VIỆT NAM (NV) - Nhiều blogger, trí thức và giới trẻ ở Việt Nam qua Internet đã tưởng nhớ trận hải chiến Trường Sa với Trung Quốc cách đây 24 năm, dù truyền thông nhà nước im hơi lặng tiếng.
Mô hình ba chiến hạm HQ-605, HQ-604 và HQ-505 với 64 ngọn nến do nhóm thanh niên “No-U” thực hiện để tưởng niệm trận hải chiến Trường Sa. (Hình: Dân Làm Báo) |
Ngày 14 tháng 3, 1988, trận hải chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trên 3 hòn đảo của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là Gạc Ma, Len Ðao và Cô Lin.
Phía Trung Quốc đưa nhiều tàu, trang bị vũ khí hạng nặng nhằm chiếm các đảo này của Việt Nam. Dù kiên quyết giữ đảo, nhưng phía Việt Nam đành thúc thủ với 64 chiến sĩ hy sinh, 7 chiến sĩ bị thương, ba chiến hạm HQ-605, HQ-604 và HQ-505 bị bắn cháy và chìm.
Cho đến nay, phía nhà nước Việt Nam gần như không nhắc tới sự kiện này. Hồi năm ngoái, một vài tờ báo của Việt Nam đã cam đảm khi có bài viết về những binh sĩ còn sống sau trận hải chiến và bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Tuy nhiên, với truyền thông “lề trái” thì không ai quên.
Hai năm trước, nhiều người sử dụng Internet biết đến trận hải chiến này qua một video clip do phía Trung Quốc phổ biến trang youtube ghi lại cảnh hải quân nước này nã nhiều loạt súng máy phòng không 37 ly cùng pháo 105 ly vào lực lượng hải quân công binh Việt Nam tay không vũ khí đang dầm mình trong nước bám trụ giữ đảo.”
Hồi tháng 9 năm ngoái, một buổi lễ kỷ niệm cuộc gặp gỡ của các cựu chiến binh đã chiến đấu trên tàu HQ604 có tên “Vòng tròn bất tử” do Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa tổ chức tại khu du lịch Suối Lương (Ðà Nẵng), chín cựu binh sống sót sau trận chiến này mới có dịp gặp lại nhau sau khi bị bắt và được trao trả về Việt Năm 1992. Một trong số chín người này đã mất vì bệnh ung thư.”
* Ngày của nỗi đau và uất hận
Ðó là tựa của một bài trên trang Blog “Quê Choa” của nhà văn Nguyễn Quang Lập hôm 13 tháng 3, 2012, khi nhắc về trận hải chiến Trường Sa.
Ông viết, “Hôm nay không một tờ báo nào trên tất cả các báo lề phải nhắc đến sự kiện Gạc Ma 14 tháng 3, 1988. Ðó cũng là một nỗi đau và nhục nhã. Nực cười thay, sự im lặng khốn cùng ấy được đánh tráo bằng hai chữ hữu nghị!”
Nhà văn kể, “Trong một cuộc thẩm vấn người biểu tình chống Trung Quốc, một sĩ quan công an đã hỏi Gạc Ma là cái gì? Nếu anh ta hỏi Gạc Ma ở đâu, chuyện gì xảy ra ở đó thì hãy còn dễ hiểu, đằng này anh ta lại hỏi Gạc Ma là cái gì? Thật là kinh khủng. Ðó là hậu quả của những nỗ lực thảm hại đánh đu với 16 chữ vàng. Sự ngu tín hóa toàn dân đã dẫn đến những hậu quả đau lòng và nhục nhã. Ðảm bảo cho đến bây giờ vẫn có nhiều người như sĩ quan công an kia không biết Gạc Ma là cái gì, như một ông bí thư chi bộ vẫn đinh ninh Hoàng Sa chỉ là bãi chim ỉa.”
Trong một bài mang tên “Trường Sa-Gạc Ma 1988 - 24 năm nhìn lại,” Bogger Mẹ Nấm, viết trên Facebook, “24 năm sau trận hải chiến Trường Sa-Gạc Ma không một dòng thông tin nào nhắc về biến cố này. Ðiều này hoàn toàn không giống như những sự kiện lịch sử khác luôn được báo chí, truyền hình và hệ thống thông tin cơ sở nhắc đến nhiều lần trước ngày kỷ niệm.”
'Mẹ Nấm' viết tiếp, “Có những cái chết bi tráng. Nhưng chắc không có đau đớn nào bằng cái chết của sự thật về những cái chết bi tráng đó. Người ta bằng mọi cách đã xóa đi những vết tích anh hùng của một dân tộc trong khi luôn ra sức ca tụng những anh hùng không có thật. Và có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện anh hùng bị phân biệt đối xử một cách rạch ròi. Sự xếp loại không tùy thuộc vào những người đã nằm xuống vì đại nghĩa, vào xương máu của họ đã đổ ra như thế nào. Ở Việt Nam, các anh hùng có được ghi nhớ hay không - Ðiều này tùy thuộc vào kẻ thù đã bắn những viên đạn xâm lăng vào họ.”
Một blogger khác có tên là Huong Hoa Lai viết trên trang Facebook, “...Ðúng hơn đây là một cuộc tàn sát cướp đi 64 mạng sống của Hải Quân Việt Nam, hầu hết là công binh tay không vũ khí.”
Và, “Sự dối trá của báo chí ngày trước đã nhấn chìm các anh trong cái chết oan ức gọi là 'bị nạn.' Thì hôm nay, các anh còn tiếp tục chết thêm một lần trong sự im lặng của truyền thông nhà nước vì tình bạn 'láng giềng 4 tốt, 16 chữ vàng' với Trung Quốc.”
Trong khi đó, trang “http://honghot.net” cho hay, “kỷ niệm 24 năm hải chiến Trường Sa, nhóm các thanh niên 'No-U' - là những người trẻ phản đối chính sách đường lưỡi bò phi lý, phản đối việc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc - đã có mặt tại vùng biển Quảng Ninh nơi giáp ranh giữa Trung Quốc và Việt Nam.”
Nhóm thanh niên này đã thắp những ngọn nến tưởng nhớ cuộc hải chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3, 1988 và lòng biết ơn đối với những chiến sĩ đã bỏ mình vì biển đảo quê hương.
Hình ảnh phổ biến cho thấy, các thanh niên này “đã thắp 64 ngọn nến tượng trưng cho sáu mươi tư liệt sĩ bị lực lượng Hải Quân Trung Quốc sát hại. Ba tàu mô hình đã được làm tượng trưng cho ba tàu chiến của Hải Quân Việt Nam đã tham gia trận chiến bảo vệ biển đảo Việt Nam với ký hiệu 'HQ505 - HQ604 - HQ605.'”
Và rằng, “24 năm trôi qua, nỗi đau về một phần sự thật của lịch sử bị chôn vùi bởi 16 chữ vàng trong quan hệ ngoại giao vẫn còn đó.” (KN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145872&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten