Sách về Gạc Ma chưa được cấp phép
- 4 giờ trước
Dư luận đang xôn xao chuyện bản thảo sách ‘Gạc Ma - Vòng tròn bất tử’ được đưa qua 10 nhà xuất bản nhưng vẫn chưa được cấp phép xuất bản sau hai năm.
Cuối tháng 2/2016, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty Trí Việt - First News viết trên mạng xã hội: “Cuốn 'Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu việt' tôn vinh kẻ ra lệnh xâm lược Việt Nam 17/2/1979 giết hại biết bao nhiêu đồng bào lại được cấp giấy phép xuất bản quá dễ dàng. Trong khi đó, việc tri ân và tôn vinh những liệt sĩ đã hy sinh mạng sống của mình trước giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc trên sách là sai trái và cấm kỵ ở đất nước này sao?”.Sau đó, ông cho biết trên báo Tuổi Trẻ hôm 13/3 rằng từ năm 2014, bản thảo sách đã được gửi đến 10 nhà xuất bản (Trẻ, Hồng Đức, Thanh Niên, Thế Giới…) nhưng nay vẫn đang trong tình trạng “chưa nghe bất kỳ ý kiến phản hồi vào về nội dung cuốn sách cũng như việc cấp phép xuất bản”.
Hôm 15/3, ông Phước từ chối trả lời BBC với lý do “vụ việc đang chờ giải quyết, tôi sẽ có phát ngôn sau”.
Cùng ngày, trong cuộc trao đổi với BBC từ Hà Nội, nhà sử học Lê Văn Lan nói: “Tuy chưa được đọc nội dung bản thảo cuốn ‘Gạc Ma - Vòng tròn bất tử’, nhưng tôi nghĩ đó là một cuốn sách rất đáng hoan nghênh trong thời điểm này. Là vì lâu nay rất hiếm có sách nói rõ sự thật về tội ác của Trung Quốc với những người lính Việt Nam tay không bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày 14/3/1988”.
“Những nhà lãnh đạo đất nước đã sai lầm trong chính sách đối ngoại, coi vấn đề tuyên truyền về Gạc Ma và tội ác của Trung Quốc là vấn đề tế nhị. Một cuốn sách về chủ đề này cần phải làm rõ diễn biến vụ thảm sát, lên án quân Trung Quốc, bày tỏ lòng biết ơn những người đã ngã xuống”, nhà sử học nói thêm.
Ông Lan cũng cho hay: “Tôi mong muốn viết được một cuốn sách làm rõ sự thật về những chuyện liên quan đến Trung Quốc. Trong sách, tôi sẽ phân tích những nguyên nhân, tác động và lên ác tội ác mà Trung Quốc đã gây ra cho binh lính và người dân Việt Nam”.
'Làm kiểu này không được đâu'
Hôm 14/3, ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ viết trên Facebook: “Năm 2014, đọc qua bản thảo ‘Gạc Ma - Vòng tròn bất tử’, tôi thấy đề tài quá hay, tên sách quá hay nhưng nội dung thì quá yếu. Tôi nói làm kiểu này thì không được đâu. Đốt nhang cho liệt sĩ thì cũng phải ba nén đàng hoàng”.Ông Nhựt cũng cho hay: “Tôi đã trao đổi lại với đối tác [First News], nếu có làm thì phải làm lại bản thảo chứ làm kiểu này thì tôi không làm. Sau đó, đối tác rút bản thảo đưa các nhà khác nên tôi cũng không quan tâm thêm và cũng không biết bản thảo cuối cùng như thế nào”.
Tướng Lê Mã Lương, chủ biên cuốn sách, được VnExpress dẫn lời hôm 13/3: “Các tác giả của ấn phẩm này đã gặp trực tiếp nhân chứng lịch sử hải chiến Gạc Ma để ghi lại vụ việc. Ý kiến của Cục xuất bản về việc lập Hội đồng lịch sử của Bộ quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân để thẩm định sách về Gạc Ma là một điều không tưởng”.
“Nếu như vậy, chờ vài chục năm nữa hội đồng đó cũng chưa ra đời và cuốn sách cũng không thể được xuất bản. Tôi đã phục vụ và làm việc trong quân đội gần 50 năm và biết rất rõ ở Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân không có hội đồng thẩm định nào như vậy”, ông Lương được báo này trích dẫn.
Tin liên quan
- Phá lễ tưởng niệm Gạc Ma là 'dơ bẩn'
- Vì sao tưởng niệm Gạc Ma còn 'nhạy cảm'?
- 'Sói đói' đặt chân vào nhà 'dê con'
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160315_gacma_book
Tưởng nhớ “Vòng tròn bất tử”
- 14 tháng 3 2015
Ngày này cách đây 27 năm, 14/3/1988, ba tàu vận tải chuyển lực lượng công binh Việt Nam và nguyên vật liệu ra xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa đã phải đương đầu với các tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc.
Khi buộc phải tự vệ, các chiến sỹ công binh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đảo, giữ ngọn cờ Tổ quốc, hiên ngang khẳng định chủ quyền giữa trùng khơi sóng gió …Khúc bi tráng ở Gạc Ma
Khoảng 6h sáng, hai tàu hộ vệ tên lửa số 502 và 531 của Trung Quốc, tiến trái phép vào khu vực phía nam bãi đá Gạc Ma từ trước đó, đã thả ba thuyền nhôm đưa 58 lính thủy quân lục chiến trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng lên bãi đá Gạc Ma.Trên đó đang có gần 50 chiến sỹ hải quân và công binh Việt Nam, không được trang bị vũ khí, chỉ có các công cụ lao động để khẳng định chủ quyền hòa bình của Việt Nam tại đây cùng ba lá cờ Tổ quốc.
Tình hình càng lúc càng diễn biến căng thẳng hơn.
Thủy triều buổi sáng đã dâng cao nhưng nhóm chiến sỹ bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên cường trụ vững trên bãi san hô, quyết tâm giữ đảo trước sự đe dọa điên cuồng bằng vũ lực vượt trội mọi mặt của kẻ thù.
Tuân thủ mệnh lệnh không nổ súng để Trung Quốc có thể lấy cớ leo thang xung đột gây chiến tranh trong điều kiện lực lượng hải quân của ta còn thiếu thốn, non yếu, các chiến sĩ hải quân trên các tàu Việt Nam đã kiềm chế đến mức tối đa, không nổ súng trước.
Các chiến siỹ công binh Việt Nam giành giật lá cờ Tổ quốc bằng tay không với lính Trung Quốc.
Thiếu úy anh hùng Trần Văn Phương hy sinh, hạ sỹ anh hùng Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng vì đạn thù nhưng lính Trung Quốc buộc phải rút khỏi Gạc Ma sau 15 phút giằng giật không được lá cờ ở phía nam bãi đá.
Các chiến sỹ công binh hải quân kết thành một vòng tròn xung quanh lá cờ Tổ quốc.
Bọn xâm lược hung hãn đã dùng hỏa lực từ xa bất ngờ xả đạn.
Các chiến sỹ công binh (thuộc các lữ đoàn 125 và 146 hải quân Việt Nam) anh hùng, gần nửa thân mình ngập trong nước, đã anh dũng ngã xuống.
Máu của 64 liệt sỹ Trường Sa nhuộm đỏ nước biển Đông nhưng những người anh hùng đó đã làm nên “Vòng tròn bất tử” cho chủ quyền biển đảo Tổ quốc trường tồn.
Đoạn kết đẫm máu của một âm mưu
Từ tháng 4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hải quân Việt Nam đã tiếp quản các đảo nổi và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các đảo nổi.Đối với các đảo chìm, bãi cạn, bãi đá phụ thuộc, Việt Nam tiến hành bảo vệ, quản lý bằng biện pháp quan sát, tuần tra định kỳ.
Cho đến năm 1988, Trung Quốc chưa từng chiếm đóng được vị trí nào trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong khi hầu hết các đảo nổi chủ yếu của quần đảo Trường Sa đều đã do các lực lượng Việt Nam đóng giữ, bảo vệ với tư cách những chủ nhân thật sự.
Vì nhiều lý do, Việt Nam chưa có đủ điều kiện xây dựng các công trình kiên cố trên tất cả các điểm đảo, đá và việc tuần tra kiểm soát cũng còn những hạn chế.
Đây là tình thế mà Trung Quốc đã lợi dụng để triển khai chiến dịch quân sự với những mục tiêu rõ rệt: Bước đầu tiên sẽ thực hiện đánh chiếm các đảo chìm, các bãi đá sau đó biến các điểm này thành các căn cứ quân sự, các điểm đóng quân, “đặt chân” để rồi “cắm rễ” vào khu vực Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đã triển khai chiến dịch “đặt chân” này từ đầu năm 1988.
Trong chiến dịch, Trung Quốc đã huy động một liên đội tàu chiến trong đó có 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ và một số lực lượng khác ...
Đồng thời với những hoạt động xâm lược vũ trang, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, ngoại giao … từ trước, trong và sau chiến dịch quân sự để biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực của họ.
Ngày 31/1/1988, Trung Quốc chiếm đá Chữ Thập; ngày 18/2, chiếm đá Châu Viên; ngày 26/2, chiếm đá Ga-ven; ngày 28/2, Trung Quốc chiếm đá Hu-go.
Không dừng lại ở những vị trí chiếm đóng bất hợp pháp nói trên, Trung Quốc tiếp tục tổ chức đánh chiếm thêm các đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, gây ra sự kiện đẫm máu ngày 14/3. Sau sự kiện Gạc Ma, ngày 23-3 Trung Quốc còn chiếm đá Xu-bi…
Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3 chỉ là đỉnh điểm của một chiến dịch đã được Trung Quốc tính toán chi tiết kịch bản và quyết liệt triển khai nhằm thực hiện quyết tâm “đặt chân” lên khu vực quần đảo Trường Sa.
Các chiến sỹ công binh hải quân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng củng cố các cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác bảo vệ, quản lý, khai thác khu vực quần đảo Trường Sa một cách hòa bình.
Nhưng Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, nổ súng vào những người lính công binh và các tàu vận tải của Việt Nam không được trang bị vũ khí chiến đấu.
Biển Đông vẫn chưa lặng sóng
Trong tình thế hết sức khó khăn về nhiều mặt, Việt Nam vẫn cố gắng xây dựng, củng cố các khu vực, các vị trí trên quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý, bằng việc đưa tàu vận tải chở vật liệu ra xây dựng công trình ở các đảo chìm, bãi đá:
- Ngày 26/1/1988, xây dựng công trình ở đá Tiên Nữ
- Ngày 5-2 xây dựng ở Đá Lát
- Ngày 6/2, xây dựng ở Đá Lớn
- Ngày 18/2, xây dựng ở Đá Đông
- Ngày 27/2, xây dựng ở đá Tốc Tan
- Ngày 2/3, cắm chốt ở đá Núi Le
Từ năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
“Con rồng đói nguyên liệu” Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách vươn móng vuốt ra khắp thế giới, tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng để bảo đảm nhu cầu phát triển và an ninh năng lượng của mình.
Trong cái nhìn chiến lược của Trung Quốc, biển được coi là nguồn cung cấp quan trọng.
Đồng thời, để có thể chuyên chở, nhập khẩu nguyên nhiên liệu và xuất nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc coi Biển Đông là “con đường sinh mệnh”, là “lợi ích cốt lõi” của mình.
Tất cả những điều đó là lời giải thích dễ hiểu cho những âm mưu và hành động của Trung Quốc ở khu vực này.
Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn luôn phải đối phó với những tranh chấp, xung đột do Trung Quốc gây ra.
Những đồng đội, những người con và cả Tổ quốc, nhân dân Việt Nam không quên các anh hùng liệt sĩ Trường Sa. Nhiệm vụ còn dang dở của họ tiếp tục được thực hiện trong những điều kiện mới.
Chúng ta luôn cảnh giác và không bao giờ quên rằng: Sự kiện ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma - Trường Sa, cùng với sự kiện ngày 19-1-1974 ở Hoàng Sa trước đó, là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông thời hiện đại.
Đây là sự kiện cần được quan tâm nghiên cứu đầy đủ và phải rút ra được những bài học quý giá cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước hiện tại và tương lai.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả.
Tin liên quan
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/03/150314_gacma_battle
Geen opmerkingen:
Een reactie posten