Đài Loan hồi tưởng thời kỳ 'Khủng bố Trắng'
- 4 giờ trước
Vào đêm trước khi Hoàng Văn Công bị tử hình, ông đã viết năm lá thư cho gia đình mình, trong đó có con gái mới 5 tháng tuổi ông chưa kịp nhìn mặt.
Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông viết thư cho con gái.Trong lá thư năm 1953 ông viết, “Con gái yêu Xuân Lan, cha bị bắt khi con còn trong bụng mẹ.”
“Cha và con không thể gặp nhau. Trên đời thật không còn nỗi bất hạnh nào hơn thế.”
56 năm sau, con gái ông Hoàng mới nhận được thư.
Bức thư nằm trong số hơn 300 văn bản được giao lại cho con gái ông Hoàng khi cô đăng ký tìm hồ sơ ông nội tại cơ quan lưu trữ chính phủ vào năm 2008.
Sau đó, nhân viên lưu trữ đã tìm được giấy tờ cá nhân, phần lớn là thư gửi cho gia đình, của hơn 179 tù nhân chính trị khác. Họ viết những lá thư này trước khi bị tử hình trong thời kì đàn áp mà Đài Loan gọi là “Khủng bố màu trắng”.
Hàng chục nghìn người bị tình nghi là chống chính phủ đã bị bắt. Ít nhất 1200 người bị tử hình trong những năm từ 1949 đến 1992.
Việc lãnh đạo đối lập bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống đã làm dấy lại yêu cầu cần có một cái nhìn toàn diện hơn về thời kỳ đen tối này, cũng như về những người có trách nhiệm trong 228 vụ việc.
“Khủng bố màu trắng” là việc đàn áp thẳng tay đối với những người bày tỏ sự bất mãn với nền cai trị của Quốc Dân Đảng tại Đài Loan năm 1947. Đây cũng là thời kỳ Quốc Dân đứng trước nguy cơ bị đánh bại bởi Đảng Cộng sản ở Trung Hoa Đại lục.
Con số ước tính số người bị chết trong cuộc đàn áp là từ 2.000 đến 25.000 người.
Các chuyên gia nói còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ về thời kỳ này do việc thiếu minh bạch.
Chính phủ cũng chưa từng đưa ra con số thiệt mạng chính xác. Vấn đề này còn ít được đề cập trong sách giáo khoa, theo các nhà nghiên cứu.
Các nhà lịch sử cho rằng phần lớn giấy tờ đã bị tiêu hủy. Phải đến năm 2002, Điều luật Lưu trữ của Đài Loan mới cấm tiêu hủy các giấy tờ quan trọng.
Tổng thống mới đắc cử của Đài Loan tin rằng quốc gia này cần hành xử đúng với quá khứ vì điều này ảnh hưởng đến tương lai cố kết về xã hội và chính trị.
Bà Thái cho rằng việc này chưa được giải quyết đúng mức mặc dù ngày 28/2 đã được chỉ định làm ngày quốc tang tưởng niệm nạn nhân của 228 vụ việc, bên cạnh rất nhiều đài tưởng niệm, các khoản đền bù và lời xin lỗi của tổng thống.
“Chỉ có sự thật mới có thể hòa giải,” bà nói trong bài phát biểu gần đây. “Chỉ có hòa giải mới có thống nhất. Chỉ có như vậy Đài Loan mới có thể tiến về phía trước.”
Bà cam kết sẽ tìm cho ra sự thật và chính nghĩa.
Đóng lại quá khứ
Đối với các gia đình nạn nhân, việc biết được số phận của người thân nhưng không có ai bị trừng phạt bởi tội ác mà họ đã gây ra cho người thân của họ, là một điều khó có thể chấp nhận.Trong rất nhiều hồi ký thì Tổng thống lúc bấy giờ của Đài Loan là Tưởng Giới Thạch là thủ phạm chính gây ra nỗi đau.
Lan Yun-jo có cha bị tử hình năm 1951 do viết các bài báo bí mật phản đối chính phủ. Qua người nghiên cứu, Lan biết được cha mình có thể đã được tha nếu như không do chính sách của Tưởng Giới Thạch.
Cha của cô đã ẩn trốn và không bị bắt mặc dù có giải thưởng lớn trao cho ai tìm ra ông. Chỉ đến khi chính quyền bắt giam mẹ con cô Lan, lúc đó mới là trẻ sơ sinh cần được nuôi bằng sữa mẹ, thì bố cô mới đầu hàng. Trong vòng sáu tháng kể từ khi bị bắt, ông đã bị xử tử.
"Dưới bàn tay ông ta [Tưởng Giới Thạch], rất nhiều người đã bị chuyển từ án tù giam sang tử hình."
Trong khi gia đình các nạn nhân gọi ông Tưởng là “kẻ giết người”; một số khác, đặc biệt là những người cùng với Tưởng Giới Thạch chạy thoát khỏi chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, lại biết ơn ông vì đã giải phóng Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Họ cho rằng những chính sách của ông Tưởng là để củng cố kiểm soát ở hòn đảo này, nhằm tránh bất ổn và tránh để chính quyền rơi vào tay Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, phần lớn đều đồng ý là phương pháp ông Tưởng đưa ra là quá cực đoan.
Một số người bị bắt quay sang ủng hộ chính quyền cộng sản Trung Quốc vì sự đàn áp dã man của Tưởng Giới Thạch đối với những người bất đồng chính kiến.
Một số nạn nhân đơn giản là chỉ có mặt ở địa điểm và thời gian nguy hiểm. Và rất nhiều người là trí thức chỉ với mong muốn có một xã hội dân chủ hơn.
Tin liên quan
- Mã Anh Cửu ra thăm đảo Ba Bình
- Quốc dân, Thân dân, Vì dân và Tân dân
- Đài Loan, Tây Tạng và những quốc gia không tồn tại
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/03/160314_taiwan_revisit_white_terror_years
Geen opmerkingen:
Een reactie posten