woensdag 25 mei 2016

Những bí mật ít người biết về thời thơ ấu của Tổng thống Mỹ Obama

Volgende

 Những bí mật ít người biết về thời thơ ấu của Tổng thống Mỹ Obama

25 May 2016
By Inspired Staff

ttm-thumb
Trở thành vị tổng thống Mỹ da màu đầu tiên là đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của Barack Obama. Với tài năng và sự nỗ lực không ngừng, ông nhận được nhiều tình cảm cũng như kính trọng từ phía công chúng. Nhưng ít người có thể hình dung cuộc đời của Tổng thống Obama đã trải qua nhiều sóng gió và gian truân như vậy. 
Nhớ về thời thơ ấu, Tổng thống Mỹ Barack Obama xúc động: “Tôi từng được nuôi dưỡng như một đứa trẻ sinh ra cả ở Indonesia và Hawaii. Tôi được dạy dỗ với cả tư cách trẻ da trắng lẫn da màu. Do đó, tôi hưởng lợi rất nhiều từ sự đa dạng văn hóa, điều đó đã giúp tôi khôn lớn”, theo Viện Miller,  thuộc Đại học Virginia, chuyên nghiên cứu về chính sách công và đặc biệt là các đời tổng thống Mỹ.



(Ảnh: Barack Obama)
(Ảnh: Cha mẹ ông Barack Obama)

Mùa thu năm 1959, Barack Hussein Obama Sr. đã theo tiếng gọi của cơ hội và danh vọng, bỏ Kezia Aoko, người vợ đang mang thai, cùng đứa con vừa mới chào đời ở lại ngôi làng nghèo khó ở Kenya để nhận học bổng ngành Kinh tế tại Đại học Hawaii (Mỹ) do Dự án Chắp cánh Phi châu và Quỹ Sinh viên Mỹ – Phi bảo trợ.

Tại Honolulu (thủ phủ của Hawaii), chàng sinh viên Obama Sr. vô tình gặp Stanley Ann Dunham, một nữ sinh ngành toán đến từ thành phố Wichita (bang Kansas, Mỹ) khi đăng ký lớp học môn tiếng Nga. Tình cảm giữa họ nảy nở nhanh chóng đến mức chỉ vài tháng sau, cô gái nhút nhát Ann Dunham đã chuyển về sống cùng Obama Sr.
Họ chính thức cưới nhau vào mùa xuân năm 1961, khi Ann Dunham đã mang bầu được 3 tháng và phải bỏ dở việc học. Tuy nhiên cuộc hôn nhân của họ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội trong thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ vẫn còn rất nặng nề, thậm chí cho tới tận năm 1967 nhiều bang ở Mỹ vẫn còn cấm hai người khác chủng tộc kết hôn. Vào ngày 04/08/1961, tình yêu giữa Barack và Ann đã “đơm hoa kết trái” bằng cậu bé Barack Hussein Obama II, được sinh ra tại Honolulu, Hawaii, Mỹ. Thời điểm đó, có lẽ ít ai ngờ được rằng cậu bé sẽ trở thành nhân vật vĩ đại trong tương lai.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Dunham phát hiện ra sự lừa dối của chồng về người vợ và những đứa con ở Kenya. Cô mang cậu bé Obama, khi đó chưa tròn 1 tuổi, đến thành phố Seattle để theo học chương trình ngắn hạn của Đại học Washington, để rồi khi trở lại Hawaii cuối năm 1962 thì nhận ra Obama Sr. đã một lần nữa nghe theo tiếng gọi của danh vọng. Lần này, đó là tấm bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard.
Tháng 1/1964, Stanley Ann Dunham đệ đơn li dị. Barack Hussein Obama Sr. cũng chẳng ngại từ chối.
Cuộc sống của ông Barack Obama “cha” gặp nhiều khó khăn do nghèo khó và tật nghiện rượu trước khi qua đời trong một vụ tai nạn ô tô năm 1982. Kể từ khi cha mẹ ly dị đến lúc cha qua đời, Obama mới chỉ gặp lại cha mình một lần duy nhất vào năm 1971. Ông đã tới Hawaii rồi cùng cậu con trai mới 10 tuổi tham dự buổi trình diễn nhạc jazz của tay piano huyền thoại David Brubeck.



(Ảnh: Barack Obama)
Cậu bé Obama mới chỉ gặp lại cha mình một lần duy nhất vào năm 1971. (Ảnh: Barack Obama)

Đến ngày 15/3/1965, bà Ann Dunham quyết định đi bước nữa, làm đám cưới với Lolo Soetoro, sinh viên ngành địa lý tại Đại học Hawaii. Hai năm sau, cậu bé Obama, khi đó mới 6 tuổi, đã phải lặn lội theo mẹ đến Tebet, một huyện vùng Nam Jakarta, Indonesia, quê nhà của cha dượng, theo Viện Miller.
Lúc đó, việc từ bỏ lối sống tương đối sung túc, đầy đủ ở Hawaii để du hành đến đất nước thuộc “thế giới thứ 3” như Indonesia quả thật rất khó khăn, nhưng đồng thời cũng trở thành chuyến phiêu lưu thú vị đối với cậu bé 6 tuổi.



Gia đình Obama tại Indonesia. (Ảnh: Maya Soetoro-Ng)
Ông ngoại, mẹ, em gái Maya và Barack Obama tại Hawaii. (Ảnh: Maya Soetoro-Ng)

Trong hồi ký Dreams of My Father (Tạm dịch: Giấc mơ của cha tôi) xuất bản lần đầu tiên vào năm 1995, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng những tháng năm tuổi thơ ở Indonesia đã tạo ảnh hưởng sâu sắc, góp phần không nhỏ giúp định hình tính cách bản thân khi trưởng thành.
Sau khi bà Ann cùng con riêng chuyển đến Indonesia, gia đình ông Soetoro đã chuyển đến một ngôi nhà tại quận Menteng-Dalam. Tại thời điểm đó, đây là một khu dân cư mới với đa phần người dân đến từ thủ đô Jakarta, do vậy đời sống vẫn còn khá thiếu thốn. Đường dây điện mới chỉ được kéo đến khu dân cư này một vài năm trước khi gia đình Soetoro dọn tới đây.



Cha dượng, mẹ và em gái chụp ảnh cùng cậu bé Obama. (Ảnh: Barack Obama)
Cha dượng, mẹ và em gái chụp ảnh cùng cậu bé Obama. (Ảnh: Barack Obama)

Ông Coenraad Satjakoesoemah, 79 tuổi, người từng là tổ trưởng khu phố cho biết: “Khi gia đình họ chuyển đến đây, khu vực này còn vô cùng nghèo nàn. Đường phố thì bẩn thỉu, chỉ có vài ngôi nhà trong khi cây cối mọc um tùm”.
Mỗi ngày, cậu bé Obama phải dậy từ 4 giờ sáng để học tiếng Anh với mẹ trước khi bắt đầu buổi chính khóa ở trường dòng St. Francis of Assisi. Cha dượng Lolo thì hướng dẫn cậu gần như mọi kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, từ thay bánh xe đến chơi cờ vua. Cũng trong khoảng thời gian này, cậu bé Obama hiểu rõ hơn về tấm lòng vô tư, ngay thẳng của bà Ann Dunham, thói quen luôn nhìn nhận, tìm kiếm những điểm tích cực ở người khác cũng như cuộc đấu tranh không mệt mỏi để giành lấy sự thừa nhận từ xã hội.
Trong thời gian sinh sống tại đây, bà Ann đã mượn phòng khách của ông Satjakoesoemah để dạy tiếng Anh cho những người phụ nữ trong khu phố. Trong khi những người dân tại đây ngợi ca bà Ann là một người có “tâm hồn tự do”, thì hình ảnh mà họ có thể nhớ về Barack chỉ là một cậu bé “lúc nào cũng chạy như vịt quanh xóm”.
Tuy cha dượng Lolo là người Hồi giáo nhưng ông không buộc Obama phải cải đạo mà chỉ cố gắng truyền dạy giáo lý cho cậu bé. Trong khi đó, mẹ Dunham, dù vốn được nuôi dưỡng theo tư tưởng Thiên Chúa giáo, vẫn luôn dặn con trai phải có thái độ tỉnh táo khi đối mặt với đức tin.
Trong cuốn tự truyện “Dreams of my father” (Tạm dịch: Giấc mơ của cha tôi), ông Obama đã kể lại tuổi thơ của mình tại Indonesia. “Tôi chỉ phải mất dưới 6 tháng để có thể học được ngôn ngữ, phong tục và những mẩu chuyện cổ tích của Indonesia. Tôi đã vượt qua dịch thủy đậu, sởi và những trận đòn bằng roi tre của thầy cô giáo”, ông Obama chia sẻ.
“Tôi kết bạn với con của những người nông dân, công chức và quan chức quèn, và chúng tôi cùng nhau chạy nhảy trên đường phố vào buổi sáng và đêm, cùng hối hả làm những công việc lặt vặt, bắt dế, thả diều bằng những sợi dây diều sắc như dao cạo – người nào có diều không thể cất cánh được trong gió sẽ bị thua”, ông Obama kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu tại Indonesia.
“Tôi học được cách ăn ớt xanh với cơm từ Lolo, và, bên cạnh những bữa ăn thường ngày, tôi được dạy ăn thịt chó (khá dai), thịt rắn (rất dai) và châu chấu nướng (rất giòn)”, Obama nhớ lại.
Trong hồi ký “Dreams of my father”, Obama cho biết, gia đình ông không giàu có để có thể cho ông theo học trường quốc tế, nơi phần lớn con cái những người nước ngoài học tập, mà phải học trường dành cho người Indonesia.



(Ảnh: Maya Soetoro-Ng)
(Ảnh: Maya Soetoro-Ng)

Lấy họ cha dượng, Obama khi ấy mang tên Barry Soetoro. Đến tuổi đi học, Obama được gửi tới học lớp 1 tại trường Trường Công giáo St Francis of Asisi vào ngày 1/1/1968.
Theo trí nhớ của bà Israella Pareira, giáo viên lớp 1 của Barry, thì cậu bé viết khá tốt bằng tay trái, tuy nhiên chỉ có thể hiểu được mà chưa thể nói rõ tiếng Indonesia. “Ngày đầu tiên đến trường, cậu bé không thể nói được tiếng Indonesia, thay vào đó, cậu phải dùng ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp với bạn bè. Nếu gặp vấn đề khúc mắc trong học tập, cậu ấy sẽ luôn nhìn thẳng vào tôi, có nghĩa là cậu ấy muốn nhờ sự giúp đỡ từ giáo viên, vì vậy tôi sẽ giải thích cho cậu ấy một lần nữa bằng tiếng Anh”, bà Pareira nhớ lại.
Bà Pareira cũng nhận xét, vị tổng thống tương lai của nước Mỹ đã sớm bộc lộ tố chất lãnh đạo ngay từ khi còn chập chững bước vào ghế nhà trường. “Ngay từ khi Barry bước vào lớp một, tôi đã đặc biệt chú ý đến tính cách của cậu ấy, nhất là câu chuyện cậu ấy viết có tựa đề “Tôi muốn trở thành Tổng thống”. Lúc đó chúng tôi đã chắc chắn rằng cậu ấy sẽ đạt được điều đó trong tương lai”, cô giáo của Barry kể lại về ngọn lửa lãnh đạo đã thổi bùng trong cậu trò nhỏ như thế nào.



Lớp học của cậu bé Barry. (Ảnh:Wini Otaguro)
Lớp học của cậu bé Barry. (Ảnh:Wini Otaguro)

Giữa năm lớp 3 thì Barry chuyển về trường công lập Besuki dành cho con cháu giới thượng lưu trong nước. Tại đây bạn bè gọi ông một cách thân mật là “Little Barry” (Barry bé bỏng). Ấn tượng chung về “Berry bé bỏng” trong mắt các bạn học tại trường Besuki là một cậu bé tóc quăn tít, cao to quá khổ, béo tròn và da ngăm hơn người bình thường.
Rully Dasaad, một người bạn học cùng lớp với Barry kể lại: “Cậu ta mặc một chiếc quần Bermuda và lúc nào cũng mặc áo phông sọc có cổ. Bạn có thể thấy cậu ta là một người đến từ bên ngoài Indonesia”. Rully là cháu của một trong những người giàu nhất Indonesia khi ấy. Mặc dù theo lời kể, Barry là một người nhút nhát do giọng nói và màu da của mình, song Rully lại là người đầu tiên tiến đến bắt chuyện với Barry.
Cuộc sống đang trôi qua êm ả thì mùa hè năm 1971, lo ngại rằng việc sinh sống ở nước ngoài quá lâu sẽ khiến con trai đánh mất bản sắc và văn hóa dân tộc, bà Ann Dunham đã quyết định cùng Obama về Hawaii sống với ông bà ngoại một thời gian.
Trong suốt giai đoạn 1972 – 1978, bà Ann Dunham, lúc này đã li dị ông chồng Lolo Soetoro, liên tục đi lại giữa Jakarta và Hawaii nhằm hoàn tất chương trình tiến sĩ nhân học tại Đại học Hawaii. Cũng ngần ấy năm, cậu bé Obama ít nhất 2 lần từ chối về Indonesia cùng mẹ. Thay vào đó, tổng thống tương lai chọn ở lại Honolulu cho đến khi tốt nghiệp phổ thông.
Tại Hawaii, bạn bè thường nhận xét Barack Obama là học sinh hòa đồng, thân thiện, được mọi người xung quanh tôn trọng. Không những vậy, cậu còn là tay lướt sóng cừ khôi, tiền đạo chủ lực của đội bóng rổ trường, thậm chí từng giảnh giải Vô địch bang vào năm 1979.



(Ảnh: Thông qua thanhnien)
(Ảnh: Thông qua thanhnien)

Ngoài học tập, Obama còn thể hiện niềm yêu thích dành cho nhạc jazz và thú vui câu cá. Cậu học sinh Obama ngày ấy rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, đăng ký vào câu lạc bộ hợp xướng, bên cạnh đó còn trở thành biên tập viên cho tạp chí của trường.
Cần lưu ý rằng thời điểm đó, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại ở Mỹ. Hawaii cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt với tỉ lệ người da màu chỉ chiếm thiểu số. Do vậy, có lẽ ông Obama đã phải chịu khá nhiều áp lực, theo CBS News.
Trong hồi ký, Tổng thống Obama nhớ lại ban đầu, khi mới theo học tại Honolulu, ông bị bạn bè xem như “vật thể lạ”. Chúng thậm chí sỗ sàng đến mức đòi chạm vào tóc và hỏi cha của ông có ăn thịt đồng loại hay không. Sau này, ông thừa nhận rằng để vượt qua quãng thời gian khó khăn đó, bản thân đã dính líu đến rượu, cần sa, thậm chí cả cocaine vì thiếu đi một người cha hoặc những tấm gương tốt để noi theo.
Thủy Tiên tổng hợp
Xem thêm:
http://inspired.daikynguyenvn.com/?p=58420



Geen opmerkingen:

Een reactie posten