Tình ái và bắt bớ 'đỏ' trên báo Pháp
- 21 tháng 3 2016
Ở Pháp có nhiều tạp chí hàng tuần chuyên đăng những chuyện vớ vẩn, tình ái lăng nhăng, chuyện đi đêm có đội mũ bảo hiểm của tổng thống François Hollande, cô đào điện ảnh Sophie Marceau dự Liên hoan phim quốc tế Cannes đứt giải váy khoe cặp nhũ hoa và nhiều chuyện tương tự.
Thậm chí nhiều tờ trước khi đăng ảnh mua lại của các Papparazi, đã xếp sẵn khoản tiền phạt vì biết chắc sẽ bị ra toà vì tội xâm phạm tự do cá nhân, tự do hôn hít, tự do săn đuổi nhau của các ngôi sao hay chính khách.Những tờ như 'Voici', 'Voila' , 'Closer' hay 'Gala' rất rẻ. Bán như cho, ảnh mầu rực rỡ, xúng xính xiêm áo, không như tờ Le Monde toàn chữ, khô như ngói lại nỡ vặt đến 2€20 mỗi ngày.
Tương tự như giá nửa tách cà phê so với giá hai chiếc bánh mì thứ ngon, loại ‘tradition’ (truyền thống, nhà làm, không phải loại nướng từ bột đông lạnh). Bỏ một cắc rưỡi được xem nhốn nháo cả tuần của làng giải trí, ảnh mấy cô người mẫu khoe đùi non, vợ hay tình nhân các ngôi sao ôm ví đầm hiệu Gucci, Louis Vuitton hay Versace, cô Á hậu vẽ mắt mầu da cam hay mầu hoàng hôn chết lịm, chuyện ông Hoàng Monaco méo mặt sau khi bị cô da đen bắt công nhận con rơi, lại vui như nắc nẻ với mấy đứa con bà khác...
Loại chuyện nhắm bán cho bà gác cửa, cô bán bánh mì đầu phố, chú lái xe chở đồ siêu thị, mấy ông cắt tóc người Pakistan, hay mấy thanh niên, thiếu nữ tầng lớp nhập cư thiệt thòi trong việc học hành, hàng năm phải theo bố mẹ gồng gánh về bản quán nghỉ hè…Tiếng Pháp mách qué gọi là «bougnoules» về «bled», nhại thổ âm các nước Bắc Phi. Nôm na ra tiếng Việt là ‘bú dù tí tởn dẫn nhau về làng’. Dân châu Á, mặt ngẩn tò te, ngơ ngác bất kể là Nhật, Tầu hay Việt, Đại Hàn, Thái Lan gọi tuốt là ‘nhà quê’, phiên âm rất sõi, nhận ngay ra cái nón trên chữ ‘ê’.
Những thứ tầm tầm dành cho dân mua chữ thì ít, xem ảnh thì nhiều. Chuyện ngồi lê mách lẻo nhiều người thích, lại vòi được tiền các hãng quảng cáo. Vẹn cả đôi đường. Người hiểu biết một chút chẳng ai bỏ tiền mua loại báo đó. Ái tình khắp nơi, khắp chốn, tươi roi rói, bất tài, thiếu xèng mới phải xem vã.
'Tập đại đại'
Còn áp dụng luật số 182 Bộ luật hình sự của Việt Nam mới ban hành, quy định về việc ngoại tình có thể bị phạt tù đến ba năm thì nước Pháp hết người lao động. Ngân quỹ cường quốc thế giới như Pháp không đủ tiền xây nhà tù nhốt kẻ ngoại tình, dù chỉ một ngày.Ấy vậy, tạp chí ' L'Obs' chuyên nói những vấn đề nhức đầu, bàn chuyện chính trị, mới đây trong số 2677, lại dành đến bốn trang để nói về chủ đề tương tự. Chuyện đi đêm xa lắc ở Trung Hoa, đất nước tai tiếng về chuyện giầu xổi, khách du lịch ngơ ngáo ở Paris. Chuyện ông Tập Cận Bình và các cô tình nhân.
Đấy là những trích dẫn tóm tắt những chi tiết mà tờ L'Obs lấy từ ấn bản e-book của tác giả Xi Nuo. Sách thuật lại chi tiết về các cuộc tình của chủ tịch Trung Quốc, trước và sau khi cưới bà Bành Lệ Viện.
' Tập đại đại' đang được coi là người xắn tay áo nắn lại kỷ cương trong Đảng Cộng sản Trung quốc, lập lại niềm tin niềm tin cho dân chúng về vai trò lãnh đạo của Đảng, được mô tả như một nhân vật háo sắc. Sách không ra, nhưng theo l’Obs, Xi Nuo, tác giả bị sách nhiễu, đe doạ. Vì thế tác giả cuốn sách đã cho công bố bản thảo bằng tiếng Hoa (manuscrit), dạng e-book.
Nếu chỉ dừng ở đây thì chắc chẳng có gì để nói. Dân Pháp thờ ơ chuyện các ông Tổng thống kê vương miện đang đội đặt xuống đất để trèo tường bắt mèo.
Vậy sao lại viết về chuyện vị chúa Trung Nam Hải làm gì sau bức Vạn Lý trường thành?
‘Đạo đức hóa’ giai cấp vô sản?
Sự việc là các bóng ma tình nhân của ông Tập Cận Bình lại có thể làm điên đảo người dương. Chuyện l’OBS bàn đến chiếm 3 trang rưỡi, còn mây gió chưa được ½ trang. Nói vậy để biết chủ đề chính. Chủ đề ‘đạo đức hóa’ trên đất nước và còn vượt ra ngoài biên giới của Tập da da.Nó không còn dừng ở mức độ ấu trĩ về nhận thức cách đây 27 năm tại Việt Nam như đã xẩy ra với bà Vũ Kim Hạnh.
Lúc đó bà Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ đã bị mất chức về việc đăng lá thư của ông Hồ Chí Minh gửi người vợ Trung Hoa Tăng Tuyết Minh.
Bức thư này đã bị mật thám Pháp tại Đông Dương chặn được và giữ lại ngày 14 tháng 8 năm 1928, hiện được lưu trữ tại CAOM (viết tắt của Centre des Archives d’Outre-Mer. Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại) đặt tại Aix-en-Provence.
Dễ thấy là người Pháp có trong tay từ năm 1928 rất nhiều tư liệu về đời tư của ông Hồ Chí Minh đã không dùng chuyện đó để hạ uy tín lãnh tụ tinh thần của những người cộng sản Việt Nam. Ngay bức ảnh do một nhiếp ảnh gia gốc Việt chụp ông Hồ tại Place de la Concorde trong hồ sơ cảnh sát, cũng rất nghệ thuật, không có một chút bôi bác nào.
Việc bắt ông Hồ, hồi 2h sáng ngày 6/6/1931, tại tầng hai một ngôi nhà ở quận Cửu Long (Kowloon), cảnh sát Anh cũng nhãng nhân vật thứ hai cùng bị còng là bà Ly Ung Thuan để ép cung hay bôi nhọ.
Anh và Pháp hợp tác với nhau để chống những người cách mạng Việt Nam lại ‘không đủ sáng suốt’ để dựng chuyện ‘phản cảm’ ? Hay văn hóa, triết học phương Tây vượt trên cái tầm phào khốn khổ?
Những nhà nghiên cứu Việt Nam tại Pháp chắc cũng nhiễm lãng mạn tư sản của đất nước Quyền con người, coi quan hệ luyến ái lãng xẹt như cây hút khí CO2 nên cũng mù nốt? Chứ trong thư khố Pháp chi chít như xương sườn những vớ vẩn lởm khởm.
Mật thám Pháp không làm rùm beng, cảnh sát Anh không công bố những tư liệu trong việc bắt giữ.
Cụ Marx không dạy ‘đạo đức cách mạng’. Ông Lenin ở nước Nga chỉ viết sách về phê bình và tự phê bình trong đảng. Stalin còn là bạo chúa với nhiều người phụ nữ. Nên bản chất gán cho việc làm của bà Vũ Kim Hạnh có phải chỉ là một tai nạn ? Hoặc một tư duy ‘Khổng giáo hóa’ ấu trĩ cách đây hơn ¼ thế kỷ, tàn dư phong kiến chưa gột sạch? Bà là nạn nhân của một vài cá nhân mượn tiếng vua để trảm?
Khổ cho bà lúc ấy nước nghèo, xung quanh rặt thù trong với giặc ngoài. Bây giờ ăn đẫy, ấm cật, khui mấy vụ tham nhũng, thấy ông nào cũng bà hai, bà ba. Song chẳng ai bị ghép tội hay mất tích như ở Tầu. Đất nước vẫn vững mạnh đi dần lên CNXH.
Trung Hoa của ông Tập tối tăm hơn
Ông này bầy bán những chuyện biến mất thần tình hay cho các nhân vật trở lại sân khấu ngoạn mục hơn chuyện chưởng. Những màn tự thú nực cười trên truyền hình Trung Quốc của những nhân viên công ty xuất bản Mighty Current liên quan đến chuyện đi đêm của ông trong cuốn sách « Tập Cận Bình và sáu cô tình nhân », làm người xem chóng mặt. Nó vượt quá ứng xử của một thời đại văn minh.Thật sự số phận của những người theo danh sách dưới đây được báo Pháp đặt lên trên hết chứ không phải chuyện ông Tập trăng gió. Đó là :
1/Lữ Ba, tổng giám đốc Mighty Current, mất tích ở Thâm Quyến, 15/10/2015 2/Trương Chí Bình, giám đốc, 32 tuổi, mất tích ở Đông Quản, 15/10/2015 3/Quế Dân Hải, đồng sáng lập nhà xuất bản, 51 tuổi, mất tích ở Thái Lan, 17/10/2015 4/Lâm Vinh Cơ, 60 tuổi, lần cuối cùng được thấy ở Hong Kong 23/10/2015. 5/Lý Ba, cổ đông Mighty Current, 65 tuổi, mất tích ở Hong Kong, 30/12/2015.
Trường hợp ‘mất tích’ của họ nằm trong chính sách trấn áp theo kiểu xã hội đen. Human Rights Watch không ngần ngại tố cáo Trung Quốc «chà đạp chủ quyền của lân bang».
Họ đã dựng lên những câu chuyện khó tin quanh ông Quế Dân Hải. Sự việc được cảnh sát Thái tường trình, ngày 17/10/2015, trước cửa một khách sạn hạng sang, nơi ông Quế thuê một căn phòng nhìn xuống vịnh Thái Lan có một người Trung Hoa nói không sành tiếng Thái đã đợi để gặp. Ông Quế vừa đi mua sắm về, lại đi ngay với người khách nọ, báo lễ tân là có việc gấp. Hai tuần sau ông Quế không trở lại, cảnh sát mới mở cửa căn hộ ông Quế thuê, phát hiện thấy túi thuốc men bắt phải dùng hàng ngày còn để trên bàn. Túi du lịch đi biển mở tung, vẫn còn bộ đồ tắm. Ông là công dân Thuỵ điển, đang nghỉ ở Thái Lan.
Theo thông báo của cảnh sát, ông Quế không làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Thái, nhưng lại xuất hiện được trên Đài Truyền hình CCTVtại Bắc Kinh.
Trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc, ông Quế Dân Hải « xin nhận trách nhiệm trước luật pháp và sẵn sàng chịu trừng phạt" về chuyện 12 năm trước phạm tội say rượu khi lái xe. Không chuyện nào vừa bi, vừa hài tương tự như vậy trong kho tàng tiếu lâm thế giới.
Hai nạn nhân mới cùng một nhóm ly khai là nhà biếm họa Khương Dã Phi (Jiang Ye Fei) và nhà báo Lý Tân (Li Xin) của Đông Phương Đô Thị Báo. Họ bị mật vụ Trung Quốc, bí mật bắt tại Thái Lan, đem về Trung Quốc giam giữ ở một nơi không ai biết. Trước đó, em gái của ông bị công an Thành Đô ‘đánh tiếng’ là kêu ông anh của bà "bớt giọng" vì «chúng tôi sắp sang Thái Lan bắt ông ta».
Tội của Khương Dã Phi là tổ chức lễ "rước đuốc Thế vận Nhân quyền" vào năm 2008 cùng lúc Trung Quốc rầm rộ tổ chức Thế Vận Hội mùa hè.
Còn Lý Tân phải bỏ toà soạn từ Quảng Đông trốn sang Thái Lan vì quá ngán ngẩm cảnh phải hợp tác với mật vụ, tố cáo đồng nghiệp và bạn bè họat động nhân quyền. Ông bị ghép tội tiết lộ với báo chí nước ngoài «chỉ thị của cơ quan kiểm duyệt».
Lý thuyết Marxism nguyên thủy, nhất là với Lenin, ít nói đến mặt đạo đức của chủ nghĩa Marx-Lenin. Đối với Marx, xã hội cộng sản lý tưởng dựa trên việc phát triển lực lượng sản xuất, còn Lenin nhấn mạnh đến sự quan trọng của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Cả Marx lẫn Lenin và Stalin, không có ai cho rằng việc tiến lên chủ nghĩa cộng sản phải đi kèm với đạo đức hóa giai cấp vô sản. Vậy sao ma tình nhân lại hoành hành dữ dội được ở đất nước XHCN của Tập Cận Bình?
Tập đại đại chuẩn bị viết trước tác để rạng danh là ‘trái tim đỏ của Đảng’, vượt hơn người tiền nhiệm, bổ khuyết phần còn thiếu của những tập kinh điển đỏ?
Khi bồ nông được xếp vào họ cá
Thật ra ông Tập chỉ mắc bệnh hoang tưởng và căn bệnh của ông đầu độc xã hội Trung Hoa. Kiểu cách áp dụng và tư duy lãnh đạo của ‘Hoàng đế đỏ’' tạo ra không khí khủng bố đè nặng lên xã hội. Ông cho mình là rồng, theo truyền thuyết của Việt Nam xuất xứ từ một loài cá nhảy qua mấy cái thác nên có câu ‘Cá vượt Vũ Môn’. Đấy là việc nhầm lẫn xếp chim bồ nông vào họ cá. Chỉ nhìn thấy cái mỏ sục bùn đớp cá của bồ nông mà quên rằng nó còn phải bay về tổ và hớp không khí qua mũi chứ không phải qua mang.Nêú tìm ra loại thuốc cắt căn bệnh này, chữa khỏi việc tôn sùng cá nhân hay buôn thần bán thánh các nhân vật lãnh đạo, thì tự nhiên đất sống cho tầng lớp xã hội năng nổ làm chân chùi mép hộ sẽ biến mất.
Trung Quốc của Tập Cận Bình, theo nhận định của báo Pháp Le Monde ra ngày 4/3/2016 với tựa «Khi đế quốc Trung Hoa khinh thường thế giới», đang trở lại thời trung cổ, tự coi mình là ‘Thiên triều’, các nước láng giềng chỉ là chư hầu. Trung Quốc đang lùi lại thời Tống, Minh, khi đế chế Trung Hoa tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.
Chắc những kế hoạch bắt cóc, tốn công, tốn của, thậm chí sinh mạng của các an ninh tham gia trong vụ việc này không hề nhỏ. Ông Tập đã tự trao cho mình quyền được truy bắt không biên giới những người làm phật ý ông. Để rửa chân và chùi mép cho một cá nhân, cả một ngân khoản lớn đã đổ ra một cách vô ích, và tệ hơn nữa sự triệt tiêu giá trị của từng cá nhân trong xã hội. Nó còn tạo ra một tầng lớp suy đồi, nịnh bợ, kìm hãm giá trị con người.
Trung Quốc của Tập Cận Bình, theo nhận định của báo Pháp Le Monde ra ngày 4/3/2016 với tựa «Khi đế quốc Trung Hoa khinh thường thế giới», đang trở lại thời trung cổ, tự coi mình là ‘Thiên triều’, các nước láng giềng chỉ là chư hầu. Trung Quốc đang lùi lại thời Tống, Minh, khi đế chế Trung Hoa tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.
Trong tiếng Trung, chữ ‘ái tình’ gồm hai chữ Ái 愛tượng hình (biểu ý), Tình 情 tượng thanh (mượn âm). Một nhà viết thư pháp giảng giải cho tôi. Khi viết Ái, cảm bồng bềnh, nhất là đến nét cuối, như đường tơ vấn vương, hay là lưỡi dao đoạn tuyệt.
Thời Mao Trạch Đông, cải cách văn tự ở Trung Quốc, chữ Ái 爱 bỏ bớt nét để xóa nhòa dấu vết bi lụy si tình vốn có mà ghép với chữ hữu友 (có nghĩa là bạn bè).
Có phải vậy mà những người dám chạm đến chữ Ái của lãnh tụ Cộng sản dù là bạn bè, đồng chí hay những nhà văn đều bị gặp lưỡi dao tuyệt mệnh di sản của đường tơ ai oán ?
‘Văn hóa Đại cách mạng’ của ông Mao làm 100 triệu người chịu đau khổ, như Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đánh giá những năm 80.
‘Đạo đức hóa giai cấp vô sản‘ của Tập da da sẽ đi về đâu ?
Bài viết thể hiện văn phong và cách nhìn của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris.
Tin liên quan
- Mất tích vì 'sách cấm' về ông Tập Cận Bình
- Ảnh Những tòa nhà kỳ lạ ở Trung Quốc
- Tập Cận Bình kêu gọi “Chủ quyền mạng”
- Thơ ca ngợi 'tấm lưng' của Tổng Bí thư TQ
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/03/160321_pham_cao_phong_press_review
Geen opmerkingen:
Een reactie posten