, do bị tình nghi giúp thân chủ bỏ trốn.
Vấn đề trên tuần qua lại trở thành đề tài tranh luận, sau khi ông Jeb Bush, ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa, giải thích việc gần đây ông dùng thuật ngữ "những em bé bị dùng làm cái neo" (anchor babies) không nhằm miệt thị sắc tộc, mà chỉ là cách chỉ trích một "hệ thống gian lận trong đó nhiều người đưa phụ nữ có thai nhập cảnh để sinh con nhằm có được tư cách công dân".
25sino-birth02-tmagArticle_1440818921.jp
Cảnh sát ập đến một khu căn hộ trong một cuộc điều tra ngành du lịch sinh nở. Ảnh: AP
Xiết chặt
Mặc dù từ năm ngoái Mỹ đã công bố chính sách thị thực "thoáng" hơn cho công dân Trung Quốc, các luật sư và nhà tổ chức du lịch sinh con khẳng định công tác kiểm soát nhập cư tại các cửa nhập cảnh lại được thắt chặt hơn.
Các công ty tại Bắc Kinh và Thượng Hải chuyên thu xếp các chuyến du lịch sinh con cho biết, kể từ sau những đợt truy quét tại Mỹ hồi tháng 3, đã có ít phụ nữ Trung Quốc sang đây sinh con hơn, còn một số khách sạn phục vụ hoạt động này phải đóng cửa. Câu chuyện về nhiều phụ nữ Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh tại các sân bay cũng xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội Trung Quốc.
World Journal, một tờ báo tiếng Trung tại Bắc Mỹ, hồi tháng 6 cho biết các căn hộ tại hạt Los Angeles, từng đón khách du lịch sinh con từ Trung Quốc, đang bị bỏ trống.
Nolan Barkhouse, người phát ngôn của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, trong một email đã lý giải về luật của Mỹ: "Một tấm thị thực cho phép một công dân nước ngoài di chuyển đến một điểm nhập cảnh tại Mỹ (thường là một sân bay) và đề nghị được nhập cảnh vào Mỹ. Có thị thực không đồng nghĩa với việc người đó chắc chắn được vào nước Mỹ. Nhân viên Bộ an ninh nội địa, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới tại điểm nhập cảnh có thẩm quyền cho phép hoặc từ chối ai đó nhập cảnh Mỹ".
Jennifer Evanitsky, người phát ngôn hải quan Mỹ, từ chối bình luận về vụ việc của Ma, viện dẫn Đạo luật Quyền riêng tư. Trong một bức thư điện tử, bà Evanitsky khẳng định việc công dân nước ngoài sinh con tại Mỹ không hề trái luật, nhưng họ cần phải trung thực về mục đích chuyến đi.
Vỡ mộng
Trở lại câu chuyện của Ma, tháng 11/2014, chính phủ Mỹ khẳng định sẽ cấp cho công dân Trung Quốc thị thực được phép nhập cảnh nhiều lần với thời hạn tối đa 10 năm. Không lâu sau đó, Ma phát hiện mình mang thai, và nhiều bạn của chị khuyên chị sinh con tại Mỹ.
Ma sau đó đến xin thị thực hôm 16/3, khi ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Chị nói với nhân viên phỏng vấn rằng có kế hoạch tới Mỹ du lịch. Ma nói tại thời điểm đó chưa có quyết định sinh con tại Mỹ.
"Lúc đó tôi mặc áo khoác còn bụng bầu chưa lộ rõ", Ma nói. Sau đó chị được cấp thị thực thời hạn 10 năm.
Có được thị thực, Ma mới quyết định sẽ sinh con ở nước ngoài, nên đến ngày 27/4, chị gọi điện đến lãnh sự Mỹ để hỏi xem liệu thị thực du lịch có cho phép chị làm việc đó hay không. "Họ nói với tôi rằng không sao cả", Ma kể lại.
Tuy nhiên, tại sân bay Los Angeles, một nhân viên hải quan đã phát hiện các tin nhắn Ma từng gửi cho bạn bè hôm trước khi đi phỏng vấn xin thị thực rằng, chị đang cân nhắc sinh con tại Mỹ. Ma lý giải dù đúng là như vậy nhưng tại thời điểm đó chị chưa quyết định.
"Ông ấy nói đó là bằng chứng cho thấy tôi đã gian lận khi xin thị thực", Ma thuật lại. "Ông ấy nói 'tôi đã thấy rất nhiều người như chị. Không thể có chuyện người Trung Quốc các chị tới đây đi nghỉ khi đã ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Không thể có chuyện chị đã không nghĩ đến việc tới đây sinh con khi chị xin thị thực lúc mang thai 4 tháng".
Ngày 21/7, Ma sinh một bé trai tại Thượng Hải. "Tôi ước gì mình chưa từng nghĩ đến chuyện đó", Ma chia sẻ. "Nếu tôi biết trước việc đó sẽ xảy ra, rằng tôi sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 5 năm, thì tôi đã không quyết định đến Mỹ để sinh con".
Hoàng Nguyên (theo NY Times)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/ba-me-trung-quoc-vo-mong-sinh-con-tai-my-de-nhap-tich-3270814.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten