maandag 21 maart 2016

Hiệp thương bầu cử ở Việt Nam đã... lạc hậu? + 48 người tự ứng cử lọt vào vòng hiệp thương 2 + Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội

Hiệp thương bầu cử ở Việt Nam đã lạc hậu?

  • 20 tháng 3 2016
Quốc hội Việt NamImage copyright Getty
Image caption Việt Nam sắp tiến hành kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào cuối tháng 5/2016.
Hiệp thương được nhà nước và chính quyền Việt Nam sử dụng như một công cụ thay thế cho tranh cử, theo một nhà phân tích chính trị nội bộ Việt Nam.Trao đổi với BBC hôm 20/3/2016, tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng hiện nay chiến lược 'nhất thể hóa' hệ thống quyền lực và lãnh đạo của đảng đối với hệ thống chính quyền nhà nước đang dẫn đến 'hạn chế tranh cử ngay trong nội bộ' đảng và chính quyền.
Trước câu hỏi, liệu cơ chế hiệp thương được chính quyền sử dụng lâu nay và áp dụng cho kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2016 còn phù hợp hay đã lạc hậu, so với tình hình phát triển chính trị - xã hội, dân trí và nhận thức của người dân Việt Nam và chuẩn mực chung của quốc tế, nhà nghiên cứu nói:
"Hiện cho đến thời điểm này, thì quy chế hiệp thương... từ năm 1986 đến giờ không có một thay đổi gì từ quy chế tiến hành và thủ tục hiệp thương.
"Và chúng ta nhìn và thấy chưa có một thay đổi gì về thủ tục hay là quy chế gì về hiệp thương. Mà hiệp thương vẫn dựa trên cơ sở các hoạt động theo quy định, trong khung cảnh của hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
"Tôi thấy rằng vì ý nghĩa của hoạt động thực hành của cái gọi là nhất thể hóa, nó dẫn đến việc hạn chế tranh cử ngay trong nội bộ, bởi vì cái đó ảnh hưởng trực tiếp từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, ảnh hưởng đến quá trình hiệp thương.
"Người ta dùng hiệp thương để thay cho tranh cử. Đấy là cái hạn chế."

Bao giờ có tranh cử?

Bình luận về việc hàng chục ứng cử viên độc lập đã được chấp nhận qua vòng hiệp thương thứ hai ở một số địa phương trong nước, ông Hà Hoàng Hợp nói:
"Hiện nay, phải nói rằng danh sách tự ứng cử mà không phải nằm trong sự giới thiệu từ bên Đảng, ví dụ như Hà Nội có khoảng gần năm chục người, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần năm chục người, ở các địa phương thì còn khá là ít, một số địa phương là không có, vì cho đến nay đã vượt qua thời hạn nộp hồ sơ tự ứng cử và kể cả ứng cử theo giới thiệu...
"Hoàn cảnh, tình hình như thế đặt ra một cái là khả năng trong tương lai gần thôi thì cũng sẽ cần có đổi mới."
Gần đây, một cựu dân biểu Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm trên truyền thông nước này cho rằng cần có tranh cử.
Trả lời câu hỏi của BBC liệu có nên có tranh cử vào Quốc hội và các hội đồng nhân dân, đặc biệt là tranh cử vào các vị trí lãnh đạo nhà nước và chính quyền hay không, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói:
"Trong quá trình đổi mới trước đây ở một số nước đã từng trải qua thể chế một đảng thì dần dần họ sẽ tiến đến mở rộng từ việc hiệp thương sang tranh cử hạn chế và tranh cử đầy đủ.
"Thế thì cũng hy vọng là rồi sẽ tiến đến một hoàn cảnh là sẽ có tranh cử hạn chế, rồi tiến đến tranh cử đầy đủ và cái đấy phụ thuộc rất lớn vào việc Mặt trận Tổ quốc Việt nam đổi mới như thế nào."

Dự đoán nhóm tự ứng cử

Image copyright AFP
Image caption Quốc hội Việt Nam có tỷ lệ đại đa số đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản đang cầm quyền.
Được đề nghị nêu dự đoán về khả năng và kết quả của các ứng viên độc lập tự đề cử ở Việt Nam trong kỳ bầu cử đang tới, trong đó có một số ứng viên như tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà báo Trần Đăng Tuấn, tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện...ông Hà Hoàng Hợp nói:
"Hiện nay họ đã vượt qua giai đoạn một, tức là họ đã được chấp nhận ở giai đoạn hiệp thương lần thứ nhất.
"Đến lần hiệp thương thứ hai, tùy từng trường hợp cụ thể một thì hiệp thương lần thứ hai sẽ xảy ra.
"Và tôi nghĩ nó sẽ có những điểm đặc thù và đặc biệt, có thể nó sẽ có những khó khăn cho các vị ấy."
Bình luận thêm về các kết quả hiệp thương và đặc biệt về vai trò của Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, trong đảm bảo công bằng cho các ứng viên thuộc mọi thành phần dù tự ứng cử hay được đảng, chính quyền giới thiệu, ông Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:
"Tôi thấy kết quả của hiệp thương lần thứ nhất có một điểm tích cực là những người tự ứng cử hầu hết đã lọt vào, tức là đã được chấp nhận để đưa vào hiệp thương lần thứ hai.
"Và đấy là một tiến bộ của Hội đồng Bầu cử, của hiệp thương, nó trả lời rằng là những dư luận, từ chỗ nọ, chỗ kia, nó không có nhiều giá trị," nhà phân tích nói với BBC.
Mới đây, trên một số báo chí, truyền thông ở Việt Nam, xuất hiện một số thông tin, trong đó có dẫn lời một số quan chức, cựu quan chức chính quyền, nêu bình luận cho rằng đằng sau một số ứng viên tự ứng cử độc lập kỳ này ở Việt nam có 'bàn tay' và 'hậu thuẫn' của các tổ chức 'phản động' ở nước ngoài, hoặc coi việc 'có quá nhiều' ứng viên độc lập là hiện tượng đáng 'lo ngại'.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160320_vn_election_tranhcu_hiepthuong

48 người tự ứng cử qua hiệp thương 2

  • 17 tháng 3 2016
Image copyright JB Nguyen Huu Vinh
Image caption Nhà báo Phạm Thành và bà Nguyễn Thúy Hạnh là hai trong 48 ứng viên tự do vừa qua vòng hiệp thương thứ hai tại Hà Nội
Hôm 17/3, báo trong nước đưa tin Hà Nội thông qua danh sách sơ bộ 87 ứng viên Quốc hội, trong đó có 48 người tự ứng cử qua vòng hiệp thương thứ hai.
Cùng ngày, Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP Hà Nội tổ chức hội nghị hiệp thương lần hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
“Trong 48 người tự ứng cử, bên cạnh những tên tuổi có đóng góp nhất định cho đơn vị như ông Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xã hội - Từ thiện “trò nghèo vùng cao”, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam, còn có tới bảy người là lao động tự do, có người nghỉ ở nhà, không rõ nghề nghiệp”, VnExpress viết.
Trong số bảy người này có nhà báo kỳ cựu Phạm Thành (đăng ký hồ sơ với tên thật Phạm Chí Thành, sinh năm 1952) từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng là chủ trang blog Bà Đầm Xòe và diễn viên hài Vượng Râu (đăng ký với tên thật Nguyễn Công Vượng).

'Hoàn toàn khác biệt'

Hôm 17/3, trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội, ông Phạm Thành nói: “Cam kết tranh cử của tôi rất mạnh mẽ và hoàn toàn khác biệt so với những ứng viên tự do còn lại. Tôi nguyện dốc lòng, dốc sức, nguyện phấn đấu đến cùng cho một nền dân chủ thực sự hiện diện ở Việt Nam. Chế độ độc tôn do cộng sản cầm quyền phải bị xóa bỏ”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Vượng nói với BBC: “Tôi sẽ lên tiếng để làm giảm sự vô cảm trước tình hình đất nước cũng như thúc đẩy việc cải cách giáo dục đến nơi đến chốn”.
Nghệ sĩ này cũng cho hay: “Tuy chưa từng hoạt động đoàn thể nhà nước và cũng chẳng đặt mục tiêu trở thành nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân, nhưng trong những chuyến lưu diễn đến các vùng sâu, vùng xa, tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng mà người dân muốn đặt lên vai đại biểu Quốc hội”.
Trên mạng xã hội hôm 17/3, có người đặt vấn đề vì sao trong danh sách 48 người tự ứng cử lại có tên ông Nguyễn Hồng Sơn, thiếu úy công an Văn phòng Bộ công an.
VnExpress hôm 17/3 còn dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình TP Hà Nội Đào Thanh Hương: “Trong số tự ứng cử đợt này, phải nói có người rất xứng đáng, rất tâm huyết với đất nước, dân tộc và có đóng góp nhất định trong đơn vị của mình. Tuy nhiên, cũng có người cảm giác như là chơi chơi thôi!”.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160317_hanoi_candidates_process

Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội

  • 10 tháng 2 2016
Image copyright AFP
Image caption Bầu cử Quốc hội mới sẽ diễn ra ngày 23/5
Nhiều công dân Việt Nam công bố sẽ tự ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội, ngay sau khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông sẽ ra tranh cử Quốc hội khóa 14.
Luật sư Phạm Quốc Bình thuộc Đoàn luật sư Hà Nội là một trong những người đầu tiên trong giới luật sư nêu ý‎ kiến cân nhắc xem ông có tham gia tranh cử lần này hay không.
Trả lời BBC, ông Bình nói ông vẫn “chưa có quyết định cuối cùng”.
Nhưng ông Bình cũng cho biết, việc có các luật sư, người ngoài Đảng, người dân tham gia tự ứng cử là “quá trình tiến tới nền dân chủ thực sự”.
Theo ông Bình, các đoàn luật sư có thể cũng sẽ ủng hộ một số luật sư muốn tham gia tự ứng cử.
Ông Bình nhận định khi hành nghề, luật sư nhận thấy quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan thuộc Quốc hội hoặc chính phủ “không ổn”.
“Nhiều luật không đi vào cuộc sống, nhiều dự án luật cần thiết phải xây dựng để phù hợp với sự phát triển xã hội thì chưa được quan tâm nhiều. Do đó chúng tôi mong muốn nhiều luật sư được tham gia làm đại biểu quốc hội. Họ có thể tham gia làm công tác luật chuyên trách. Họ cũng được đào tạo bài bản, có quá trình hành nghề luật có thực tiễn cao. Khi họ tham gia diễn đàn Quốc hội, họ có thể đóng góp xây dựng văn bản luật thực tế hơn.” – Ông Bình giải thích nguyên nhân ông ủng hộ các luật sư ứng cử.

"Còn nhiều vấn đề"

Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân nói lý do ông tự ứng cử là vì ông “mong muốn góp công sức vào một xã hội dân chủ và văn minh hơn, và theo lời của Tổng bí thư, là "dân chủ đến thế là cùng", hi vọng là mọi công dân VN đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp sự phát triển đó của đất nước”.
Ngay trong ngày 10/2, luật sư Luân đã có một bài diễn thuyết tên “Tôi có mặt ở đây” như một trong những tuyên bố đầu tiên ông sẽ tham gia tranh cử.
Ông Luân viết: “Tôi đến đây, để nói về công việc của các vị, để giải quyết nó, nếu tôi được bầu, vì lúc đó tôi tin rằng mình đã đủ thẩm quyền thiết thực, hợp pháp và hành động đúng như tôi đã luôn nghĩ đến khi đứng ở đây. Vì có các vị mới có tôi ở vị trí đó để làm việc, và đại diện cho chính quý vị.”
Image copyright Facebook Le Van Luan
Image caption Luật sư Lê Văn Luân (áo xanh) là một trong những người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14
Tuy nhiên, những người tự ứng cử sẽ phải làm việc “rất gấp” vì đến tháng 5/2016 đã bước vào kỳ bầu cử mà thời gian nộp hồ sơ có thể kéo dài đến 70 ngày.
Luật sư Lê Văn Luân nói cho dù ông thất bại thì cũng là “thành công về mặt chứng minh thực tiễn” và có thể “chứng minh về cơ hội của những người ngoài Đảng khi tham gia ứng cử, và một cuộc bầu cử minh bạch còn nhiều vấn đề.”
Trước đó, ông Nguyễn Quang A - người đầu tiên tuyên bố ra tranh cử - cũng nói với BBC: “Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”
Trên mạng xã hội tại Việt Nam, đã có một trang tên “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” liên tục cập nhật danh sách những gương mặt tự ứng cử. Hiện nay đã có tám người tuyên bố mình sẽ ra tranh cử, gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, ông Hoàng Cường, ông Nguyễn Đình Hà, ông Phạm Văn Thành, ông Lê Văn Luân.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten