donderdag 31 maart 2016

Mỹ bác bỏ 'vùng đặc quyền' của Trung Quốc trên Biển Đông + rung Quốc 'ỡm ờ' về 'Vùng Nhận Dạng Phòng Không'

Mỹ bác bỏ 'vùng đặc quyền' của Trung Quốc trên Biển Đông
Wednesday, March 30, 2016 8:17:57 PM



WASHINGTON (NV) - Chính phủ Hoa Kỳ đã nói với phía Trung Quốc là họ sẽ không công nhận vùng đặc quyền trên Biển Đông và coi hành động đó là “gây mất ổn định” ở khu vực.

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc bá quyền trên Biển Đông. (Hình: Getty Images)
Phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Robert Work, cho báo giới hay như vậy hôm Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016.
Gần đây, một số giới chức quân sự và chính trị tại Hoa Thịnh Đốn bầy tỏ sự quan ngại về các phản ứng của Bắc Kinh khi thấy Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại La Haye chuẩn bị ra phán quyết có thể bất lợi cho họ. Philippines đã kiện Trung Quốc phản bác tuyên bố đường “Lưỡi Bò” của Bắc Kinh. Cái “Lưỡi Bò” này chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông mà nhiều chỗ liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, nhất là Việt Nam và Philippines.
Hoa Thịnh Đốn quan ngại là Bắc Kinh có thể tuyên bố “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông như họ từng tuyên bố như thế đối với vùng biển Hoa Đông ba năm trước khi tranh chấp quần đảo Senkaku với Nhật Bản.
“Tôi không tin là họ (Trung Quốc) có căn bản pháp lý quốc tế và chúng tôi đã từng tuyên bố nhiều lần là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu chạy, máy bay bay qua tất cả các vùng biển và không phận mà luật lệ quốc tế cho phép.” Ông Work nói, theo tường thuật của thông tấn Reuters.
“Chúng tôi đã nói hoàn toàn rành rẽ với phía Trung Quốc và cho họ biết rằng một “vùng nhận dạng phòng không” sẽ gây mất ổn định (ở khu vực). Chúng tôi muốn các nước tuyên bố chủ quyền (chồng chéo) trên Biển Đông giải quyết qua trọng tài và không dùng võ lực hay ức hiếp.” Ông nói.
Phụ tá Work nói với báo chí trước khi chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình đến Hoa Thịnh Đốn dự một hội nghị thượng đỉnh trong tuần này với Tổng Thống Barack Obama và một số lãnh tụ Á Châu khác.
Hoa Kỳ gần đây đã lên án Bắc Kinh làm tăng thêm căng thẳng khi chuyển các giàn hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn chống tàu chiến đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Ngược lại, báo chí Bắc Kinh la lối ầm ĩ là Mỹ “quân sự hóa Biển Đông” khi cho chiến hạm và máy bay tuần tiễu trên Biển Đông, xâm phạm vào cả các “vùng đặc quyền” của họ, dù đó là những vùng biển đảo cướp của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày Thứ Tư, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố tại Manila rằng các phi đạo trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa là cho các nhu cầu quân sự, không phải cho các chuyến bay cứu trợ nhân đạo gì cả.
“Các phi đạo mà họ xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa là nhằm phục vụ các máy ban ném bom chiến lược, không phải các máy bay chở hàng cho các vụ cứu trợ nhân đạo hay thiên tai,” bà Colin Willet, phụ tá ngoại trưởng Mỹ tại Vụ Đông Á Châu và Thái Bình Dương, nói với một nhóm ký giả từ tòa đại sứ Mỹ ở Manila qua hệ thống viễn liên.
Bắc Kinh nói dối rằng các cơ sở và phi trường trên các đảo nhân tạo khổng lồ đó là nhằm phục vụ nghiên cứu và cứu trợ nhân đạo. Ngay từ năm ngoài, nhiều chuyên gia phân tích thời sự cũng như chính giới Mỹ đều cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố “Vùng nhận dạng phòng không” trên Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian. Viên chức Mỹ từng tố cáo Bắc Kinh đưa một số hỏa tiễn phòng không đến mấy đảo nhân tạo ở Trường Sa.
“Khi các nước đặt các võ khí tại các tiền đồn rồi biến chúng thành những cái chỉ có thể mô tả là căn cứ quân sự thì chúng làm căn cứ để các nước khác bắt chước và làm tăng nguy cơ xung đột cũng như triển vọng giải pháp ngoại giao,” bà Willet nói. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225355&zoneid=1

Trung Quốc 'ỡm ờ' về 'Vùng Nhận Dạng Phòng Không'
Thursday, March 31, 2016 2:52:41 PM 
BẮC KINH (NV) - Quốc gia nào cũng có quyền tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực thuộc chủ quyền của mình và không nên làm rùm beng về chuyện này.
Ðó là tuyên bố của ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, sau khi Hoa Kỳ loan báo rộng rãi rằng, Hoa Kỳ đã bảo thẳng với Trung Quốc là Hoa Kỳ sẽ không thừa nhận bất kỳ ADIZ nào mà Trung Quốc thiết lập tại Biển Ðông.

P8-A Poseidon loại phi cơ tuần thám mà Hoa Kỳ đã và sẽ sử dụng để tuần tra tại Biển Ðông. (Hình: U.S. Navy)
Hôm 30 tháng 3, ông Robert Work, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, cho biết, Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định với Trung Quốc rằng, Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục điều động phi cơ, chiến hạm tuần tra tại bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép tự do lưu thông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Ðông nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực đang có tranh chấp giữa nhiều bên thì đó là một hành động cố tình gây bất ổn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đáp lại rằng, chuyện thiết lập ADIZ là quyền của Trung Quốc và điều đó phụ thuộc vào các mối đe dọa. Trung Quốc sẽ cân nhắc tất cả các yếu tố. Tuy nhiên ông Dương Vũ Quân từ chối không xác định Trung Quốc có ý định thiết lập ADIZ tại Biển Ðông hay không.
Khả năng Trung Quốc đơn phương thiết lập một ADIZ tại Biển Ðông đã từng được nêu ra từ năm 2014. Gần đây, khi sắp tới thời điểm Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công bố phán quyết, phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông, không chỉ các chuyên gia an ninh-quốc phòng mà ngay cả nhiều chính phủ như Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ sự lo ngại rằng Trung Quốc sẽ làm điều đó như một phương thức phủ nhận phán quyết vừa kể.
Trung Quốc từng liên tục phủ nhận cả vai trò lẫn thẩm quyền của Tòa Trọng Tài về Luật Biển. Nhiều lần từ chối trình bày quan điểm, cung cấp bằng chứng cho Tòa này. Tuy nhiên Tòa Trọng Tài về Luật Biển vẫn thụ lý vụ kiện và dựa trên những điều mà Philippines đã trình bày, đệ nạp cho Tòa Trọng Tài về Luật Biển, nhiều người tin rằng, phán quyết của Tòa sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Ðó cũng là lý do cộng đồng quốc tế lo ngại Trung Quốc sẽ phá bĩnh. Gần đây, ngoài cộng đồng ASEAN, chính phủ nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Cộng Ðồng Châu Âu đã công khai khuyến cáo Trung Quốc về việc phải tôn trọng phán quyết của một tổ chức có thẩm quyền tài phán như Tòa Trọng Tài về Luật Biển.
Hồi giữa tuần này, bà Colin Willett, chuyên gia về Ðông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, mới vừa nhấn mạnh, cho dù nội dung thế nào thì phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển vẫn là cơ hội cho một giải pháp ôn hòa. Bà Willett cảnh cáo, nếu phớt lờ luật pháp quốc tế, Trung Quốc khó tránh khỏi việc phải đọ sức với các lân bang.
Người ta phỏng đoán Tòa Trọng Tài về Luật Biển sẽ công bố phán quyết phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông vào giữa năm nay. (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225383&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten