vrijdag 20 november 2015


Hoa Kỳ - ASEAN Summit: Ưu tiên hàng đầu là Biển Đông
Friday, November 20, 2015 2:18:51 PM



Bài liên quan



WASHINGTON (NV) - Một số viên chức Hoa Thịnh Đốn khẳng định, ưu tiên hàng đầu của tổng thống Hoa Kỳ khi tham dự ASEAN Summit (Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN) và EAS (Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á) là Biển Đông.
Bản đồ mô phỏng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
(Hình: Janes Defense)

Theo đó, cuối tuần này, tại Malaysia, chắc chắn ông Barack Obama sẽ thảo luận với nguyên thủ các quốc gia tham dự hai hội nghị thượng đỉnh này về những vấn đề phát sinh từ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy Biển Đông làm quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, Nhật và một số thành viên của APEC như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, Indonesia,... căng thẳng hơn trước và các bên có liên quan thường xuyên chỉ trích lẫn nhau nhưng tại APEC lần thứ 23 vừa diễn ra ở Philippines, những vấn đề liên quan tới Biển Đông không được đề cập, không được thảo luận trong các phiên họp chính thức và cũng không xuất hiện trong tuyên bố chung.
Ít nhất là tại APEC lần thứ 23 vừa qua, Trung Quốc đã thành công khi nguyên thủ 21 quốc gia tham dự diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 không hề đả động đến Biển Đông.
Trước khi APEC lần thứ 23 diễn ra ở Philippines, giới ngoại Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt cuộc vận động để loại bỏ Biển Đông ra khỏi một trong những sinh hoạt định kỳ được xem là quan trọng nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí ngoại trưởng Trung Quốc còn sang tận Philippines - quốc gia đứng ra tổ chức APEC lần thứ 23 để nêu ra đề nghị vừa kể với lý do, APEC chỉ nên bàn về hợp tác phát triển kinh tế, thương mại như mục tiêu nguyên thủy của diễn đàn này.
Dù sao thì Trung Quốc cũng vẫn có vị thế đặc biệt trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên Philippines đã hứa sẽ ứng xử lịch thiệp, không gây khó khăn cho ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc khi nhân vật này đến Philippines tham dự APEC lần thứ 23. Điều đó đồng nghĩa với việc Philippines sẽ không chủ động đề cập đến Biển Đông. Song Philippines nhấn mạnh là sẽ không ngăn cản bất kỳ nguyên thủ nào phát biểu về bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên cuối cùng, không có ai dự APEC lần thứ 23 nhắc tới biển Đông.
Giới ngoại Trung Quốc cũng đã có những nỗ lực tương tự với ASEAN Summit và EAS - loại bỏ Biển Đông ra khỏi nghị trình của hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào cuối tuần này tại Malaysia. Thế nhưng tình hình có vẻ sẽ không giống như APEC lần thứ 23.
Ông Dan Kritenbrink, cố vấn chính sách về Châu Á của chính phủ Hoa Kỳ, nhấn mạnh, Hoa Kỳ xem việc giải quyết bất đồng một cách ôn hòa theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là theo Công Ước về Luật Biển để không ảnh hưởng tới tự do lưu thông, tự do thương mại là bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác. Do vậy, Hoa Kỳ hy vọng các đồng minh và đối tác trong khu vực đứng về phía Hoa Kỳ, cùng phản đối lối hành xử bất chấp các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
Ông Ben Rhodes, phụ tá cố vấn An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ nói thêm, ASEAN Summit và EAS là những diễn đàn thích hợp để thảo luận, tìm phương thức giải quyết cho cả những vấn đề kinh tế lẫn những vấn đề về an ninh của khu vực.
Dẫu liên tục khẳng định có đầy đủ những bằng chứng bất khả tranh biện về chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông song Trung Quốc từ khước để các tòa án quốc tế phân xử tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan. Đồng thời tìm mọi cách né tránh việc cùng cộng đồng quốc tế thảo luận để tìm các giải pháp nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực này. (G.Đ.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217834&zoneid=2

ASEAN lo ngại tình hình Biển Đông, muốn có COC
Friday, November 20, 2015 2:28:34 PM



Bài liên quan



KUALA LUMPUR (NV) - Trung Quốc có thể tác động để gạt bỏ Biển Đông khỏi nghị trình của APEC lần thứ 23 vừa diễn ra ở Philippines nhưng khó có thể làm như thế tại ASEAN Summit và EAS.
Đàm phán với ASEAN và Trung Quốc bế tắc. Các chiến hạm của Trung Quốc vẫn
ngang dọc trên Biển Đông như đang đi lại trong “ao nhà.” (Hình: Tân Hoa Xã)

Đó là nhận định của một số chuyên gia về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh việc Hoa Kỳ khẳng định, Biển Đông sẽ là vấn đề mà tổng thống Hoa Kỳ đặt lên hàng đầu khi tham dự ASEAN Summit (Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN) và EAS (Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á), mới đây còn có thêm sự kiện, các ngoại trưởng của mười quốc gia trong khối ASEAN, cùng bày tỏ sự lo ngại về hiện tình Biển Đông.
Người ta khẳng định, dù Trung Quốc tìm mọi cách nhằm loại bỏ Biển Đông ra khỏi nghị trình của ASEAN Summit và EAS như vừa làm tại APEC lần thứ 23 song dứt khoát Biển Đông vẫn là một đề tài của hai hội nghị quan trọng sẽ diễn ra tại Malaysia vào cuối tuần này.
Theo AP thì ông Anifah Aman, ngoại trưởng Malaysia vừa cho biết, các ngoại trưởng của ASEAN đã cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của COC (Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông) nên yêu cầu phải gấp rút hoàn thành việc soạn thảo và thông qua COC để kiểm soát khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và năm thành viên khác của ASEAN (trước đây là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, gần đây có thêm Indonesia).
Ngoại trưởng Malaysia nói thêm rằng, duy trì sự ổn định, hòa bình và quyền tự do lưu thông ở Biển Đông là điều đặc biệt quan trọng, không thể xem nhẹ.
Ông Lê Lương Minh, người đang giữ vai trò tổng thư ký của ASEAN, giải thích thêm với AP rằng, chưa bao giờ DOC (tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông) được thực thi nghiêm túc và đạt được hiệu quả cần thiết nên ASEAN phải có một thỏa thuận mới, có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Thỏa thuận có giá trị ràng buộc này không chỉ ngăn ngừa mà còn là cơ sở để giải quyết hiện trạng.
Dẫu ASEAN tỏ ra quyết tâm thúc đẩy việc soạn thảo và thông qua COC song không ai dám chắc về kết quả.
Năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC nhưng bất thành. Cuối cùng, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc thông qua DOC. Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc Hướng dẫn DOC nhưng văn kiện đó cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.
Hồi tháng 10 năm ngoái, tại hội nghị về DOC lần thứ 8 ở Bangkok, đại diện ASEAN và Trung Quốc chỉ đạt được thỏa thuận là tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác theo tinh thần DOC nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một các ôn hòa.
Trung Quốc vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến, hãy để các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tự giải quyết tranh chấp với nhau (đàm phán song phương chứ không phải đa phương). Còn ASEAN thì sẽ cùng Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định của Biển Đông.
Do DOC có nhiều hạn chế, nhiều chuyên gia về luật pháp quốc tế đã từng khuyến cáo ASEAN nên tự soạn thảo một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) trước khi đàm phán với Trung Quốc.
Nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên Biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên chưa bao giờ Trung Quốc tỏ ra đồng tình với giải pháp đó và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.
Một số chuyên gia về an ninh-quốc phòng từng khuyến cáo, việc ASEAN chỉ quan tâm đến đàm phán với Trung Quốc về COC mà không chú ý tới tự soạn COC bởi sợ Trung Quốc bác bỏ dự thảo tự soạn là một sai lầm.
Trên thực tế, ASEAN đã từng lặng lẽ bác dự thảo COC trên Biển Đông do Indonesia soạn và hướng sự quan tâm vào quan điểm của Trung Quốc. Điều đó khiến ASEAN bị tách thành hai nhóm: Nhóm có tranh chấp và nhóm không có tranh chấp.
Các chuyên gia về an ninh-quốc phòng cho rằng, thực tế vừa kể sẽ khiến ASEAN khó đạt được lập trường chung trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng khác biệt trong ASEAN để kéo dài các cuộc đàm phán, có thêm thời gian để củng cố sự hiện diện và kiểm soát đối với các vùng biển và thực thể ở Biển Đông.
Cũng vì đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông liên tục bế tắc nên tháng 1, 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. (G.Đ.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217837&zoneid=430

Geen opmerkingen:

Een reactie posten