zondag 1 november 2015

Cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1932-1973) người đem thành phố thơ mộng Ðà Lạt vào âm nhạc : “Ai lên xứ hoa đào..."

Người đội vương miện cho nhan sắc Ðà Lạt: Hoàng Nguyên
Friday, October 30, 2015 1:55:10 PM






Du Tử Lê
Tôi không biết cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1932-1973) có phải là người đầu tiên đem thành phố thơ mộng Ðà Lạt ở miền Nam vào âm nhạc hay không? Nhưng, hiển nhiên, một trong những ca khúc viết về Ðà Lạt của ông như “Ðường Nào Lên Thiên Thai,” “Bài Thơ Hoa Ðào,” “Ai Lên Xứ Hoa Ðào”... thì, ca khúc “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” đã trở thành “bạn-tâm-tưởng” của rất nhiều người.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên. (Hình: LeNgocTrac.com)

Ca khúc vừa kể được Hoàng Nguyên viết khi ông mới 18 tuổi và mau chóng nổi tiếng tới mức sau này, nó trở thành một trong những ca khúc của hình thái “Tân-Cổ-Giao-Duyên” ngay những ngày tháng hình thành đầu tiên của nỗ lực phối hợp nghệ thuật này - - Với phần cổ nhạc do soạn giả Viễn Châu soạn, nghệ sĩ Tấn Tài, trình bày.

Nếu bài thơ “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh, phải nhờ tới “chiếc đũa thần” ở phần nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, để vinh danh thành phố Pleiku thì, chiếc vương miện dành cho Ðà Lạt của Hoàng Nguyên lại là “thành phẩm” của riêng ông từ ca từ tới giai điệu:

“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa

“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”
(1)
Hai phân khúc đầu của “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” được Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc ghi lại những nét chính của Ðà Lạt bằng những hình ảnh sống động tương tác với “khách lãng du” qua những nhân cách hóa có tính máu-thịt giữa thiên nhiên và con người, đã rất sớm cho thấy tài hoa của ông, cùng khả năng sử dụng hình ảnh và chữ nghĩa, như:

“Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ”

Hoặc
“Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai”

Là những ca từ chứa đựng khá nhiều thi tính. Nhưng họ Cao không dừng ở đó. Ông đẩy ca từ của ông, lên một bậc cao hơn, khi cố tình khai thác đặc tính đảo ngữ mà chỉ ngôn ngữ Việt mới cho phép. Tôi muốn nói tới việc Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc đã vận dụng sự lập lại một vài từ kép một cách ý nhị... Như các cụm từ “Hoa bướm/bướm hoa,” “quên lãng/lãng quên”:

“Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa”

Hay:
“Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”

Từ điệp khúc tới phiên khúc cuối, trước khi hoàn tất chiếc vương miện dành cho nhan sắc Ðà Lạt, họ Cao cho thấy mối tương quan đằm thắm hơn giữa hoa và người, khi ông so sánh màu hoa đào với môi, má người yêu. Cuối cùng, ông nhắc nhở du khách khi rời xứ hoa đào xin đừng quên mang về một cành hoa... Vì hoa, khi ấy không chỉ là một vật thể có đủ hương sắc mà, chúng còn chính là nỗi lòng, quá khứ của du khách nữa.

Tôi không biết đã có bao nhiêu du khách khi rời xa Ðà Lạt, ngoài hành lý mang theo, còn là một cành hoa anh đào, như lời kêu gọi của họ Cao... Nhưng tôi tin, Ðà Lạt đã phần nào thơ mộng hơn, cũng như đào ở thành phố lãng mạn này đã phần nào đẹp hơn, thắm thiết hơn, không chỉ trên hoa mà, còn trên môi, má và luôn cả tâm hồn du khách nữa.

Với một trái tim mẫn cảm, một tài năng rất sớm sủa được công nhận như trường hợp Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc, nhiều người cho rằng, họ Cao xứng đáng, rất xứng đáng để được hưởng nhận một đời sống nhẹ nhàng, êm ả tựa những ca từ (như thơ) của ông.

