dinsdag 17 mei 2016

Việt Nam Làm sao tránh một vụ Vũng Áng khác : Trước tham vấn, sau minh bạchLàm sao tránh một vụ Vũng Áng khác : Trước tham vấn, sau minh bạch

Làm sao tránh một vụ Vũng Áng khác : Trước tham vấn, sau minh bạch

Làm sao tránh một vụ Vũng Áng khác : Trước tham vấn, sau minh bạch
 
Người dân Hà Nội biểu tình phản đối nhà máy Formosa ngày 01/05/2016.REUTERS/Kham

    Ngày 08/05/2016, hàng trăm người Việt Nam lại biểu tình, chủ yếu tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, để phản đối tập đoàn thép Đài Loan Formosa, bị cáo buộc là thủ phạm gây ô nhiễm vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam, làm cá chết hàng loạt. Đây là lần thứ hai có các cuộc xuống đường như vậy, lần đầu tiên là vào hôm 01/05, phản ánh tâm lý uất ức của dư luận trước một thảm họa môi trường nghiêm trọng, được phát hiện từ nhiều tuần lễ nay, nhưng chưa thấy có giải thích và giải pháp thỏa đáng từ phía chính quyền.

    Thảm họa « Vũng Áng » đã nêu bật một sự lệch lạc tại Việt Nam trong việc giải quyết tốt phương trình phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, trong đó có cả môi trường sống của người dân.
    Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Sydney (Úc), sở dĩ vụ Vũng Áng xẩy ra và khuấy động dư luận, đó là do thiếu sót của chính quyền trong việc nghiêm túc áp dụng quy trình dầu tư công nghiệp, từ khâu chấp nhận cho Formosa lập nhà máy, đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng liên quan bị ảnh hưởng, cho đến khâu giám sát sau đó.
    Lý thuyết tốt, nhưng thực hiện kém
    Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, chính sách và luật pháp về môi trường của Việt Nam trên lý thuyết rất tốt, nhưng vấn đề áp dụng, thực thi và quản lý đều thiếu sót hay chỉ áp dụng khi cần, thiếu sự nhất quán. Để tránh tái diễn những vụ như Vũng Áng mà hiện vẫn chưa giải quyết ổn thỏa, chính quyền cần đặc biệt quan tâm đến hai nguyên tắc : tham vấn cộng đồng cư dân tại chỗ trước khi có dự án, và nếu chẳng may xẩy ra sự cố, thì cần phải minh bạch trong cách xử lý.
    Sau đây, mời quý vị nghe bài phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp dành cho RFI.

    PV Nguyễn Đức Hiệp 09/05/2016 Nghe

    Nguyên do thảm họa: Trực tiếp là Formosa, sâu xa là cơ chế lỏng lẻo
    Nguyễn Đức Hiệp:Có thể nói là tai họa này không phải là hiếm trên thế giới, nhưng mà ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có thảm họa lớn như thế. Ta có thể loại bỏ nguyên nhân do thiên nhiên gây ra. Những sự kiện xẩy ra ở miền Trung vừa rồi là do con người.
    Nguyên nhân trực tiếp chắc nhất hiện nay là do việc công ty Formosa thải qua đường cống chảy ra biển các chất hóa học (theo tôi là ammonia và nitrit), làm cho độ ph của biển thay đổi, làm cá chết hàng loạt.
    Nhưng nguyên do sâu xa hơn là sự kiện cơ chế quản lý ở Tỉnh và ở Trung Ương - cho phép đầu tư, hoạt động sản xuất, quan trắc môi trường, thực thi luật và tham vấn thông tin với cộng đồng - đã không hiệu nghiệm và đáp ứng được đòi hỏi của người dân.
    Đó là những nguyên nhân sâu xa. Sự thiếu minh bạch trong các quyết định và thái độ không trọng thị người dân dẫn đến sự mất cảnh giác và tự phụ của quan chức. Đó là một vấn đề không những ảnh hưởng đến lãnh vực môi trường, mà còn ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực khác.
    Chính vì vậy mà có sự trải thảm đỏ cho bất cứ một đầu tư nào thường ít nghĩ đến quyền lợi người dân và hầu như không có tham vấn với cộng đồng dù sự đầu tư sản xuất có liên hệ hay ảnh hưởng đến đời sống của họ. Điều này Formosa họ biết, cho nên Formosa đã coi thường hay chỉ làm có lệ vấn đề môi trường.
    RFI : Có tác hại lâu dài hay không ? Vì có chuyên gia nói là tác hại có thể kéo dài đến 50 năm ?
    Nguyễn Đức Hiệp: Tùy theo chất hóa học. Nếu là kim loại nặng, như thủy ngân, cadmium… thì tác hại dài lâu hơn, các chất này thấm vào môi trường, vào các sinh vật, nên ảnh hưởng có thể kéo dài vài chục năm.
    Nhưng theo tôi, trong vụ này không phải là kim loại nặng, mà là những chất hữu cơ như ammonia và nitrit nhiều hơn. Cho nên tác hại lâu dài không có, mà chỉ nhất thời thôi.
    Tuy nhiên hiện nay vấn đề chưa chắc chắn được. Cần phải xem là chất hóa học nào tạo ra thảm trạng môi trường vừa rồi.
    RFI: Việc xác định chắc chắn có khó lắm hay không ?
    Nguyễn Đức Hiệp: Cái khúc mắc lớn nhất mà theo tôi chính phủ nên giải quyết càng sớm càng tốt là nên thành lập một hội đồng, có thể do một người có tiếng tăm độc lập chủ tọa, gồm các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các bộ trong chính phủ, các nhà khoa học trong nước và có thể là ngoại quốc. Hội đồng này phải nhanh chóng làm việc, báo cáo lên chính phủ để chính phủ quyết định.
    Theo tôi, chính phủ Việt Nam hiện giờ cũng đang thiết lập một hội đồng, sẽ quyết định về nguyên do gây ra thảm họa tháng Tư vừa qua và ai đã vi phạm luật, tác hại có thể bao nhiêu năm và có kéo dài không.Hội đồng cũng sẽ đề nghị các biện pháp cho chính phủ.
    Thời hạn làm việc của hội đồng có thể là trong một thời gian ngắn. Nhưng vào lúc này, Hội đồng có thể lập một website riêng, minh bạch cho tất cả người dân tiếp cận thông tin. Nhưng thông tin cần phải có hai chiều : cộng đồng cũng có thể được mời cung cấp thông tin để hội đồng có thể xác định rõ xem biến cố môi trường này từ đâu ra.
    Tôi nghĩ là vấn đề này không khó, có thể dùng một mô hình thủy văn và biển để truy ra căn nguyên sự cố vừa qua, thông qua dữ liệu thu thập được quần chúng, từ những nhà khoa học, từ những bộ vốn cả tháng nay đã thu thập các dữ liệu. Đấy là việc có thể làm và nên công bố một cách minh bạch cho tất cả mọi người được biết.
    Điều mọi người đang muốn biết : từ đâu đã gây ra thảm trạng này, ai đã vi phạm luật, và tác dung độc hại ra sao. Đó là những câu hỏi mà tất cả mọi người đang chờ đợi câu trả lời.
    RFI : Đó là cách ngăn ngừa những vụ khác ?
    Nguyễn Đức Hiệp:Đúng vậy. Vì nguyên nhân sâu xa là việc Việt Nam đi đường tắt, đã mở rộng cửa cho những nhà thầu đầu tư vào mà không suy nghĩ đến việc đánh giá tác động môi trường và đến sự tham vấn cộng đồng. Ta cần tham vấn những người mà đời sống sẽ bị tác động trực tiếp.
    Vấn đề tham vấn cộng đồng đã được nhiều người nói đến, trên mặt lý thuyết, còn trong thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Chính vì thế mà cần phải giải quyết điểm khúc mắc này và lập ra một cơ chế mới hơn, có sự tham vấn của cộng đồng, của những người trực tiếp bị ảnh hưởng.
    Tôi nghĩ lần này là một cơ hội để giải quyết vấn đề tận gốc… Trước khi có quyết định thành lập một cơ sở sản xuất, hay là một cái gì cần đánh giá tác động môi trường thì cần phải có sự tham vấn của người dân. Đó là cái khâu quan trọng nhất.
    Sau đó, ví dụ như khi sự cố xẩy ra, thì phải có một sự minh bạch, phải thành lập một hội đồng hay một cơ quan do một người có tiếng tăm chủ tọa, có sự tham dự của các chuyên gia ngoài nước... Bây giờ chính phủ đã bị mất niềm tin quá nhiều rồi, cho nên cần tái lập niềm tin, trong việc làm phải có tiếng nói của những người độc lập, chứ không phải từ chính phủ rót xuống cho người dân, vì người dân không còn tin tưởng nữa.
    Tóm lại, trước sự cố thì phải có sự tham vấn trước, và sau sự cố, phải có sự minh bạch.
    Vấn đề Vũng Áng
    Từ thượng tuần tháng Tư đến nay, người ta đã phát hiện ra hàng triệu con cá và nghêu sò bị chết dọc theo bờ biển một số tỉnh miền bắc Trung Bộ, quanh khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
    Tập đoàn Đài Loan Formosa, vốn có một khu công nghiệp luyện thép rất lớn trong vùng đã lập tức bị nghi ngờ là nguồn gốc xả chất hóa học độc hại ra biển, gây ô nhiễm mội trường nghiêm trọng, trước mắt là làm cá chết, nhưng sẽ để lại nhiều hệ quả tai hại trong nhiều năm sau này.
    Tình hình rất nghiêm trọng, nhưng chính phủ lại bị cho là thiếu phản ứng kịp thời, cho đến hết ngày 08/05/2016 vẫn chưa ra được kết luận rõ ràng về cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân của điều được mệnh danh là một thảm họa môi trường nặng nề nhất Việt Nam trong thời gian gần đây.
    Đối với báo giới Việt Nam, thủ phạm chính là Formosa, đã có một đường ống xả nước thải trực tiếp ra biển.
    Dư luận lại càng bất bình khi chính quyền bị cho là chỉ chạy theo kinh tế mà lơ là vấn đề môi trường, nhất là khi ông Chu Xuân Phàm (Chou Chun Fan), nguyên đại diện Formosa ở Việt Nam đã không ngần ngại thách thức những người dám phàn nàn về vụ cá chết là phải biết chọn lựa giữa việc mò tôm, bắt cá hay là có một nhà máy tối tân, hiện đại.
    Tuyên bố này đã khiến dư luận Việt Nam phẫn uất, và tập đoàn Formosa đã phải bãi nhiệm ngay viên chức của mình.

    Cùng chủ đề

    • VIỆT NAM - MÔI TRƯỜNG

      Việt Nam: Biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm, 100 người bị câu lưu
    • TẠP CHÍ KHOA HỌC

      Cá biển chết ở Việt Nam: Hệ lụy có thể kéo dài 50 năm
    • VIỆT NAM - MÔI TRƯỜNG

      Việt Nam : Ngư dân khốn khổ trước thảm họa cá chết ở miền Trung
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160509-lam-sao-tranh-mot-vu-vung-ang-khac-truoc-tham-van-sau-minh-bach

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten