Johan Cruyff qua đời
Huyền thoại bóng đá Hà Lan qua đời ở tuổi 68, vì bệnh ung thư phổi.
"Vào ngày 24/3/2016, Johan Cruyff, 68 tuổi, đã ra đi bình yên ở Barcelona, trong vòng tay của gia đình sau một trận chiến kiên cường với căn bệnh ung thư. Giữa thời khắc đau buồn này, chúng tôi mong muốn mọi người tôn trọng sự riêng tư của gia đình", thông báo trên trang web chính thức của huyền thoại bóng đá có đoạn.
Cruyff là tên tuổi lớn nhất của bóng đá Hà Lan và thuộc số ít những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới cận đại.
Cruyff ra đi, nhưng để lại cho thế giới bóng đá những di sản vĩ đại qua triết lý bóng đá mà ông theo đuổi. Ảnh: Guardian.
|
Khi còn là cầu thủ, ông là ngôi sao sáng chói nhất của bóng đá thế giới những năm 1970. Cruyff truyền cảm hứng giúp Ajax đoạt ba chiếc Cup C1 liên tiếp từ năm 1971 đến 1973, và được tôn vinh bằng ba Quả Bóng Vàng châu Âu vào các năm 1971, 1973 rồi 1974.
Năm 1973, ông gia nhập Barca với giá chuyển nhượng hai triệu đôla - kỷ lục thế giới thời điểm ấy. Ngay mùa đầu tiên khoác áo, Cruyff giúp CLB xứ Catalan đoạt chức vô địch La Liga, chấm dứt cơn khát danh hiệu này dài 15 năm.
Barca cũng là nơi Cruyff gặt hái thành công lớn nhất trên cương vị HLV về sau, khi ông giúp họ bốn năm liền vô địch La Liga (1991-1994) và lần đầu tiên đăng quang ở Cup C1 - giải đấu số một châu Âu cấp CLB - năm 1992.
Cruyff còn là thủ lĩnh của tuyển Hà Lan vĩ đại, vào chung kết World Cup 1974, nơi đội bóng áo da cam trình diễn thứ bóng đá tổng lực ấn tượng, còn bản thân ông thì làm mê hoặc khán giả bằng những pha xử lý kỹ thuật, động tác giả đẹp mắt.
Cruyff (áo da cam) cùng Hà Lan thua Đức 1-2 trong trận chung kết World Cup 1974, nhưng ông luôn tự hào rằng đó là giải đấu mà "Hà Lan được yêu mến nhất" và điều đó quý hơn cả chiếc Cup vàng.
|
Cruyff bắt đầu nghiện thuốc lá nặng từ khi chuyển sang làm HLV, và từng phải lên bàn mổ tim vì bị nhồi máu cơ tim vào năm 1991.
Cách đây sáu tháng, huyền thoại bóng đá này thông báo ông bị ung thư phổi, nhưng đồng thời khẳng định sẽ không đầu hàng trước số phận. Mới tháng Hai vừa qua, Cruyff còn nói ông cảm thấy "đang dẫn 2-0" trong trận chiến chống lại căn bệnh quái ác. Huyền thoại 68 tuổi khi đó cũng lạc quan "tin chắc sẽ chiến thắng".
Cruyff ra đi, nhưng tư tưởng bóng đá mà ông để lại là một di sản lớn của thế giới túc cầu. Cruyff không phải là cha đẻ của bóng đá tổng lực - totaalvoetbal, nhưng khi còn thi đấu, ông là người hiện thực hoá những ý tưởng về thứ bóng đá này của người thầy vĩ đại Rinus Michel trên sân bóng.
Khi chuyển sang làm HLV, Cruyff đã nâng tầm totaalvoetbal thành một triết lý, một tư tưởng soi sáng cho bóng đá về sau, với thành công vang dội của những học trò xuất sắc như Frank Rijkaard Pep Guardiola, Luis Enrique.
Cruyff là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử đoạt ba Quả Bóng Vàng.
|
Lionel Messi là một trong những tên tuổi lớn nhất của bóng đá đương đại bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Cruyff. "Cầu mong ông yên nghỉ, Johan Cruyff. Di sản của ông sẽ còn sống mãi", chủ nhân của năm Quả Bóng Vàng viết trên Twitter.
Đội trưởng tuyển Bỉ và CLB Man City, trung vệ Vincent Kompany thì bày tỏ: "Johan Cruyff, một người trung thành tuyệt đối với bóng đá. Tôi không nghĩ có ai đó khác có ảnh hưởng đến bóng đá nhiều như ông. Niềm tin và tầm nhìn của ông ấy đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta. Bóng đá sẽ nhớ ông, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên ông".
Thừa Thiên
- Giáo đường của Cruyff (23/3)
- Đá hỏng 11m vì bắt chước Messi - Suarez (26/2)
- Zico: 'Messi bắt đầu vượt qua đẳng cấp của Pele, Maradona' (22/3)
- Thomas Muller: Nét đẹp của sự vừa đủ (17/3)
- HLV Bruno Garcia: Người hiện thực hoá giấc mơ futsal Việt Nam (19/2)
http://thethao.vnexpress.net/tin-tuc/hau-truong/johan-cruyff-qua-doi-3375594.html
Giáo đường của Cruyff
Trong dòng chảy của lịch sử có nhiều cầu thủ vĩ đại. Nhưng rất ít cá nhân sau đó trở thành HLV vĩ đại, và còn hiếm hoi hơn nữa những người để lại cho hậu thế di sản bất tử như Johan Cruyff.
David Winner, tác giả của nhiều đầu sách bóng đá nổi tiếng và là một người rất uyên thâm về bóng đá Hà Lan, trong một bài viết gần đây đã gọi Cruyff là một vị Chúa trong bóng đá, ý tưởng của ông là kinh thánh, những người tiếp thu và truyền bá ý tưởng ấy là những tông đồ và sân vận động chơi thứ bóng đá "kiểu Cruyff" biến thành những giáo đường.
Những người như Cruyff sinh ra để làm thay đổi thế giới, tạo ra di sản đồ sộ cho hậu thế, đặt ra những bài toán mang tính chất gợi mở để đưa kiến thức của nhân loại lên một tầm cao mới - ở đây là kiến thức về bóng đá.
Không có nhiều nhân vật làm được như thế trong lĩnh vực của họ. Có thể kể ra một vài ví dụ, như bác sỹ về thần kinh và tâm lý Sigmund Freud hay Albert Einstein - người đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của nhân loại về vật lý...
Cruff (phải) xứng đáng được xem là người truyền bá bóng đá đẹp. Ảnh: BR.
|
Cruyff, trong bóng đá, đã vươn lên đến thành tựu tương tự như thế. Ông vĩ đại từ khi là cầu thủ của Ajax Amsterdam, Barcelona và đội tuyển Hà Lan. Khi treo giày, ông đã có vị trí chễm chệ trong ngôi đền thiêng của những danh thủ hay nhất mọi thời đại cùng Pele, Diego Maradona, Ferenc Puskas, Alfredo di Stefano và sau này sẽ có thêm Zinedine Zidane, Lionel Messi... Khi trở thành nhà cầm quân, ông tiếp tục biến Ajax và Barca thành những thế lực, tạo ra thêm nhiều ngôi sao đương đại.
Nhưng điều khiến Cruyff trở nên bất tử không phải là những danh hiệu mà là tư tưởng của ông. Không có tư tưởng ấy, thế giới bóng đá đã không thể chứng kiến một đội tuyển Tây Ban Nha làm minh chủ của bóng đá thế giới suốt hơn nửa thập kỷ từ 2008 đến 2012. Càng không thể có một Barcelona là CLB mạnh nhất từ khi thế kỷ 21 mở ra đến nay. Bayern Munich và đội tuyển Đức của ngày nay, hay AC Milan vĩ đại trong thập niên 1980 cũng có được thành công nhờ đi theo con đường của Cruyff. Những tư tưởng mà ở thời Cruyff được xem là đi trước thời đại, là cấp tiến nay trở thành một chuẩn mực của bóng đá hiện đại. Cách Cruyff giáo dục và phát triển những cầu thủ trẻ nay được nhân rộng trên toàn thế giới.
Dựa trên tư liệu của nhà báo, nhà văn David Winner viết trong các ẩn phẩm báo chí và sách vở, VnExpress gửi đến độc giả một bức tranh toàn mỹ về Cruyff.
Sự nghiệp thi đấu kéo dài 20 năm của Cruyff kết thúc vào năm 1984. Lần cuối ông cầm quân đỉnh cao cũng đã cách đây 20 năm. Vậy mà ròng rã hai thập niên ấy, tên ông vẫn được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Các tờ báo xếp hàng xin ông cho vài dòng, các đài truyền hình chờ đến lượt mình để được nghe ông nói vài câu. Và những HLV hàng đầu như Pep Guardiola thỉnh thoảng lại nhờ ông cho một vài ý kiến. Năm ngoái, ở tuổi 68, ông phát hiện mình bị ung thư phổi. Suốt từ bấy đến giờ Cruyff không xuất hiện trước công chúng nữa. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, tư tưởng của ông vẫn phủ sóng mọi nơi, từ châu Âu đến Nam Mỹ, từ châu Á đến tận châu Đại Dương.
Những người ngưỡng mộ Cruyff không chỉ yêu thích cách ông cũng như đội bóng của ông chơi bóng. Họ thực sự tin là thế giới sẽ tốt hơn nếu triết lý của Cruyff được bảo tồn và phát triển. Với Cruyff, bóng đá trở nên đẹp hơn, vui hơn và đáng xem hơn.
Một lý do khác giúp cho Cruyff được yêu mến vì cuộc đời ông chính là một câu chuyện cổ tích điển hình. Trong kịch bản thường thấy của các câu chuyện cổ tích, thường thì sẽ có một cậu bé xuất thân nghèo khó, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để vươn lên và thực hiện sứ mạng của "người được chọn". Cậu được nhiều người giúp đỡ, cậu chiến đấu với những kẻ thù hùng mạnh, cậu đập tan những giới hạn của bản thân và thời đại, trở thành anh hùng rồi quay về cố hương. Đấy là mô típ kinh điển của hàng triệu câu chuyện cổ tích, tiểu thuyết và phim ảnh, từ Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) bên Mỹ cho đến... Sọ Dừa của Việt Nam.
Cruyff chính là một câu chuyện điển hình như thế.
Cruyff (trái) khi còn khoác áo Ajax.
|
Ông có khởi đầu khiêm tốn. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thủ đô Amsterdam, Cruyff đã vươn lên rất xa cái quá khứ cơ hàn. Ở cấp độ CLB, ông giành hơn 20 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có đến chín chức vô địch Hà Lan. Ở cấp độ đội tuyển, ông chính thức đặt Hà Lan lên bản đồ thế giới. Từ chỗ gần như chưa ai biết trước đó, Cruyff mang Hà Lan vào chung kết World Cup 1974. Còn về cá nhân, ông là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử giành được ba Quả bóng Vàng.
Năm 1978, Cruyff quyết định treo giày ở Barcelona. Ajax mời ông tham gia một trận đấu cuối cùng với Bayern Munich. Bayern thắng trận ấy 8-0, một cầu thủ công kênh Cruyff lên vai sau khi trận đấu kết thúc và ai đó trao cho ông một bó hoa, nhưng tâm trạng của sân bóng hôm ấy giống một đám tang hơn ngày hội. Nghỉ được không bao lâu, Cruyff lại nhớ bóng đá. Ông dấn thân vào một hành trình mới. Từ giải vô địch Bắc Mỹ với Los Angeles Aztecs và Washington Diplomats, ông quay trở lại Tây Ban Nha để khoác áo Levante. Ở đây, ông giải nghệ lần hai và thử sức với kinh doanh.
Nhưng một người có đầu óc lãng mạn và chỉ nghĩ về bóng đá như Cruyff làm sao thạo việc kinh doanh. Kết quả là ông mất sạch gia sản cả đời vì trót đầu tư vào một... trang trại heo. Không còn cách nào khác, ông lại phải xỏ giày vào sân để kiếm sống năm 1981 trong màu áo Ajax. Trận đấu đầu tiên của Cruyff trong lần tái xuất này diễn ra trước Haarlem. Sân De Meer Stadion không còn chỗ trống, nhưng người ta bảo Cruyff đã quá già, họ sợ ma thuật từ đôi chân của ông chẳng còn nữa.
Nhưng mọi người chẳng cần đợi lâu. Mới đầu hiệp một, Cruyff đã thoát qua hai quả xoạc bóng trong gang tấc để xuất hiện ở rìa vòng cấm. Khẽ quan sát, Cruyff lập tức tung ra một cú bấm bóng mà không cần sửa bộ lấy đà. Thủ môn đối phương chỉ còn cách đứng nhìn quả bóng từ chân Cruyff vòng ra sau lưng mình vào lưới. Sau hôm ấy, Cruyff tiếp tục chơi bóng thêm ba năm đỉnh cao nữa, trở thành đàn anh của những Marco van Basten, Ronald Koeman và Dennis Bergkamp sau này. Đến khi ngồi vào ghế HLV, Cruyff tạo ra hai đế chế bất tử của bóng đá: một ở Ajax, một ở Barcelona.
Cruyff được xem là nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thế giới bóng đá hiện tại.
|
Vic Buckingham, HLV đầu tiên của Cruyff ở Ajax, gọi cậu học trò là "Món quà của Chúa dành cho bóng đá". Pep Guardiola nói: "Cruyff đã xây dựng giáo đường, nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ". Cây bút chuyên về bóng đá Hà Lan Arthur van den Boogaard thì khẳng định Cruyff là người đã khai phá ra trường phái... trừu tượng trong bóng đá.
Van den Boogaard nói thế có lẽ vì Cruyff có những phát ngôn bất hủ, thoạt nghe thì bình thường, nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy ẩn tàng đạo lý. Ví dụ:
"Nếu không thể thắng, vậy thì phải đá để không thua đã"
"Mọi bất lợi đều có ưu thế riêng của nó"
"Nếu không có mặt ở đó, hoặc là bạn đến quá trễ, hay là đến quá sớm"
"Nếu muốn người khác hiểu, phải học cách giải thích tốt hơn"
"Bóng đá là một môn chơi đơn giản, nhưng đá đơn giản thì không phải ai cũng làm được".
"Bóng đá là trò chơi của những lỗi lầm, ai ít lỗi hơn thì thắng"
Cruyff không phải là một người sùng đạo. Khi còn ở Tây Ban Nha, ông bảo mình chẳng hiểu nổi vì sao các cầu thủ đều làm dấu thánh khi vào sân. "Nếu Chúa nghe lời thỉnh cầu của tất cả, vậy thì mọi trận đấu sẽ kết thúc với kết quả hòa," ông nói.
Hoài Thương
http://thethao.vnexpress.net/tin-tuc/hau-truong/giao-duong-cua-cruyff-3374166.html
Chân dung về 'Thánh' Cruff
Có một bộ phim tài liệu về Cruyff được quay trong thập niên 1950. Trong đoạn phim trắng đen ấy, người ta thấy một cậu bé gầy gò đang chơi bóng trên đường phố ngoại ô Amsterdam. Nom cậu chỉ to ngang quả bóng, thoạt đầu cậu tự tâng bóng một mình, lúc sau xuất hiện thêm bạn chơi cùng, cậu "xâu kim" người bạn này và chạy về hướng camera. Cruyff đã xây dựng tình yêu với bóng đá trên đường phố như thế.
"Lúc nào bọn tôi cũng thấy Johan cạnh quả bóng," một người bạn thuở nhỏ của Cruyff nhớ lại. "Nếu không thì cũng thấy quả bóng cạnh Johan".
Người quay đoạn phim ấy chính là Manus Cruyff, bố của Johan. Ông có một tiệm bán hoa quả nhỏ để nuôi sống gia đình. Nhưng chỉ vài năm sau, ông đột ngột qua đời vì trụy tim. Mẹ của Cruyff vì sinh kế về xin vào sân vận động của Ajax làm lao công. Johan thường xuyên theo mẹ đến đó, lâu dần cậu bé quen biết mọi người trong CLB. Sáu tháng trước sinh nhật thứ 17, Cruyff được HLV Vic Buckingham cho đá trận đầu tiên trong màu áo Ajax.
Cruyff (giữa) là người trực tiếp làm thay đổi vận mệnh của Ajax, đưa CLB này lên hàng ngũ tinh tú của bóng đá Hà Lan và châu Âu.
|
Ngày ấy, Ajax đã là một CLB mạnh ở Hà Lan rồi nhưng bóng đá Hà Lan khi ấy chỉ thuộc dạng trung bình trên thế giới. Vậy mà trong một thập kỷ, tất cả phải nghiêng mình ngưỡng mộ từ Ajax cho đến đội tuyển Hà Lan. Cruyff chính là người tạo ra bước thay đổi thần kỳ ấy. Với HLV Rinus Michels huyền thoại bên ngoài sân và tài nghệ của Cruyff trên sân, Ajax sáng tạo ra thứ bóng đá tân kỳ mang tên totaalvoetbal (chúng ta vẫn quen dịch là "bóng đá tổng lực"). Và từ ấy, totaalvoetbal trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều chiến lược gia sau này.
Ajax vô địch Cúp C1 liên tiếp từ 1971 đến 1973. Tại World Cup 1974, đội tuyển Hà Lan, hãy còn vô danh trước đó, đi một lèo vào trận chung kết và chỉ thua đội tuyển Tây Đức. Lẽ ra, họ đã có thể vô địch nếu không quá ngạo mạn. Ngay phút thứ 2, khi người Đức còn chưa chạm vào bóng, Hà Lan đã mở tỷ số từ chấm phạt đền, sau một pha phối hợp gồm 17 đường chuyền và một cú tăng tốc xộc thẳng vào vòng cấm đúng kiểu Cruyff.
Suốt 20 phút sau đó, thay vì tìm bàn thứ hai, Hà Lan lại giữ bóng, phối hợp như muốn trêu ngươi đối thủ. Điều đó khiến người Đức nổi giận. Và khi đã chọc giận người Đức, Hà Lan đã đánh thức một con mãnh thú. Đức ghi liền hai bàn và dù Hà Lan vùng vẫy thế nào, họ cũng không thể cứu chuộc sai lầm.
Để thua trận chung kết World Cup năm ấy cũng là nỗi thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của Cruyff, dù ông đã đúng khi tuyên bố: "Đức vô địch, nhưng Hà Lan mới là đội được yêu mến nhất". Câu nói này, dù mang một chút hơi hướm A.Q, vài chục năm sau đã được lịch sử công nhận là đúng. Bởi vì người ta vẫn nhắc về Hà Lan năm ấy với tất cả sự ngưỡng mộ lẫn tiếc nuối. "Có huy chương nào đẹp hơn việc ta trung thành với phong cách thi đấu của mình đâu", Cruyff tiếp tục nói thế để an ủi các hậu bối sau khi Hà Lan vượt qua Argentina, nhưng để thua Brazil sau loạt sút luân lưu ở World Cup 1998.
Thất bại dưới tay người Đức ở trận chung kết World Cup 1974, nhưng Cruyff vẫn xem giải đấu này là một thành công vang dội của Hà Lan, vì sự ngưỡng mộ mà công chúng dành cho đội bóng của ông.
|
Cruyff có niềm tin bất diệt vào bóng đá đẹp. Điều này giúp ông có một chỗ đứng riêng biệt, chính xác hơn là cao hơn những HLV vĩ đại khác, những người chọn con đường thực dụng để thành công. Trong thập niên 1960, khi thứ bóng đá khoa học mang tên catenaccio của người Italy trở thành mốt, Cruyff và các cộng sự của mình vẫn trung thành đi theo con đường khó khăn hơn.
Ngày nay, Jose Mourinho được xem là đỉnh cao của trường phái thực dụng, cho dù ông "tốt nghiệp" trong môi trường của Cruyff, tức Barcelona những năm 1990. Mourinho có trí thông minh tuyệt vời và ông dùng trí thông minh ấy để vạch ra những điểm yếu của "bóng đá kiểu Cruyff". Nhưng dù có thêm bao nhiêu Mourinho xuất hiện đi nữa, Cruyff cũng chưa bao giờ ngả lòng. Với ông, chiến thắng và đá đẹp phải luôn song hành. Ông nói bóng đá đầu tiên và trên hết phải xuất phát từ niềm vui.
"Các CĐV bỏ tiền bạc và thời gian đến sân, sao chúng ta lại tra tấn họ? Khán giả nuôi sống bóng đá, sao ta phụ lòng họ?", Cruyff nói.
Với những khán giả trẻ chưa được xem Cruyff thi đấu, đoạn video mang tên "Johan Cruijff Is Art" trên Youtube thật sự là một tài sản quý báu. Bạn hãy lên đấy xem để thấy Cruyff thật sự đã biến bóng đá lên thành một nghệ thuật như thế nào. Cây bút người Anh David Miller gọi Cruyff là một "Pythagoras của bóng đá", cây bút Hà Lan Nico Scheepmaker thì bảo Cruyff "thuận cả bốn chân". Nhà biên đạo múa lừng danh người Nga Rudi Van Dantzig bảo Cruyff khiêu vũ còn đẹp hơn cả vũ công huyền thoại Rudolf Nureyev.
Một trong những tuyệt chiêu của Cruyff là đột ngột dừng lại khi đang đi bóng rồi lại đột ngột tăng tốc. Ông cứ thế mà diễn đi diễn lại suốt sự nghiệp, vậy mà rất ít hậu vệ có thể ngăn cản. Một kỹ thuật khác mang đặc sản của Cruyff là động tác giả. Ông sẽ giả vờ tạt bóng hoặc sút rồi bẻ ngoặt bóng sang hướng khác để thoát truy cản. Động tác này hàng triệu cầu thủ bóng đá, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, đều từng làm, nhưng vào chân Cruyff lại có nét quyến rũ lạ thường. Như Kiều Phong chỉ với một pho Giáng Long Thập Bát Chưởng mà tung hoành giang hồ không có đối thủ.
Cruyff không thật sự thích đánh đầu, dù ông vẫn thực hiện những cú đánh đầu rất chuẩn khi cần thiết. Ông thích dùng chân để xử lý bóng và dùng đầu để suy nghĩ hơn. Sau này, có một cầu thủ cũng chia sẻ quan điểm này với Cruyff là Andrea Pirlo. Thiên tài ngái ngủ người Italy nói: "Tôi dùng đầu để đá bóng, chân chỉ là công cụ".
Các cule lớn tuổi của Barca sẽ không bao giờ quên được pha ghi bàn không tưởng của Cruyff vào lưới Atletico Madrid. Nhận một quả tạt hơi lố từ cánh phải, Cruyff nhảy lên như một vận động viên thể dục dụng cụ, nhưng ông không lao người đánh đầu mà dùng má ngoài chân phải xỉa bóng vào góc hẹp.
Càng về giai đoạn sau của sự nghiệp cầu thủ, Cruyff càng dành nhiều thời gian hơn để hò hét với các đồng đội, chỉ bảo họ phải di chuyển vào chỗ nào, phải lập tức lui về phòng ngự khi mất bóng ra sao. Tức là Cruyff không chỉ thi đấu đơn thuần, ông còn muốn kiểm soát cục diện của trận đấu. Trông ông như một cao thủ đánh cờ, xử lý một pha bóng, nhưng trong đầu đã vạch ra ba, bốn tình huống tiếp theo. "Đừng chạy nhiều quá, bóng đá không phải là trò chơi cơ bắp," Cruyff vẫn thường nói.
Trên thực tế, Cruyff rất ít khi chạy nhanh, nhưng ông chạy bền, chạy liên tục. Khi cả một đội hình đều chạy, cự ly đội hình đạt đến trạng thái lý tưởng, một đội bóng luôn có đông quân số hơn đối thủ trong mọi tình huống. Vậy có phải Cruyff là cha đẻ của totaalvoetbal? Thật ra đấy là phát kiến của Rinus Michels, người lên thay Buckingham làm HLV Ajax hồi 1965. Chính Michels là người đã truyền động lực và sự chuyên nghiệp đến một đội bóng mà trước đó vẫn chỉ chơi như những kẻ nghiệp dư. Và cũng chính Michels là người đã đề ra phát kiến chiến thuật được xem là vĩ đại nhất cho đến nay.
Rinus Michels (phải) khai sinh ra bóng đá tổng lực, nhưng Cruyff (trái) mới là người nâng tầm lý thuyết của ông thầy, vị tiền bối thành một triết lý, một nghệ thuật có giá trị cho đến tận bây giờ.
|
Nhưng nếu không có Cruyff, phát kiến ấy mãi mãi chỉ là lý thuyết trên giấy. Không có Cruyff tiếp tục bồi đắp và phát triển, totaalvoetbal cũng sẽ bị khai tử vào đầu thập niên 1980, nơi những cầu thủ của thế hệ "tổng lực" đều đã giải nghệ và thứ bóng đá phòng ngự đổ bể tông đang thống trị thế giới, kể cả ở Hà Lan.
Cruyff không chấp nhận nổi catenaccio và lao tâm khổ từ tìm cách phá vỡ nó. Ông mày mò tìm cách nâng totaalvoetbal lên một tầm cao mới. Ông tái cơ cấu lại hệ thống đào tạo trẻ ở Ajax, giáo dục họ cách chơi bóng kiểu totaalvoetbal từ khi họ còn bé. Sau này, ông làm điều tương tự với một quy mô lớn hơn ở Barcelona khi tái cơ cấu lại La Masia. Và vì bóng đá là trò chơi của trí óc chứ không phải cơ bắp, ta dễ dàng nhận ra những thành viên của Ajax và Barca không nhất thiết phải cao to. Nhưng họ chơi rất đồng đội và cực kỳ hiểu nhau. Người ta nói cứ bỏ 100 đứa trẻ vào công viên, Cruyff sẽ chỉ ra đâu là đứa trẻ do Barca đào tạo. Những đứa ấy... chạy chậm rì.
<< Quay về / Xem tiếp >>
Hoài Thương
- Chủ tịch Barca: 'Messi là Doraemon, tôi là Nobita' (3/3)
- HLV Hữu Thắng: ‘Tôi muốn tuyển Việt Nam đá theo phong cách Pep Guardiola' (11/3)
- CĐV Arsenal gọi Giroud là ‘đồ con lừa’ (25/2)
- Van Gaal mắng Mata ngu ngốc (7/3)
- HLV Hữu Thắng: 'Tuyển Việt Nam sẽ chơi bóng ngắn' (3/3)
http://thethao.vnexpress.net/tin-tuc/hau-truong/giao-duong-cua-cruyff-3374166-p2.html
Ông từng là tiền đạo của Ajax và Barcelona và sau này cũng từng huấn luyện cả hai đội.
Ông bị chẩn đoán ung thư phổi tháng 10 năm 2015.
Ông nổi tiếng nhất vì là đại diện cho cuộc cách mạng bóng đá thập niên 1970, có tên Bóng đá tổng lực.
Các độc giả của BBC bày tỏ cảm xúc trên Facebook của BBC Tiếng Việt:
Độc giả Duy Long nhận xét: "Johan Cruyff chính là người đầu tiên gây dựng nên một thứ tôn giáo hoàn toàn riêng biệt dành cho chủ nghĩa bóng đá tấn công của mình."
Độc giả Nguyễn Tâm Nhâm nói: "Một cầu thủ huyền thoại, một người mà tôi không quên."
Ba lần ông đã được giải Quả bóng Vàng, và khi còn thi đấu, ông cùng với Ajax ba lần liên tục vô địch châu Âu.
Mặc dù Hà Lan của ông bị thua Tây Đức ở chung kết World Cup 1974, đội bóng luôn được xem là một trong những đội hay nhất lịch sử.
Khi trở thành huấn luyện viên, ông giúp Barcelona lần đầu tiên vô địch châu Âu năm 1992.
Đội cũng bốn lần liên tục vô địch giải La Liga của Tây Ban Nha từ 1990-91 đến 1993-94.
Vĩnh biệt huyền thoại Johan Cruyff
- 1 giờ trước
Huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff đã qua đời “trong yên bình” ở Barcelona, theo thông báo của trang web của ông.
Ông ra đi ngày 24/3 sau thời gian dài chống chọi với ung thư.Ông từng là tiền đạo của Ajax và Barcelona và sau này cũng từng huấn luyện cả hai đội.
Ông bị chẩn đoán ung thư phổi tháng 10 năm 2015.
Ông nổi tiếng nhất vì là đại diện cho cuộc cách mạng bóng đá thập niên 1970, có tên Bóng đá tổng lực.
Các độc giả của BBC bày tỏ cảm xúc trên Facebook của BBC Tiếng Việt:
Độc giả Duy Long nhận xét: "Johan Cruyff chính là người đầu tiên gây dựng nên một thứ tôn giáo hoàn toàn riêng biệt dành cho chủ nghĩa bóng đá tấn công của mình."
Độc giả Nguyễn Tâm Nhâm nói: "Một cầu thủ huyền thoại, một người mà tôi không quên."
Ba lần ông đã được giải Quả bóng Vàng, và khi còn thi đấu, ông cùng với Ajax ba lần liên tục vô địch châu Âu.
Mặc dù Hà Lan của ông bị thua Tây Đức ở chung kết World Cup 1974, đội bóng luôn được xem là một trong những đội hay nhất lịch sử.
Khi trở thành huấn luyện viên, ông giúp Barcelona lần đầu tiên vô địch châu Âu năm 1992.
Đội cũng bốn lần liên tục vô địch giải La Liga của Tây Ban Nha từ 1990-91 đến 1993-94.
Tin liên quan
http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/03/160324_johan_cruyff
Geen opmerkingen:
Een reactie posten