Quyền biểu tình và phản ứng ở VN
- 12 tháng 5 2016
BBC và các khách mời thảo luận về biểu tình, chống biểu tình, quyền biểu tình cũng như luật biểu tình ở Việt Nam, nhân diễn biến gần đây của các vụ xuống đường và biểu tình trong cả nước của người dân sau thảm họa môi trường làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải trung bộ Việt Nam.
Các khách mời tham gia gồm có nhân chứng tham gia các cuộc tuần hành, xuống đường ở Hà Nội và Sài Gòn trong tuần lễ giữa 1-8/05/2016, nhà quan sát lập pháp, Quốc hội, nhà nghiên cứu xã hội dân sự và chính sách pháp luật.Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ về biểu tình, quyền và luật biểu tình được phát trực tuyến trên kênh Youtube của chúng tôi từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam hôm 12/5, tại đây. Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi.
Sau sự kiện cá chết hàng loạt từ đầu tháng Tư mà chính quyền đang tiếp tục điều tra nguyên nhân thảm họa, tại nhiều tỉnh thành, địa phương ở Việt Nam đã xuất hiện các cuộc xuống đường, biểu tình của người dân với các thông điệp phản đối gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu nhà nước điều tra, truy tìm và xử lý trách nhiệm.
Một số cuộc xuống đường còn mang theo các khẩu hiệu, áp phích yêu cầu 'Biển sạch, chính quyền sạch', được cho là mở rộng từ bảo vệ môi trường sang địa hạt chính trị, xã hội khác.
Chính quyền đã có một số phản ứng, với các phiên họp của chính phủ trung ương, địa phương tìm hiểu nguyên nhân thảm họa môi trường, tìm phương án xử lý hậu quả v.v...
Tuy nhiên, nhiều cuộc xuống đường và tuần hành vẫn diễn ra và truyền thông mạng xã hội phản ánh đã có sự ra tay của chính quyền và các lực lượng gìn giữ trật tự chính thức và 'không chính thức', đặc biệt, một số cáo buộc từ các nhà vận động cho rằng chính quyền một số địa phương đã sử dụng các lực lượng không có 'chức năng, nhiệm vụ' phù hợp, trong việc 'đàn áp', cưỡng chế, giải tán các cuộc biểu tình.
Nhiều bloggers và giới hoạt động nhân quyền trong nước cho rằng nhà nước nên chấm dứt các hình thức 'đàn áp', 'trấn áp' biểu tình và quyền biểu tình của người dân dưới mọi hình thức và cho phép người dân được quyền thực hiện quyền được Hiến định trong Hiến pháp này với tư cách công dân, cũng như trên phương diện quyền con người.
Trên bình diện lập pháp, một dự luật về biểu tình vẫn chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua, với Quốc hội khóa 13 ở các kỳ họp cuối cùng đã quyết định 'rời' việc thông qua một văn bản dự luật do Bộ Công an Việt Nam chuẩn bị, sang Quốc hội khóa sau.
Ranh giới mỏng manh
Nêu quan điểm về vấn đề quyền biểu tình và luật biểu tình, một Đại biểu Quốc hội của Việt Nam mới đây nói với BBC có "ranh giới mỏng manh" giữa quyền biểu tình và chống biểu tình.Trước câu hỏi tại sao chưa ra được Luật Biểu tình mặc dù đã tranh luận khá nhiều, Đại biểu Dương Trung Quốc nói:
"Riêng những luật liên quan tới quyền tự do con người thì phải nói nó có ngay trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 như quyền biểu tình, quyền lập hội, tự do ngôn luận...
"Nhưng có thể nói sau này việc xây dựng luật pháp chỉ hướng tới cái quản lý thôi.
"Lẽ ra là luật về quyền tự do báo chí thì tư duy xây dựng luật pháp của Việt Nam vẫn là luật quản lý báo chí, tôn giáo tín ngưỡng cũng thế và biểu tình thì cũng vậy.
"Cho nên tôi thấy đấy là lý do cho thấy là tất cả các bộ luật ấy dù có đưa ra nhưng nó vẫn bị chưa định hình rõ ràng. Nó là quyền tự do hay là quyền quản lý?
Lý do các chính quyền nặng tay với nhân dân và người biểu tình, sử dụng các biện pháp trấn áp, đàn áp, đe dọa, thậm chí khủng bố, là như vậy và là do họ không tin, chưa dám tin vào nhân dân
"Luật biểu tình thì phải nói là được đặt ra tương đối muộn và chúng ta thấy nhận thức về Luật Biểu tình rất khác nhau.
"Dư luận xã hội thấy rất cần luật biểu tình. Thậm chí Chính phủ ủng hộ Luật Biểu tình, Thủ tướng cũng ủng hộ Luật Biểu tình nhưng mà vẫn chưa cho ra được luật này.
"Bởi vì nó chấp chới ở chỗ Luật Biểu tình và chống biểu tình là nó có ranh giới rất là mỏng manh.
"Cho nên đây nó là yếu tố mà cơ chế làm luật như hiện nay mà do Chính phủ chỉnh thì phải nói là đôi khi thà không có luật còn hơn," ông Dương Trung Quốc nói với BBC.
Vì sao 'nặng tay'?
Chia sẻ với BBC Việt ngữ ngay trước thềm Hangout, phóng viên Soe Win Than từ ban BBC Burma (Miến Điện) so sánh về xử lý và đối phó biểu tình ở Việt Nam với cách thức của chính quyền quân sự của Myanmar nhiều năm về trước.Ông nói: "Các chính quyền chưa chấp nhận dân chủ luôn quan ngại các cuộc biểu tình, phản đối của công chúng. Họ e rằng nếu đi quá giới hạn, thì sẽ thách thức quyền lực của chính quyền.
"Lý do các chính quyền nặng tay với nhân dân và người biểu tình, sử dụng các biện pháp trấn áp, đàn áp, đe dọa, thậm chí khủng bố, là như vậy và là do họ không tin, chưa dám tin vào nhân dân.
"Ngày nay, ở Myanmar, mặc dù còn chưa hoàn chỉnh, nhưng các cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị, phản đối có thể diễn ra mà không có sự e ngại như trước, vì tôi tin rằng chính quyền đã dám tin vào nhân dân, đã biết tôn trọng nhân dân.
Tôi cũng chưa rõ vì sao ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mà Việt Nam chọn cách này để đối phó với các phong trào dân sự?
"Tốt nhất là tôn trọng dân, lắng nghe dân và các cuộc biểu tình của sư sãi, sinh viên ở Myanmar ngày trước, bị khủng bố, đàn áp, trấn áp mạnh như thế, nhưng có ngăn nổi các phong trào và xu thế dân chủ, dân quyền và cải tổ ở đất nước của chúng tôi đâu," nhà báo Soe Win Than nói.
Quan sát tình hình các vụ biểu tình ở Việt Nam gần đây trong vụ cá chết hàng loạt, cũng như theo dõi phản ứng đối phó biểu tình của chính quyền Việt Nam, nhà báo Ngô Ngọc Văn, từ BBC Tiếng Trung và Thế giới vụ (World Service) nêu quan điểm:
"Tôi thấy chính quyền Việt Nam nên đi thẳng vào vấn đề, xem xét nguyên nhân, tìm hiểu thiệt hại, bàn bạc phương án bồi thường thiệt hại, xử lý môi trường, tổ chức đối thoại, lắng nghe dân chúng v.v... hơn là có các động thái mà tới nay bị cáo buộc là khá nặng tay với dân, với người biểu tình.
"Ở Trung Quốc, cảnh sát và quân đội hiện cũng đã ngại nặng tay với người dân, với người biểu tình, sau vụ đàn áp Thiên An Môn, ở phương diện cá nhân, nhiều viên chức bị hội chứng ám ảnh 'flash-back', sau khi tham ra các vụ ra tay ấy, còn với chính quyền, thì các chính phủ ngại bị cộng đồng quốc tế lên án, phê phán.
"Tôi cũng chưa rõ vì sao ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mà Việt Nam chọn cách này để đối phó với các phong trào dân sự? Cách thức mà sử dụng bạo lực có thể có vẻ ổn ngay hôm nay, tức thì với chính quyền, nhưng về lâu về dài, nó có thể gây phương hại, rủi ro rất lớn cho vị thế của các chính quyền, chính phủ lựa chọn những cách thức ấy," nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với BBC Việt ngữ.
Tin liên quan
- Thanh niên Xung phong cần đổi tên?
- Ý kiến: Biểu tình làm gió đổi chiều
- VN: 'Người biểu tình bị đánh khó kiện'
- Luật Biểu tình và 'ranh giới mỏng manh'
- Gương mặt của im lặng trong biểu tình
- Biểu tình ở Sài Gòn và vụ phụ nữ bị đánh
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160512_hangout_vn_protest_right_and_laws
Ý kiến: Biểu tình làm gió đổi chiều
- 11 tháng 5 2016
Có nhiều người khá cực đoan khi cho rằng, trong khi rất nhiều người đã thức tỉnh và lên tiếng thì các nhà báo trong hệ thống báo chí nhà nước đã không hề thức tỉnh và lên tiếng? Các nhà báo nhà nước chỉ đưa lên mạng xã hội những trạng thái, những tấm hình mang tính tự sướng kiểu như: ăn ở đâu? gặp ai? Vô thưởng vô phạt. Sự thật có đúng như vậy không?
Cách đây chừng hơn một tháng, một nhà báo tài năng trong hệ thống báo chí nhà nước tâm sự với người viết bài này rằng:”Bọn tôi một cổ nhưng phải đeo quá nhiều tròng. Trên mạng xã hội, viết cái gì cũng phải ngó trước ngó sau”. Nhiều nhà báo đã thức tỉnh và lên tiếng theo những cách riêng của mình: họ viết theo lối ám chỉ, và, họ nhẹ nhàng than vãn để tránh sự phiền toái từ hệ thống tuyên giáo, an ninh văn hóa-tư tưởng, và từ chính sức ép của ban biên tập.
Gió đã xoay chiều
Nhưng, gió đã xoay chiều trong một thời gian rất ngắn. Vào sáng ngày 08-5-2016, trong cuộc biểu tình, tuần hành ôn hòa vì môi trường biển tại Sài Gòn, nhiều người nhận thấy sự xuất hiện của một số nhà báo có tên tuổi trong hệ thống báo chí nhà nước. Họ lầm lũi và im lặng, và dĩ nhiên, không một tấm biểu ngữ.Nếu được suy đoán về sự xuất hiện của họ trong cuộc biểu tình, tuần hành này, sẽ phải suy đoán theo ba hướng chính:
01) Họ xuất hiện để âm thầm hòa vào dòng người biểu tình và ôn hòa để góp phần vào việc lên tiếng;
02) Họ xuất hiện để quan sát và ghi nhận theo bản năng của một nhà báo chuyên nghiệp dù biết trước rằng, họ sẽ không được phép viết về cuộc biểu tình, tuần hành này, và nếu viết cũng chẳng được cho đăng tải hay xuất bản;
03) Họ lặng thầm ghi hình, quay video clip để làm tài liệu theo bản năng của một nhà báo có trách nhiệm. Dù suy đoán theo hướng nào, sự xuất hiện của một số nhà báo chuyên nghiệp trong hệ thống báo chí nhà nước cũng đã phát đi những tín hiệu tích cực về sự thức tỉnh và dấn thân, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Và quan trọng hơn, họ đã lên tiếng, họ đã thể hiện chính kiến ngay sau khi các cuộc biểu tình và tuần hành bị trấn áp.
Nhà báo Trung Bảo viết trên trang FB cá nhân của mình:
“Trui rèn
"Mọi cuộc biểu tình không do chính quyền tổ chức ở một đất nước cộng sản đều bị nhà cầm quyền coi là đối nghịch. Bất kể phương pháp và mục đích. Đi biểu tình ở một đất nước như Việt Nam đòi hỏi sự dũng cảm và khôn ngoan hơn nếu bạn làm điều tương tự ở một đất nước đã luật hoá hoạt động này.
"Khi những người bị bắt rồi tống lên xe bus để chở về sân vận động Hoa Lư (Q.1 - Sài Gòn) nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ của đám đông đứng bên đường, họ sẽ hiểu việc làm của mình ít ra không vô ích. Dù cho phải nhận những đòn đánh hung bạo của lực lượng trấn áp nhưng làm sao khác được khi mọi cuộc tập dượt đều phải có sự hy sinh.
Sử dụng những lực lượng như Thanh Niên Xung Phong thay cho lực lượng chuyên dụng là cảnh sát khiến tính chính danh bị ảnh hưởng trầm trọng. Nếu một chính quyền đủ mạnh và đủ lẽ phải sẽ đàng hoàng sử dụng lực lượng cảnh sát để bảo vệ và giữ trật tự cho một cuộc biểu tình ôn hoà. Nếu chính quyền mạnh thì đương nhiên phải ban hành luật biểu tình để luật hoá một hoạt động hợp hiến.
"Đến khi nào người dân và chính quyền có thể tin rằng biểu tình là một cuộc vui, khi đó hẵng đưa con trẻ ra làm quen với hoạt động dân chủ, khi đó hẵng tin xã hội đã có nhân quyền.
"Nếu tin rằng mình sẽ được đối xử tử tế từ những sắc áo đồng phục thì bạn chưa hiểu nhiều về chính trị ở nơi mình đang sống. Luật pháp minh bạch là điều chúng ta hướng tới nhưng luật pháp ở một nước do đảng Cộng Sản lãnh đạo được đặt ra nhằm bảo vệ sự "ổn định" theo định nghĩa của đảng này, bất kể sự công chính và tính chính danh của tầng lớp cai trị.
"Sử dụng những lực lượng như Thanh Niên Xung Phong thay cho lực lượng chuyên dụng là cảnh sát khiến tính chính danh bị ảnh hưởng trầm trọng. Nếu một chính quyền đủ mạnh và đủ lẽ phải sẽ đàng hoàng sử dụng lực lượng cảnh sát để bảo vệ và giữ trật tự cho một cuộc biểu tình ôn hoà. Nếu chính quyền mạnh thì đương nhiên phải ban hành luật biểu tình để luật hoá một hoạt động hợp hiến.
"Hôm nay nhiều người bị đánh đập, máu và nước mắt của một bà mẹ trẻ cùng con mình đã đổ xuống trong một buổi sáng nóng bức ở Sài Gòn. Nói tôi vô tình cũng được, nhưng điều đó là sự cần thiết để trui rèn một xã hội dân sự thực thụ cho tương lai.
Trung Bảo” .
Biểu tình = 'biểu lộ' + 'tình cảm'
Nhà báo Khổng Loan viết trên FB cá nhân ngay sau khi cuộc biểu tình ngày 08-5 -2016 tại SàI Gòn kết thức: “Sự phẫn nộ đang tích tụ dần, chỉ chờ một mồi lửa. Nóng quá. Một hệ thống chính trị lúng túng, bởi vì thiếu sự chính danh nên cũng không có trách nhiệm phải giải trình.Sắp bầu cử rồi. Bầu ai, ai bầu, bầu họ để làm gì, vì sao phải/cần bầu họ? Phải suy nghĩ kỹ, "cái gì không có ích cho dân thì cương quyết không làm." Và "trách nhiệm đạo đức của công dân là bất tuân những gì sai trái."
Vào ngày 09-5-2016, nhà báo Khổng Loan viết tiếp trên trang FB cá nhân của mình: “Chúc mừng lực lượng tuần hành ôn hoà vì môi trường trong sạch cho thế hệ mình và tương lai đất nước này. Sau mỗi dịp thế này, chứng kiến cách hành xử của giới chức trách, lại có một cơ số người vốn đang phân vân chưa biết đứng ở đâu (đang ngồi bờ rào ngó) đã quyết định nhảy ngay sang bờ bên kia. Đừng đánh giá thấp những người tuần hành vì môi trường, họ có sự chính trực và chính đáng của họ nên sức mạnh của họ và sự ủng hộ dành cho họ sẽ rất lớn”.
Nhà báo Lê Đức Dục viết một trạng thái rất thận trọng nhưng đầy đớn đau trên trang FB của mình: “ giờ anh mũ ni che tai-mà rồi vẫn phải ngậm ngùi post lên” khi anh post lại hình ảnh hai mẹ con bị đánh đập tại cuộc biểu tình tại Sài Gòn vào sáng ngày 08-5-2016 đang gây bão trên mạng. Dù phẫn nộ, dù bức xúc nhưng anh vẫn phải kìm nén trong dòng trạng thái. Có lẽ lương tri anh đã được giải thoát và đền đáp với một comment trung thực, khách quan và đầy lí trí của nhà báo Phạm Gia Hiền hiện đang làm việc trong một kênh truyền hình có sự kiểm duyệt gắt gao nhất Việt Nam:
“Hôm nay thực sự nếu không bết quá thì tôi đã ra Bờ Hồ. Rồi sẽ đi theo đoàn biểu tình, có thể là không hòa vào họ, nhưng đủ gần để cảm thấy sự nhiệt thành mà họ tỏa ra. Năng lượng tích cực ấy tốt cho sức khỏe và tinh thần, tôi tin thế.
"Tuần trước, chủ nhật, tôi cũng lượn 1 vòng. Qua đến Tràng Thi, thấy cả trăm "anh em" mặc thường phục ngồi thành dãy trên vỉa hè. Họ nhìn tôi. Tôi nhìn họ. Ở họ, tỏa ra sự áp chế. Vài chục giây đi ngang qua họ, tôi cảm thấy sự nặng nề và soi xét, không dành cho 1 con người, ko dành cho 1 con người tự do với đầy đủ quyền hạn.
"Biểu tình - từ ghép gốc Hán khá dễ hiểu, nó là "biểu lộ" + "tình cảm". Người dân nên được hướng dẫn và cho phép biểu tình. Đó là một biểu hiện của sự văn minh. Đó càng là một sinh hoạt chính trị bình thường, thì nguy cơ diễn biến xấu sẽ càng giảm đi. Và không phải lúc nào đối tượng phản ứng của người biểu tình cũng là chính quyền.
"Ở Thái Lan, tôi sang đúng đợt biểu tình phản đối chính phủ của nữ thủ tướng Yingluck. Hàng nghìn người vậy kín cả 1 con lộ lớn. Họ ngồi bệt dưới lòng đường, nghe các thủ lĩnh đảng lên bục diễn thuyết. Ở một công viên trung tâm, thậm chí phe đối lập còn chiếm trọn, căng lều bạt và sinh hoạt tập thể rất quy mô. Báo đài đưa tin vài nơi có xô xát, thậm chí nổ súng. Nhưng cơ bản, những cuộc biểu tình không làm xáo trộn nhiều đời sống người dân.
"Biểu tình - từ ghép gốc Hán khá dễ hiểu, nó là "biểu lộ" + "tình cảm". Người dân nên được hướng dẫn và cho phép biểu tình. Đó là một biểu hiện của sự văn minh. Đó càng là một sinh hoạt chính trị bình thường, thì nguy cơ diễn biến xấu sẽ càng giảm đi. Và không phải lúc nào đối tượng phản ứng của người biểu tình cũng là chính quyền.
"Nếu nguyên thủ 1 quốc gia hùng mạnh nào đó sang thăm vào thời điểm này, và chứng kiến những đoàn biểu tình. Thì có lẽ ông ta sẽ cảm thấy tin tưởng ở chính quyền Việt Nam hơn, trong cái mà phương Tây vẫn gọi là "tiến trình dân chủ". Tất nhiên, đừng để ông ta thấy cảnh hỗn loạn khi lực lượng chức năng tiến hành áp chế, rồi 1 bà mẹ bị đạp vào mặt và 1 bé gái bị lôi xềnh xệch trên phố”.
Hy vọng
Nhiều nhà báo ở Việt Nam hiện đang thì thầm về chuyện người vợ của một nhà báo vốn là tổng biên tập có uy tín của một tờ báo lớn ở Sài Gòn nay đã nghỉ hưu, đã tham gia cuộc biểu tình, tuần hành ôn hòa vào sáng ngày 08-5. Dĩ nhiên, sự tham gia này của người vợ được người chồng khuyến khích và ủng hộ hết mình.Ở Việt Nam, lương tri và chức nghiệp tôn trọng sự thật của các nhà báo đang làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước đã bắt đầu cựa quậy và thức dậy. Người Việt Nam lại một lần nữa có quyền hi vọng về những gì tốt đẹp sắp đến, và tất yếu sẽ đến với họ.
Tin liên quan
- VN: 'Người biểu tình bị đánh khó kiện'
- Gương mặt của im lặng trong biểu tình
- Biểu tình ở Sài Gòn và vụ phụ nữ bị đánh
- 'Bắt bớ' xảy ra trong biểu tình vì cá chết
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160511_protest_tam_don_view
Geen opmerkingen:
Een reactie posten