Cơn sốt Obama : 'Obama tác động rất mạnh toàn xã hội Việt Nam' + 'Người Việt tìm thần tượng' ở Obama + 'Cả VN hoan nghênh Hoa Kỳ trở lại'
Obama và cơn sốt tại Việt Nam
26 tháng 5 2016
Tổng thống Hoa Kỳ vừa tạo ra một 'cơn sốt' ở Việt Nam khi ông tới thăm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 23-25 tháng Năm.
Đâu là nguyên nhân của cơn sốt đã khiến hàng nghìn người dân Việt Nam đổ xuống đường phố bất kể ngày đêm để chứng kiến ông Barack Obama đặt chân tới thăm quốc gia Đông Nam Á với trên 90 triệu dân.
Mời quý vị theo dõi Bàn tròn thứ Năm 26/5 về cơn sốt Obama tại đây. quý vị theo dõi Bàn tròn thứ Năm 26/5 về cơn sốt Obama tại đây.
Hàng triệu người đã theo dõi tin tức trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội... chuyến thăm đầu tiên và được cho là duy nhất của Tổng thống Obama tới Việt Nam trong suốt 8 năm ông tại nhiệm.
Đâu là lý do của cơn sốt này và việc người dân Việt Nam thuộc các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, lứa tuổi v.v... quan tâm và hoan nghênh nồng nhiệt ông Obama, hiện tượng này là chỉ báo gì về xã hội Việt Nam hiện nay?
Đây là đề tài của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với sự tham gia của các nhà báo, nhà quan sát, phân tích thời sự, xã hội Việt Nam, chương trình được phát trực tuyến trên kênh Youtube của chúng tôi vào lúc 19h30-20h30 giờ Việt Nam, ngày 26/5/2016.
Các khách mời gồm có nhà vận động xã hội dân sự và dân chủ hóa - Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A; nhà xã hội học Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Tiến sỹ Vũ Cao Phan - nhà phân tích chính trị Việt Nam từ Đại học Bình Dương, bà Thảo Griffiths - Trưởng Đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và nhà báo Đỗ Dũng, phóng viên nhật báo Người Việt Califonia.
Tổng thống Hoa Kỳ đã 'tác động rất mạnh' tới toàn thể xã hội Việt Nam qua thông điệp và chuyến đi của ông, theo TS. Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong.
Bình luận với BBC hôm 26/5 về 'Obamania' hay cơn sốt Obama ở Việt Nam, nhà xã hội học nói:
"Tôi thấy chuyến đi của Obama có một tác động rất mạnh đến toàn thể xã hội của Việt Nam.
'Bất thường'
"Bởi vì nó cũng đã gửi một thông điệp, thông qua một kênh bất thường.
"Nhiều khi ở Việt Nam, nhiều khi được thông tin chủ yếu từ kênh của nhà nước, hoặc là mạng xã hội thì cũng là một hiện tượng mới.
"Nhưng mà Obama đã có khả năng trực để tiếp trao đổi với người dân Việt Nam.
"Và đó là một sự kiện, một phương diện gần như là mới, đối với xã hội Việt Nam hiện nay," ông Jonathan London nói với BBC.
Một chuyên gia xã hội học nói trong Bàn tròn thứ Năm hôm 26/5/2016 của BBC rằng, người Việt Nam 'đang thiếu, đang khát khao' một thần tượng thật sự.
"Cơn sốt Obama cho thấy người dân Việt Nam đang thiếu một thần tượng. Thần tượng mà họ cảm thấy gần gũi, thần tượng mang lại, đáp ứng lại những nhu cầu, mong mỏi, khát vọng của họ về tự do, về phát triển, về chủ quyền, về giáo dục, tất cả mọi thứ," Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói.
Trong khi đó, nhà vận động xã hội dân sự Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A cho rằng giữa lãnh đạo và người dân Việt Nam vẫn có khoảng cách quá lớn, và tác phong của nhiều vị lãnh đạo vẫn như của 'vài chục năm trước'.
Khoảng cách giữa dân với lãnh đạo, nếu không được xử lý khéo léo, có thể dẫn tới bất ổn xã hội không đáng có, theo nhà vận động.
Ông khẳng định "không một người đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam nào muốn có sự bất ổn, mà đều muốn có sự phát triển, hài hòa.
"Bản thân chính quyền phải mạnh lên. Chính phủ phải có niềm tin ở chính mình, rồi tạo nên niềm tin trong nhân dân," Tiến sỹ Quang A nói.
Bà Khuất Thu Hồng cũng trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Quốc Phương về việc liệu người Việt Nam có sính ngoại không, khi chào đón nồng nhiệt vị Tổng thống Hoa Kỳ. Xem toàn bộ chương trình tại: http://bit.ly/1TDHNa7
Người Việt từ Bắc tới Nam đều hoan nghênh sự trở lại của Hoa Kỳ ở Việt Nam, theo một nhà hoạt động và luật sư người Việt Nam từ Canada.
Bình luận với BBC về cơn sốt Obama ở Việt Nam, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ từ ngày 23-25/5/2016, Luật sư Vũ Đức Khanh, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, nói:
"Đến Việt Nam, ông ấy (Barack Obama) nói rằng ông ấy tôn trọng sự độc lập, cũng như là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ông ấy mở đầu bài diễn văn nói trước quốc dân Việt Nam rằng bằng câu (thơ) của Lý Thường Kiệt nói rằng 'Sông núi nước Nam, Vua Nam ở', cái đó đã rành rành ở sách Trời rồi.
"Tức là ông ấy nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng làm vấn đề đó (ủng hộ, hỗ trợ) cho Việt Nam, tôi thấy rằng là người Việt Nam, cả miền Bắc lẫn miền Nam, họ đều hoan nghênh sự trở lại của Hoa Kỳ ở Việt Nam."
Hình ảnh thay đổi nhiều
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, qua những gì có thể được gọi là 'hội chứng Obama' ở Việt Nam, có thể thấy hình ảnh của Hoa Kỳ trong các giới ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã thay đổi rất nhiều, nhà hoạt động nói:
"Sở dĩ Việt Nam có hội chứng về Obama hay là giới trẻ cũng như người dân bình thường, từ những người trí thức cho đến những người bình dân, trẻ em cho đến người già, ai cũng đều thích hết.
"Thì tôi nghĩ rằng hình ảnh của Hoa Kỳ đã được thay đổi rất là nhiều ở Việt Nam, tôi nghĩ cái đó cũng là phần công sức của ông Đại sứ Mỹ, tức là ông Ted Osius đã làm trong hơn một năm qua.
"Đã cố tạo một hình ảnh Hoa Kỳ thân thiện với Việt Nam, cái đó, đặc biệt nhất là đối với nhân dân miền Bắc, còn nhân dân miền Nam thì họ có thể có một cái nhìn thiện cảm ơn với Hoa Kỳ trước đây.
"Nhưng đối với nhân dân miền Bắc, có một thời đã được học, được dạy là 'Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân Việt Nam', 'Đế quốc Mỹ là tàn bạo', nhưng hình ảnh những người bạn Việt Nam đón tiếp Hoa Kỳ tại Hà Nội đã cho thấy rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã không những có thể trở thành những người bạn thân thiết, những đối tác.
"Mà có thể trong tương lai gần sẽ là những đồng minh rất quan trọng ở trong khu vực," Luật sư Vũ Đức Khanh nói với BBC.
Cơn sốt Obama cho thấy lòng dân Việt Nam đang thực sự hướng về đâu, theo nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong từ California, Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 26/5/2016 từ Quận Cam (Orange County), một trung tâm sinh sống rộng lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong nói:
"Cơn sốt đó diễn ra chúng tôi nhận thấy rằng lòng dân hướng về đâu, có những người so sánh chuyến thăm của Tổng thống Obama và trước đó là (chuyến thăm) của ông Tập Cận Bình, cho thấy lòng dân Việt Nam hướng về chỗ nào.
Bày tỏ chính kiến, khát vọng
"Và ông Obama, tổng thống của Hoa Kỳ đến Việt Nam và mang biểu tượng của cơ chế, được xem là một trong những cơ chế tốt nhất của thế giới.
"Do đó, người dân nhiều năm nay, họ không đồng ý với cách điều hành, quản lý của những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay, nhưng do văn hóa, lịch sử và con người, họ không có phản ứng một cách rõ rệt và nói lên chủ kiến của họ, họ còn e ngại nhiều thứ.
"Và lần này họ tràn ra đường, bảy tỏ sự ủng hộ cho Tổng thống Obama là một sự bày tỏ chính kiến của họ, đó là khát vọng, hy vọng của người dân Việt Nam, họ mong rằng chuyến đi của ông Obama sẽ thay đổi một phần nào tình hình tại Việt Nam hiện nay.
