dinsdag 3 mei 2016

Việt Nam: Chiến hạm Pháp Tonnerre thăm cảng Cam Ranh + Biển Đông : Pháp chống mọi hành vi làm gia tăng căng thẳng + Trung Quốc muốn cả Biển Đông

Việt Nam: Chiến hạm Pháp Tonnerre thăm cảng Cam Ranh

mediaTàu chở trực thăng tấn công Tonnerre (L9014) của Pháp.wikipédia
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam loan báo: Chiến hạm chở trực thăng Tonnerre thuộc lớp Mistral của Hải quân Pháp ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam trong bốn ngày 02-06/05/2016. Thông cáo cho biết đây là dấu hiệu của « ý hướng tăng cường hợp tác giữa quân đội và chính phủ hai nước ».
Trong chuyến thăm hữu nghị bốn ngày này, thủy thủ đoàn chiến hạm Tonnerre (Sấm sét) tham gia các hoạt động giao lưu, và tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, quân đội tỉnh Khánh Hòa, vùng 4 Hải Quân và Học Viện Hải Quân.
Các thủy thủ Pháp-Việt sẽ cùng luyện tập tìm kiếm, cứu hộ, thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển. Đây là lần thứ hai chiếc Tonnerre thăm Việt Nam, trong khuôn khổ chiến dịch Jeanne d’Arc.
Chiếc BPC Tonnerre (L9014) là một trong ba tàu chỉ huy và đổ bộ của Pháp, thuộc loại tàu có trọng tải lớn chỉ đứng sau hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles De Gaulle. Chiến hạm dài 199 mét, rộng 32 mét, trọng tải 21.300 tấn, đã từng tham gia can thiệp quân sự Harmattan tại Libya năm 2011.
Như vậy là sau khi được khánh thành ngày 8/3, đã có ba chuyến thăm của chiến hạm ngoại quốc đến cảng quốc tế Cam Ranh. Đầu tiên là tàu RSS Endurance của Hải quân Singapore vào ngày 17/3, sau đó là hai chiến hạm Nhật Ariake và Setogiri ngày 12/4.
Cam Ranh là cảng có vị trí chiến lược ở Biển Đông, nằm trong vịnh kín gió, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và tàu bè có thể neo đậu trong điều kiện giông bão đến cấp 8.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160502-viet-nam-chien-ham-phap-tonnerre-tham-cang-cam-ranh

Biển Đông : Pháp chống mọi hành vi làm gia tăng căng thẳng

mediaNgoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault (trái) và ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một hội nghị tại Paris, đầu năm 2016.Reuters/Gonzalo Fuentes
Trả lời báo Nhật The Nikkei số ra ngày 09/04/2016, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault không nêu đích danh Trung Quốc nhưng đã nhấn mạnh rằng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Paris phản đối « hành động của bất kỳ quốc gia nào làm gia tăng căng thẳng » trong vùng Biển Đông.
Chuẩn bị tham dự hội nghị cấp ngoại trưởng nhóm G7 tổ chức tại Hiroshima trong hai ngày 10 và 11/04/2016, ngoại trưởng Pháp đã dành cho tờ báo tài chính Nhật Bản một cuộc phỏng vấn, mà trong đó ông Ayrault đã đặc biệt quan tâm đến an ninh trong khu vực Đông Nam Á.
Tokyo và Washington cùng nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt Việt Nam và Philippines quan ngại trước việc Bắc Kinh triển khai tên lửa chống hạm tới khu vực quần đảo Hoàng Sa. Paris kêu gọi các quốc gia liên quan, “giải quyết xung khắc một cách êm thắm”.
Ngoài tình hình châu Á, ngoại trưởng Pháp còn quan tâm đến cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới. Ông Jean-Marc Ayrault coi đây không chỉ là một vấn đề riêng lẻ của châu Âu, châu Phi hay Trung Đông mà « cộng đồng quốc tế phải dồn nỗ lực để ngăn chận mọi âm mưu tấn công ».
Công cuộc bài trừ khủng bố đó phải được nhìn một cách tổng thể, từ khâu cắt nguồn tài trợ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đến các hoạt động phạm pháp như buôn lậu dầu hỏa, bắt cóc đòi tiền chuộc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160409-bien-dong-phap-chong-moi-hanh-vi-lam-gia-tang-cang-thang

Chuyên gia Pháp : Trung Quốc muốn cả Biển Đông

mediaĐảo Fiery Cross.@CSIS
Nhật báo Libération dành hai trang lớn cho vùng Biển Đông, trở lại sự việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp lấn biển thay đổi hiện trạng các đảo đang có tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh.
 
« Từ nhiều tháng qua, Trung Quốc đã tăng tốc các công trình đồ sộ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển và sân bay trong giữa vùng quần đảo Trường Sa (Spratleys) và Hoàng Sa ( Paracels) ».
Thực ra những hành động trên của Bắc Kinh gần đây đã được truyền thông quốc tế cũng như các nước trong vùng và Hoa Kỳ tố cáo nhiều lần cùng với bằng chứng xác thực là các bức ảnh chụp từ vệ tinh ghi nhận những công trình phục vụ ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong Biển Đông.
Libération cho biết : « Trong số ít nhất 7 hòn đảo nhỏ thuộc Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, cơi nới diện tích có đảo Đá chữ Thập ( Fiery Cross) bị biến dạng nhiều nhất. Theo tác giả bài viết, chi phí cho việc cải tạo hòn đảo này có thể lên đến 12 tỷ đô la. Hòn đảo mà nguyên thủy là một bãi đá san hô này đang trở thành « một căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa. Chỉ trong vòng vài tháng được bồi đắp, diện tích của đảo Đá chữ Thập đã được mở rộng gấp 11 lần ».
Theo Libération, « từ ảnh vệ tinh của nhóm phân tích của Anh IHS Jane’s và Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington DC, người ta thấy công trình xây đường băng dài 3100 mét đã được tiến hành với nhịp độ cực nhanh trong khoảng từ tháng 8 năm ngoái đến giữa tháng 4 vừa qua. Trung Quốc cũng đã nạo vét xây một cảng mới và đã dựng lên trên đảo 60 tòa nhà. Thậm chí họ còn đặt hẳn một nhà máy xi măng tại chỗ để phục vụ công trường lớn ».
Trên thực tế, theo tác giả bài viết, từ những năm 1990 Trung Quốc đã trang bị đảo Đá chữ Thập thành một căn cứ quân sự nhỏ, có trạm ra-đa, bãi đáp trực thăng, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với hiện trạng đảo Đá chữ Thập bây giờ. Các chuyên gia phân tích của AMTI nhận định, « trong tương lai không xa Đá chữ Thập sẽ là điểm hậu cần quan trọng cho hoạt động Hải quân Trung Quốc trong vùng Biển Đông ».
Phóng viên của Libération nhận định, Trung Quốc không tiếc tiền phục vụ ý đồ bành trướng trên biển. Hàng loạt các công trình san lấp bồi đắp đảo của Trung Quốc đã được ghi nhận trong quần đảo Trường Sa. Ngoài khơi gần Việt Nam, trong quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm (Woody) và đảo Quang Hòa (Duncan), bất chấp sự phản đối của Việt Nam.
Trong khi đó Bắc Kinh qua lời phát ngôn viên ngoại giao vẫn khẳng định « các công trình xây dựng đó nằm trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc » « việc làm đó không nhằm vào nước nào ». Tuy nhiên các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ không thể chấp nhận được lập luận như vậy. Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích hành động của Trung Quốc là « dùng cơ bắp, sức mạnh thuần túy » để bắt nước khác phục tùng mình.
Động cơ của những hành động lấn biển
Vẫn trong dòng thời sự này, để giúp độc giả hiểu thêm động cơ của Trung Quốc trong những hoạt động lấn biển tại Biển Đông, Libération có bài phỏng vấn chuyên gia về châu Á, bà Valérie Niquet, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp. Trả lời câu hỏi tại sao Trung Quốc gần đây cấp tập gia tăng xây dựng các đảo họ chiếm giữ trên Biển Đông ?
Nhà nghiên cứu Valérie Niquet khẳng định mục đích của Bắc Kinh là để « mở rộng diện tích họ chiếm giữ, cho dù theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đường băng sân bay hay hải cảng không là cơ sở cho tính chính đáng của một quốc gia trên một lãnh thổ. Các cơ sở đó sẽ giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện lực lượng bảo vệ bờ biển trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội tàu đánh bắt cá của họ có thể mở rộng ngư trường xa hơn xuống phía nam ».
Theo chuyên gia Pháp, việc bồi đắp xây đảo còn có động cơ chính trị. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ từ cuối những năm 2000, đặc biệt trở nên hung hăng hơn từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ưu tiên của Trung Quốc giờ dành cho bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc, nhất là trên biển.
Theo bà Valerie Niquet, Trung Quốc muốn toàn bộ vùng Biển Đông thành chủ quyền của mình. Họ có phương tiện kinh tế và con người để nhân rộng thêm các điểm cắm chân ở Biển Đông. Các công trình xây dựng trên là một mưu đồ nhằm áp đặt thay đổi hiện trạng đối với các nước Đông Nam Á. Nhưng theo chuyên gia Pháp, đây chỉ là trò lừa đảo, có giá trị hình ảnh nhiều hơn là thực tế. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào tự do lưu thông trên tuyến đường biển này, Bắc Kinh không có khả năng thực sự để kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông và Hoa Đông.
Những điều ít được biết đến về anh em nhà Castro
Thời sự cuốn hút sự chú ý các báo Pháp từ hai ngày qua là chuyến thăm Cuba lịch sử của tổng thống Pháp François Hollande từ hôm 11/05/2015. Nhân sự kiện này, trang quốc tế của Le Monde, có bài viết dài về chân dung lãnh đạo Cuba hiện nay và những điều ít được biết đến về anh em nhà Castro. Bài viết mang tựa đề nhiều hàm ý « Cuộc cách mạng từng bước của Raul Castro ».
Bài báo mở đầu bằng một so sánh khá thú vị giữa hai anh em nhà Castro : « Fidel Castro là một học trò có năng khiếu siêu việt, một con mọt sách, một nhà hùng biện không biết mệt, một người nói chuyện cuốn hút nhưng cũng làm người khác phát mệt, một người thích điều hành và ôm đồm. Còn Raul thì là một anh học trò lười, chịu lắng nghe, đọc diễn văn thì hay vấp và chỉ cảm thấy thoải mái trong chỗ thân tình. Vậy nhưng không phải ông anh Fidel 88 tuổi mà là Raul 83 tuổi mới là người đóng vai trò lịch sử kiến tạo hoà bình qua việc thông báo cam kết đối thoại với Hoa Kỳ hôm 17/12/2014, sau hơn nửa thế kỷ chiến tranh lạnh ở miền nhiệt đới ».
Chính ông là người hôm qua đã đón tổng thống Pháp François Hollande tại La Habana, chỉ vài giờ sau khi đích thân đến Vatican để cảm ơn Giáo Hoàng Phanxicô đã nỗ lực giúp Cuba và Hoa Kỳ xích lại gần nhau. Làm thế nào để chuyển từ vai phụ sang vai trò một Lãnh tụ vĩ đại của một Nhà nước đầy xáo động như Cuba ?
Người em Raul không phải lúc nào cũng theo đuôi ông anh. Đôi khi ông ta còn đi trước. Khi Fidel còn đang lần tìm quyền lực trên giảng đường của trường đại học La Habana thì Raul đã tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Triều Tiên, gia nhập Đảng xã hội nhân dân (PSP thuộc phong trào Cộng sản). Năm 1952 Raul đã từng được cử đi dự đại hội thế giới các dân tộc vì hòa bình tại Vienna.
Năm 1953, hai anh em tham gia tấn công vào trại lính Moncada ở Santiago de Cuba và bị bắt nhưng chưa đầy hai năm sau đó được chế độ độc tài Fulgencio Batista ân xá. Hai anh em Castro sang lưu vong ở Mêhicô. Tại đó, Raul và Fidel gặp một người Achentina tên là Ernesto Che Guevara để rồi năm1956 họ cùng hơn chục người trên con tàu Granma trở về Cuba lập chiến khu kháng chiến.
Khi đã có trong tay đủ quân, Fidel chọn người em làm chỉ huy « mặt trận thứ 2 ». Raul đã thể hiện khả năng tổ chức và bắt đầu tạo dựng được cho mình những người thân tín. Ông ta đã tự ý làm nhiều việc khiến người anh phải phật ý, như việc bắt cóc một nhóm hơn chục kỹ sư Mỹ và 27 thuỷ thủ. Đầu năm 1959, lợi dụng tình hình những người ủng hộ Batista tan rã, Raul chiếm Santiago de Cuba và ngay sau đó đã tiến hành những vụ hành quyết chóng vánh đối thủ bằng súng máy.
Năm 1960 vừa giành được chính quyền, Raul làm bộ trưởng Quốc phòng và ngay lập tức tới Matxcơva. Nhờ Liên Xô mà các du kích quân của ông trở thành quân đội chính quy để rồi sau đó có đủ năng lực để điều động đến tận châu Phi xa xôi tham chiến. Raul là người đầu tiên được ông anh phong tướng, trong khi tài thao lược là điều còn phải bàn cãi.
Sự khác biệt về hình thức
Le Monde cho biết thêm : Về gia đình, cậu em út Raul đã kết hôn với bà Vilma Espin, xuất thân từ con nhà tư sản, tốt nghiệp ngành hóa học tại đại học danh tiếng Massachusetts Institute of Technology (MIT). Fidel cũng cưới một phụ nữ xuất thân từ tầng lớp tư sản, bà Mirta Diaz –Balart, nhưng bà này đã bị Lider Maximo bỏ rơi sau khi sinh cho ông cậu con trai Fidelito Castro. Fidel vẫn giữ kín cuộc hôn nhân lần thứ hai với cô giáo viên Dalia Soto del Valle, và có với bà 5 mặt con.
Ở Cuba người ta vẫn gọi Raul bằng húy danh « Người tàu », nhưng đó là vì diện mạo bề ngoài chứ không phải vì lý do chính trị. Giữa Bắc Kinh và Matxcơva thì bao giờ Raul cũng nghiêng về Liên Xô. Hình dáng bên ngoài của Raul không hề giống với ông anh Fidel cũng như với ông anh cả Ramon Castro, nay đã 90 tuổi. Ông này ít được biết đến vì chỉ có thú vui điền viên hơn là chính trị. Sự khác biệt hình thức này khiến một số người còn đồn rằng ba anh em nhà Castro không có cùng cha. Có điều thực tế là cả ba đều sinh ngoài giá thú.
Chế độ đối mặt với bước đường cùng về kinh tế, Raul lặng lẽ làm ngơ giáo điều tư tưởng của Fidel. Nhà quân sự đã tỏ ra thực dụng nhưng cải cách vẫn là cái gì đó còn kiêng kỵ. Nhà nước thả lỏng về kinh tế, nhưng không từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo của đảng. Năm 2010, Raul trả tự do hàng loạt tù chính trị bị kết án từ năm 2003 nhưng lại thay vào những án tù bằng sự xách nhiễu những người đối lập. Tóm lại, không có một tiến bộ nào trên phương diện các quyền tự do hay Nhà nước pháp quyền.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150512-chuyen-gia-phap-trung-quoc-muon-ca-bien-dong-thuoc-chu-quyen-cua-ho

Geen opmerkingen:

Een reactie posten