vrijdag 25 maart 2016

Chính sách xuyên suốt của Barack Obama : Đối thoại hiệu quả hơn quân sự

Chính sách xuyên suốt của Barack Obama : Đối thoại hiệu quả hơn quân sự

mediaTổng thống Barack Obama (G) tới La Habana ngày 20/03/2016 bắt đầu chuyến thăm lịch sử Cuba.REUTERS/Enrique De La Osa
Từ Miến Điện, Syria, Iran trước đây đến Cuba hiện nay, tổng thống thứ 44 của Mỹ chứng tỏ biện pháp đối thoại hiệu quả hơn là trừng phạt. 88 năm sau tổng thống Calvin Coolidge (năm 1928), hôm nay, 21/03/2016, tổng thống Barack Obama thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tại Cuba, thành quả của nỗ lực vận động năm 2014. Thật ra, Washington thử nghiệm chiến pháp mới một năm trước đó khi đối mặt với khủng hoảng Syria. Tổng thống Barack Obama cân nhắc lợi hại ra sao ? Chính sách xoay trục và TPP cũng nằm trong « logic » này ?
Ngày 30/08/2013, tổng thống Barack Obama bị lịch sử ngàn đời phê phán. Nhà báo Mỹ Jeffrey Goldberg nhận định như trên khi vào giờ chót tổng tư lệnh tối cao của siêu cường lùi bước, hủy kế hoạch oanh kích Syria cho dù Damas đã « vi phạm làn ranh đỏ » ném bom hóa học giết đối lập và thường dân.
Một phần công luận lên án tổng thống Obama hèn nhát làm mất uy tín của Hoa Kỳ. Người khác cho rằng ông tinh tế, khôn ngoan không lao vào hỏa ngục Trung Đông. Gần đây, tổng thống Mỹ đã dành nhiều tiếng đồng hồ để giải thích, biện minh và phân tích với nhà báo Jeffrey Goldberg mà nội dung sẽ được đăng trên tạp chí The Atlantic tháng Tư.
Trong khi ở Địa Trung Hải, chiến đấu cơ Pháp và tên lửa hành trình của Mỹ đã sẵn sàng, tổng thống Obama xin chờ nửa tiếng suy nghĩ lần chót. Sau 45 phút « đi dạo » trong vườn hồng Nhà Trắng cùng với cộng sự viên tín cẩn, người « bạn già » Denis McDonough, ông quyết định thay đổi chiến pháp truyền thống, không dùng sức mạnh.
Từ khi đắc cử, tổng thống Obama bị ám ảnh bởi hệ quả hai cuộc chiến đẫm máu ở Irak, Afghanistan. Rồi đến cuộc can thiệp của liên quân Anh-Pháp tại Libya để bảo vệ thường dân ở Benghazi cuối cùng biến thành cuộc chiến lật đổ chế độ độc tài ở Tripoli dẫn đến tình trạng hỗn loạn chính trị cho đến bây giờ. Tổng thống Obama tin rằng nếu can thiệp vào Syria, nước Mỹ sẽ sa lầy.
Đối với lập luận phê bình ông nhu nhược để Nga lấn chiếm lãnh thổ Ukraina, tổng thống Obama nói hãy nhìn sang Gruzia. Tổng thống George W. Bush thuộc loại « lửa » nhưng đâu có ngăn được Vladimir Putin chiếm hai tỉnh của Tbilisi.
Còn mất uy tín đối với các đồng minh Trung Đông ? Theo tổng thống Mỹ thì Ả Rập Xê Út tìm cách lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến bộ tộc. Riyad « xuất khẩu » ảnh hưởng hệ phái Wahhabi có đáng cho Hoa Kỳ yểm trợ hay không ?
Cuối cùng thì Washington vẫn thành công, với đề nghị của Matxcơva, hủy diệt kho vũ khí hóa học của Damas.
Nhưng còn nhà độc tài cha truyền con nối Bachar al Assad vẫn tại vị thì sao ? Chính quyền đảng Dân Chủ đã sai lầm khi đánh cuộc là chế độ Damas sẽ nhanh chóng sụp đổ. Tổng thống Obama biện minh rằng không phải vì lên án một chế độ phi nhân mà mình có thể đem bom ném lên nước đó.
Phải chờ đến mùa xuân 2014, khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tiến quân như chẻ tre thì tổng thư lệnh tối cao siêu cường số một mới ra quân. Phải chăng đây là một mưu kế thâm hiểm ?  "Không ! tôi là nhà lãnh đạo quốc tế thực tế", Barack Obama đáp lại.
Theo nhà báo Mỹ tác giả cuộc phỏng vấn thì thật ra ông Obama rất bi quan về thảm kịch Syria và tình hình Trung Đông nói chung. Có lẽ số phận các dân tộc này như thế. Họ chém giết lẫn nhau vì phân biệt « bộ tộc » thì Hoa Kỳ can thiệp bằng cách nào và có đáng hy sinh hay không?
Tổng thống Obama tin rằng vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ là ở châu Á và châu Phi nơi mà người dân lo xây dựng tương lai hơn là truy sát lẫn nhau.
Đó có lẽ là lý do vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ thúc đẩy song song hai chiến lược : Tái định vị quân sự tại châu Á và thành lập vùng trao đổi thương mại xuyên Thái Bình Dương.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160321-chinh-sach-xuyen-suot-cua-barack-obama-doi-thoai-hieu-qua-hon-quan-su

Geen opmerkingen:

Een reactie posten