"Và do đó tại sao nó tạo nên một cơn sốt mà gọi là cơn sốt của Obama," nhà báo Trần Nhật Phong nói với BBC.
Tổng thống Hoa Kỳ nói một số nhà hoạt động đã bị ngăn cản, không thể tới dự cuộc gặp mặt với ông hôm thứ Ba 24/5.
Ông Barack Obama nói tuy Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng Washington quan ngại về những giới hạn mà Hà Nội áp đặt lên vấn đề tự do chính trị.
“Hiện vẫn đang có những quan ngại to lớn trong vấn đề tự do ngôn luận, tự do hội họp, trách nhiệm giải trình của chính phủ,” ông nói trong cuộc gặp sáu thành viên xã hội dân sự tại khách sạn JW Marriot, Hà Nội.
“Tôi đã nhấn mạnh trong các cuộc họp của tôi ngày hôm qua với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội rằng chúng tôi tôn trọng chủ quyền và độc lập của Việt Nam.”
“Rốt cuộc thì nhân dân Việt Nam là những người quyết định xem xã hội của họ sẽ hoạt động ra sao, và chính phủ của họ thế nào.”
“Nhưng chúng tôi tin vào những giá trị phổ quát nhất định, và điều quan trọng là chúng tôi phải đại diện nói ra những giá trị đó ở bất kỳ những nơi nào chúng tôi tới.”
“Điều đặc biệt quan trọng và hữu ích cho tôi là được trực tiếp lắng nghe những người, vốn nhiều khi phải chịu các điều kiện ngặt nghèo, vẫn mong muốn cất lên tiếng nói vì tự do và nhân quyền.”
“Tôi cần phải lưu ý rằng đã có một số nhà hoạt động khác được mời nhưng họ đã bị chặn không thể tới đây vì những lý do khác nhau.”
“Tôi cho rằng đây là một chỉ dấu cho thấy mặc dù đã có ít nhiều tiến bộ và mặc dù chúng tôi từng hy vọng là với việc có một số cải cách tư pháp đang được dự thảo, được thông qua thì sẽ có những tiến bộ thêm nữa, nhưng vẫn có những người bị cản trở khi muốn tụ tập ôn hòa để nói về những vấn đề mà họ quan tâm sâu sắc.”
Nhân chuyến thăm ba ngày đến Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, BBC Tiếng Việt giới thiệu một số hình ảnh đón ông ở các nước khác.
Đức
Khi đến thăm Đức năm 2013, ông Obama bị biểu tình ở Berlin khi một số nhóm vận động cho tự do Internet cáo buộc chính sách nghe lén của cơ quan an ninh Hoa Kỳ NSA là ngăn chặn thông tin.
Họ ví ông Obama như mật vụ Stasi của cộng sản Đông Đức cũ.
Cuba
Thăm Cuba tháng 3/2016, ông Obama được người dân Havana chào đón nồng nhiệt.
Ông cũng được cho gặp một loạt nhân vật đấu tranh dân chủ ở Cuba tại sứ quán Hoa Kỳ trong chuyến thăm tháng 3/2016.
Việt Nam
Còn tại Hà Nội, Tổng thống Obama chỉ có cơ hội gặp vài nhân vật hoạt động trong mảng xã hội dân sự, số còn lại không 'đến được', hôm 23/05/2016.
Nhưng số người dân 'tự phát' tràn ra phố đón ông thì đông hơn nhiều, cả ở Hà Nội và Sài Gòn.
Anh Quốc
Sang thăm London tháng tháng 5/2011, ông Obama và đoàn Mỹ vào thăm Điện Buckingham và ngay trước cổng là nhóm biểu tình đòi Hoa Kỳ thả một người Hồi giáo bị bắt như nghi phạm 'khủng bố'.
Thân thiện hơn là cuộc chơi bóng bàn Obama - Cameron.
Trung Quốc
Cuộc đón tiếp chính thức và hàng quân duyệt binh tại Bắc Kinh cùng cuộc gặp Tập Cận Bình - Obama là các hình ảnh về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc tháng 11/2014 cùng dịp Diễn đàn APEC.
“Chuyện Việt Nam, tương lai Việt Nam là do chính người Việt Nam quyết định, không ai làm thay, và Mỹ không làm thay”
Tôi đánh giá chính quyền Việt Nam đón ông Obama “hơi kém long trọng” so với khi đón người đồng nhiệm khác tương đương là ông Tập Cận Bình.
