vrijdag 25 maart 2016

Châu Âu : Cuộc chiến chống khủng bố không mặt trận + Daech tấn công... loạn xạ, giết người... bừa bãi


Châu Âu : Cuộc chiến chống khủng bố không mặt trận


mediaBruxelles bàng hoàng sau loạt khủng bố ngày 22/03/2016.REUTERS/Christian Hartmann
Không chỉ nước Bỉ mà cả châu Âu vẫn chưa hết sốc với loạt khủng bố Bruxelles. Thời sự này vẫn chiếm dung lượng lớn của các báo Pháp. Vụ tấn công man rợ nhắm vào thủ đô của châu Âu một lần nữa cho thấy châu Âu vẫn luôn bị động trong cuộc chiến chống khủng bố. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra sau vụ khủng bố Bruxelles. Câu hỏi chung các báo ra hôm nay là làm thế nào để đối mặt với những kẻ khủng bố ?
Mối lo ngại được phản ánh qua hàng tựa lớn trang nhất báo le Monde : « Châu Âu, trước thách thức khủng bố ». Xã luận của tờ báo  nhận định : « Sau Madrid, Luân Đôn, sau Paris 2 lần bị tấn công nặng nề trong năm 2015, giờ đây là Bruxelles. Chúng ta không thể quên rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ còn tồi tại dài…. Trận chiến chống thánh chiến sẽ còn kéo dài ». Theo Le Monde, đó là một thử thách lớn cho cả châu Âu đang bị lôi vào một cuộc chiến tranh mới ngay trên lãnh thổ của mình.
Phản ứng sau vụ khủng bố Bruxelles, thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhắc lại « chúng ta đang trong chiến tranh ». Xã luận nhật báo Libération đặt câu hỏi : « Chiến tranh, nhưng đâu là mặt trận ? » đồng thời tờ báo cũng dẫn lại phát biểu của thủ tướng Pháp : « Chúng ta đang hứng chịu các hành động chiến tranh » để cho thấy châu Âu luôn bị động trong cuộc chiến này.
Libération nhận định châu Âu đang phải đối mặt với một « cuộc chiến kỳ quặc », ở đó quân đội bị lùi lại tuyến sau đảm trách việc bảo vệ và cảnh giới. « Trong cuộc chiến tranh mà chúng ta phải đương đầu với các chiến binh trong bóng tối, không quân phục, không luật lệ, thì lực lượng cảnh sát và tình báo phải được đưa lên tuyến đầu. Đó là một cuộc chiến đầy bất trắc và diễn ra chủ yếu trong âm thầm để truy lùng những kẻ khủng bố nằm ngay trong dân ».
Tờ báo khẳng định chỉ có tăng cường hỗ trợ lực lượng cảnh sát và tình báo về mọi phương diện thì mới có thể ngăn chặn được các đe dọa khủng bố.
Châu Âu có thể tự bảo vệ ?
Le Figaro ghi nhận, sau vụ khủng bố Bruxelles, « một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu lại phải đối mặt với sự yếu kém của mình ». Thật lo ngại khi một liên minh dựa trên 28 thủ đô với lợi ích mâu thuẫn nhau, không được chuẩn bị tốt như điển hình là vương quốc Bỉ có một thủ đô nhưng có bốn chính phủ điều hành cùng 6 lực lượng cảnh sát khác nhau.
« Trên quy mô một lục địa không biên giới, mọi kẽ hở của một nước đều có tác động đến tất cả các nước khác. »
Le Figaro nhận thấy, châu Âu trải qua 7 năm kinh tế tiều tụy, nay đang lao đao chống đỡ cuộc khủng hoảng di dân. Từ hàng tháng qua, châu Âu đã cố gắng tập trung sức mạnh tập thể, những nỗ lực đó dường như không mang lại một giải pháp hiệu quả nào rõ rệt. Tờ báo liệt kê lại một loạt biên pháp gần đây của Liên Hiệp Châu Âu, dù đã có phối hợp với nhau nhưng để đáp trả khủng bố, châu Âu không được trang bị tốt, Le Figaro nhận định.
Tăng cường luật pháp, tăng nặng hình phạt
Tờ báo đặt câu hỏi, người ta còn chờ đợi gì để tái lập hình phạt chung thân thực sự đối với những kẻ khủng bố ? Trong luật hiện hành của châu Âu, án tù chung thân chỉ áp dụng cho những kẻ phạm tội sát hại trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi hay nhân viên công lực (cảnh sát, hiến binh). Việc mở rộng hình phạt chung thân cho tội khủng bố là hoàn toàn có lý.
Nhưng có điều án chung thân ở nhiều nước châu Âu cũng chỉ giới hạn ở khoảng trên 20 năm, phạt tù chung thân vĩnh viễn trên thực tế không tồn tại. Le Figaro đòi hỏi « phải có một bộ luật bất di bất dịch chống lại những kẻ hèn hạ muốn tiêu diệt nền văn minh của chúng ta ».
Đầu tháng tháng 3/2016, các nghị sĩ đã bỏ phiếu điều chỉnh luật theo chiều hướng đó nhưng điều quan trọng là phải thông qua chính thức và đưa luật vào áp dụng, phải thiết lập hình phạt chung thân thực sự cho những kẻ khủng bố.
Chống khủng bố, cần phải chuyển từ lời nói qua hành động. Đó là đòi hỏi của nhật báo le Parisien. Tờ báo cũng đặt ra một câu hỏi : « Có thể thắng trong cuộc chiến này ?» và trả lời : Người ta có thể hoài nghi. Qua những phát hiện đáng lo ngại của cuộc điều tra vụ tấn công ở Bỉ thì thấy, danh tính của ba kẻ khủng bố tại phi trường Zaventem và tàu điện ngầm ở trung tâm Bruxelles đều có mối liên hệ với những kẻ khủng bố tại Paris hôm 13/11/2015. Bốn tháng sau loạt khủng bố Paris, người ta phát hiện thấy những kẻ khủng bố Paris và Bruxelles đều cùng chung một nhóm.
Trong thời gian đó, những thủ phạm không chỉ thoát được lưới của cảnh sát mà chúng còn có thể chuẩn bị một cuộc tấn công mới với quy mô lớn nhắm vào giữa thủ đô của châu Âu.
Tờ báo thốt lên rằng, vậy thì « làm sao có thể tin được những lời hứa hẹn đao to búa lớn của các nhà chính trị sau vụ khủng bố 13/11 rằng lần này mọi việc sẽ thay đổi, rằng cảnh sát và các cơ quan an ninh châu Âu sẽ hợp tác… » Tờ báo kết luận : Rốt cục chẳng có gì thay đổi, « châu Âu vẫn không rút ra được bài học từ các cuộc tấn công khủng bố bố hàng loạt ».
Giá trị cả châu Âu bị tấn công
Vẫn trong dòng thời sự của vụ khủng bố Bruxelles, nhật báo la Croix chạy tựa lớn trang nhất « Kháng cự » trên bức ảnh khổ lớn một nam thiếu niên trên vai khoác lá cờ Bỉ với gương mặt ưu tư suy nghĩ xa xôi.
Sau cơn sốc khủng bố là sự kháng cự lại với hành động man rợ. La Croix dành nhiều trang báo để các nhân vật có tiếng trong giới văn hóa, chính trị của Bỉ giải thích đất nước họ đã phản ứng thế nào từ những giá trị chung của châu Âu. Mở rộng thêm xã luận của La Croix luận bàn về giá trị của châu Âu. La Croix ghi nhận, từ hai ngày qua từ « giá trị » xuất hiện trở lại thường xuyên ở cửa miệng, trên ngòi bút của các quan chức chính trị châu Âu. Với bà Angela Merkel các thủ phạm của 2 vụ khủng bố Bruxelles là nhưng « kẻ thù của mọi giá trị châu Âu ». Còn tổng thống Pháp thì ghi những dòng lưu bút chia buồn tại sứ quan Bỉ : « Những giá trị, những nguyên tắc, nền dân chủ của cả châu Âu đang bị tấn công ».
La Croix đặt câu hỏi những giá trị châu Âu được ghi trong Hiệp ước Lisboa này giờ đây còn gì, khi mà châu Âu vừa ký một thỏa thỏa thuận thảm hại với Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy tất cả những con người chạy trốn chiến tranh ra khỏi cửa ngõ châu Âu. Còn đâu là giá trị tự do ? Châu Âu đang trong tình trạng chới với cùng những giá trị của mình vì thiếu sự dẫn dắt của một chính sách chung, một sự đoàn kết thực sự.
Những mảnh ghép trong bức tranh ổ thánh chiến tại Bỉ
Trở lại với nhật báo le Monde, vẫn là trong chủ đề vụ tấn công khủng bố Bruxells, tờ báo có bài : « Bỉ, điểm trung chuyển của thánh chiến ». Hồi Giáo cực đoan, quản lý chính quyền không hiệu quả, nghèo đói, đó chính là môi trường thuận lợi cho khủng bố Hồi giáo nảy mầm giữa lòng vương quốc Bỉ.
Le Monde cố gắng phác họa một số chi tiết trong mảng ghép bức tranh toàn cảnh nhằm giúp độc giả hiểu được tại sao Bỉ giờ đây lại trở thành một trong những ổ khủng bố của châu Âu.
Chi tiết đầu tiên của mảng ghép đầu tiên là ngôi đền thờ Hồi giáo xây dựng giữa thủ đô Bruxelle từ những năm 1960 bằng tiền tài trợ của Ả Rập Xê Út. Công trình này đánh dấu sự ảnh hưởng của Hồi giáo bảo thủ cực đoan, một mảnh đất màu mỡ để phát triển các tư tưởng thánh chiến sau đó lan tỏa ra các vùng trong Vương Quốc Bỉ.
Mảng ghép thứ 2 : Bỉ là nơi có tất cả những lợi thế cho một tổ chức khủng bố tồn tại hoạt động. Về địa lý, Bỉ nằm ở trung tâm không gian đi lại tự do Shenghen. Dù có kiểm soát biên giới chặt thế nào thì người ta vẫn có thể dễ dàng di chuyển qua những nước như Pháp, Hà lan, Đức để rồi từ đó tiếp tục tới Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria.
Bỉ là điểm trung chuyển của buôn lậu vũ khí. Cuối những năm 1990 sau cuộc chiến tranh trong khu vực Balkan và Kapkaz, các tổ chức mafia Albani, Tchetchenia mọc lên như nấm ở nhiều thành phố của Bỉ và nhanh chóng tạo thành một mạng lưới cung cấp vũ khí lớn nhất châu Âu. Các tổ chức thánh chiến đã nhanh chóng tận dụng hạ tầng cơ sở của băng đảng tội phạm đó.
Mảng ghép thứ 3 có thể gọi đó là « đặc thù chính trị » của Bỉ. Vương Quốc này có một nền hành chính và lực lượng cảnh sát phức tạp cồng kềnh không đâu có bởi sự đa dạng ngôn ngữ và phân khu vùng quản lý. Đơn cử như Bruxelles bao gồm 19 khu vực hành chính, mỗi khu vực có quyền quản một lực lượng cảnh sát riêng. Thủ đô Bỉ còn được chia thành 6 vùng của cảnh sát liên bang riêng biệt.
Chính sự quản trị phức tạp đó khiến cho các đơn vị cảnh sát hoạt động không đồng bộ với nhau và tất nhiên là hiệu quả cũng sẽ yếu kém. Cuối cùng còn phải kể đến chính sách hội nhập của vương quốc. Một nửa các gia đình nhập cư gốc Maroc ở Bỉ là những người nghèo. Một thanh niên có gốc gác Bắc Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ ít có cơ hội tìm được việc làm hơn những người có gốc gác khác. Sự kỳ thị đối xử cộng với tình trạng nghèo khó là những yếu tố thuận lợi để tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khai thác lối kéo các chiến binh thánh chiến.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160324-chau-au-cuoc-chien-chong-khung-bo-khong-mat-tran


Cảnh sát Bỉ xác định được nghi phạm khủng bố Bruxelles


mediaBa nghi phạm được camera an ninh chụp sáng ngày 22/03/2016 tại sân bay quốc tế Zaventem, Bruxelles, Bỉ.AFP PHOTO / BELGIAN FEDERAL POLICE
Tư pháp Bỉ ngày 23/03/2016, thông báo đã xác định được danh tính ba nghi phạm của hai vụ đánh bom tự sát tại sân bay Bruxelles-Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm ở trung tâm Bruxelles làm hơn ba chục người chết và hàng trăm người bị thương sáng thứ Ba ngày 22/03.
Ông chưởng lý Bỉ, Frédéric Van Leeuw cho biết đã xác định được hai nghi phạm cho nổ bom tại phi trường Zaventem và tàu điện ngầm Maelbeek gồm hai anh em Khalid và Brahim El Bakraoui, sống tại Bruxelles và Najim Laachraoui. Brahim đã đánh bom ở sân bay và Khalid hành động trong tàu điện ngầm.
Trước đó, cảnh sát Bỉ chỉ nắm được hai anh em nhà Bakraoui từng tham gia vào các hoạt động băng nhóm tội phạm lớn, không có dấu hiệu liên quan đến hoạt động khủng bố.
 Khalid Bakraoui đã lấy tên giả để thuê căn hộ tại Forest khu ngoại ô Bruxelles, nơi bị cảnh sát đột kích hôm 15/03 vừa qua. Ba ngày sau đó, cảnh sát đã bắt được Salah Abdeslam, nghi phạm trong toán khủng bố Paris hôm 13/11/2015.
Tại sân bay Zaventem, hai kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ bom, nghi phạm thứ 3 đã bỏ trốn.  Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Van Leeuw giới thiệu một ảnh chụp của một camera tại sân bay cho thấy có ba nghi phạm, trong đó hai người đàn ông mặc đồ đen, đẩy xe chở đồ, đi giữa là Ibrahim El Brakraoui, sinh năm 1986, nghi phạm đi bên cạnh được xác định là Najim Laachraoui.
Cả hai đều mang găng một bên tay, được cho để dấu kíp nổ. Các nhà điều tra khẳng định hai nghi phạm này đã kích nổ hai khố thuốc nổ để trong vali.
Nghi phạm thứ ba, mặc đồ sáng màu, đội mũ và đeo kính, cũng đẩy một xe chở đồ. Hiện đối tượng này được cho là đã bỏ lại vali thuốc nổ ở sân bay và chưa được xác định được danh tính. Nghi phạm đang bị truy lùng gắt gao, ông chưởng lý cho biết.
Tại hiện trường ở sân bay quốc tế Zaventem, cảnh sát đã thu được một quả bom thứ ba chưa kích nổ. Các chi tiết điều tra cho rằng có thể nghi can thứ ba nói trên đã bỏ trốn.
Chưa đầy một giờ sau đó, bến xe điện ngầm Maelbeek, trung tâm Bruxelles, cũng đã bị nổ bom, làm khoảng 20 người thiệt mạng. Các nhà điều tra đã tìm thấy tại hiện trường vụ đánh bom dấu vân tay của Khalid Bakraoui, em của Ibrahim Bakraoui, sinh tại Bruxelles ngày 12/01/1989.
Theo thống kê chưa đầy đủ, do bộ trưởng Y Tế Bỉ Maggi De Block thông báo, trong loạt vụ tấn công khủng bố vào nhà ga sân bay và tàu điện ngầm ngày 22/03 đã có ít nhất 31 người chết và hơn 200 người bị thương.
Trưa hôm nay, 23/03, cả nước Bỉ đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân khủng bố.
Chiều hôm qua, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech - đã tự nhận là tác giả loạt khủng bố tại Bruxelles.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160323-canh-sat-bi-xac-dinh-duoc-nghi-pham-khung-bo-bruxelles

Daech tấn công "tám phương bốn hướng"

mediaQuảng trường La Bourse, Bruxelles: Người dân đặt nến tưởng niệm các nạn nhân sau loạt khủng bốngày 23/03/2016.REUTERS/Francois Lenoir
Lại thêm một lần nữa châu Âu và thế giới rúng động trước loạt đánh bom khủng bố diễn ra ngày 22/03/2016 tại sân bay quốc tế và tại trạm tàu điện ngầm của Bruxelles, Bỉ. Các báo Pháp ra ngày 23/03 dành khá nhiều giấy mực về đề tài liên quan đến khủng bố. Libération có bài viết với tựa : « Những vụ tấn công bốn phương tám hướng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo »
Hình ảnh minh họa cho bài viết khiến ai cũng phải xót xa : một con phố tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) xơ xác sau vụ tấn công ngày 19/03/2016, với những người bị thương đầy máu me vẫn đang nằm ngổn ngang trên hè phố và chờ được hỗ trợ y tế.
Bài viết đề cập đến việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, sau khi gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại ở Syria và Irak do bị liên minh quốc tế tấn công, đã tiến hành liên tiếp các vụ đánh bom khủng bố hoặc tấn công tại nhiều nước trên thế giới.
Tác giả bài viết tổng kết sơ qua các vụ tấn công, số người chết hoặc bị thương do khủng bố từ ba năm trở lại đây trên toàn thế giới. Những con số khiến nhiều người phải bàng hoàng : năm 2014 với gần 33.000 người chết, tức là tăng gần gấp đôi năm trước đó ; năm 2015 với những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris ; và mới đầu năm 2016 cũng đã có nhiều thiệt hại về người và của.
Tác giả lật ngược dòng thời gian với các vụ tấn công mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận trách nhiệm. Ngay hôm qua, tại Bruxelles là vụ tấn công kép : một vụ tại sân bay quốc tế Zaventem và một vụ tại ga điện ngầm Maalbeek. Vào thứ Hai ngày 21/03/2016 là vụ tấn công phái đoàn quân sự của Liên Hiệp Châu Âu tại Bamako (Mali). Tuần trước, thứ Bảy ngày 19/03/2016 là vụ tấn công tự sát trên con phố buôn bán sầm uất đông người đi bộ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Xa hơn, vào ngày 13/03/2016 là vụ xả súng của ba người đàn ông trên bãi biển Grand-Bassam tại Côte-d’Ivoire (Bờ Biển Ngà). Đó là chưa kể đến các vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại Ai Cập, Indonesia và Tunisia.
Tác giả bài viết nhận định : « Nếu các hình thức tiến hành có khác nhau thì những cuộc tấn công này đều có điểm chung, đó là đều do Al-Qaeda hoặc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thực hiện ». Chính sách chung của những tổ chức khủng bố này là tấn công bất kể ở nơi nào, từ châu Âu tới châu Á hay ở Trung Đông, với các kỹ thuật khá đa dạng : đặt bom tự chế trong máy bay của Nga cất cánh từ Ai Cập, hay gửi các nhóm thành phần Hồi Giáo cực đoan để xả súng AK trước khi tiến hành các vụ nổ bom tự sát tại trung tâm thủ đô một số nước châu Âu.
Bên cạnh tấm bản đồ các vùng đất mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã và đang có mặt, bài báo nhận định rằng các vùng đất do các nhóm Hồi Giáo cực đoan chiếm đóng cũng đang dần bị thu hẹp. Lực lượng này cũng ngày càng suy yếu về khả năng quân sự, cũng như ngân sách tài chính. Tuy nhiên, các nhóm này vẫn không ngừng tiến hành các cuộc tấn công tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Châu Âu tiếp tục oằn mình gánh bom
Trang nhất của các báo Pháp đều bao trùm một màu sắc tang thương sau vụ đánh bom khủng bố ngày 22/03 tại Bruxelles, Bỉ, với ít nhất 30 người chết và hơn 200 người bị thương.
Báo Le Monde để độc giả chứng kiến cảnh tan hoang của sân bay quốc tế Bruxelles-Zaventem sau vụ đánh bom và ngay phía dưới là hình ảnh minh họa một người dân Pháp và một người Bỉ đang khoác vai động viên lẫn nhau sau sự kiện khủng khiếp 13/11 tại Paris và 22/03 tại Bruxelles.
Báo Les Echos chọn đăng trên trang nhất hình ảnh người dân Bỉ nhốn nháo và hoảng loạn trong bến tàu điện ngầm Maalbeek với dòng tựa « Châu Âu bị tấn công ». Còn báo Le Figaro thì chọn đăng tấm ảnh bên ngoài của sân bay Bruxelles vẫn đang bị những cột khói đen khổng lồ bao trùm và lẫn trong đó là một người bị thương nặng đang được những người dân khác hỗ trợ, và chạy tựa « Trung tâm của châu Âu bị đánh bom ».
Báo La Croix thì gói gọn bài viết với tựa « Cú sốc », cùng hình ảnh những người dân sau khi được sơ tán khỏi khu vực bị đánh bom ở sân bay, đôi mắt vẫn nhắm nghiền, bàng hoàng tột độ.
Đây chắc hẳn không chỉ là cú sốc của riêng người dân Bỉ mà là của cả châu Âu và thế giới. Bởi lẽ đó, các nhật báo Pháp dành rất nhiều thời gian và bài viết để nói về loạt khủng bố diễn ra tại Bruxelles, cũng như hậu quả và thiệt hại do vụ tấn công kép gây ra.
Bên cạnh đó, các nhật báo cũng đưa tin rằng lực lượng an ninh tại tất cả các nhà ga và sân bay tại châu Âu đều được tăng cường đáng kể. Tại thủ đô Paris và các vùng phụ cận, tất cả các bến tàu điện ngầm, nhà ga xe lửa hay sân bay đều được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng an ninh và vẫn luôn nằm trong sự cảnh giác ở mức cao nhất.
Quan hệ Mỹ-Cuba chưa thể thay đổi một sớm một chiều
Ngoài chủ đề liên quan đến đánh bom khủng bố, báo chí Pháp ra hôm nay cũng dành thời gian cho chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Mỹ Obama tới quốc đảo Cuba từ hôm Chủ nhật 20/03/2016. Mỗi tờ báo chọn đăng các hình ảnh hay các bài phân tích liên quan đến chuyến thăm lịch sử này một cách khác nhau.
Nhật báo Le Monde đăng bài viết với tựa : « Giữa Obama và Castro, hòa bình không mấy dạt dào ». Bài viết nhận định rằng sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia này vẫn chưa thể lấp đầy được những khác biệt về khái niệm dân chủ và nhân quyền giữa hai bên.
Trong khi đó, nhật báo Le Figaro có bài viết « Obama đang chôn vùi Chiến Tranh Lạnh tại Cuba ». Bài viết đề cập khá chi tiết các nội dung trao đổi giữa hai nguyên thủ và kết thúc với lời phát biểu của tổng thống Mỹ Obama « Sau gần hơn năm thập kỉ vô cùng khó khăn, mối quan hệ giữa hai chính phủ chúng ta sẽ không thể thay đổi ngay một sớm một chiều được ».
Còn báo Libération thì có bài viết có dòng tựa khá hóm hỉnh : « Obama bắt tay người dân Cuba và bẻ tay Castro ». Trên tấm hình minh họa của bài viết, độc giả có thể nhìn thấy rõ hình ảnh của vị lãnh đạo Cuba Castro đang nắm lấy cổ tay trái của người đồng nhiệm Mỹ Obama và giơ lên, « giống như cử chỉ của vị trọng tài trong một trận đấu boxe », theo liên tưởng hóm hỉnh của Libération. Liên quan đến cử chỉ này, nhật báo này cũng bình luận đây là « một hành động khó hiểu » của ông Castro.
Bài viết cũng nêu bật những phát biểu của ông Obama khiến người dân Cuba rất hài lòng, như : « Tương lai của người dân Cuba nằm trong tay của chính người dân Cuba ». Ông cũng không ngại nhấn mạnh với người dân nơi đây quan điểm của mình : « Tôi nghĩ rằng tất cả công dân phải được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không phải sợ sệt gì cả, phải được phép đưa ra nhận xét về chính phủ của họ và được phép biểu tình ôn hòa. Tôi cho rằng các cử tri phải được lựa chọn chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và dân chủ ».
Nữ phi công Ukraina và bản án đầy tranh cãi
Liên quan đến số phận của nữ phi công người Ukraina mà thời gian qua thường xuyên được báo chí nhắc đến như một nữ anh hùng của đất nước này, nhật báo Le Figaro đưa thêm tin chi tiết.
Nadia Savtchenko, phi công người Ukraina, đã bị Nga tuyên án 22 năm tù về tội đồng lõa trong vụ giết chết hai nhà báo Nga. Trong khi đó, cô vẫn luôn khẳng định vô tội. Đích thân tổng thống Ukraina đã đề xuất việc trả tự do cho công dân của mình, đổi lại, ông sẽ trả lại cho phía Nga hai tù nhân đang bị Ukraina giam giữ.
Apple với Iphone SE vừa mới, vừa rẻ
Trên lĩnh vực công nghệ, phụ trang kinh tế của nhật báo Le Monde có bài viết với tựa : « Apple tìm được lời giải cho mình bằng việc cho ra đời Iphone rẻ hơn trước ».
Bài báo cho biết, tập đoàn Apple mới đây đã giới thiệu chiếc Iphone SE, tuy rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo hầu hết các chức năng như của Iphone 6. Điều đáng nói ở đây là về giá cả. Cụ thể iphone SE 16 giga tại Pháp, chưa tính thuê bảo thì vào khoảng 489 euro (399 đô la ở Mỹ), tức là ít hơn Iphone 6, đời mới nhất cũng của hãng này là 150 euro.
Thanh thiếu niên cần được lắng nghe hơn
Trên nhật báo công giáo La Croix ra hôm nay, có một bài viết khá thu hút các bậc phụ huynh, liên quan đến cách xử lý đối với trường hợp con cái đang trong độ tuổi thiếu niên và gặp phải những vấn đề tâm lý.
Thông qua một ví dụ cụ thể về các hoạt động của « ngôi nhà dành cho thanh thiếu niên » tại thành phố Rouen của Pháp, tác giả nhận định rằng việc tạo cho con cái có cơ hội bày tỏ cảm xúc thông qua những cuộc trò chuyện, hay thông qua các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo của các em là rất quan trọng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng đang rất cần những nơi mà họ có thể được lắng nghe hoặc chia sẻ quan điểm trong cách giáo dục con cái.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160323-nhung-vu-tan-cong-bon-phuong-tam-huong-cua-nha-nuoc-hoi-giao

Geen opmerkingen:

Een reactie posten