Chuyện cá chết 'chỉ là bề mặt'
- 8 giờ trước
Các chuyên gia môi trường cho rằng việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng khác, và để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài.
Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO nói trong tọa đàm của BBC hôm 05/05:"Cá chết là trên bề mặt, nhưng tồn lưu các chất ô nhiễm ấy nằm trong cơ thể cá, nó di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
"Sự cố môi trường là hôm nay, nhưng con cháu chúng ta sẽ hưởng chính điều ấy. Và nếu chúng ta không giải quyết được là chúng ta có tội với các thế hệ trẻ."
"Chính chúng ta đang mượn tài nguyên của thế hệ mai sau, mà chúng ta không trả lại nguyên vẹn, chúng ta đang làm tổn hại và chính chúng ta cũng có tội," Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường nhận xét.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, sự cố môi trường này có "tác động sâu sắc và hệ quả nghiêm trọng nên đã biến thành các vấn đề mang tính xã hội".
Việt Nam đang ở tâm của các cuộc khủng hoảng, trong đó khủng hoảng niềm tin, Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí nói.
'Khôi phục niềm tin'
Nhà báo Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt bình luận, niềm tin chính là điều đầu tiên cần được khôi phục trong mọi cuộc khủng hoảng."Việc thiếu thông tin trầm trọng khiến người ta tự điền vào chỗ trống bằng những thông tin không chính thống trên mạng xã hội, thông tin họ tự nghĩ ra trong đầu, thậm chí họ còn nói rằng có tàu xuất hiện thả chất độc rồi đi.
"Tất cả những thông tin đó xuất hiện vì thiếu thông tin được cung cấp theo những kênh chính thức với liều lượng và tần suất đúng mức."
"...Trong cuộc biểu tình vừa rồi có khẩu hiệu là Cá cần nước sạch, người dân cần minh bạch, họ luôn luôn cần sự minh bạch đó trong bất kỳ tình huống nào và nhất là khi xảy ra khủng hoảng.
"Sự minh bạch đó thiếu vắng khá nhiều và đó là lý do mà họ tin vào thông tin ngoài luồng hơn là thông tin chính thống."
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh khẳng định, người dân chỉ có thể được thuyết phục khi có những chứng cứ khoa học, và những chứng cứ này cũng phải khiến bên có lỗi 'tâm phục khẩu phục', khi ở Việt Nam có nhiều vụ việc tuy nguyên nhân đã rõ nhưng vẫn phải rất nhiều thời gian giải quyết.
"Quan trọng là cập nhật thông tin, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhóm làm việc, các nhóm khoa học đang làm việc để người dân bình tĩnh hơn, tin tưởng hơn để xem xét được những nguyên nhân đó và suy nghĩ về những vấn đề mà mình quan tâm thì tốt hơn," ông Sinh nói.
'Quản lý rủi ro'
Bàn tròn thứ Năm cũng thảo luận với các chuyên gia về vấn đề tầm nhìn trong phát triển đất nước, về mối cân bằng giữa phát triển kinh tế, công nghiệp một cách bền vững.Theo Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, sự cố môi trường cá chết hàng loạt cho thấy, điều quan trọng là quản lý rủi ro như thế nào.
"Do đó chúng ta phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt mà đầu tiên là khôi phục niềm tin. Mà niềm tin lấy ở đâu ra? Nó phải dựa trên chứng cứ khoa học và chỉ có bằng cách ấy chúng ta mới thực hiện được công việc, nếu không sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng."
Xem lại toàn bộ thảo luận tại: http://bit.ly/1VL005P
Tin liên quan
- Vụ cá chết: 'Đủ bằng chứng để kết luận'?
- VN: Sẽ biểu tình thêm vụ cá chết?
- 'Bài học cay đắng vụ cá chết hàng loạt'
- Bảy linh mục lên tiếng vụ cá chết
- Tắm biển, ăn cá và trách nhiệm quan chức
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160506_hangout_dead_fish_consequences
Geen opmerkingen:
Een reactie posten