dinsdag 3 november 2015

Bóc lột lao động trẻ em Miến Điện

Bóc lột lao động trẻ em Miến Điện

mediaẢnh minh họa.Reuters
Theo Ngân hàng Thế giới, Miến Điện là quốc gia Đông Nam Á giành ít ngân sách nhất cho nền giáo dục và là một trong những “học sinh cá biệt” trên thế giới về lĩnh vực này. Ngoài ra, Miến Điện cũng là một trong những đất nước có tình trạng lao động trẻ em phổ biến nhất thế giới.
Tuy nhiên, về mặt văn hoá và đạo đức, người dân Miến Điện chấp nhận thực trạng này.
Phóng viên của AFP theo chân hai thiếu niên Miến Điện phải bỏ học để đi làm giúp gia đình ở cố đô Rangoon. Myat Noe và Aye Aye (tên nhân vật được thay đổi) thoăn thoắt lách giữa những chiếc bàn cà phê để lấy yêu cầu của khách hay lúi cúi lau chùi dọn dẹp. Giống như hàng triệu trẻ em khác tại Miến Điện, hai cô bé phải làm việc tới 13 giờ mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê mới nhất, 4,4 triệu thiếu niên dưới 18 tuổi không được tới trường. Còn theo công ty phân tích Verisk Maplecroft, Miến Điện bị xếp vào hàng thứ bẩy về tình trạng sử dụng lao động trẻ em và còn đứng trước cả Ấn Độ và Liberia.
Thực trạng này không hề mới, nhưng ngày càng trầm trọng hơn từ khi chế độ quân chủ tự bãi nhiệm vào năm 2011. Miến Điện mở cửa hơn cùng với sự xuất hiện của nhiều nhà máy, khách sạn và hàng quán cà phê... Các doanh nghiệp luôn tìm kiếm nguồn lao động rẻ nhất.
Làm việc cả tuần và 13 giờ mỗi ngày
Tại cố đô Rangoon, người dân Miến Điện thích ngồi nói chuyện hay bàn chính sự tại các quán trà và cà phê ngoài phố. Tại đây, « bồi bàn » là trẻ em, đôi khi chỉ khoảng 7 đến 8 tuổi.
Phần lớn những lao động nhỏ tuổi là người dân tộc, xuất thân từ các vùng nông thôn. Các em phải làm việc cả tuần và trung bình 13 đến 14 giờ mỗi ngày. Thường thì các em ăn ngủ ngay tại nơi làm việc, trên những chiếc giường tầng hay nằm ngủ ngay dưới gầm bàn.
Một em nói với phóng viên của AFP rằng em từ nông thôn tới và phải giúp đỡ gia đình vì cha mẹ không có tiền. Thiếu niên này chưa tròn 13 tuổi và đã phải lao động từ năm lên 9, với lương công nhật chỉ hơn 1 đô la.
Dĩ nhiên, Miến Điện có các đạo luật liên quan lao động trẻ em. Bà Piyamal Pichaiwongse, thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế khẳng định điều này, nhưng tiếc là « các luật không được áp dụng ».
Mở lớp học ngay tại quán cà phê
Trước thực trạng này, nhiều tổ chức và hiệp hội đã mở lớp học bán thời gian cho trẻ em lao động. Hội myME quyết định mở các lớp học di động ngay tại nơi các em làm việc, ngoài giờ mở cửa. Tại các cửa hàng mở cửa cả ngày, thì lớp học được tổ chức trong một chiếc xe tải nhỏ để « học sinh » có thể tranh thủ đến học sau khi hết giờ làm. Hiện có 600 em theo học tại Rangoon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất Miến Điện.
Dù đôi mắt đỏ ngầu vì mệt mỏi, Naing Lin Aung như đang nuốt từng lời giảng của thầy giáo. Từ sáu tháng nay, ba tối mỗi tuần sau ngày làm việc, em ngồi bên chiếc bàn mà hàng ngày vẫn lau chùi, để nghe giảng. Bỏ học từ năm lên 10 tuổi, thiếu niên nay đã 15 tuổi nói : « Em không biết tương lai sẽ ra sao, vì thế em muốn học vài từ tiếng Anh, kĩ năng tin học hay một số kiến thức chung để biết cách tự xoay sở khi em bị bệnh chẳng hạn ».
Đối với một số em, đơn giản là chỉ cần học viết, học đọc và học đếm. Còn một số em khác, đã có sẵn một chút kiến thức, thì sẽ được dạy thêm tiếng Anh hay tin học. Ngoài ra, còn có giờ học vệ sinh thân thể vì đối với các em, những kiến thức này rất có ý nghĩa khi phải sống xa gia đình.
Một giáo viên tình nguyện trẻ của hội myME cho biết : « Phần lớn trẻ em làm việc suốt ngày, vì thế các em khó tập trung được vào bài học ». Còn tổ chức « Scholarship for street kids » thì vừa tổ chức lớp học, vừa thiết lập hệ thống cấp học bổng. Có nghĩa là hội « bù » cho cha mẹ « học sinh » một khoản tiền tương đương với số tiền các em kiếm được trong thời gian đi học.
Ông John McConnell, nhà sáng lập tổ chức trên, nhận định : « Tại một nước rất nghèo nơi hệ thống giáo dục rời rạc, thì rất khó thuyết phục được các bậc phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của nhà trường đối với con em họ ». Phần lớn số học bổng này được các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Miến Điện tài trợ.
Ông Win Shein, giám đốc thanh tra lao động Miến Điện không bác bỏ nhận xét trên : « Đất nước chúng tôi còn nghèo và đang trên đường phát triển. Các bậc cha mẹ buộc phải để con lao động vì chỉ một đầu lương không thể đủ nuôi gia đình ».
Thế nhưng, bà Tim Aye Hardy, nhà sáng lập hội myME, trở lại đất nước sau 20 sống ở nước ngoài, lại lo lắng trước một thế hệ mới phải hy sinh. Bà lo ngại phát biểu : « Khoảng 10% dân số là trẻ em dưới 18 tuổi phải bỏ học. Loại hình lao động nào sẽ giành cho các em trong tương lai và đất nước Miến Điện sẽ giành tương lai nào cho họ ? »
Cuộc tổng tuyển cử lịch sử ngày 08/11 là cơ hội hiếm có để các tổ chức phi chính phủ lên tiếng tố cáo tình trạng này. Rất nhiều hội đoàn đã tham gia tổ chức một cuộc hội thảo, chỉ vài tuần trước ngày bầu cử, để « yêu cầu đảm bảo một nền giáo dục miễn phí và bắt buộc cho mọi người từ giờ tới năm 2020 ».
Chương trình hành động của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của nhà đối lập Aung San Suu Kyi ưu tiên chống tình trạng nghèo đói và đã hứa đầu tư nhiều hơn cho nền giáo dục.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151103-boc-lot-lao-dong-tre-em-mien-dien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten