Những tuyệt tác 'cổ lâm viên' Tô Châu, thành phố lịch sử Tô Châu, Trung Quốc
- 28 tháng 3 2016
Cuộc sống ở một trong những đô thị đông dân nhất thế giới thường khiến người ta cảm thấy rất mệt mỏi.
Đó là lý do tại sao người dân Thượng Hải luôn tìm cách thoát ra khỏi những chốn giao thông đông đúc và những tòa nhà chọc trời.Đô thị lâm viên
Điểm đến ưa thích nhất của họ nằm cách siêu đô thị này chỉ có 100km về phía đông và chỉ mất có 30 phút đi tàu cao tốc: thành phố lịch sử Tô Châu.Được Vua Hạp Lư của Nhà Ngô lập ra vào năm 514 trước Công nguyên, Tô Châu là một trong những đô thị cổ nhất và thịnh vượng nhất ở đồng bằng sông Dương Tử.
Nằm giữa sông Dương Tử ở phía bắc và Thái Hồ ở phía tây, Tô Châu luôn có nguồn nước dồi dào, cung cấp nguồn nước cho các kênh đào và các lâm viên viên đẹp đẽ tinh tế, điều giúp cho Tô Châu nổi tiếng thế giới.
Lâm viên đầu tiên được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Vào thời hưng thịnh nhất (khoảng từ năm 1500 cho đến 1700), Tô Châu đã có hơn 800 khu vườn yên ả như vậy do các sỹ phu xây dựng để tái tạo thiên nhiên ở quy mô nhỏ.
Ngày nay, còn khoảng 60 lâm viên như vậy, và chín trong số này được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Chuyết Chính Viên – lâm viên lớn nhất ở Tô Châu – tọa lạc ở phía bắc khu trung tâm lịch sử của thành phố.
Lâm viên rộng 52.000 mét vuông nằm cách biệt do quan khâm sai đồng thời là thi sĩ Vương Tương Thành cho xây dựng vào khoảng những năm 1510 cho đến 1516 để làm nơi lui về nghỉ hưu.
Bước qua chiếc cổng cao, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những lối đi lát sỏi dẫn đến những hiên đình nằm rải rác khắp nơi trong lâm viên trên những ngọn đồi thấp với những chiếc mái cong nơi du khách có thể tìm bóng mát và ngồi nghỉ ngơi trên những chiếc ghế gỗ.
Nằm giữa lâm viên là nhiều hồ thông với nhau qua những dòng nước chảy dưới những cây cầu quyến rũ. Phía dưới những đàn cá vàng, cá bạc lấp lánh sắc bơi lội.
Có ít nhất 100 người đang họa cảnh lâm viên lên giấy.
Các sinh viên mỹ thuật ngồi bên cạnh giá vẽ trên những bậc thềm dưới hiên đình hay ngồi trên những phiến đá lớn nhẵn thín cạnh hồ nước được phủ bóng dưới những chiếc lá sen tán rộng. Một quang cảnh dẫu đông đúc nhưng vẫn tuyệt đẹp!
Hài hòa với thiên nhiên
Tôi bước vào tòa nhà bên cạnh, Bảo tàng Lâm viên Tô Châu mở cửa miễn phí.Bên trong ngôi dinh thự thấp được xây dựng theo phong cách đời nhà Minh có những thiết kế phong cảnh do các họa sỹ được giới sỹ phu Tô Châu mời thiết kế dưới triều Minh (1368-1644) và triều Thanh (1644-1912).
Trải qua hàng trăm năm, ở Tô Châu đã hình thành nên một tầng lớp tinh hoa nhờ vào sự thịnh vượng từ các hoạt động giao thương và sản xuất. Điều này khiến Tô Châu cũng đồng nghĩa với trí tuệ và sự tao nhã.
Vào lúc đó, người ta tin rằng vẻ đẹp khó đoán trước của thiên nhiên sẽ giúp các sỹ phu phát huy trí tuệ. Điều này có nghĩa là xây dựng lâm viên là một điều cần thiết. Do đó, các khu vườn đã trở thành một phần không thể thiếu của các gia đình ở Tô Châu.
Trong khi giới thượng lưu ganh đua với nhau để tạo nên những lâm viên tinh tế thì những ngay cả những nhà bình dân nhất của thành phố cũng trồng hoa trong vườn nhà.
Các lâm viên cổ điển Trung Quốc khác biệt rất nhiều so với các khu vườn ở phương Tây.
Người Trung Quốc tin rằng người châu Âu muốn chinh phục thiên nhiên và đưa cây cỏ vào bên trong khuôn khổ mong muốn. Ngược lại, những nghệ sỹ tạo tác lâm viên Trung Quốc lại muốn tìm sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Điều này có nghĩa là mặc dù các bụi cậy, khóm cỏ và những gốc hoa trông như thể mọc tự nhiên nhưng thật ra chúng được sắp xếp một cách tỉ mỉ xung quanh các mái đình, các hồ nước và các cây cầu để thể hiện sự cân bằng và hài hòa vốn rất được coi trọng trong triết lý Trung Hoa.
Những khối đá đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong triết lý này. Chúng tượng trưng cho sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Mặc dù các phiến đá có vẻ nằm rải rác, sự sắp đặt vị trí của chúng giữa những lối đi nhân tạo và cảnh quan thiên nhiên như bụi hoa, khóm cây hay thác nước là hoàn toàn có chủ ý.
Khu phố cổ
Để hiểu thêm về thành cổ Tô Châu vào giai đoạn phát triển huy hoàng của nó, hãy đến khu phố cổ ở đây.Những căn nhà màu trắng hai tầng theo phong cách thời Minh nhìn ra những dòng kênh thanh bình nơi có hàng liễu thướt tha, những cây cầu đá và những bậc thang dẫn xuống bến tàu.
Sự tương phản với các tòa nhà chọc trời bóng lộn và giao thông tấp nập ở Thượng Hải không thể nào rõ ràng hơn.
Có những lúc Bình Giang Lộ, con đường chính ở Tô Châu, giống như một điểm thu hút du khách. Những người bán hàng bán mọi thứ từ bánh quế Nutella cho đến những chiếc quạt giấy sặc sỡ.
Nhưng khi tôi đến nơi, tôi chỉ thấy những chiếc thuyền gỗ theo kiểu truyền thống lững lờ trôi dưới dòng kênh do những người đàn ông đứng tuổi điều khiển mà họ dường như chẳng mấy quan tâm thu tiền tôi.
Tôi dừng lại mua màn thầu để ăn nhẹ tại Shi Jian Huo Jian, một nhà hàng không mấy phô trương nằm ở một góc ngã tư của Bình Giang Lộ.
Những chiếc bánh bao nhỏ nhồi thịt được hấp lên với hương vị rất ngon này là một món ngon đặc trưng của vùng Giang Nam, nơi có cả hai địa danh nổi tiếng là Thượng Hải và Tô Châu.
Điểm dừng chân cuối cùng của tôi là Kim Kê Hồ nằm cách Tô Châu 7km về phía đông và là một trong những hồ nước đem lại không khí mát mẻ cho thành phố.
So với những lối đi hẹp trong khu phố cổ, quang cảnh ở đây thoáng đãng và rộng rãi.
Tôi bước trên một con đường lớn, ngoằn ngoèo dọc theo hồ nước.
Âm thanh duy nhất là tiếng bước chân tôi trên lối đi bằng gỗ và những lời trò chuyện thì thầm thổi đến từ phía hồ nước.
Tôi thấy có vài người chạy xem đạp đôi và cả xe đạp dành cho ba người, là những thứ ta có thuê được ở phía bờ tây của hồ.
Bên kia hồ là một bánh xe Ferris khổng lồ thấp thoáng trong sương khói, gần với những toà nhà cao tầng.
Những chiếc thuyền trôi về phía hòn đảo nhân tạo nằm giữa hồ. Khi tôi bước xa hơn một chút nữa, tôi nghe thấy vài bà cụ đang tán gẫu bằng thứ thổ ngữ rất nặng của vùng Tô Châu.
Tôi cảm thấy thư giãn và thoải mái. Nếu có nhiều thời gian hơn, có lẽ tôi đã đi cắm trại ở Thái Hồ ở phía tây nam hay ghé qua thành cổ Đồng Lý nổi tiếng ở phía nam Tô Châu.
Còn lúc này thì tôi dừng bước, lắng nghe tiếng chim hót và tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tận hưởng cảm giác thanh bình và yên ả trước khi trở về với sự ồn ào náo nhiệt của Thượng Hải.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.
Tin liên quan
- Nơi con người biết tồn tại trong hỗn loạn
- Vì sao người Hoa ở Macau sống thọ?
- Vẻ đẹp của cái nôi sản sinh ra đại số
- Vì sao người dân Bhutan không sợ chết?
- Hành trình trên 'Nóc nhà Thế giới'
- Trường An: Kinh đô của 10 triều đại Trung Hoa
- Bộ tộc săn người cuối cùng ở Ấn Độ
- 'Atlantis' phương Đông của Trung Quốc
Tin Văn hóa Xã hội khác
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/03/160328_where-china-goes-to-relax_vert_tra
Geen opmerkingen:
Een reactie posten