Nhưng thực tế đời thường đã hắt trả lại cho họ Cao, những phũ phàng, bất hạnh, như thể đó là “phần thưởng” mà định mệnh ganh ghét đố kỵ, đã dành riêng cho ông.

Cụ thể, cũng rất sớm, những ca khúc đẫm, đẫm chia lìa, những giai điệu, ca từ ngất, ngất đớn đau mang tên Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc ra đời như những nhát dao oan nghiệt xẻ nát đời ông.

Tiêu biểu cho tâm bão của phần đời tối ám này là ca khúc “Cho Một Người Tình Lỡ” hay “Ðừng Trách Gì Nhau.”
Tôi luôn nghĩ, một khi đau khổ, bất hạnh nhận chìm một tài năng nghệ thuật xuống tận đáy bùn địa ngục thì, đó là lúc mọi khả năng mang tính tài hoa, lãng mạn sẽ như thủy triều rút khỏi mọi bến bờ!

Trên bãi cát thực tế, đời thường sẽ khó có một hình ảnh thơ mộng, đầm ấm nào, ngoài những xác rác vương vãi... tựa chứng tích hiển nhiên tàn nhẫn mà bước chân hủy diệt của trận bão lầm than kia, đã cố tình để lại.

Tôi cho cảm nhận này khá đúng với trường hợp của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc - - Nếu chúng ta làm một cuộc so sánh giữa ca từ óng ả, mượt mà, nhiều thi tính giữa “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” của ông, trước đấy “Ðừng Trách Gì Nhau” sau đó.

Ở “Ðừng Trách Gì Nhau” họ Cao vẫn có được cho ca khúc của mình giai điệu đẹp thiết tha (tới mủi lòng) - - Nhưng ca từ của ca khúc này, lại như những lời nói dung dị, những hình ảnh mộc tới nhức nhối. Người nghe không hề tìm thấy một hình ảnh, một liên tưởng mang tính sáng tạo nào suốt chiều dài ca khúc. Phải chăng, cũng chính nhờ tính mộc, những lời nói bình thường, trực tiếp thốt ra từ tâm cảnh đứt đoạn ấy mà, nó đã cho ca khúc của họ Cao những xung động trực tiếp, đánh thẳng vào rung cảm người thưởng ngoạn. Nó là một câu chuyện kể lớp lang, trung thực, như người trong cuộc tâm sự với một người bạn sẵn lòng chia sẻ bất hạnh của mình:
“Ngày nào gặp nhau quen nhau yêu nhau rồi sống bên nhau
Những tưởng dài lâu như trăng như sao cho đến bạc đầu
Nào ngờ trời mưa mưa rơi không thôi nát tan tình đầu
Nước mắt rơi mau long lanh giọt sầu xót xa niềm đau

“Nào ngờ tình yêu đưa ta lênh đênh vào chốn mê say
Những tưởng thời gian không đi trong cơn mê đắm tuyệt vời
Nào ngờ giờ đây ly tan ly tan lứa đôi lạc loài
Giữa chốn u mê đêm đêm một người trách thương một người

“Ôi trời làm giông tố
Ðể người thầm trách người sao hững hờ phụ người
Ôi nửa đời gió sương.
Mà còn đắng cay mà còn chua xót vì nhau

“Cuộc tình nào không thương đau anh ơi đừng trách chi nhau (2)
Trót vì mình vô duyên nên đôi nơi mang mối tình sầu
Vì trời còn mưa mưa rơi không thôi cuốn trôi tình người
Oán trách nhau chi bơ vơ nhiều rồi xót xa nhiều rồi.” (3)


(Còn tiếp)


Chú thích:

(1) Nguồn Wikipedia-Mở.

(2) Câu đầu của phiên khúc cuối, hầu hết các tư liệu trên mạng đều ghi là “anh” thay vì “em”: “Cuộc tình nào không thương đau anh ơi đừng trách chi nhau” - - Vì không có bản nhạc in trước 1975, nên tôi không biết có phải tác giả cố tình đặt mình vào vị trí người nữ, nói với người nam, tựa như người nữ đó, tự nhận nguyên nhân gây đổ vỡ về phía mình? (3) Nđd.


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216729&zoneid=97

Geen opmerkingen:

Een reactie posten