Ông Obama, ở Việt Nam, đã không có 21 phát đại bác như ông Tập.
Điều này khẳng định quan điểm chính thống lâu nay của Đảng, đó là “quan hệ anh em” với Trung Quốc dĩ nhiên nặng ký hơn “quan hệ hàng đầu” với Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta đừng quên điều then chốt này trong tam giác quan hệ Việt-Trung-Mỹ hiện nay.
Đại bác và nụ cười
Có thể cách đón ông Obama của chính quyền Việt Nam làm ông hơi buồn, nhưng tôi tin là ông Obama thật sự vui vì cách đón của nhân dân Việt Nam. Hai điều này cho thấy ý Đảng và lòng dân lại một lần nữa chưa gặp nhau.
Mỹ và Trung Quốc luôn tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam, nên lễ nghi tiếp đón lãnh đạo hai nước này tại Việt Nam thể hiện nhiều điều quan trọng.
Nếu người dân Việt Nam đón ông Tập bằng tâm lý nghi ngờ, hoang mang và quan ngại kèm vài nụ cười nhạt thì họ đón ông Obama bằng nụ cười rạng rỡ, chân thành và khao khát chờ mong.
Khác với ông Tập Cận Bình với những bức hình bị quần chúng Việt Nam gạch chéo, hình ông Obama với nụ cười rạng rỡ được quần chúng Việt Nam trưng bày khắp nơi cũng là điều chính quyền Việt Nam nên chú ý.
Ông Obama là một chính khách lớn, và chuyến đi của ông phục vụ chính trị, nên tôi cũng thử giải mã một vài thông điệp ông muốn gửi gắm cho Việt Nam.
Với đảng cầm quyền Việt Nam, ông trấn an họ là Mỹ sẽ không tìm cách lật đổ, hay tác động để làm Đảng sụp đổ, nên Đảng cứ yên tâm mà lãnh đạo, và Mỹ tôn trọng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ông nhắc nhở họ nên lãnh đạo theo quy tắc, cam kết quốc tế chung mà họ đã đại diện cho Việt Nam khi ký kết. Không nên, và không thể viện dẫn rằng Việt Nam vì “đặc thù riêng” nên nhiều lúc hành xử khác biệt hay sai lệch với những gì đã ký kết với quốc tế, vì những cam kết này đã là quy tắc-chuẩn mực chung.
Thông điệp với nhân dân Việt Nam
Từ những nguồn tin có quan hệ với chính giới Mỹ, tôi nghe rằng chính quyền Mỹ muốn chính quyền Việt Nam tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam giao lưu với ông Obama.
Trong chuyến đi này, ông Obama, ngoài những lễ tiệc ngoại giao bắt buộc, có lẽ việc giao lưu với quần chúng và thanh niên trẻ là những hoạt động nhiều nhất.
Đây là điều theo tôi rất quan trọng, nó góp phần lớn trong việc củng cố quan hệ Mỹ-Việt trong tương lai, khi lớp trẻ của hôm nay lớn lên và có các vị trí xã hội nhất định.
Trong các bài phát biểu của ông với quần chúng Việt Nam, tôi nhận thấy ông nói nhiều điều “thú vị và quan trọng”.
“Những thủ lĩnh tài ba nhất, ngạc nhiên thay, thường chấp nhận đứng sau cánh gà”
“Chính người dân Việt Nam mới quyết định cho tương lai của mình, không ai sống cho cuộc đời của mình ngoài mình”
“Đừng tin mọi thứ mà bạn được xem trên mạng internet”…
Còn nhiều điều nữa, nhưng với tôi, cũng là một người ở tuổi “hết trẻ nhưng chưa già”, tôi trân trọng ghi nhớ những lời trên.
Trong tâm thái một đất nước đang bị kẹt giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ về tranh giành địa- chính trị. Một xã hội rối loạn bởi các giá trị văn hóa bị xuống cấp, một cộng đồng quần chúng luôn khao khát tìm kiếm những “thủ lĩnh” để đi theo… thì tôi đánh giá những góp ý này của ông Obama là vô cùng cần thiết và đúng lúc cho tuổi trẻ và quần chúng hiện nay.
“Nếu những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... đi theo vết xe đổ của phương Tây (chỉ tập trung phát triển kinh tế, công nghiệp mà bỏ quên hoạt động bảo vệ môi trường) tất cả chúng ta sẽ chìm xuống đáy biển”
Tôi nghĩ ông Obama chưa quên sự kiện cá biển miền trung vừa qua của Việt Nam. Có lẽ nào ông Obama nhớ còn chúng ta, là người Việt Nam, lại quên?
Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà ông Obama hàm ý là ,nếu Việt Nam có biến động chính trị thì đó là chuyện nội bộ của Việt Nam, người Việt Nam phải giải quyết, Mỹ không liên quan.
Nên tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên từ bỏ đi những tư duy kiểu như “các đế quốc phương Tây luôn giựt dây cho bạo động và rối loạn để mưu đồ chính trị có lợi cho họ”.
Biển Đông và vũ khí sát thương
Nhiều người nghĩ rằng vì ông Obama đã đến thăm Việt Nam, Mỹ sẽ ủng hộ cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Tôi cho rằng suy nghĩ này chưa đúng. Mỹ chỉ ủng hộ các bên tham gia tranh chấp thực thi đúng, giữ đúng các cam kết quốc tế và dùng các biện pháp hòa bình trong khi tranh chấp chứ Mỹ không nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, tôi vui mừng khi ông cũng nói “nước lớn không nên ức hiếp nước nhỏ”.
Quan điểm lâu nay về đối ngoại chính trị của Mỹ rất rõ, Mỹ chỉ ủng hộ ai khi và chỉ khi người đó tự đứng lên trên chính đôi chân của mình. Chuyện Biển Đông thì Việt Nam phải chủ động hành động trước khi Mỹ giúp. Chính quyền và nhân dân Việt Nam cần minh định điều này khi nghĩ về quan hệ Việt-Mỹ bất cứ khi nào, dù sau này quan hệ này đạt đến tầm nào.
Có dư luận nói rằng việc phê chuẩn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là động thái cho thấy hai chính quyền Mỹ-Việt hiện nay đã có tin cậy chính trị. Theo tôi điều này không đúng. Việc bán vũ khí sát thương này chỉ nói lên là giữa hai nước Mỹ-Việt có cùng chung lợi ích trong chiến lược xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ. Và vì lợi ích chung đó, Việt-Mỹ hợp tác trong việc mua bán vũ khí sát thương.
Tin cậy chính trị chỉ đến khi chính quyền Mỹ nhận thấy chính quyền Việt Nam bắt đầu hướng tới và đạt được những giá trị chung về dân chủ và nhân quyền như họ. Nếu chính quyền Việt Nam còn bắt bớ, tù đày, đàn áp những ý kiến khác biệt của người dân Việt Nam, thì làm sao Mỹ có thể tin rằng chính quyền Việt Nam sẽ vẫn đồng hành cùng họ nếu một ngày nào đó Mỹ cũng đưa ra những ý kiến khác biệt khi quan hệ với chính quyền Việt Nam?
Hậu Obama
Sau khi ông Obama rời đi, chúng ta trở về với bầu không khí thường ngày cùa đất nước, và chúng ta sực nhớ lại rằng Trung Quốc vẫn đang lấn lướt ngoài Biển Đông, một chuyến thăm của ông Obama là cần nhưng chưa đủ để khiến tình hình Biển Đông trở nên có lợi cho Việt Nam.
Sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ, sẽ có tổng thống mới lên nhậm chức, và chiến lược chính trị của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương vẫn sẽ không thay đổi. Hi vọng rằng khi đó Việt Nam đóng một vai trò “quan trọng thực sự” để cùng chia lợi ích với Mỹ.
Hi vọng rằng người kế nhiệm ông Obama sau này đến Việt Nam sẽ được 21 phát đại bác chào mừng, cũng như quan hệ Việt-Mỹ từ “quan hệ hàng đầu” sẽ trở thành “quan hệ anh em”. Đó là điều mà tôi nghĩ lòng dân đang mong muốn đảng cầm quyền sớm thực hiện.
Sau khi ông Obama rời đi, tôi mong rằng mọi tầng lớp, từ quan chức chính quyền đến người dân Việt Nam, từ người ủng hộ đảng cầm quyền cho đến giới bất đồng chính kiến, hãy luôn nhớ những thông điệp ông nhắn nhủ.
“Chuyện Việt Nam, tương lai Việt Nam là do chính người Việt Nam quyết định, không ai làm thay, và Mỹ không làm thay” Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, cây viết sống tại TP HCM.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten