maandag 30 november 2015

Lên thăm đại vực Grand Canyon, Arizona, Mỹ

Lên thăm đại vực Grand Canyon (Kỳ 1)
Friday, November 6, 2015 1:05:44 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Công viên quốc gia Grand Canyon National Park rộng 1,218,375 acres (1,900 sq.miles) nằm trên cao nguyên Colorado vùng Tây Bắc tiểu bang Arizona là một kỳ quan nơi có cảnh trí địa hình thiên nhiên làm sững sờ du khách. Qua hàng triệu năm dòng sông Colorado chảy qua đã đào rộng một vùng thung lũng thành dãy vực sâu dài 277 miles có chiều sâu trung bình 4,000 feet (1 mile có 5,280 feet) và chiều rộng có nơi đến 15 miles. Năm 1919, thắng cảnh Ðại Vực Grand Canyon được Quốc Hội Hoa Kỳ bảo tồn thành công viên quốc gia và 60 năm sau được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di Sản Thế Giới, kho tàng chung của nhân loại dành cho những thế hệ mai sau.

Ðại vực Grand Canyon, thắng cảnh ở Arizona.

Sau khi nghỉ đêm ở thị trấn giữa đàng Flagstaff chúng tôi khởi hành sớm lên Grand Canyon bằng con đường 180 dài khoảng 100 miles đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Con đường vắng vẻ, mỗi chiều một lane xe chạy với vận tốc giới hạn là 55 miles một giờ. Hai bên là rừng thông không nhà cửa rất an toàn có thể chạy nhanh hơn nhưng mọi người vẫn giữ tốc độ 55 miles để thong dong ngắm cảnh hai bên đường. Rừng thông xanh mát, phía Bắc trước mặt là ngọn núi San Francisco đỉnh cao nhất là ngọn Humphreys tuyết phủ. Hết rừng thông thì qua những những cánh đồng xanh cỏ dại có những xóm nhà cất xa con đường vào sâu bên trong. Hầu hết những ngôi nhà đều rất mới và có những cái còn đang xây, dường như là nhà nghỉ mát của những người giàu có từ Phoenix lên hay từ Las Vegas qua. Không thấy chợ búa ngay cả một trạm xăng cũng không có, mua sắm có lẽ họ trở về Flagstaff. Nơi đây có cao độ trên 5,000 feet nên không khí rất mát ngay cả mùa Hè và bầu trời trong xanh không một chút ô nhiễm. Phía trước xe tôi là 5 yên hùng xa lộ mặc áo da cỡi trên 5 chiếc mô tô Harley rất ngầu. Nhưng họ vẫn chạy chậm giữ vận tốc 55 miles và xe tôi vẫn chầm chậm theo sau họ. Tôi nói đùa với mọi người trong xe rằng mình là nhân vật quan trọng nên đi chơi có mô tô mở đường, nhưng phía sau lại không có ai hộ tống!
Hết rừng thông cao và rậm, qua những cánh đồng xanh có những xóm nhà, con đường lại qua những vùng trống trải, mênh mông vô tận có những cây thông thấp cằn cỗi vì tác dụng của gió nên dáng thông khúc khuỷu như những cây bonsai. Ước gì có một hai cây trồng trước sân nhà thì thú vị biết bao! Dù đất đai cằn cỗi, không ai tưới nước bón phân chúng vẫn sống được nơi đây. Xe chúng tôi sắp tới ngã ba nơi con đường 64 từ Williams lên gặp nhau và địa danh nơi đây có tên là Vallé, có nhà trọ, khách sạn, trạm xăng, tiệm tạp hóa và một phi trường nhỏ bên ngoài có trưng bày một chiếc máy bay phế thải. Chúng tôi dừng lại nơi trạm xăng Chevron đổ xăng, thăm nhà vệ sinh xem... có vệ sinh không và mua cà phê. Nơi đây có tiệm tạp hóa khá lớn bán những món đồ kỷ niệm của người da đỏ, chúng tôi xem các món đồ và mua cà phê nhưng cà phê trong máy chỉ có đắng chứ không thơm nhưng bù lại có những tài liệu về Grand Canyon, bản đồ miễn phí. Nơi quày tính tiền cũng có bán vé vào cửa Grand Canyon để khỏi phải nối đuôi sắp hàng chờ mua vé ở cổng vào Grand Canyon vì nơi cổng có một lane riêng dành cho những xe đã có vé.
Chúng tôi lên xe tiếp tục con đường 180, nơi đây có cao độ 5,900 feet còn 23 miles là tới cổng phía Nam công viên Grand Canyon. Rừng thông và cây cối dầy đặc trở lại và khi còn cách cổng South Entrance Station 2 miles chúng tôi gặp phi trường Grand Canyon ở bên trái, những nhà giàu có máy bay riêng họ sẽ đáp nơi đây. Ở trong phi trường còn có bán vé những chuyến bay du ngoạn để ngắm cảnh Grand Canyon từ trên cao bằng máy bay 2 động cơ 19 chỗ ngồi với 2 phi công và bay mỗi tiếng đồng hồ đó là hãng Grand Canyon Airlines. Máy bay một động cơ 7 chỗ ngồi là hãng Air Grand Canyon nên gọi giữ chỗ trước nhưng đến bất ngờ cũng vẫn... welcome! Còn muốn tham quan bằng trực thăng thì có tới 3 hãng là Grand Canyon Helicopters, Papillon Helicopters và Maverick Helicopters.

Xe chờ để vào cổng xem thắng cảnh Grand Canyon.

Làng Tusayan bên ngoài cổng vào Grand Canyon
Qua khỏi phi trường là làng Tusayan quang cảnh rất nhộn nhịp với khách sạn, nhà hàng và tiệm thức ăn nhanh duy nhất ở đây là McDonald's. Nhà hàng có Wendy's, Yippee-Ei-O Steakhouse, Jennifer's Bakery... Khách sạn và nhà trọ có 4, 5 cái, bề thế nhất là The Grand Hotel. Năm 1998, tôi đi ngang qua đây trong chuyến thăm Grand Canyon lần đầu tiên thì làng này rất thưa vắng chỉ một vài nhà trọ nhưng hôm nay nơi này rất đông vui, nhộn nhịp du khách và nơi bãi đất trống lại có dựng lều vải bán chợ trời các món hàng thủ công, mỹ thuật, quà kỷ niệm nữa gọi là “Art Festival.” Từ sáng tới giờ là 9 giờ chưa ăn gì nên chúng tôi ghé vào McDonald's ăn sáng và trong quán rất đông sắp hàng chờ mua thức ăn. Cà phê trong các quán “fast food” Mỹ có lẽ cà phê McDonald's là ngon nhất, có mùi thơm, vị đắng dịu dàng lại châm thêm thả giàn!
Tại làng Tusayan này nổi tiếng nhất là rạp hát chiếu bóng IMAX với màn ảnh rộng chiếu phim về thắng cảnh Grand Canyon là “Grand Canyon: The Hidden Secrets.” Phim sẽ đưa khán giả theo cánh chim ó bay lượn từ trên cao nhìn xuống vực sâu với dòng sông Colorado chảy xiết rồi qua những dấu vết để lại ngược dòng thời gian 10,000 năm về trước chứng tỏ đã có người ở đây cho đến cuộc thám hiểm chinh phục sông Colorado của Thiếu Tá John Wesley Powell năm 1869. Rạp hát này nằm trong khu National Geographic Visitor Center cùng một chủ với nguyệt san của hội nghiên cứu địa dư National Geographic đã xuất bản đều đặn hàng tháng gần 100 năm nay.
Tusayan là tên một làng của bộ lạc da đỏ sắc tộc Pueblo sống trong vùng Grand Canyon 800 năm về trước. Tusayan ngày trước không phải ở đây mà ở gần Desert View cách Grand Canyon Village 20 miles về hướng Ðông trên đường 64. Tại đó còn lưu dấu tích người da đỏ gọi là Tusayan Ruin và có một nhà bảo tàng mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều không có lệ phí.

Cửa hàng bán vật lưu niệm ở thị trấn Tusayan.

Những điều về an toàn nên biết khi viếng Grand Canyon
Lên xe đi chưa tới một mile, phía trước đã thấy xe sắp hàng dài nối đuôi chờ mua vé vào cổng. Giá vé cho một xe là $30 và có giá trị 7 ngày. Anh chàng nhân viên công viên (ranger) bán vé mặc đồng phục kaki vàng gần giống như hướng đạo đưa biên nhận, tài liệu chỉ dẫn và cẩn thận nhắc là vé có giá trị 7 ngày, ra vô bao nhiêu lần cũng được. Grand Canyon cũng có một đài phát thanh AM, du khách trên xe có thể vặn đài này để theo dõi những chỉ dẫn cần thiết, thời tiết, vấn đề lưu thông như đường nào bị đóng, bãi đậu xe nào đã đầy chỗ. Những vấn đề về an toàn du khách cần lưu ý khi vào ngoạn cảnh là:
-Cẩn thận coi chừng té ngã xuống vực sâu nhất là khi mải mê chụp hình ở điểm ngắm cảnh Mather Point, nơi đây những bờ đá cạnh vực sâu có thể trơn trượt. Chỉ nên đứng phía sau hàng rào và để ý đến tình trạng mặt đất nơi mình đứng.
-Sấm sét rất thường xảy ra nơi bờ vực phía Nam Grand Canyon vì vị trí này rất cao so với thế đất dưới vực sâu nên rất dễ dẫn điện truyền xuống từ lằn chớp khi mưa giông. Khi trời mưa hay mây đen vần vũ trên bầu trời hãy rời ngay khu vực trống trải cạnh bờ vực vào trong nhà hay trong xe và đóng cửa lại. Tránh che dù hay đứng dưới gốc cây tại bờ vực khi trời sấm chớp.
-Không đưa thực phẩm cho những con sóc (squirrel) ăn vì tai nạn thường xảy ra nhất nơi đây là du khách bị những con sóc cắn. Tại Grand Canyon có rất nhiều thú rừng ra... chào đón du khách như những con nai, chó sói, bầy sóc, nên tránh xa chúng vì chúng có thể cắn và lây bịnh truyền nhiễm như bịnh dịch hạch. Cho thú rừng ăn là vi phạm luật lệ bảo vệ thiên nhiên có thể bị phạt tới $5,000.
-Coi chừng bị sư tử núi (Mountain Lion) tấn công vì trong vùng có rất nhiều nai, sói, sóc là mồi ngon nên sư tử cũng thường tìm tới. Khi đi bộ những nơi vắng vẻ nên đi nhiều người, không nên cho trẻ con lang thang một mình mà phải luôn coi chừng chúng.
-Khi đi bộ bằng những đường mòn (trails) tránh đi lâu ngoài trời nắng, dừng chân nghỉ mỗi tiếng đồng hồ dưới bóng mát, uống nhiều nước và ăn thực phẩm mặn. Trước khi đi nên nghiên cứu bản đồ, hoạch định giờ giấc, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống, quần áo, nón giày nhẹ nhàng. Muốn xuống dưới đáy vực gần con sông Colorado nên đi nguyên một ngày. Cắm trại ngủ qua đêm dưới đáy vực ở Phantom Ranch phải xin giấy phép và đóng lệ phí. Nhìn xuống đáy vực thấy rất gần nên nhiều người muốn đi và về trong ngày, nhiều người đi không nổi vì đường dốc đi rất mệt và dưới vực không có gió nên khí hậu nóng và ngộp. Nhiều người mệt, đuối sức lên không nổi phải kêu trực thăng tới cứu, trả chi phí cấp cứu rất nhiều tiền!
-Xuống ngoạn cảnh dưới vực có thể đi bằng lừa, đi và về trong ngày hay 2 ngày có thể hỏi chi tiết ở (928) 638-2631 hay ở khách sạn Bright Angel Lodge nơi quày các tour ngoạn cảnh. Muốn ngoạn cảnh bình minh hay hoàng hôn ở Desert View và Hermits Rest cũng liên lạc nơi và số điện thoại nói trên.
Ðường vào Grand Canyon còn nhiều thắng cảnh hữu tình, bài tới sẽ lần lượt đưa các bạn đến thăm Grand Canyon Village, nơi có nhiều khách sạn cổ tuổi hơn trăm năm. Ðứng cạnh bờ vực trước khách sạn, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của danh thắng thuộc hàng kỳ quan của thế giới.




http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217070&zoneid=22

Lên thăm đại vực Grand Canyon (Kỳ 2)
Friday, November 13, 2015 1:08:41 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Công viên quốc gia Grand Canyon National Park rộng 1,218,375 acres (1,900 sq. miles) nằm trên cao nguyên Colorado vùng Tây Bắc tiểu bang Arizona là một kỳ quan nơi có cảnh trí địa hình thiên nhiên làm sững sờ du khách.
Ðịa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Mather Point, vì bãi đậu xe đã hết chỗ nên chúng tôi đậu xe dọc theo con đường đi vào bãi. Mather Point là nơi nhìn xuống thung lũng sâu nhất nên cảnh quan nơi đây rất hùng vĩ, từ nơi ngoạn cảnh xuống tới dòng sông Colorado ngoằn ngoèo chảy phía dưới vực chiều sâu gần 1 mile rưỡi. Những người sợ độ cao đứng nơi này nhìn xuống rất chóng mặt còn những ai thích chụp ảnh thì nơi đây quả là lý tưởng để ghi lại những hình ảnh đẹp.

Tấp nập du khách ở điểm vọng cảnh Mather Point.

Ðây là bờ phía Nam của Grand Canyon nhìn sang bờ phía Bắc cách nhau chỉ 10 miles nhưng nếu muốn sang bờ bên kia bằng xe hơi phải mất 5 tiếng đồng hồ trên con đường dài 215 miles, phải qua thành phố Las Vegas đến St. George và vòng trở xuống. Bờ phía Bắc (North Rim) rất vắng vẻ ít người thăm viếng và con đường đến đây đóng cửa vào mùa Ðông vì băng tuyết. Nhà trọ và nơi cắm trại hoặc đậu xe Camper ở bờ phía Bắc từ giữa tháng 5 cho đến giữa tháng 10 vẫn có cho du khách sử dụng nhưng cần phải gọi dành chỗ trước. Những chi tiết này có thể hỏi tại Visitor Center ở Canyon View Information Plaza ngang bên kia đường gần Mather Point.
Từ Mather Point có con đường đi bộ trải nhựa nằm dọc theo bờ thung lũng về hướng Tây để đến làng Grand Canyon Village, nơi đây có khách sạn, tiệm buôn, nhà hàng ăn uống và ngân hàng. Con đường đi bộ này dài 2.5 miles, vừa đi vừa ngắm cảnh vực sâu rất đẹp và ngang qua Yavapai Observation Station đây là điểm ngắm được cảnh vực sâu mở ra rộng nhất.
Grand Canyon Village
Chúng tôi trở lại lấy xe và chạy vào làng. Làng không có cảnh gì đẹp nhưng là khu thương mại duy nhất ở Grand Canyon. Trước khi tới làng du khách sẽ ngang qua khu Market Plaza có một chợ tên là General Store, bưu điện, ngân hàng, nhà trọ Yavapai Lodge, khu cắm trại, nhà giặt quần áo và nhà tắm nước nóng, gần đó là bịnh xá. Bịnh xá hay trạm y tế ở trên đường Clinic Road là một “Walk-In Clinic” không cần phải lấy hẹn trước. Ở đây có 2 bác sĩ để chăm sóc cho du khách bị tai nạn khi leo trèo, bị rắn cắn hay ngã bịnh bất ngờ đồng thời cũng có một nha sĩ lo cho những ai đau răng bất thình lình. Bịnh xá này là chi nhánh của bịnh viện Flagstaff Medical Center. Giờ mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều và đóng cửa 2 ngày cuối tuần, số điện thoại là (928) 638-2551. Trường hợp khẩn cấp du khách có thể gọi 911 để được chăm sóc.

 Bờ ngắm cảnh đại vực ở làng Grand Canyon Village với tường chắn an toàn.

Ngang qua đây tôi thấy những ngôi nhà nhỏ vách gỗ thông cũ kỹ, mái gỗ rêu phong và phía trước hiên nhà là những chậu hoa Geranium, chắc là những nhà trọ cho thuê. Ði tới không đầy một mile sẽ đến Grand Canyon Village, nơi đây có trạm xăng, ga ra sửa xe và nhà ga xe lửa. Nhiều du khách nhất là người Mỹ lớn tuổi thích đi xe lửa vào Grand Canyon, họ lái xe tới thị trấn Williams, bỏ xe nơi đây và ngồi xe lửa chạy bằng diesel với đầu máy phun khói mà vào Grand Canyon. Họ muốn đi lại con đường ngày xưa 100 năm trước du khách thời ấy đã từng đi. Ðoạn đường ngày nay chỉ có 65 miles và mất 2 giờ 15 phút, trên xe có những nhạc công miền Viễn Tây đi tới đi lui giúp vui du khách. Du khách có thể tới sớm ở ga Williams để có thời giờ ăn sáng ở Max và Thelma's Restaurant cũng như dạo xem những gift shops, nhà bảo tàng Railway's Museum và Grand Canyon Railway Hotel. Xe lửa chia ra làm 5 hạng ghế, tiền nào của nấy, hạng nhất toa xe được mô phỏng như kiểu Harriman 1923 có tầng cao để ngắm cảnh bao quát xung quanh. Từ Williams du khách có thể đi về trong ngày theo lịch trình 10 giờ sáng khởi hành ở Williams Depot và đến Grand Canyon lúc 12 giờ 15. Buổi chiều từ Grand Canyon đi lúc 3 giờ 30 và về lại Williams lúc 5 giờ 45.Những ai thích đi xe lửa có thể gọi để biết chi tiết ở số 1-800-THE-TRAIN (1-800-843-8724) hay vào website www.thetrain.com

Phía Bắc của Grand Canyon Village dọc theo con đường Trail cạnh bờ vực là một dãy khách sạn cổ có những cái đã hơn 100 tuổi.
Hopi House, kiến trúc đầu tiên ở Grand Canyon
Ngôi nhà xây bằng đá đỏ có tên là Hopi House nằm gần bãi đậu xe, đây là ngôi nhà đầu tiên được xây dựng tại Grand Canyon Village năm 1905 do bà Mary Jane Colter vẽ kiểu và thiết kế. Hopi là tên một bộ lạc da đỏ sống trong vùng Arizona khoảng 1,000 năm về trước và còn lưu truyền bộ tộc cho đến ngày nay.

Ngôi nhà cổ Hopi House xây bằng đá vào năm 1905.

Người Hopis theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà là chủ nhân gia đình, chủ nhà và chủ ruộng đất còn đàn ông làm ngoài nương rẫy thường trồng bắp là món ăn chính của họ. Bà Mary Colter vẽ kiểu Hopi House mô phỏng theo kiểu nhà bằng đá của người Hopi: có 3 tầng, các nhà tầng trên nhỏ hơn tầng dưới và lên bằng một thang cây dựng bên ngoài bức tường nhà. Ngôi nhà Hopi House tại Grand Canyon do chính thợ xây người Hopis và dùng đá đỏ địa phương được đẽo bằng tay chất lên thành tường và kết dính với nhau bằng một chất vôi vữa, đà ngang trần nhà được làm bằng gỗ sần sùi đốn tại địa phương. Ngôi nhà này ngày trước được dùng làm nơi trao đổi hàng hóa của người da đỏ (trading post) vì họ không sử dụng tiền mà chỉ trao đổi với nhau nông phẩm để lấy vật dụng, thí dụ như trao bắp, đậu để lấy đồ gốm gia dụng hay nữ trang làm bằng đá. Ngày nay Hopi House vẫn là nơi trao đổi hàng hóa của người da đỏ nhưng không còn lấy thực phẩm nữa mà lấy... tiền cho gọn nhẹ. Hàng hóa của người da đỏ được du khách ưa chuộng để làm quà kỷ niệm là đồ trang sức, đồ gốm nhiều màu, vải thổ cẩm dệt thô sơ bằng tay để treo trang trí hay làm thảm trải nhà. Tôi vào đi một vòng trong Hopi House có máy lạnh và nhạc trống người da đỏ dập dồn được thu vào CD và phát ra những loa giấu trên trần nhà. Trên lầu vài người phụ nữ da đỏ (?) biểu diễn cách dệt vải thổ cẩm và xay bắp thành bột trong những cối xay bằng đá để làm bánh tortilla. Nơi quày có bán những món ăn ngọt trong đó có kẹo dẻo mùi cây xương rồng.
Năm 1987 Hopi House được phong tặng là danh thắng lịch sử quốc gia (National Historic Landmark) và trong quá khứ nhà bác học lừng danh người Ðức Albert Einstein (1879-1955) cùng vợ đã từng viếng nơi đây năm 1931 và chụp hình lưu niệm với những phụ nữ bộ lạc Hopi trong chuyến viếng Hoa Kỳ lần thứ hai theo lời mời của viện California Institute of Technology.
Phía trước Hopi House là sân cỏ có nhiều cây tùng bách và cạnh đó là bờ vực với tường chắn bằng đá xây dọc theo con đường tản bộ, vài du khách thong thả dạo chơi, vài người khác nhắm máy ảnh xuống vực sâu mong chụp được những chú nai mule deer đang thẩn thơ gặm những chồi lá non còn ướt đẫm giọt sương mai.

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217441&zoneid=22

Lên thăm đại vực Grand Canyon (Kỳ 3)
Friday, November 20, 2015 1:03:43 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm

Grand Canyon là thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kỳ quan của thế giới nằm về hướng Tây Bắc tiểu bang Arizona do dòng sông Colorado tạo thành. Grand Canyon có hai bờ Bắc và Nam nhưng bờ phía Nam là nơi du khách thường đến ngoạn cảnh nhất vì nơi đây đường sá thuận lợi, có phố xá khách sạn, nhà hàng. Grand Canyon Village là ngôi làng ở bờ phía Nam, du khách có thể nghỉ đêm ở các khách sạn, nhà trọ nơi đây hay đi bộ xuống khám phá đại vực.


Bờ phía Nam đại vực Grand Canyon.
Lữ quán El Tovar
Du khách đến làng Grand Canyon Village đứng ngắm cảnh nơi đây sẽ thấy một ngôi nhà xưa to lớn 3 tầng, vách gỗ màu xám nâu phía trước mặt tiền cẩn đá chung quanh là bãi cỏ xanh và những cây phong to lớn. Ðó là lữ quán El Tovar năm nay là 2015 vừa tròn 110 tuổi. Chúng tôi bước vào khách sạn cổ này, phía trước là một mái hiên (bungalow) trống trải không vách được chống đỡ bằng những cột cẩn đá to lớn, nơi đây có để những chiếc ghế gỗ để du khách ngồi thư giãn ngắm cảnh hay chờ xe đến đón. Bên gian trong là phòng tiếp tân với quày làm việc của nhân viên trực khách sạn. Cầu thang lên lầu, hành lang đi vào nhà hàng tất cả đều trang trí bằng gỗ sơn màu nâu có vẻ âm u huyền bí và cả những chùm đèn trên trần cũng rất xưa cũ. Không phải là khách ngụ trong khách sạn nhưng chúng tôi tự nhiên dạo chơi nơi đây và sau đó còn sử dụng nhà vệ sinh nữa nhưng cũng không ai hỏi han gì! Sau này khi tham khảo tài liệu tôi mới biết có văn bản đàng hoàng: “The famed El Tovar dining room, lounge, gift store and lobby are open to the public.”
Lữ quán này 100 năm trước là khách sạn sang trọng và to lớn nhất tại Grand Canyon sau khi đường xe lửa từ Williams lên Grand Canyon dài 80 miles được hoàn thành do hãng Topeka và Sante Railway bắt đầu khai thác từ năm 1901. Ðể cho đường xe lửa mới mở có khách đi, chính hãng xe lửa đứng ra xây cất khách sạn El Tovar lấy tên nhà thám hiểm người Tây Ban Nha là Don Pedro de Tobar người da trắng đầu tiên đã lặn lội trèo lên vùng này và khám phá ra đại vực Grand Canyon. Kiến trúc sư Charles Whittlesey nguyên quán ở Alton, Illinois đã có kinh nghiệm xây cất 25 năm vùng Chicago được giao công tác thiết kế và xây cất khách sạn. Ông đã dùng kiểu nhà thịnh hành thời ấy là kiểu Victorian và vật liệu dùng để xây là những gì có trong thiên nhiên tại địa phương. Whittlesey chính yếu dùng đá tại đây và gỗ Douglas Fir được chuyển vận lên từ Oregon. Bà Mary Elizabeth Jane Colter là kiến trúc sư xây dựng nhiều nhà ở Grand Canyon trong đó có Hopi House gần đó cũng góp phần trang trí nội thất khách sạn. Khách sạn có 3 tầng và một tầng hầm, tầng một là phòng Rendezvous Room là phòng lễ tân đón tiếp khách mướn và trả phòng, hai tiệm bán quà lưu niệm (gift shops), quầy rượu (lounge) và nhà hàng ăn uống cũng như một số ít phòng ngủ cho những ai không muốn ở trên lầu. Tầng 2 và 3 toàn là phòng ngủ trong đó có 12 suites sang trọng dành cho quốc khách, minh tinh màn bạc và những nhà tỷ phú. Bốn vị tổng thống Mỹ đã từng ở khách sạn El Tovar là Theodor Roosevelt (người đặt viên đá đầu tiên xây cổng Roosevelt Arch ở Yellowstone), Herbert Hoover (người vận động xây đập thủy điện Hoover ở gần Las Vegas), George H. W. Bush (tức Bush cha) và Bill Clinton (không biết Monica Lewinski lúc ấy có đi theo làm... thư ký thực tập hay không?) Những người nổi tiếng đã từng cư ngụ tại khách sạn là nhà bác học Albert Einstein, minh tinh màn ảnh Elizabeth Taylor, hai tài tử và minh tinh phim câm thời xưa là Douglas Fairbanks và Mary Pickford.


Lữ quán El Tovar khách sạn cổ 110 tuổi ở Grand Canyon Village.


Ngày nay du khách tới thăm và nghỉ mát ở Grand Canyon không phải chỉ ở khách sạn El Tovar mà còn 5 khách sạn khác nữa cũng ở quanh đây trong vùng Grand Canyon Village cũng do công ty Xanterra độc quyền khai thác. Tổng cộng 6 khách sạn có tới 907 phòng. Bữa ăn tối tại El Tovar nghe tài liệu du lịch mô tả rất lãng mạn, tình tứ và thơ mộng nhưng tôi chưa dám thử vì chỉ quen các món canh chua, cá kho, phở, cơm, bún mà thôi!
Rời khách sạn cổ 100 năm El Tovar chúng tôi theo con đường bộ hành đi dọc theo tường đá thấp xây bên bờ vực. Bờ phía bên kia là North Rim chỉ cách bờ bên này khoảng 10 miles nhưng nếu muốn qua bên ấy bằng xe hơi phải đi vòng 215 miles mất gần 5 tiếng đồng hồ. Những khách sạn kế cận El Tovar là Kachina Lodge, Thunderbird Lodge cả 2 giá phòng $122-$132 và Bright Angel Lodge giá $50-$130 đều là những lữ quán xưa cũ và cùng một công ty khai thác với khách sạn El Tovar là công ty Xanterra có số điện thoại là 888-29-PARKS hay 888-297-2757. Riêng khách sạn El Tovar là khách sạn lớn nhất có giá $129 đến $300. Nhà hàng trong El Tovar cũng rất nổi tiếng vì tính chất lịch sử nơi những vị tổng thống, những danh nhân thế giới, minh tinh màn bạc đã từng ngồi ăn tối nơi đây. Nhà hàng mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 11 giờ đêm và bữa ăn tối phải gọi đặt chỗ trước ở số (928) 638-2631 Ext. 6432.
Bright Angel Lodge
Nhà trọ này nằm cuối hết trong khu 9 ngôi nhà cổ cạnh bờ vực Grand Canyon, được xây năm 1935 bởi Mary Jane Colter (1869-1958) một nữ kiến trúc sư nổi tiếng miền Tây Nam Hoa Kỳ. Bà yêu thích phong cảnh thiên nhiên vùng Grand Canyon nên đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc tại đây. Phong cách kiến trúc của bà nặng về thiên nhiên, tận dụng những vật liệu xây cất có tại địa phương như đá tảng và gỗ tùng bách nên công trình xây cất của bà hài hòa với phong cảnh chung quanh. Tại Grand Canyon bà Mary Jane Colter đã xây những công trình như Hopi House theo kiểu nhà của người da đỏ, lữ quán Bright Angel Lodge xưa kia là nơi bà ở, Lookout Studio căn nhà ngoạn cảnh cạnh bờ vực gần đó, Hermit's Rest là cổng bằng đá cuối con đường men theo đại vực đi về hướng Tây, Guest Lodge là ngôi nhà du khách nghỉ đêm ở Phantom Ranch nằm dưới đáy vực và tháp đá Indian Watchtower ở Desert View cuối con đường đi về hướng Ðông cách Grand Canyon Village khoảng 20 miles. Mỗi năm có gần 5 triệu du khách vào thăm Grand Canyon họ đều thăm viếng hay nhìn thấy các công trình kiến trúc mà bà Mary Jane Colter đã để lại cho hậu thế.


Nhà trọ Bright Angel Lodge ở Grand Canyon.


Bright Angel Lodge có tất cả 89 phòng vừa trong khách sạn vừa ở những căn cabin nằm riêng rẽ bên ngoài. Những phòng giá rẻ $50 phải sử dụng phòng tắm chung ở lối đi. Lữ quán có nhà hàng ăn cũng như quán cà phê phục vụ những bữa ăn cho du khách.
Bright Angel Trail, lối mòn dưới đại vực
Những con đường mòn đi xuống vực sâu đều nằm gần Bright Angel Lodge như Bright Angel Trailhead nằm cuối con đường bộ hành cặp theo bờ vực về hướng Tây. Ðây là con đường đất không tráng nhựa có vài nơi có bóng cây, điểm đến cuối cùng là Indian Garden cách điểm khởi hành 4.6 miles và đi bộ phải mất từ 3 đến 4.5 tiếng đồng hồ do đó những ai muốn đi và về trong ngày phải cân nhắc kỹ lưỡng chứ đừng xuống tới đáy vực, không khí rất oi nồng ngột ngạt vì không có gió, lúc đó trở lên không nổi, đồ ăn thức uống lại không có, phải kêu trực thăng đến bốc lên thì rất phiền hà và tốn tiền bạc! Dưới đáy cách phía trên bờ vực là 3,060 feet có nhà vệ sinh và nước sạch. Dọc đường đi xuống có 2 nơi nghỉ chân là ở địa điểm 1.5 mile và 3 mile có nhà vệ sinh nhưng nước uống chỉ có trong mùa Hè, mùa Ðông không có nước vì ống dẫn nước có thể bị đóng băng.
Từ Indian Garden đến dòng sông Colorado phải đi thêm 3 miles nữa. Vượt qua con sông bằng cầu Bright Angel Suspension Bridge sau đó đi thêm 1 mile nữa sẽ tới Phantom Ranch có bãi đất để cắm trại che lều, có nhà vệ sinh, nước uống, trạm điện thoại nhưng phải mua giấy phép cắm trại là $10 và $8 lệ phí một đêm cho một người. Giấy phép và lệ phí cắm trại qua đêm dưới vực mua ở Backcountry Information Center (928) 638-7875 hay ở Visitor Center tại Canyon View Information Center gần Mather Point. Từ Phantom Ranch có con đường mòn qua bờ phía Bắc (North Rim) Grand Canyon theo con đường North Kaibab Trail. Nhiều người quen với tôi hãnh diện khi khoe rằng đã từng vượt bằng đường mòn từ bờ Nam sang bờ Bắc của Grand Canyon và họ đã dùng con đường này. Thằng con trai út tôi lúc còn nhỏ 14, 15 tuổi từng gia nhập hướng đạo và toán của nó cũng đã vượt đại vực Grand Canyon bằng con đường này nhưng nó đi ngược lại từ bờ Bắc đi bộ qua bờ Nam và có xe đón phía bên này.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217817&zoneid=22

Lên thăm đại vực Grand Canyon (kỳ cuối)
Friday, November 27, 2015 1:12:35 PM



Bài liên quan



Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Công viên quốc gia Grand Canyon National Park rộng 1,218,375 mẫu acres (1,900 dặm vuông) nằm trên cao nguyên Colorado vùng Tây Bắc tiểu bang Arizona là một kỳ quan nơi có cảnh trí địa hình thiên nhiên làm sững sờ du khách. Qua hàng triệu năm dòng sông Colorado chảy qua đã đào rộng một vùng thung lũng thành dãy vực sâu dài 277 miles có chiều sâu trung bình 4,000 feet (1 mile có 5,280 feet) và chiều rộng có nơi đến 15 miles. Năm 1919 thắng cảnh Ðại Vực Grand Canyon được U.S. Congress bảo tồn thành công viên quốc gia và 60 năm sau được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di Sản Thế Giới, kho tàng chung của nhân loại dành cho những thế hệ mai sau.

Con đường mòn Hermit Trail xuống thăm đại vực.
Ðến thăm thắng cảnh Grand Canyon nếu sức khỏe bình thường không có vấn đề gì thì cũng nên xuống khám phá dưới đại vực xem cảnh trí dưới đó như thế nào và cũng có thể xuống trầm mình dưới dòng nước mát của con sông nổi tiếng Colorado đã chảy qua ngàn dặm núi non. Ca dao có câu “Lên non tắm ngọn sông Ðào, muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh,” tắm nơi đây chắc sẽ sảng khoái vô cùng và mọi bệnh tật đều tiêu tan.
Hermit Trail
Con đường đi xuống cách Hermit's Rest 500 feet về hướng Tây, đường đi không được tu bổ nên phải thận trọng và nên mang giày loại hiking vì có nhiều bậc thang đất đá. Nước chỉ có nước suối thiên nhiên cần phải khử trùng trước khi uống. Ðiểm đến là Dripping Springs sâu 1,700 feet, chiều dài con đường là 3.5 miles đi mất từ 3 đến 4.5 tiếng đồng hồ.
Nhiều người muốn ngắm cảnh dọc đường mòn xuống đáy vực nhưng không muốn đi bộ vất vả và Grand Canyon cũng có cách giải quyết cho họ bằng cách cho họ cỡi lừa với điều kiện thân hình phải nhẹ nhàng vì nếu quá khổ sợ lừa bị... gãy xương sống! Những chuyến du ngoạn xuống đáy vực bằng lừa có thể đi 1 hoặc 2 ngày có thể gọi hỏi chi tiết ở số (928) 683-2631 hay hỏi tại quày du lịch ở Bright Angel Lodge. Vì đã xảy ra những tai nạn chết người và lừa khi lừa bị hoảng sợ, người đi bộ trên đường mòn gặp đoàn lừa nên:
-Ra khỏi con đường mòn, đứng im lặng đừng động đậy thái quá làm lừa hoảng hốt và theo lời hướng dẫn của anh nài dẫn đoàn lừa.
-Chỉ trở lại con đường mòn khi con lừa cuối cùng trong đoàn đã qua khỏi 50 feet.
Khi đi bộ trèo núi (hiking) khách bộ hành cần phải chuẩn bị y phục, nón, giày nhẹ nhàng thích hợp. Nước uống đầy đủ và thức ăn mang theo nên hơi mặn một chút vì cơ thể sẽ cần muối và nên ăn sáng đầy đủ trước khi lên đường, đây không phải là lúc cần ăn kiêng. Phải trừ hao thời giờ, nên nhớ rằng thời gian đi lên dốc gấp đôi thời gian xuống dốc, không nên hấp tấp vội vã vì sẽ làm mau mệt. Mỗi giờ đồng hồ nên dừng lại nghỉ ngơi 10 phút trong bóng mát. Hiking không cần phải có giấy phép nhưng nên cho một người khác biết lộ trình và ngày giờ mình trở lại để trong trường hợp đi lạc người ta dễ tìm kiếm.

Dòng sông Colorado nằm phía dưới đại vực.

Những chuyến xe không mất tiền
Ðể bảo vệ thiên nhiên tránh không khí bị ô nhiễm, trong vùng Grand Canyon bờ phía Nam có 3 lộ trình xe buýt miễn phí (free shuttle bus) chuyên chở du khách qua lại từ địa điểm này sang địa điểm khác để ngoạn cảnh. Du khách muốn đi không cần vé, những trạm xe ngừng trên đường có bảng vẽ hình đầu chiếc xe buýt, mỗi lộ trình có màu riêng được sơn trong khung chữ nhật nơi cửa xe và có những xe đề tên lộ trình trước xe. Thú vật nhà như chó mèo không được lên xe buýt. Có 3 lộ trình như sau:
-Hermits Rest Route (lộ trình sơn màu đỏ) dài 8 miles khởi hành từ Hermits Route Transfer, địa điểm xe khởi hành nằm trên con đường đi bộ cạnh bờ vực phía Tây lữ quán Bright Angel Lodge và cuối lộ trình là Hermits Rest. Lộ trình này chạy dọc theo bờ vực đi về hướng Tây trên con đường dành riêng cho xe buýt, không cho xe tư nhân lưu thông. Trên đường này xe dừng lại ở 8 điểm ngắm cảnh dọc theo bờ vực nhưng khi chuyến xe trở về chỉ ngừng lại tại 2 địa điểm Mohave và Hopi Point mà thôi.
-Village Route (lộ trình sơn màu xanh lục) lộ trình này chạy một vòng trong làng Grand Canyon Village qua nhà ga xe lửa, các khách sạn, khu chợ. Về hướng Ðông xe buýt chạy tới Yavapai Observation Station (cạnh bờ vực) và tới Canyon View Information Plaza gần Mather Point. Trạm khởi hành Village Route Transfer cũng ở gần địa điểm Hermits Route Transfer.
-Kaibab Trail Route (lộ trình sơn màu xanh lá cây) lộ trình này ở về phía Ðông và xe đi từ Canyon View Information Plaza đến Yaki Point và ngược lại.
Trong mùa Hè tìm chỗ đậu xe hơi khó ở các bãi đậu nhất là từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tuy nhiên xe có thể đậu bên lề các con đường nếu những nơi này không có để bảng cấm đậu. Chính quyền công viên khuyên du khách nên đậu xe một chỗ, di chuyển trong công viên nên sử dụng xe buýt miễn phí để tránh giao thông ứ nghẽn và gây ô nhiễm môi trường. Xe buýt miễn phí trong mùa Hè (tháng 5 cho tới tháng 9) chạy mỗi ngày từ 4 giờ 30 sáng cho đến một tiếng đồng hồ sau khi mặt trời lặn và cứ mỗi 15 phút là có một chuyến (7 giờ 30 cho đến lúc mặt trời lặn), sáng sớm hay chiều tối thì cứ nửa giờ.

Thắng cảnh Grand Canyon ở bờ phía Nam.

Trong công viên Grand Canyon có nhiều nai loại nhỏ con mule deer, nhiều dê núi big horn và sóc, thỏ, chó sói và một ít gấu cũng như sư tử núi. Theo tài liệu được phát không ở Visitor Center cho thấy vùng Grand Canyon có đến 1,500 loại cây cối thảo mộc, 355 giống chim, 89 loại động vật có vú, 47 loại bò sát, 9 loại ếch nhái và 17 loại cá. Có 5 bộ tộc người da đỏ sống trong vùng là Hopi, Navajo, Havasupai, Paiute và Haulapai. Muốn tìm hiểu thêm về Grand Canyon có thể gọi Grand Canyon National Park (928) 638-7888, về phòng khách sạn gọi Xanterra Parks and Resorts (928) 638-2526, về các dịch vụ thương mại gọi Grand Canyon Chamber of Commerce (928) 638-2901. Nhiều đồng hương Việt Nam ở Quận Cam, các tiểu bang xa, các nước Âu Châu và cả ở trong nước đã gọi điện thoại, email hỏi về các tour du lịch do người Việt tổ chức đi Grand Canyon, Yosemite, Lake Tahoe và Yellowstone. Hiện nay các văn phòng du lịch, bán vé máy bay ở Little Saigon đều có những Tour xe buýt thăm viếng các thắng cảnh trên.
Sau khi thăm qua những nơi cần đến ở Grand Canyon, chúng tôi rời Grand Canyon Village để đi Sedona 160 miles về phía Nam cách 3 tiếng đồng hồ lái xe để xem những núi đá đỏ mà người da đỏ tin là rất huyền bí. Rời khu rừng thông yên tịnh, bầu trời xanh và không khí mát mẻ dù ngay mùa Hè của vùng Ðại Vực du khách nào cũng bồi hồi luyến tiếc, thầm nghĩ chắc vài năm sau sẽ trở lại để ở đôi ba ngày hòa mình vào không gian yên tịnh nơi đây. Nơi nào đẹp tôi cũng hứa sẽ trở lại mà thế giới còn biết bao nhiêu cảnh đẹp cần phải đến nhưng cuộc đời thì quá ngắn ngủi, biết làm sao đi cho hết?
Cũng xin lưu ý Grand Canyon ở đây là công viên quốc gia “Grand Canyon National Park” nơi có cảnh trí hùng vĩ thơ mộng và đường sá tiện nghi đầy đủ. Khác với “Grand Canyon West” gần Las Vegas là vùng đất chính phủ bảo tồn dành cho bộ lạc da đỏ Haulapai. Bộ lạc này giao cho công ty tư nhân khai thác xây lên cây cầu có sàn lót bằng kính trong suốt gọi là “Skywalk” nhìn xuống Grand Canyon. Con đường tư nhân vào đây không trải nhựa, cát bụi mịt mùng, lên cây cầu kính giá vé rất cao và không được chụp hình, muốn có hình kỷ niệm phải mua lại của công ty. Quán ăn, nước uống nơi đây nhếch nhác, công ty khai thác độc quyền. Nhiều công ty du lịch ở Trung Quốc, Việt Nam, có lẽ vì không biết hay do giá rẻ vì đường đi gần, hợp đồng với họ trong chương trình đi viếng Grand Canyon đưa du khách trong nước đến đây khiến du khách bực mình và có cái nhìn không đúng với thắng cảnh Grand Canyon của nước Mỹ. Do đó khi mua tour nên xem kỹ chương trình coi có phải là Grand Canyon National Park hay Grand Canyon West Skywalk. Nếu muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ lại có cây cao bóng mát, dòng sông hiền hòa thì phải chọn Grand Canyon National Park chứ không phải Grand Canyon West Skywalk ngoại trừ muốn đi lên cầu kính cho biết cảm giác thế nào?



Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Tất cả đều dầy trên 300 trang trình bày đẹp, mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: trinhhaotam@yahoo.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=218179&zoneid=22


Moses và đỉnh núi Nebo nhìn miền đất hứa, Jordan

Moses và đỉnh núi Nebo nhìn miền đất hứa, Jordan
Friday, November 20, 2015 6:35:22 PM



Bài liên quan




Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Thuở còn nhỏ, tôi nhớ mãi đến một cuốn phim có tựa “Mười Ðiều Răn” với một lý do rất đơn giản là hình ảnh của tài tử đóng phim đó đẹp và oai hùng quá. Thêm vào đó kỹ thuật làm phim tạo ra hình ảnh nước biển rẽ đôi ra để cho đoàn lưu dân Do Thái đi qua, sau đó biển lại đóng lại chôn vùi theo cả một đạo quân Ai Cập đuổi theo đoàn dân này. Chỉ hai hình ảnh đó thôi mà phim “Mười Ðiều Răn” nằm mãi trong trí nhớ của một đứa bé.


Bản đồ núi Nebo nằm phía Bắc của Madaba City và Dead Sea. (Hình ATNT Tours & Travel)
Lớn lên tôi mới biết người đóng vai Moses oai hùng đó là tài tử nổi tiếng Charlton Heston và nước biển rẽ đôi cứu người dân Do Thái chính là biển Hồng Hải (Red Sea). Nhưng tôi lại không ngờ có ngày mình có dịp đặt chân đến một đỉnh núi mà khoảng gần 3,400 năm trước nơi Moses đã đứng dõi mắt nhìn về miền đất hứa cho những người dân của ông. Tương truyền, đó chính là đỉnh núi Nebo nằm trong lãnh thổ Jordan ngày nay.

Từ Amman thủ đô của Jordan xuôi về phía Tây Nam khoảng một giờ xe là du khách đến thành phố Madaba, thành phố có những câu chuyện thần thoại về nhà tiên tri Moses, câu chuyện về chuyến rời bỏ Ai Cập đi tìm miền đất hứa của người dân Do Thái (Exodus) và câu chuyện về đỉnh núi Nebo nơi dừng chân cuối cùng của tiên tri Moses.
Núi Nebo không cao lắm, chỉ khoảng 800m và từ thành phố Madaba đi xe lên chỉ mất 10 phút. Ðịa hình của núi Nebo kể cũng rất lạ, các phía Bắc phía Ðông phía Nam của núi được bao bọc bởi các thung lũng. Trên đỉnh núi Nebo chỉ có hai đỉnh điểm lịch sử quan trọng là đỉnh phía Tây Slyagha nơi có Memorial Church of Moses và đỉnh phía Ðông Nam nơi được chứng nhận là có di tích Town of Nebo, nơi đây người ta đã tìm thấy được các dấu tích của các ngôi nhà thờ cổ.

Hướng tây Nebo là thung lũng Jordan River Valley và phía bên kia sông là thành phố Jechiro. Nếu bạn có dịp đi từ phía Nam ngược lên hướng Bắc của Jordan, chắc chắn bạn phải đi qua khu vực Petra và Dead Sea (Biển Chết), bạn sẽ nhận thấy rằng mình đã đi từ vùng cát nóng hoang vu đến một vùng đất xanh tươi phì nhiêu tươi tốt cho ruộng đồng cây trái. Vùng đất này chính là thành phố Jechiro, thành phố được cho là cổ nhất trên thế giới và nằm thấp dưới hơn mặt biển đến hơn 250m. Những dòng suối ngầm đã tạo sự xanh tươi trù phú cho vùng đất ngay giữa lòng sa mạc. Những hàng cây chà-là và ô-liu xanh tươi thẳng tắp khiến du khách thấy ngay được sự phì nhiêu của thành phố. Jechiro cũng là thành phố được tương truyền rằng Chúa Jesu đã từng đi qua đây và chữa lành bệnh mắt cho những người ăn xin, cũng như Chúa Jesu đã cảm hóa được Zacchaeus một người thu thuế và làm ăn không lương thiện tại đây.

Memorial of Moses trên đỉnh núi Nebo. (Hình ATNT Tours & Travel)

Ngày xưa, thời của Moses, tên cũ của đỉnh núi Nebo là đỉnh Pisgah, ông đã đi từ vùng đất thấp Moab lên tận đỉnh Pisgah phóng tầm mắt nhìn về vùng đất hứa nơi có Jordan River valley, Dead Sea (Biển Chết), Jericho và đồng ruộng.

Vùng đất màu mỡ như thế thì làm sao nhà tiên tri Moses không chọn nơi đó làm vùng “đất hứa” cho lưu dân Do Thái. Thiên Chúa đã chỉ cho tiên tri Moses một vùng đất hứa thật tuyệt vời, nhưng tiếc là Thiên Chúa lại không hứa cho cá nhân ông đến đó. Moses đã nhìn thấy vùng đất hứa, nhưng ông đã không đi đến được điểm đích cuối cùng vì lúc ấy ông đã khoảng 120 tuổi.

Tưởng cũng cần nhắc sơ đôi chút về nhà tiên tri Moses. Ông là một đứa bé mang dòng máu Do Thái, mẹ ông không nỡ giết con vì lệnh của một Pharaon Ai Cập thời đó, nên bà đã thả đứa bé trôi sông. Ðứa bé được một vị công chúa Ai Cập cứu sống, đưa về nuôi nấng và trở thành một người trong hoàng gia Ai Cập. Lớn lên ông là người có tài về tổ chức quân binh. Nhưng vì bênh vực một người nô lệ Do Thái, ông lỡ tay giết một người Ai Cập nên bị truy lùng.

Ông phải chạy trốn khỏi Ai Cập, lưu lạc đến bán đảo Sinai. Ở đây ông nghe được lời gọi của Thiên Chúa, mặc khải cho ông, và lệnh cho ông trở về Ai Cập tìm cách dẫn dắt đoàn lưu dân của ông đi tìm đất hứa. Moses đã cùng với đoàn dân Do Thái băng qua biển Hồng Hải, đi qua bán đảo Sinai vào vùng hoang vu sa mạc và lưu lạc trong đó suốt 40 năm trời trước khi ông và đoàn đến vùng thung lũng gần Bethpeor mà ngày nay được gọi là Springs of Moses sát bên ngọn núi Nebo.

“Vùng đất hứa” nhìn từ trên đỉnh núi Nebo. (Hình ATNT Tours & Travel)

Cuộc hành trình đi tìm đất hứa Exodus này tôi cho là một đoạn phim hay nhất trong trong phim “Mười Ðiều Răn,” hình ảnh tiên tri Moses đứng trên đỉnh núi Sinai, râu tóc ông tung bay lồng lộng trong gió. Tay ông vẫn cầm chặt “Mười Ðiều Răn” trên tay mặc cho sấm sét ầm ầm nổ tung trên cả bầu trời. Ðiểm này vẫn còn là một hình ảnh khó phai mờ trong trí óc của tôi.

Moses mất trên đỉnh Nebo và tương truyền ông được an nghỉ trong vùng thung lũng Moab đối diện với Beth-Peor. Nhưng mộ ông thực sự ở đâu thì cho đến bây giờ cũng không ai biết được. Có người tin rằng ông đã được Thiên Chúa đưa ông trở về với Ngài. Người kế vị Moses là Joshua đã tiếp tục con đường của ông, đưa đoàn lưu dân Do Thái qua sông Jordan định cư và hoàn thành ước nguyện của Moses.

Ngày nay, từ chân núi Nebo đi lên đỉnh, con đường lộ đã được trải nhựa và các hàng cây cũng được trồng thêm dọc theo hai bên đường, mục đích làm không gian nơi đây bớt đi những cơn nóng vào mùa hạ. Tảng đá lớn “Memorial of Moses” được dựng lên trước cổng vào như để nhắc nhở khách du ngoạn hay hành hương đã gần vào đỉnh núi. Cạnh đấy là một tảng đá như một cuốn Thánh kinh vĩ đại được dựng lên để kỷ niệm năm 2000, năm Ðức Giáo Hoàng John Paul II đến hành hương nơi đây. Một ngôi giáo đường lớn Byzantine đang được xây dựng và trùng tu cũng được đặt tên “Moses Memorial Church.”

Tượng rắn đồng, phép lạ của Moses dùng cứu những người bị rắn độc cắn, trở thành một biểu tượng cho ngành Dược Học phương Tây. (Hình ATNT Tours & Travel)

Trên đỉnh Nebo một cây Thánh giá có tượng con rắn bằng đồng quấn quanh (Serpentine cross) do một nghệ nhân người Italy thiết kế. Tượng được dựng trên một điểm cao nhất đỉnh núi. Cây Thánh giá tượng trưng cho Chúa Jesu chịu đóng đinh trên thập tự giá. Còn tượng rắn bằng đồng là biểu tượng cho câu chuyện tương truyền về Moses đã cho làm tượng rắn bằng đồng để cứu sống những người bị rắn độc cắn trên đường đi tìm đất hứa. Mỗi khi ai bị rắn cắn thì họ chỉ cần nhìn vào tượng rắn bằng đồng thì họ sẽ được cứu sống. Từ đó, “tượng rắn đồng quấn quanh cây sào” được chọn trở thành một biểu tượng cho ngành Dược Khoa của phương Tây.

Nhưng quả thực những tảng đá, ngôi nhà thờ, và các biểu tượng đã không lôi cuốn tâm tư tôi bằng điểm đỉnh núi. Chỉ cần hình dung ra đây chính là nơi chính Moses đã đứng hướng mắt nhìn để tìm miền đất hứa cho người lưu dân Do Thái khoảng 3,400 năm trước, điều này cũng đã đủ cho tôi cảm nhận được có một điều gì rất lạ len lỏi vào trong tâm tư mình. Tuy nhiên, tôi biết có một người không phải là một người Do Thái cũng đã đến nơi đây, Ngài cũng đã có dịp đứng ngay nơi mà người ta tin rằng Moses đã đứng. Chắc hẳn Ngài cũng dõi mắt tìm về những vùng “đất hứa” như Moses đã tìm. Ngài cũng đi tìm một vùng đất hứa nhưng là một vùng đất-hứa-hiền-hòa-bình-an cho cả nhân loại, chẳng riêng cho một ai hay cho một dân tộc nào. Người đó chính là Cố Ðức Giáo-Hoàng John Paul II, người đã đến viếng thăm đỉnh Nebo vào năm 2000, năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba. Ngài cũng đã tự tay trồng một cây Olive biểu tượng cho hòa bình ngay bên nhà nguyện Byzantine. Chín năm sau (2009), cựu Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã đến viếng thăm đỉnh Nebo. Chắc hẳn Ngài cũng dõi mắt nhìn tìm về một vùng đất-hứa-hiền-hòa-bình-an cho cả nhân loại như Thánh John Paul II.

Cố Giáo Hoàng John Paul II trong lần viếng thăm đỉnh Nebo năm 2000. (Hình ATNT Tours & Travel)

Núi Nebo không xanh mướt như ngọn núi Linh Thứu linh thiêng của Phật Giáo bên Ấn Ðộ. Nebo cũng không có không gian xanh đẹp, thoáng rộng núi hồ như ngọn núi Bát Phúc (Mt Beatitudes) ở Sea of Galilee. Con người không thể so sánh các ngọn núi linh thiêng với nhau vì mỗi nơi có những cấu trúc hình dáng khác nhau, nhưng ý nghĩa linh thiêng của các núi không xa rời nhau. Tôi chợt liên tưởng đến lần mà tôi đã đến các đỉnh núi khác như Linh Thứu bên Ấn Ðộ nơi 2,500 năm trước để cảm nhận về một con người giác ngộ đứng giảng kinh Hoa Nghiêm cho chúng sanh tìm về con đường giải thoát. Năm trăm năm sau đó, Chúa Jesu nói về “Bài giảng trên Núi” trên Núi Bát Phúc giúp cho nhân loại tìm thấy con đường bình an dưới thế.

Nebo, Linh Thứu, và Bát Phúc cho tâm tư tôi cảm nhận về những ngọn núi này thật gần gũi lạ thường. Lạ thay! Linh Thứu, Nebo hay Bát Phúc chỉ là những ngọn núi thấp nhưng lại cho tâm tư loài người bay vút lên chín tầng mây nhìn rõ về đời sống tâm linh của những sự sống muôn loài trên quả địa cầu nhỏ bé này.



ATNT Tours đã có các chương trình du lịch năm 2016. Xin liên lạc với văn phòng ATNT.
Discount $200.00/person (after 8 international tours)
Discount $150.00/person (after 4 international tours + 4 domestic tours)
Discount $150.00/person (after 3 international tours + 5 domestic tours)
Discount $85.00/person (after 3 international tours)
Discount $75.00/person (after 2 international tours + 1 domestic tour)
Discount $60.00/person (after 3 domestic tours)

Asia & Middle East 2016
(Các Tour Á Châu & Trung Ðông)

 
1. Escorted tour: Nhật Bản Mùa Hoa Anh Ðào - Ðài Loan - Nam Hàn
Tour code JTKA: Mar. 21 - Apr. 06, 2016
Tour code JTKB: Mar. 28 - Apr. 13, 2016 (sold out)
Tour code JTKC: Apr. 02 - Apr. 18, 2016
Tour code JTKD: Apr. 04 - Apr. 20, 2016

2.Escorted tour: Nhật Bản Mùa Hoa Anh Ðào
Tour 01: Mar. 27 - Apr. 06, 2016 (sold out)
Tour 02: Apr. 05 - Apr. 15, 2016

3. Escorted Tour: Ðài Loan - Nam Hàn (Seoul + Jeju Island)
Tour 1: Apr. 19 - Apr. 30, 2016
Tour 2: May 19 - May 30, 2016

4. Escorted tour: Myanmar - Lào - Thailand
Tour 1: Jan. 17 - Jan. 31, 2016
Tour 2: Feb. 15 - Feb. 29, 2016

5. Escorted tour: Myanmar - Indonesia
Tour 1: Jan. 14 - Jan. 29, 2016
Tour 2: Nov. 10 - Nov. 26, 2016

6. Escorted tour: Cambodia - Thailand - Indonesia - Vietnam*
Tour 1: Feb. 14 - 29, 2016
Tour 2: Dec. 01 - 16, 2016

7. Escorted tour: Singapore - Malaysia - Indonesia
Tour 1: Jan. 05 - Jan. 18, 2016 
Tour 2: Mar. 01 - Mar. 14, 2016

8. Escorted tour: Nepal - Bhutan
Paro - Thimphu- Punakha- Kathmandu- Pokhara
Tour 1: Feb. 22 - Mar. 08, 2016
Tour 2: Sep. 14 - Sep. 28, 2016

9. Escorted tour: Dubai - Jordan - Israel
Tour 1: Feb. 11 - Feb. 24, 2016
Tour 2: Nov. 11 - Nov. 24, 2016
10. Escorted Tour: Những nẻo đường Vietnam
Hanoi - Halong bay - Hue - Hoian - Myson -Danang - Dalat - Saigon - My Tho - Can Tho
Tour 01: Jan. 22 - Feb 05, 2016
Tour 02: Feb. 10 - 24, 2016
Tour 03: Mar. 17 - 31, 2016
Tour 04: Sep. 09 - 23, 2016
Tour 05: Oct. 12 - 26, 2016
Tour 06: Nov. 07 - 20, 2016

11. Escorted Tour: Cao Nguyên Vietnam (09 ngày)
Sài Gòn - Ðà Lạt - Buôn Mê Thuột - Pleiku - Kontum - Nha Trang - Phan Thiết
 Tour 01: Jan. 08 - 16, 2016 
Tour 02: Feb. 22 - Mar. 02, 2016
Tour 03: Mar. 22 - 30, 2016
Tour 04: Sep. 18 - 26, 2016
Tour 05: Oct. 18 - 26, 2016
Tour 06: Nov. 18 - 26, 2016

12. Escorted Tour: Cần Thơ - Phú Quốc & xứ Chùa Tháp Campuchia
Mỹ Tho - Cần Thơ - Phú Quốc - Siem Reap (09 ngày)
Tour 1: Jan. 15 - 23, 2016
Tour 2: Feb. 22 - Mar 02, 2016
Tour 3: Mar 16 - 24, 2016
Tour 4: Sept. 11 - 19, 2016
Tour 5: Oct. 11 - 19, 2016
Tour 6: Nov. 11 - 19, 2016

Escorted tour 2016
USA - Canada Tours

Escorted Bus Tour: Las Vegas - Valley Of Fire - Zion National Park - Hoover Dam (3 Ngày 2 Ðêm)
Tour 1: 24 - 26 Jan., 2016
Tour 2: 21 - 23 Feb., 2016
Tour 3: 20- 22 Mar., 2016
Tour 4: 24 - 26 Apr., 2016
Tour 5: 22 - 24 May, 2016
Tour 6: 26 - 28 June, 2016
Tour 7: 17 - 19 July, 2016
Tour 8: 29 - 31 Aug., 2016
Tour 9: 18 - 20 Sep., 2016
Tour 10: 16 - 18 Oct., 2016

Escorted tour Washington D.C - Luray Cavern - Atlantic City - Philadelphia - New York
Tour 1 (Hoa Anh Ðào): April 08 - 13, 2016
Tour 2: May 25 - May 30, 2016
Tour 3: June 12 - June 17, 2016
Tour 4: Aug. 23 - Aug. 28, 2016

Escorted tour: Seattle - Vancouver - Victoria (5 ngày):
Tour 1: July 01 - July 05, 2016
Tour 2: Aug. 29 - Sep. 02, 2016

Escorted tour: Niagara Falls - Toronto - Thousand Island - Ottawa - Montreal - New York (6 ngày)
Tour 1: July 01 - 06, 2016
Tour 2: Aug. 09 - 14, 2016
Tour 3: Sep. 01 - 06, 2016

Escorted Bus Tour: Zion Park - Arches NTL. Park - Yellowstone NTL. Park
Tour 1: May 10 - May 15, 2016
Tour 2: June 14 - June 19, 2016
Tour 3: July 26 - July 31, 2016
Tour 4: Sep. 20 - Sep. 25, 2016

Escorted tour: Yellowstone - Mt. Rushmore (6 ngày)
Tour 1: May 24 - May 29, 2016
Tour 2: June 21 - June 26, 2016
Tour 3: July 19 - July 24, 2016
Tour 4: Aug. 16 - Aug. 21, 2016

Escorted Tour 2016 : Xin vào Trang Nhà ATNTtravel.com để biết thêm chi tiết
-Các Tours Châu Âu
-Các Tours Nam Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Fiji, Cuba, Turkey, Greece, Nam Phi

Xin liên lạc ATNT TOURS
9106 Edinger Ave., Fountain Valley, CA 92708.
Tel: (714) 841-2868 / (888) 811-8988.
Website:
www.atnttravel.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217857&zoneid=22

Thoi thóp trái tim Biển Hồ do sông Mê Kông... cạn nước do các đập Trung Quốc

Thoi thóp trái tim Biển Hồ

Bác sĩ Ngô Thế Vinh gửi RFA
2015-11-04
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
ho630.jpg
Băng qua Biển Hồ tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap Biosphere Reserve, ảnh chụp tháng 12 năm 2001
RFA/Ngô Thế Vinh
BA "NGŨ NIÊN" CỦA THỦ TƯỚNG HUN SEN
Tháng 10, 2015_ Chỉ mới đây thôi, TT Hun Sen đã ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước Bon Oum Tuk dự trù tổ chức vào ngày 24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp và tình trạng hạn hán mà Vương quốc Cam Bốt đang phải đối đầu, đồng thời đòi hỏi mọi người phải tập trung nỗ lực và vận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước trên các ruộng lúa trong mùa khô." Đây là lần thứ tư trong vòng 5 năm chính phủ Hun Sen đã phải huỷ bỏ Lễ Hội Nước truyền thống hàng năm, thường tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Nam Vang để tham dự lễ hội đua thuyền trên sông Tonle Sap. [Water festival cancelled over drought fears_ Chhay Channyda; Phnom Penh Post, Oct 31, 2015]
Tháng 11, 2010_ Năm năm trước, TT Hun Sen, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ACMECS ở Nam Vang, lại một lần nữa đã bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu / climate change và khí thải carbon / carbon emissions chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc. [Hun Sen denies China Dam impacts – Thomas Miller & Cheang Sokha; The Phnom Penh Post, Nov 17, 2010]
Tháng 7, 2005_ Mười năm trước, TT Hun Sen, trước khi sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, theo ông chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, ông còn cho rằng các ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. [Hunsen backed China's often-criticized development plans for the Mekong River, Phnom Penh, Jun 29, 2005, AFP]
BIỂN HỒ TRÁI TIM CỦA CAM BỐT VÀ ĐBSCL
Với đất nước Cam Bốt, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn nhịp đập khi sông Mekong trong Mùa Mưa còn đủ nước đổ vào con sông Tonlé Sap tạo dòng chảy ngược vào Biển Hồ như một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu. Là hồ cạn chỉ với diện tích 2,500 km2 trong Mùa Khô, nhưng từ tháng 5 đến tháng 9 bước sang Mùa Mưa, khi nước con sông Mekong dũng mãnh đổ về, khiến con sông Tonlé Sap đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ làm nước hồ dâng cao hơn từ 8 tới 10 mét và tràn bờ; diện tích Biển Hồ tăng gấp 5 lần, khoảng hơn 12,000 km2. Những cánh rừng lũ / flooded forest của Biển Hồ là cái nôi nuôi dưỡng và tái sinh nguồn thực phẩm khổng lồ chủ yếu là cá, chiếm tới hơn 60% lượng cá của Cam Bốt. Chính con sông Mekong và Biển Hồ từng là cái nôi của nền văn minh Angkor Khmer và nay vẫn là cái nôi của nền văn minh xứ Chùa Tháp. [1]
Nhưng rồi không có một bảo đảm nào cho một tương lai bền vững của Biển Hồ khi mà không thiếu những dấu hiệu xấu dồn dập đổ xuống từ Phương Bắc, từ ngày có chuỗi những con đập Vân Nam.
Với Thủ tướng Hun Sen, thì lại chẳng có gì phải lo lắng. Hồi tháng 6 năm 2005, nhân buổi lễ thả cá giống vào một hồ phía đông Cam Bốt, ông Hun Sen đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong lúc bấy giờ. Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo vệ môi sinh. Đi xa hơn thế nữa, ông Hun Sen còn cho rằng ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. [AFP, 6/29/05].
Năm năm sau, ngày 17 tháng 11 năm 2010, tại thủ đô Nam Vang bên bờ con sông Tonle Sap, một lần nữa Thủ tướng Hun Sen, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ACMECS [Ayeyawady-Chao Praya-Mekong Economic Cooperation Strategy] gồm 5 nước Cam Bốt, Miến Điện, Lào, Thái Lan và Việt Nam, đã phủ nhận và bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc.
Khi nói chuyện với các phóng viên báo chí, Thủ tướng Hun Sen đã “diễu cợt / mocked” họ về các ý tưởng cho rằng các con đập trên thượng nguồn sông Mekong đưa tới hậu quả làm tụt giảm mực nước có tính cách lịch sử trong thời gian vừa qua. Như một thách đố, ông đưa ra câu hỏi: “Liệu mực nước lên xuống dọc theo sông Mekong có phải là do các đập thủy điện hay không?” Rồi cũng rất tự tin, ông Hun Sen tự đưa ra câu trả lời bằng những con số: “Năm 1998, mực nước Sông Mekong tụt thấp tới mức kỷ lục 7.5 mét, nhưng tới năm 2000, mực nước lại cao tới 12 mét.
Cần mở một dấu ngoặc ở đây về hai thời điểm mà ông Hun Sen nêu ra:
_ Năm 1998, đã có con đập thủy điện lớn đầu tiên của Trung Quốc chắn ngang dòng chính sông Mekong: đập Mạn Loan / Manwan 1,500 MW hoàn tất từ 1993, tiếp tục lấy nước và hoạt động toàn công suất từ 1995; lại thêm con đập thứ hai Đại Chiếu Sơn / Dachaoshan 1,350 MW cũng đang được xây cất. Không đủ mưa, lại bị giữ nước trong hồ chứa, đã khiến mực nước hạ lưu sông Mekong xuống rất thấp tới 7.5 mét.
_ Năm 2000, khoảng tháng 8-9 năm đó, do những những trận “mưa gió mùa / monsoon rains”rất lớn và kéo dài bất thường, lại thêm hiện tượng “cường triều / high tides” ngăn lũ thoát ra Biển Đông nên đã đẩy mực nước sông Mekong vùng hạ lưu lên cao tới 12 mét, gây cảnh lũ lụt tệ hại nhất trong nhiều thập niên với nhiều tổn thất cả về vật chất lẫn nhân mạng từ Cam Bốt xuống đến ĐBSCL.
_ Năm 2010, trong mấy tháng đầu của năm nay, mực nước lại xuống thấp tới mức kỷ lục trong vòng 50 năm qua ở vùng đông bắc Thái và Lào, gây bao nhiêu lo ngại về an toàn thực phẩm, nước uống và thủy lộ giao thông. Đây cũng là thời kỳ con đập thứ tư Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, sau con đập Cảnh Hồng / Jinghong, còn được gọi là “con đập mẹ” với dung lượng hồ chứa lên tới 15 tỉ mét khối – bằng tổng số dung lượng tất cả các hồ chứa khác của tỉnh Vân Nam, đang lấy nước vào hồ chứa và bắt đầu hoạt động phát điện.
Nhưng cũng vẫn theo ông Hun Sen, thì đơn giản đó chỉ là do “biến đổi khí hậu và khí thải carbon; chính khí thải carbon đã làm những cơn mưa thay đổi bất thường”. Rồi ông mạnh miệng khuyên nhủ: “Vậy các nhà hoạt động môi sinh đừng có quá đáng / don’t be too extreme, và cũng đừng nói rằng vì các đập thủy điện mà thiếu nước ở hạ nguồn. Đó là một sai lầm”. Thấy như vậy chưa đủ, ông Hun Sen còn hỏi ngược: “Năm qua Trung Quốc cũng bị hạn hán, các anh sẽ lên án Trung Quốc ra sao khi mà chính họ cũng thiếu nước?
Không ai phủ nhận “thay đổi khí hậu” là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Hiện tượng bất thường ấy không loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng lâu dài khác của các con đập lớn trên dòng chính sông Mekong.
Phải nhìn bức tranh toàn cảnh phức tạp, với những tác hại tích lũy và dây chuyền của các con đập thủy điện trên nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa, lúa gạo, và cả gây ô nhiễm nơi hạ nguồn, chứ không thể như ông Hun Sen giản lược một cách thô thiển bằng “vài con số” và một cụm từ “thay đổi khí hậu” rất thời thượng.
Trong khi chính Bắc Kinh đang phải vất vả chống đỡ với sức ép của dư luận và cả cố gắng xoa dịu sự chống đối của các nhóm cư dân vùng Bắc Thái và Lào đang là nạn nhân trực tiếp của các con đập Vân Nam, thì ông Hun Sen lại tự nguyện biến mình thành “một luật sư hùng biện cho Trung Quốc / nhưng bất cần lý lẽ.
Ông Hun Sen lãnh đạo quốc gia Cam Bốt, khi đứng trước nguy cơ cả một hệ sinh thái của con sông Mekong và Biển Hồ đang bị suy thoái “một cách hiển nhiên và nhãn tiền” thì chính ông đã lại cố ý phủ nhận bao nhiêu mối quan tâm chính đáng và đầy trí tuệ trong suốt mấy thập niên qua của bao nhiêu chuyên gia bảo vệ môi trường và của các tổ chức môi sinh phi chính phủ như TERRA/ Towards Ecological Recovery and Regional Alliance, IRN / International River Network, Viet Ecology Foundation…
Thái độ của ông Hun Sen rõ ràng là “phủi tay rũ bỏ trách nhiệm” bằng cách đổ lỗi “cho thiên nhiên, cho thay đổi khí hậu” thay vì do sự bất lực của chính quyền do ông lãnh đạo từ bấy lâu nay. Trước hết ông đã không màng gì tới bao nhiêu nỗ lực để bảo vệ Biển Hồ, cũng là nguồn cá nguồn lúa gạo của hơn 15 triệu người dân Cam Bốt, rộng hơn là bảo vệ nguồn tài nguyên mong manh của con sông Mekong, đang đe dọa trên đời sống của ngót 70 triệu cư dân của 7 quốc gia ven sông.
Theo Fred Pearce, thì vào đầu thập niên tới, chuỗi đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, con sông Mekong đã trở thành “Tháp Nước và Nhà Máy Điện” của riêng họ.
Odd Bootha, 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái, đã than thở “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.” Tình cảm bài Hoa rất mạnh ở vùng Bắc Thái, chính dân làng đã công khai chống lại kế hoạch phá đá phá ghềnh thác khai thông sông Mekong của Trung Quốc. [2]
Cũng dễ hiểu là để có đủ nước vận hành những turbines trong các đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Phía tả ngạn bên Lào, chỉ riêng trong tháng 3/2004 , tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn.
Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông Nam Á cho rằng “Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông Mekong.
Chỉ vì sự thiển cận và những quyền lợi rất ngắn hạn nhận được từ Bắc Kinh, ông Hun Sen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông như mạch sống và một Biển Hồ như trái tim của đất nước Cam Bốt và Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam.
NGÀY HỘI NƯỚC SẼ TRỞ THÀNH QUÁ KHỨ
Tin báo Phnom Penh Post [31/10/2015] Thủ tướng Hun Sen một lần nữa đã phải ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước dự trù tổ chức vào ngày 24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp và tình trạng hạn hán mà Vương quốc Cam Bốt đang phải đối đầu, đồng thời đòi hỏi mọi người phải tập trung nỗ lực và vận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước trên các ruộng lúa trong mùa khô." Đây là lần thứ tư trong vòng 5 năm chính phủ Hun Sen đã phải huỷ bỏ Lễ Hội Nước truyền thống hàng năm, thường tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Nam Vang để tham dự lễ hội đua thuyền trên sông Tonle Sap. [3]
Không biết từ bao lâu rồi, Lễ Hội Nước Bon Om Tuk có lẽ có từ thời vua Jayavaman VII thế kỷ thứ XII, người có công xây dựng khu đền đài Angkor như một kỳ quan của thế giới, và từ đó cứ hàng năm, khi vừa hết Mùa Mưa, mực nước sông Mekong bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy xuôi dòng kéo theo vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong, xuống xa tới ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm của Ngày Hội Nước  được tính theo tuần trăng vào khoảng tháng 11 diễn ra trước Hoàng Cung, khu mà người Pháp gọi là Quatre Bras /Chatomuk, nơi bốn nhánh sông Mekong hội tụ. Trong dịp lễ hội này, vua và hoàng hậu tới đây chung vui với thần dân, và “Khai Mùa” cho ngư dân đánh cá, cho nông dân bắt đầu mùa gieo trồng.
Nhưng rồi trong những năm gần đây, Ngày Hội Nước Bon Om Tuk, trong cái ý nghĩa đích thực ban đầu, khi mà con sông Tonlé Sap còn đủ nước để chảy ngược chiều, khi trái tim Biển Hồ còn giữ được nhịp đập thì nay chỉ còn là một trái tim Biển Hồ thiếu nước và thoi thóp, điều mà chính những ngư dân nông dân Cam Bốt và dưới ĐBSCL biết rất rõ, do lượng cá và lúa thì càng ngày càng “thất thu”.
Với nhãn quan của các nhà hoạt động môi sinh, thì sẽ có một ngày “thảm họa môi sinh lớn nhất / greatest ecological catastrophe” đến với đất nước Cam Bốt, khi trái tim Biển Hồ ngưng đập; với cái chết chậm nhưng chắc chắn ấy của Biển Hồ thì tên tuổi ông Hun Sen không phải là hoàn toàn vô can.
Tưởng cũng cần nên ghi lại nơi đây những sự kiện phải nói là bi quan, liên hệ tới Biển Hồ, sông Tonlé Sap và con sông Mekong ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21:
Trên trang web World Wide Fund for Nature, đã ghi nhận: mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ 2004 và trở thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt mạch sống sông Mekong_ New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con đập Trung Quốc_ Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần_ The Guardian”; “Sông cạn do các con đập Trung Quốc_ Bangkok Post”. Hầu hết đều mạnh mẽ quy trách cho việc xây các con đập thủy điện dòng chính của Trung Quốc trên khúc sông thượng nguồn.
Theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi Những Con Sông Cạn Dòng, Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006, trong chương viết về con sông Mekong, đã có ghi nhận:
“Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng trên Biển Hồ. Cơn lũ mùa Hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5 tháng con sông đổi dòng nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để tăng trưởng... Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước Hoàng Cung, thì sẽ không có cá dưới sông.
Vào tháng 05/2009, Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập Vân Nam” là “mối đe dọa duy nhất – lớn nhất / the single greatest threat” đối với tương lai và sự phồn vinh của con sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên nhiên của dòng sông vốn như một kỳ quan của thế giới.
Aviva Imhoff, nguyên giám đốc truyền thông Mạng Lưới Sông Quốc Tế / IRN, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót 70 triệu cư dân sống ven sông.
Không ai tin rằng, ông Hun Sen lại có thể không biết tới “Hồi Chuông báo Tử” ấy, ông đã cố tình không muốn biết do nhu cầu chính trị ngắn hạn trong thời gian cầm quyền. Nhưng rồi ra, cái giá rất cao phải trả sẽ là tương lai của dân tộc Cam Bốt và cả nền văn minh xứ Chùa Tháp. Đã có những dấu hiệu sớm nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu những cơn đau thắt ngực dẫn xuống từ trái tim Biển Hồ thiếu nước.
Tới thời điểm này 2015, chỉ mới có 6 con đập thượng nguồn Vân Nam hoàn tất, chưa có con đập dòng chính hạ lưu nào xây xong; vậy mà năm nay  cũng là năm thứ tư Ngày Lễ Hội Nước Bon Oum Tuk truyền thống của Vương Quốc Cam Bốt trên Nam Vang đã phải huỷ bỏ do một Biển Hồ thiếu nước và con sông Tonlé Sap thì quá cạn dòng; và cũng năm nay 2015, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã không có Mùa Nước Nổi. [4]
NGÔ THẾ VINH
California, Nov 03, 2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.



Tham Khảo:
1/ Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh; Chương XIV, Nxb Văn Nghệ 2000, Nxb Viet Ecology Press & Giấy Vụn 2014
2/ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Ngô Thế Vinh; Chương III, Nxb Văn Nghệ 2006, Nxb Văn Nghệ Mới 2007, Nxb Giấy Vụn 2013
3/ Water festival cancelled over drought fears_ Chhay Channyda; Phnom Penh Post, Oct 31, 2015
http://m.phnompenhpost.com/national/water-festival-cancelled-over-drought-fears
4/ Năm Nay 2015 Không Có Mùa Nước Nổi. Ngô Thế Vinh. VOA 15/10/2015 www.voatiengviet.com/...nay-2015.../3007569.html